Chính sách cha truyền con nối hé lộ bí ẩn gia đình họ Kim ở Triều Tiên (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ai là người sẽ kế vị ông Kim Jong-Un ở Triều Tiên? Là người em gái Kim Yo-Jong, cô con gái rượu 12 tuổi Kim Ju-Ae hay anh trai của cô bé? Đó là đề tài đang làm cho ngoại giới hết sức bận tâm, đoán già đoán non. Mặc dù việc này phụ thuộc rất lớn vào quyết định cá nhân của lãnh đạo đương nhiệm là ông Kim Jong-Un, song đây cũng không phải việc làm mang tính tùy hứng mà có những nguyên tắc của nó.

Gia tộc họ Kim lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (gọi tắt là Triều Tiên) bắt đầu từ đời ông Kim Il-Sung tức Kim Nhật Thành. Tại sao lại là ông ấy mà không phải là ai khác?

Tiếp đó, ông Kim Jong-Il, tức Kim Chính Nhật, là người con trai trưởng được trao quyền kế vị làm lãnh tụ tối cao của Triều Tiên sau khi ông Kim Nhật Thành mất năm 1994. Chúng ta biết Triều Tiên về danh nghĩa theo thể chế cộng hòa, vậy thì vì sao việc cha truyền con nối có thể được chấp nhận?

Rồi đến lượt ông Kim Jong-Un tức Kim Chính Ân kế vị sau khi người cha Kim Chính Nhật mất năm 2011… Hết thảy những việc này đều có lý do và bối cảnh chính trị của nó.

Như vậy, muốn biết ai sẽ kế vị ông Kim Jong-Un, chi bằng chúng ta hãy tìm hiểu lịch sử chính trị của gia đình họ Kim, biết đâu sẽ khám phá thêm nhiều điều thú vị xung quanh gia đình này và cả đất nước Triều Tiên kín cổng cao tường nữa.

Câu chuyện bắt đầu từ năm 1912, khi ông Kim Nhật Thành ra đời.

Kim Nhật Thành đã làm gì để khai mở cơ nghiệp nhà họ Kim?

Ông Kim Nhật Thành sinh năm 1912, trong một gia đình có 3 anh em trai tại Nam-ri, ấp Kophyŏng, quận Taedong, đạo Bình An Nam - tức Vạn Cảnh Đài, thuộc Bình Nhưỡng ngày nay. Tên khai sinh của ông là Kim Sŏng-ju, tức Kim Thành Trụ. Gia đình ông không quá nghèo, nhưng cũng không dư dả, không thuộc thành phần lãnh đạo xã hội. Ông Kim kể rằng ông được nuôi dạy trong một gia đình theo Tin Lành Trưởng Lão. Ông mất cha vào năm 13 tuổi, ngừng học vào năm 17 tuổi, khi ông là thành viên trẻ tuổi nhất của tổ chức theo chủ nghĩa Marx hoạt động ngầm với chưa đầy 20 thành viên. Tổ chức này có tên là T'ŭdŭ dịch ra là “Đả đảo Đế quốc Chủ nghĩa Đồng minh” - được xem là tổ chức tiền thân của Đảng Lao động Triều Tiên sau này. Bởi vì Triều Tiên bị Nhật Bản chiếm đóng từ 1910 đến 1945, nên tổ chức của ông chống Nhật và đồng thời ủng hộ Chủ nghĩa Marx - Lenin, do đó ông bị cảnh sát bắt và tống giam vài tháng trong năm 1929.

Ông gia nhập nhóm du kích Triều Tiên chống Nhật ở bắc Trung Hoa, và gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1931. Năm 1937, Kim được nâng lên làm Sư trưởng Sư đoàn 3 (sau đổi phiên hiệu thành Sư đoàn 6), Quân đoàn 2, Liên quân Kháng Nhật Đông Bắc. Khi mới 24 tuổi, ông điều khiển vài trăm quân du kích trong một nhóm được biết đến với tên "sư đoàn của Kim Nhật Thành". Một cuộc đột kích quân Nhật tại Poch’onbo, vào ngày 4/6/1937 giành được một số thị trấn nhỏ ở biên giới Triều Tiên trong vài giờ, được xem là một thành công quân sự đã khiến Kim nổi tiếng ở mức độ nào đó trong lực lượng du kích Trung Quốc, và sách sử của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sau này đưa nó thành một thắng lợi mở đầu cho phong trào chống Nhật tại Triều Tiên.

