Chuyên gia virus chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bệnh phổi Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một chủng Coronavirus mới tương tự như SARS đã khởi phát từ thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, và đã xác định đường lây truyền trực tiếp từ người-sang-người.

Đối với dịch SARS xảy ra tại Đài Loan năm 2003, bác sĩ Michael Ming-Chiao Lai là người đã đóng góp chủ yếu vào sự thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Ông là thành viên ưu tú của Viện Hàn Lâm Khoa Học Đài Loan (Academia Sinica) và cũng được biết đến là cha đẻ của lĩnh vực nghiên cứu Coronavirus ở Trung Hoa Dân Quốc. Bác sĩ đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh với tờ Epoch Times vào thứ Ba (21/01).

Tính đến ngày 22/01 (thứ Tư), căn bệnh gây ra bởi một loại virus mới, cũng được gọi là Viêm phổi Vũ Hán, đã lấy đi mạng sống của 17 người.

Nhà chức trách Y tế Trung Quốc cũng đã báo cáo 470 trường hợp mắc trên cả nước. Số ca mắc virus nCoV-2019 ngoài Trung Quốc bao gồm: 01 ca tại Mỹ, 02 ca tại Thái Lan, và 01 ca ở Nhật Bản.

Số ca mắc bệnh và tình trạng tương ứng của bệnh nhân nhiễm chủng Coronavirus mới tại Vũ Hán (cập nhật ngày 10/01/2020) - Số liệu được lấy từ Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán (Wiki)

Hình thức lây truyền của Coronavirus

Ông Zhong Nanshan, nhà khoa học hàng đầu ở Ủy ban Sức khỏe Quốc Gia Trung Quốc, người hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh trong đại dịch SARS vào ngày 20/01 (thứ Hai) đã thông báo rằng chủng virus này chắc chắn lây truyền từ người-sang-người.

Tại Quảng Đông, có 02 bệnh nhân không hề đến Vũ Hán trong thời gian trước đó nhưng đã mắc bệnh do lây 02 người thân mới trở về từ đó.

Ông Zhong cũng trích dẫn thêm một tình trạng đáng báo động về 14 nhân viên y tế đã bị lây nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân.

Bác sĩ Lai chỉ ra rằng: chúng ta cần đặt mức cảnh báo cao khi đã xác định được đường lây truyền của Coronavirus là từ người-sang-người.

“Vào giai đoạn này, một đại dịch rất dễ khởi phát“

Theo ông Lai, họ Coronavirus thuộc loại ARN virus (ribonucleic acid), chúng thường có nguồn gốc từ dơi (SARS-CoV biến thể qua trung gian dơi móng ngựa). Lúc ban đầu, chúng truyền từ động vật sang động vật, nhưng ARN virus rất nhạy cảm với đột biến gen. Virus một khi đã đột biến sẽ chuyển thành một loại mới có thể truyền từ dơi sang các loài động vật khác, và cuối cùng lây truyền cho con người.

Lấy bệnh SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp nặng) và MERS (Hội chứng viêm đường hô hấp Địa Trung Hải) làm ví dụ: đầu tiên virus SARS truyền từ dơi sang cầy hương, sau đó truyền sang người; còn virus MERS được truyền từ dơi sang lạc đà, và cuối cùng cũng truyền sang người.

Nói một cách khác, bệnh truyền từ động vật sang người là bước lây truyền đầu tiên của virus Corona. Một khi virus vào được cơ thể người, gen tiếp tục đột biến để có thể lây lan từ người này sang người khác - giai đoạn mà căn bệnh có thể lây truyền mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, sự đột biến của virus xảy ra trong cơ thể người cũng có thể khiến khả năng lây truyền trở nên mạnh hơn, hoặc gây tử vong nhiều hơn.

Bản đồ minh họa các khu vực trên khắp thế giới bởi sự bùng phát của dịch SARS vào 2002-2003...(Strickla/Wikipedia)

Cách ly và Đeo khẩu trang là biện pháp chính

Ông Lai từng là nghiên cứu viên ở Học viện Y khoa Howard Hughes, Hoa Kỳ từ năm 1990. Ông trở về Đài Loan vào giữa thời kỳ của dịch SARS năm 2003 để hỗ trợ nghiên cứu ra vaccine phòng ngừa căn bệnh này.

“Biện pháp chính để ngăn ngừa sự lây lan của virus là 'cách ly'” - bác sĩ Lai cho biết. “Những người đã từng tới vùng trung tâm của dịch bệnh hoặc tiếp xúc với dù chỉ một người bệnh cũng phải đo thân nhiệt hàng ngày. Ngay khi xuất hiện sốt và ho, nên đi khám bác sỹ tức thì, cũng cần đeo khẩu trang trước khi ra đi ra ngoài, và phải thông báo cho nhân viên bệnh viện để được cách ly”.

“Đó cũng là cách chúng tôi kiểm soát thành công dịch bệnh SARS của 15 năm trước”, ông nói thêm.

Những người đến vùng trung tâm dịch bệnh thì nên tránh những địa điểm đông người, cần rửa tay thường xuyên, và đeo khẩu trang vào bất cứ lúc nào có thể, ông Lai còn khuyên: “Đeo Khẩu trang là cách tự phòng bệnh tốt nhất”.

Vật chủ nguy cơ cao

Một số bệnh nhân dễ làm bệnh lây truyền hơn khi so những người cũng mắc cùng một loại bệnh. Nhóm này được gọi là nhóm vật chủ nguy cơ cao, bởi vậy họ cần được giám sát chặt chẽ khi kiểm soát và phòng chống dịch bệnh.

Bệnh nhân ở Vũ Hán đã truyền bệnh cho 14 nhân viên y tế, chính là vật chủ nguy cơ cao.

Theo ông Lai, cộng đồng khoa học nghi ngờ rằng vật chủ nguy cơ cao có thể mang virus phiên bản đột biến, hoặc mang một lượng virus rất lớn trong cơ thể bởi vì virus nhân lên nhanh hơn trong cơ thể của họ, nguyên do là hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

Tuy nhiên, đó chỉ là dự đoán. Vì không ai biết rõ nguyên nhân nào khiến vật chủ xuất hiện “nguy cơ cao”. Hiện vẫn chưa có biện pháp để ngăn ngừa sự xuất hiện của vật chủ nguy cơ cao.

Ông Lai đưa ra lời khuyên, “Chặt đứt mắt xich của sự lây truyền là biện pháp tốt nhất hiện nay”

Diệu Anh (biên dịch)
- Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia virus chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bệnh phổi Trung Quốc