Chỉ còn chưa đầy 2 tháng để gỡ 'thẻ vàng' IUU

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việt Nam đang nỗ lực để khắc phục tình trạng ngư dân vi phạm chủ quyền vùng biển các nước, khai thác hải sản trái phép để gỡ thẻ vàng IUU trong thời gian tới.

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, Đoàn thanh tra Uỷ ban châu Âu (EC) sẽ tiếp tục sang Việt Nam để đánh giá về công tác phòng, chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU - thẻ vàng). Đây được coi là cơ hội cuối cùng để thủy sản Việt Nam khắc phục những bất cập tồn tại trong suốt thời gian qua.

Theo thuật ngữ quốc tế, IUU là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Các quốc gia bị EC phát hiện có hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp sẽ phải chịu “thẻ vàng” và cần tập trung nỗ lực để khắc phục. Nếu không gỡ được “thẻ vàng”, các quốc gia này có thể đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu hải sản sang 27 nước thuộc thị trường Liên minh châu Âu (EU), tương đương với mức “thẻ đỏ”.

Trước đó, tháng 10/2017, Việt Nam bị châu Âu phạt “thẻ vàng” IUU trong lĩnh vực khai thác hải sản. Thông tin này được công bố rộng rãi trên các tạp chí và website chính thức của EU, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của ngành thủy, hải sản Việt Nam. Sau hơn 6 năm nỗ lực và trải qua 4 đợt thanh tra của EC, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được mục tiêu gỡ “thẻ vàng” IUU cho hải sản Việt Nam.

Sau đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023, EC đã có công thư chính thức về kết quả chống khai thác IUU tại Việt Nam. Theo đó, EC đưa ra 4 khuyến nghị với Việt Nam: phải ngăn chặn triệt để được tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; kiểm soát tốt nguồn gốc thủy sản khai thác, ngăn chặn hành vi hợp thức hóa khai thác trái phép; kiểm soát tình trạng tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép); xử lý tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Đây là những khuyến nghị quan trọng tại đợt thanh tra lần thứ 4 của EC liên quan đến việc xem xét khả năng gỡ “thẻ vàng” với Việt Nam.

Theo kế hoạch, cuối tháng 4/2024, Đoàn thanh tra của EC sẽ tiếp tục sang Việt Nam lần thứ 5. Đây được coi như cơ hội cuối cùng để hải sản Việt Nam lấy lại uy tín tại châu Âu nói riêng cũng như trường quốc tế nói chung. Lý do là bởi, châu Âu tiến hành bầu cử Nghị viện vào tháng 6/2024. Sau thời gian này, EU phải tập trung vào các vấn đề nội bộ, ổn định thể chế trước khi xem xét, giải quyết các vấn đề cụ thể như “thẻ vàng” với hải sản Việt Nam.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều hành động để kiểm soát tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, như lắp đặt thiết bị theo dõi với tàu cá có chiều dài 15 m trở lên; liên tiếp mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, đặc biệt là tại các khu vực vùng biển giáp ranh, chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá có hành vi khai thác IUU, thậm chí đã có trường hợp bị xử lý hình sự.

Tuy nhiên, tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp. Từ thời điểm EC tiến hành đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023 đến nay, cả nước có 17 tàu với 190 ngư dân vi phạm IUU, bị các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia bắt giữ, xử lý.

Hiện cả nước còn khoảng 15.198 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép). Tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối giám sát hành trình (VMS) vẫn xảy ra phổ biến, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp.

Cố gắng khắc phục

Thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản cả nước đạt 9,2 tỷ USD. Không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu tỷ USD, đây còn là sinh kế, là miếng cơm manh áo của hàng triệu người lao động. Kể từ khi bị “thẻ vàng” của EC, 100% container hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU đều bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác, thời gian thông quan kéo dài từ 2 đến 3 tuần, phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Điều này cũng kéo theo tỷ trọng thủy, hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU suy giảm theo từng năm.

Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, năm đầu tiên bị EC cảnh cáo “thẻ vàng”, tỷ trọng xuất khẩu thủy, hải sản sang thị trường này chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam. Năm 2018, con số này là 14% và tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Năm 2023, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam sang EU đạt 952 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,6%.

Nếu bị EC áp “thẻ đỏ”, Việt Nam sẽ không được xuất khẩu thủy sản sang châu Âu - một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực. Nhiều thị trường chủ lực, quan trọng khác như Mỹ, Nhật Bản... cũng có thể áp dụng các quy định tương tự, bởi vậy thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn, chưa kể còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu quốc gia. Chính vì thế, thời gian từ nay đến tháng 4/3024, khi Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam là giai đoạn mà Việt Nam phải nỗ lực khắc phục các bất cập còn tồn tại.

Việt Nam Xã hội

Chỉ còn chưa đầy 2 tháng để gỡ 'thẻ vàng' IUU