Năm 1938, Kim nhậm chức Chỉ huy trưởng Phương diện quân số 2, Đệ Nhất Lộ quân của Liên quân Kháng Nhật Đông Bắc. Lúc này, Kim đổi tên mình thành Kim Nhật Thành, với ý nghĩa "trở thành mặt trời”. Năm 1941, sau cuộc tiễu trừ của đạo quân Quan Đông Nhật Bản, Kim thất thế và chạy sang Liên Xô, được các sĩ quan Xô Viết huấn luyện lại, trở thành Đại úy Hồng quân Liên Xô và phục vụ ở đó đến cuối Thế chiến 2.

Tháng 9 năm 1945, Kim trở về Triều Tiên cùng với quân đội Xô viết tiến vào để giải giới quân Nhật. Trong bối cảnh Đảng cộng sản Triều Tiên bị chia rẽ, Kim nhờ được Liên Xô hậu thuẫn, lại là thành viên của ĐCSTQ, nên Kim trở thành người đứng đầu của Đảng Cộng sản Triều Tiên ở Địa khu Bắc Triều Tiên. Sau khi tổ chức này sáp nhập với Đảng Tân Nhân dân để thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, Kim Nhật Thành đã được bầu làm Phó chủ tịch đảng này.

Chính Kim là người thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên (NKPA) năm 1948 với lực lượng nòng cốt là du kích và những người lính trước đây đã có được kinh nghiệm trận mạc trong những trận chiến chống lại quân Nhật và sau này là quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng. Từ vị thế này, sử dụng các khí tài do Liên Xô viện trợ, Kim đã xây dựng một lực lượng quân đội lớn, thành thạo chiến tranh quy ước và chiến tranh du kích. Đây là hòn đá tảng cho sức mạnh của Kim Nhật Thành cũng như là chỗ dựa cho gia đình nhà họ Kim mãi về sau này.

Ngày 9 tháng 9 năm 1948, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tuyên bố thành lập. Kim trở thành Ủy viên trưởng Đảng Lao động Bắc Triều Tiên, đồng thời giữ chức Thủ tướng. Ngày 30/6/1949, Đảng Lao động Bắc Triều Tiên trở thành Đảng Lao động Triều Tiên và Kim trở thành Tổng Bí thư của đảng cho đến khi qua đời.

Kim Nhật Thành là người phát động cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950 với phía miền Nam vốn được Mỹ bảo hộ. Cuộc chiến kéo dài 3 năm với cả sự tham chiến của quân đội Mỹ và lực lượng Liên Hợp Quốc ủng hộ miền Nam, và Quân đội giải phóng Nhân dân Trung Quốc ủng hộ miền Bắc nhưng không giúp Kim thống nhất được Triều Tiên. Kim Nhật Thành quay về tái thiết Bắc Triều Tiên, chủ trương phát triển công nghiệp nặng và quân sự, chủ trương không tham gia vào mâu thuẫn Xô - Trung cuối thập niên 1950, tạo ra sự sùng bái cá nhân rộng rãi vào giữa thập niên 1960, đạt được một số thành tựu kinh tế vào quãng thập niên 1970, 1980 do huy động được tinh thần tự lực của dân Triều Tiên và xuất khẩu hàng hóa cho Liên Xô.

Đến đầu thập niên 1990 Liên Xô và hệ thống XHCN sụp đổ, Triều Tiên cũng gặp khủng hoảng do mất bạn hàng, do quản trị yếu kém, bị cấm vận và thiên tai. Năm 1994, Kim Nhật Thành mất, cùng lúc đó, Triều Tiên chịu một nạn đói lớn trong 3 năm có thể đã gây ra cái chết đói của chừng hơn 3 triệu người trên tổng số 22 triệu dân Triều Tiên. Năm 1994, con trai ông là Kim Jong-Il tức Kim Chính Nhật chính thức kế thừa cái ghế lãnh tụ, kiêm Tổng bí thư Đảng Lao động Triều Tiên của cha mình sau hơn 2 thập niên được cha o bế làm lãnh tụ kế tiếp.

Triều Tiên về danh nghĩa là một nước Cộng Hòa, tức là không có chế độ cha truyền con nối như chế độ quân chủ, vì sao Kim Chính Nhật có thể “nối ngôi” của cha mình. Đây chính là lý do của những điều khác thường mà người ta vẫn nói về Triều Tiên: từ tư tưởng “chủ thể” (juche) của Kim Nhật Thành, tư tưởng “tiên quân” của Kim Chính Nhật, đến câu chuyện về dòng máu núi Paektu và sự thần thánh hóa cá nhân của nhà họ Kim.

Nguồn gốc xuất xứ và lý giải về tư tưởng chủ thể (juche) của Kim Nhật Thành

Tư tưởng chủ thể được coi là công trình quan trọng của Kim Nhật Thành, dấu mốc quan trọng trong lịch sử Triều Tiên. Nói cho đúng thì đây không phải là sáng tạo của Kim và cũng chưa có một cái tên cụ thể là Juche khi nó ra đời.

undefined
Kim Nhật Thành cùng vợ và con trai Kim Chính Nhật trong tranh tuyên truyền của Bắc Triều Tiên. (Wikipedia/ Mark Fahey/ SA-2.0)

Tư tưởng chủ thể Juche phần lớn được tạo ra bởi Hwang Jang-yop hay Hoàng Trường Diệp, một nhà văn và chính trị gia cao cấp của Bắc Triều Tiên, đã đào thoát đến Hàn Quốc vào năm 1997. Ban đầu những ý tưởng của nó còn ở dạng phôi thai, được đọc trong bài diễn văn của Kim Nhật Thành vào ngày 28/12/1955 trong bối cảnh của sự mâu thuẫn phe phái của Đảng Lao động Triều Tiên. Mâu thuẫn này nổi rõ sau Chiến tranh Triều Tiên, cùng với chính sách Phi Stalin hóa ở Liên Xô, việc tan băng mối quan hệ Liên Xô - Nam Tư, và tái thiết kinh tế.

Phái thân Liên Xô muốn Triều Tiên dựa vào Liên Xô và làm theo mô hình của Liên Xô, họ liên minh với phe thân Trung Quốc trong nội bộ Đảng Lao động Triều Tiên với Pak Hon-yong là người đại diện, để bổ nhiệm các quan chức có cùng chí hướng vào các chức vụ văn hóa và loại bỏ những người có thiện cảm với Kim Nhật Thành.

Còn Kim Nhật Thành muốn Triều Tiên độc lập về chính trị và kinh tế với Liên Xô, mặc dù không từ chối viện trợ từ nước này. Kim cũng muốn phát triển công nghiệp nặng chứ không theo ý Liên Xô là phát triển công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng, mặc dù chính sách này của ông đang bị chỉ trích vì chưa có mấy kết quả. Và đặc biệt, Kim Nhật Thành là người chống chính sách Phi Stalin hóa ở Liên Xô sau cái chết của Stalin năm 1953.

Thế nào gọi là Phi Stalin hóa? Đó là những cải tổ về chính trị, kinh tế và xã hội của Đảng và nhà nước Liên Xô, chấm dứt chủ nghĩa Stalin. Những cải tổ này gồm có việc bãi bỏ sự sùng bái cá nhân đối với lãnh tụ Josef Stalin, giới hạn quyền lực nhà nước, hỗ trợ nền kinh tế tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển những tranh luận trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô và văn hóa. Người đứng đầu của những cải tổ này là tân Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Nikita Khrusev.

Mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Lao động Triều Tiên đã dẫn đến một cuộc thanh trừng diễn ra vào tháng 8/1956 của Kim Nhật Thành nhắm đến các đối thủ danh Pak Hon- yong và Yi Sung-yop và những người khác.

Theo thời gian, tư tưởng chủ thể Juche dần dần có được hình hài và tên gọi chính thức của nó. Kim Nhật Thành đã đặt ra ba nguyên tắc nền tảng của tư tưởng chủ thể vào ngày 14/4/1965, trong bài phát biểu "Về việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội tại Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và cuộc cách mạng tại Nam Triều Tiên". Các nguyên tắc đó là:

  1. Độc lập về chính trị;
  2. Tự chủ về kinh tế;
  3. Tự vệ về quốc phòng.

Để không lạc lối trong diễn ngôn chính trị, xin lý giải ý đồ của họ Kim một cách đơn giản hơn như sau:

Liên Xô có công lao rất lớn trong việc đào tạo Kim Nhật Thành, giúp ông giải giới quân Nhật ở Triều Tiên, cũng như hậu thuẫn trong quá trình thăng tiến chính trị, để ông dần trở thành nhân vật số 1 ở Triều Tiên. Song Kim không muốn chịu sự điều khiển của Liên Xô cũng như mất cơ nghiệp này vào tay bất kỳ ai hay phe cánh nào khác. Bởi vậy, tư tưởng chủ thể được đề cao để biến Triều Tiên thành giang sơn của Kim Nhật Thành. Mặt khác, lúc này Liên Xô đang xóa bỏ sự sùng bái cá nhân với Stalin quá cố, vốn là công cụ cai trị cực kỳ hữu ích đối với những nhân vật như Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành v.v. Thành ra, Liên Xô nhắm vào Stalin thì một số nhân vật lãnh tụ “đồng bệnh tương lân” này cũng cảm nhận rằng “cơn địa chấn” chính trị ấy có thể lan sang bản quốc và làm lung lay chiếc ghế quyền lực của riêng họ.

Ở Trung Quốc, vào thời gian này, Mao Trạch Đông cũng phản đối quyết liệt chính sách Phi Stalin hóa và sự xóa bỏ sùng bái cá nhân đối với Stalin ở Liên Xô, mặc dù ông ta thường vẫn coi Stalin là cừu địch. Có những tài liệu đã viết về câu chuyện này, trong đó có cuốn sách “Đời tư Mao Trạch Đông” được viết bởi bác sĩ riêng của ông ta là bác sĩ Lý Chí Tuy. Mao cũng phản đối những người dập khuôn theo mô hình Xô Viết mà không xét đến hoàn cảnh riêng của Trung Quốc. Cuối cùng, Mao cũng là nhân vật điển hình của tệ sùng bái cá nhân. Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành có thể nói là “lòng vả cũng như lòng sung”. Nhưng Kim không có tham vọng to lớn tranh chấp vị trí dẫn đầu khối cộng sản với Liên Xô như Mao, ông ta diệt phái thân Liên Xô trong nội bộ Đảng Lao động Triều Tiên, nhưng cố gắng không để làm tổn hại với quan hệ với Xô Viết là bạn hàng và nhà tài trợ chính của Triều Tiên sau này.

Đấy là lý do mà tư tưởng chủ thể Juche trở thành hòn đá tảng lý luận cho chế độ nhà họ Kim suốt mấy thế hệ. Việc sùng bái cá nhân được đẩy mạnh để Kim có thể kiểm soát tư tưởng của người dân Triều Tiên một cách hữu hiệu. Song, Triều Tiên đã lựa chọn thể chế Cộng Hòa, gọi là Cộng Hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Cộng hòa không phải là chế độ quân chủ để có thể cha truyền con nối, mà phải thông qua bầu cử. Vậy làm sao Kim Nhật Thành có thể truyền ngôi cho các con mình? Đã thế cần phải xây dựng tính chính danh thừa kế, và đó là lúc huyền thoại về “dòng máu núi Paektu” ra đời.

“Thánh sử” về “dòng máu núi Paektu”

Năm 1994, thời điểm chuyển giao quyền lực giữa hai thế hệ đầu tiên nhà họ Kim, cũng là lúc Triều Tiên rơi vào một nạn đói trầm trọng, nhưng chính quyền nước này vẫn bỏ ra hàng triệu Mỹ kim để trùng tu lăng Tangun. Tangun (hay Đàn Quân) là vị vua sáng lập ra vương triều Kojoson vào năm 2333 trước CN trong huyền sử của Triều Tiên. Và kinh đô của vị vua này lại nằm gần Bình Nhưỡng chứ không ở phía nam, thuộc Hàn Quốc như kinh đô của các vương triều sau đó.

Người Triều Tiên ở 2 miền đều thừa nhận rằng, Hoàn Hùng - con thứ của Hoàn Nhân Thiên Đế - rời Thiên đàng xuống Thánh đỉnh Paektu (hay Baektu, còn gọi là Bạch Đầu hay Trường Bạch Sơn theo tiếng Hán), đó là để thực hiện ước muốn cai trị thế giới con người. Khi ấy, một con hổ và một con gấu đến gặp Hoàn Hùng để cầu xin được biến thành người. Sau khi nghe thỉnh cầu của chúng, Hoàn Hùng đã đưa cho chúng 1 túi cải cúc và 20 củ tỏi. Ngài nói với chúng rằng nếu chúng chỉ ở hang động và ăn những thức ăn đó trong vòng 100 ngày thì có thể trở thành con người. Sau đó con gấu đã thành công và trở thành người con gái, được gọi là Hùng Nữ, còn con hổ không chịu được thử thách nên rời khỏi hang động. Nhưng không người đàn ông nào muốn lấy Hùng Nữ làm vợ nên bà đã cầu nguyện với Hoàn Hùng để được kết duyên với ngài. Vì thế Hoàn Hùng đã tạm thời trở thành con người và kết duyên với Hùng Nữ. Một hơi thở của Hoàn Hùng khiến cho Hùng Nữ thụ thai, hạ sinh được một người con trai. Người con ấy là Đàn Quân Vương Kiệm. Tộc người Triều Tiên và các vương triều Triều Tiên bắt đầu từ đây.

Mỗi dân tộc đều có những Thần sử về nguồn gốc xuất hiện của dân tộc mình, chẳng hạn như tổ tiên người Việt là vị Thần Lạc Long Quân và vị Tiên Âu Cơ, tổ tiên người Trung Hoa được tạo ra bởi Thần Nữ Oa, dân tộc Nhật nhận rằng mình là con cháu của Thái Dương Thần nữ, người Do Thái là hậu duệ của Adam và Eva - những con người đầu tiên được tạo ra bởi Thiên Chúa Jehovah v.v. chúng ta cần hết sức tôn trọng những huyền sử này của mỗi dân tộc.

Nhưng gia đình họ Kim có một dã tâm lớn hơn, họ muốn xây dựng tính chính danh bằng cách gắn mình trực tiếp với dòng máu Thần thánh ở núi Paektu. Tất nhiên việc cần làm là xây dựng lại tiểu sử, thêu dệt những chi tiết thần bí và đặt những danh xưng vĩ đại cho các nhân vật lãnh tụ của gia đình này, đồng thời cần phải xây dựng hệ thống các tượng đài, nhà tưởng niệm của họ ở khắp mọi nơi trên đất Triều Tiên.

Vào năm 1997, Triều Tiên sử dụng bộ lịch mới gọi là lịch Juche, năm đầu tiên của lịch là năm 1912, tức là năm sinh của Kim Nhật Thành. Ông này được coi như Đàn Quân tái thế để tái thiết toàn bộ bán đảo Triều Tiên sau khi bị quân phiệt Nhật làm ô uế.

Tiểu sử được làm lại của Kim Nhật Thành dựa theo lời kể của ông đầy những chi tiết ví như: ông được sinh ra ở vùng núi Paektu. Vào năm lên 5 tuổi, ông đã nắm tay thề đánh bại chủ nghĩa đế quốc khi đang chơi xích đu với mẹ.

Năm lên sáu, Kim Nhật Thành tự nguyện tham gia cuộc biểu tình phản đối sự chiếm đóng của đế quốc Nhật, nằm trong các sự kiện của phong trào Nhất Tam 1919. Bởi phong trào bị đàn áp dữ dội, vị “lãnh tụ vĩ đại” Kim Nhật Thành ngay từ thuở để chỏm đã quyết tâm đánh đuổi đế quốc Nhật bằng mọi giá.

Năm lên tám, ông đã biết vận chuyển vũ khí đạn dược xuyên lòng địch.

Năm 11 tuổi, ông được cha mình gửi đến một trường học cách mạng bí mật ở Mãn Châu (Trung Quốc).

Năm 13 tuổi, Kim Nhật Thành với chỉ một bản đồ vẽ tay đã quyết tâm thực hiện hành trình 4.000km từ Mãn Châu trở về Triều Tiên, vượt qua bão tuyết, núi cao, vực thẳm, thú dữ, để cảm nhận nỗi thống khổ của người dân Triều Tiên trên đường thiên lý. Sự kiện quan trọng này thường được gọi là “Hành trình 1000 ri trở về đất mẹ” (“1000 ri Journey”. Ri – 里 là một đơn vị đo chiều dài của Nhật. Một ri tương ứng với khoảng 3,9 km).

undefined
Kim Nhật Thành thời trẻ. (Miền công cộng)

Sau khi mất, Kim Nhật Thành được gọi là “Chủ tịch vĩnh hằng”, bởi vì sau đó không còn ai được giữ chức chủ tịch nước nữa. Tên của ông được đặt cho một loài hoa lai tạo, hoa Kim Nhật Thành. Riêng Kim Nhật Thành có khoảng 500 bức tượng lớn ở Triều Tiên, được đặt ở những nơi trang trọng, dễ nhìn thấy nhất.

Còn người kế vị Kim Chính Nhật hay "Lãnh tụ kính yêu" lúc sinh thời và "Tổng bí thư vĩnh cửu" sau khi mất, thì đã đi vào Thần thoại như thế nào?

Tài liệu gốc của Liên bang Xô viết thì ghi rõ là Kim Jong-il sinh tại Vyatskoye, gần Khabarovsk, vào năm 1941. Ở nơi này cha ông, Kim Nhật Thành, đang chỉ huy Tiểu đoàn số 1 thuộc Lữ đoàn 88 Xô viết tập hợp nhóm người Trung Hoa và Triều Tiên lưu vong. Tuy vậy, tiểu sử của Kim Chính Nhật lại ghi rằng ông sinh ra tại một trại quân sự bí mật ở núi Paektu. Trước khi Kim Jong-il ra đời, vùng núi Paektu xuất hiện nhiều điềm lành như bỗng dưng có chim nhạn và cầu vồng hai mống, trên trời thì chợt có ngôi sao mới mọc lên, quả thật là rất có mùi vị trí tưởng tượng của một người sinh ra trong một gia đình theo Tin Lành, khi mà cuộc “đản sinh” của ông cũng có những Thánh tượng chào đón như thể của Chúa Jesus Christ. Ông cũng có ngôi sao chiếu mệnh như của Chúa Jesus mà vì vậy các nhân chứng của buổi hạ sinh cho rằng đứa trẻ chính là một ngôi sao sẽ đem ánh sáng đến cho tương lai của Triều Tiên, và gọi nó là “Vầng sao sáng của Thánh đỉnh Baekdu”. Đế quốc Nhật lúc này buộc phải vào vai bạo chúa Herod xứ Judea, cho rằng đứa trẻ này là nỗi đe dọa cho mình, nên phải tìm mọi cách để tiêu diệt. Trong tiểu sử Kim Chính Nhật, một tài liệu tưởng tượng của người Nhật tiếp tục được tạo ra để cho câu chuyện thêm phần phong phú. Tài liệu này viết rằng việc Kim Chính Nhật được sinh ra đã làm hoang mang toàn bộ Tokyo, và dự báo rằng cậu bé “người trời” này sẽ trở thành một Đại tướng quân đánh bại quân đội Nhật, mang lại độc lập cho Triều Tiên.

undefined
Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật. (Wikipedia-fair use)

Có những người ở Triều Tiên vượt biên ra nước ngoài còn tuyên bố rằng một số trường học tại quốc gia này còn dạy rằng Kim Chính Nhật và cha ông không hề tiểu tiện như người bình thường.

Sau khi Kim Chính Nhật qua đời, nhiều hình ảnh cho thấy người dân Triều Tiên khóc thương thảm thiết, có đến 5 triệu người đã ra đường bày tỏ sự thương tiếc đối với ông. Tuy nhiên cũng có người nghi ngờ tính chân thật của nỗi đau này, BBC dẫn lời người từng có tác phẩm viết về Triều Tiên là Barbara Demick nói rằng: "Cả tương lai của anh tùy thuộc khả năng khóc được không. Không chỉ sự nghiệp, tấm thẻ đảng Lao động, mà cả sinh mạng. Đó là chuyện sống hay chết."

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết: cả thiên nhiên và loài chim chóc cũng khóc thương lãnh tụ Kim Jong-il, người được gọi là "con của Thánh thần". Cũng theo Triều Tiên, bão tuyết đã nổi lên khi ông qua đời, băng trên hồ Chon (tức Thiên Trì) trên đỉnh ngọn núi Paektu tại biên giới Trung-Triều nơi ông sinh ra đã vỡ tan, ánh hào quang bí ẩn hiện ra trên núi và người ta thấy một dòng chữ sáng chói: "Núi Paektu, ngọn núi thiêng liêng của cách mạng. Kim Jong-il”.

Còn Kim Jong-Un hay Kim Chính Ân thì sao?

Năm 2014, Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc thu thập được một giáo trình trung học Bắc Triều Tiên, cho thấy học sinh ở đây đã phải bắt đầu một khóa đào tạo dài ba năm về cuộc đời niên thiếu của Kim Chính Ân.

Nội dung của chương trình vẫn chưa được tìm ra, tuy nhiên nhiều phim tài liệu phát toàn Triều Tiên tuyên truyền rằng Kim Chính Ân đã trở thành một thiện xạ súng lục cũng như thông thạo bảy ngoại ngữ ở tuổi lên ba; có các phát hiện khoa học địa chất và là một sử gia ở tuổi vị thành niên. Vậy hẳn là chương trình trung học kia phải ly kỳ huyền hoặc hơn nhiều, vì thanh thiếu niên cần phải được “giáo dục” nhiều hơn.

Hãng Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên mô tả Kim Jong-un là "một con người vĩ đại được sinh ra từ thiên đường", một thuật ngữ tuyên truyền mà trước đó chỉ có cha và ông của Kim được hưởng. Hiện nay, Kim Chính Ân cũng đã được gọi với danh xưng “Lãnh tụ vĩ đại” hay “Lãnh tụ kính yêu” như thế..

Chúng tôi không nói rằng Thần thánh là không có thật, chỉ có điều những nhân vật gây nhiều tội ác của nhà họ Kim mà mượn vầng hào quang Thánh thần để thực hiện nô dịch dân tộc mới thật là điều đáng buồn cho người dân Triều Tiên. Song, hãy tưởng tượng rằng nếu mỗi chúng ta cũng ở trong một môi trường đóng kín, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, chịu đựng sự áp chế tàn bạo, hà khắc và lối tuyên truyền nhồi sọ trong nhiều năm, thì chúng ta có thể làm gì đây? Vậy có thể nói rằng người dân Triều Tiên quả là không may mắn.

Nhưng Thần thánh hóa cũng chưa đủ chắc ăn cho việc truyền ngôi đời đời. Bởi vậy, vào năm 1995, Kim Chính Nhật bổ sung thêm chính sách “Tiên quân chính trị” hay Son'gun, đó là chính sách "quân đội trước nhất". Theo đó thì Quân đội Nhân dân Triều Tiên được ưu tiên so với các vấn đề khác của đất nước và nguồn lực quốc gia sẽ được phân bổ cho quân đội đầu tiên.

Chúng ta biết rằng, một trong những thành công lớn và sức mạnh của Kim Nhật Thành đó là việc khai sinh ra Quân đội Nhân dân Triều Tiên (NKPA) năm 1948. Nhờ nắm quân đội, Kim Nhật Thành có thực lực để nắm chính quyền và thanh trừng các phe phái khác trong Đảng Lao động Triều Tiên. Vào năm 1991 và 1993, ông còn làm chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Triều Tiên, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát các lực lượng vũ trang cũng như quyền chỉ huy tối cao của đất nước để đảm bảo sự kế thừa lãnh đạo cho con trai là Kim Chính Nhật.

Và cũng để chuẩn bị cho việc kế nghiệp cha mình, tháng 12/1991, Kim Chính Nhật dù chưa đi lính ngày nào, đã được chỉ định làm tư lệnh các lực lượng vũ trang CHDCND Triều Tiên.

Cũng tương tự, Kim Chính Ân đã được phong làm đại tướng vào ngày 27/9/2010, rồi phó Chủ tịch quân ủy Trung Ương vào ngày hôm sau 28/9/2010, mặc dù cũng như cha mình, ông này chưa có ngày nào phục vụ trong quân ngũ, đó đơn thuần chỉ là để chuẩn bị cho việc “nối ngôi” của ông vào năm 2011.

Chính sách “Tiên quân”chính là việc ưu tiên công cụ bạo lực, bên cạnh công cụ tuyên truyền Thần thánh hóa và việc bế quan tỏa cảng, để đảm bảo việc giữ chặt quyền lực và truyền ngôi êm thấm trong gia đình nhà họ Kim mà thôi.

Ai sẽ là nhân vật kế nhiệm Kim Chính Ân?

Hiện nay Kim Chính Ân vẫn còn trẻ và không có dấu hiệu gì cho thấy ông sẽ không tiếp tục tại vị trên “ngai vàng” ở Triều Tiên, dù là về sức khỏe hay các điều kiện khác. Dù vậy, ngoại giới vẫn xôn xao với vấn đề ai sẽ là người kế nhiệm ông? Cô con gái rượu Kim Ju-Ae (Kim Châu Ái) hay cô em gái quyền lực Kim Yo-Jong (Kim Nhữ Trinh), hay một người con trai nào khác của Kim Chính Ân? Khó mà có thể khẳng định được. Song như chúng tôi đã phân tích, có một số dấu hiệu cho thấy nhân vật kế nhiệm sẽ được chuẩn bị trước bằng cách giao cho nắm giữ chức vụ chủ chốt của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, cũng như được tung hô bằng những danh xưng mang tính Thần thánh hóa như “Lãnh tụ vĩ đại”, “Lãnh tụ kính yêu” hay “Người kế nhiệm vĩ đại” hoặc đại loại thế.

Song cuộc đấu tranh trong nội bộ gia tộc họ Kim cũng rất gay gắt, những nhân vật kế nhiệm nhà họ Kim không chỉ phải đề phòng những thế lực trong Đảng mà còn lo đối phó với chính người trong nhà. Chính từ những cuộc thanh trừng nội bộ, giới quan sát có thể hiểu rõ hơn về bản chất không hề đơn giản của chế độ nhà họ Kim ở Triều Tiên. Và đó là nội dung của kỳ tới.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Chính sách cha truyền con nối hé lộ bí ẩn gia đình họ Kim ở Triều Tiên (Kỳ 1)