Chuyện nàng dâu hiếu thảo ở Đông Hải

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhắc đến nàng dâu hiếu thảo ở Đông Hải có thể bạn sẽ thấy xa lạ, nhưng nếu nói về “tuyết rơi tháng Sáu, Đậu Nga oan” thì có lẽ người người đều biết. Kỳ thực, “Đậu Nga oan” chỉ là tác phẩm của nhà viết kịch Quan Hán Khanh thời Nguyên dựa trên vụ án thiên cổ “Đông Hải hiếu phụ” thời nhà Hán.

Chuyện kể rằng, vào thời Hán ở quận Đông Hải có một gia đình nọ, trong nhà chỉ có hai người phụ nữ: một bà mẹ chồng góa bụa và nàng dâu tuổi đời vẫn còn trẻ. Nàng dâu ấy tên là Chu Thanh, vì lang quân mất sớm nên nàng và mẹ chồng phải nương tựa vào nhau sống qua ngày.

Chu Thanh mỗi ngày đều dậy sớm chăm chỉ làm việc, khi thì quay tơ dệt vải, lúc lại pha trà nấu cơm phụng dưỡng mẹ già. Một mình nàng tần tảo sớm hôm gánh vác mọi công to việc nặng, nhưng cho dù cực khổ thế nào nàng vẫn không một lời oán than, hơn nữa còn vô cùng hiếu thuận với mẹ chồng. Mẹ chồng nàng tuổi tác đã cao, thân thể già yếu, những hôm trái gió trở trời bà lại đổ bệnh, khi ấy Chu Thanh lại quên cả thân mình ngày đêm chăm sóc cho mẹ.

Mẹ chồng thấy con dâu tuổi còn trẻ mà vẫn thủ tiết, lang quân ra đi cũng không để lại cho nàng một mụn con nào, bà liền khuyên Chu Thanh tái giá để sau này còn có chỗ dựa dẫm. Cha mẹ đẻ của Chu Thanh cũng khuyên nàng cải giá, nhưng Chu Thanh thương mẹ già cô quả không người săn sóc, nên dẫu thiên hạ nói ngả nói nghiêng nàng đều lắc đầu cự tuyệt.

Chu Thanh nói: “Một ngày chồng vợ trăm ngày ân, trăm ngày chồng vợ tựa biển sâu, giữa vợ và chồng vừa có ân lại vừa có nghĩa. Chồng tôi đã qua đời, mẹ anh ấy cũng là mẹ tôi, sao tôi có thể chỉ vì bản thân mà bỏ mặc mẹ mình không chăm lo cho được?”

Mọi người nghe xong ai nấy đều cảm thán, thời gian trôi qua họ dần dần nhận ra và càng thêm ngưỡng mộ lòng hiếu nghĩa của Chu Thanh. Từ đó, không còn ai đến khuyên nàng cải giá nữa.

Mười mấy năm thấm thoắt trôi qua, Chu Thanh từ một thiếu phụ đôi mươi nay đã trở thành người phụ nữ trung niên. Nhưng đối với mẹ chồng nàng vẫn là người con có hiếu, tấm lòng hiếu thảo của nàng vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Tình cảm giữa hai mẹ con ngày càng khăng khít, mẹ chồng coi nàng dâu như con đẻ, nàng dâu cũng hiếu nghĩa với mẹ chồng như chính bậc sinh thành. Lúc này, cha mẹ đẻ của Chu Thanh đã lần lượt qua đời rồi, còn mẹ chồng thì càng ngày càng già yếu. Sâu trong đáy lòng bà vẫn luôn canh cánh một điều: "Con dâu tôi cứ cố chấp ở vậy, sau này phải lẻ loi hiu quạnh, sống cô quả một mình, không người chăm nom, không người bầu bạn thì phải làm sao đây?"

Nàng dâu thủ tiết phụng dưỡng mẹ chồng. (Tranh minh họa: Leo-BM/ NTDVN)

Hôm ấy, Chu Thanh ra ngoài làm việc như mọi ngày, bà mẹ chồng đứng tựa cửa dõi theo bóng dáng bé nhỏ của nàng cứ xa dần, xa dần mà lòng cứ đau nhói. Bà gạt nước mắt, lặng lẽ quay người vào phòng…

Chu Thanh vừa trở về liền lên tiếng chào: “Mẹ à, con về rồi, chắc mẹ đói rồi nhỉ, con đi nấu cơm ngay đây”. Nàng ngạc nhiên không nghe thấy tiếng mẹ chồng đáp lại như mọi lần, trong tâm không khỏi bối rối. Nàng mở cửa bước vào… thì ra, bà đã treo cổ tự vẫn tự khi nào! Chu Thanh đau xót như xé cả tâm can, chỉ biết gào khóc thống thiết.

Hàng xóm láng giềng nghe thấy tiếng khóc đều chạy đến, họ vội vàng mỗi người một tay cứu bà lão xuống. Nhưng đã quá muộn rồi, bà đã ra đi mà không một lời trăng trối, để mặc Chu Thanh ngẩn ngơ thất thần cứ khóc mãi không thôi. Làng trên xóm dưới đều bàn tán xôn xao, ai nấy đều thở dài thương xót không biết vì sao cơ sự lại đến nông nỗi này.

Bà Triệu nhà bên kể lại: “Nhớ lại hôm qua tôi chạy sang mượn vài thứ, lúc ấy bà lão đang ở nhà một mình. Bà ấy thở dài nói với tôi: Chồng nó mất sớm chẳng kịp để lại mụn con nào, tôi đã khuyên nó cải giá mà nó cứ không chịu, cứ cố chấp thủ tiết đến già. Ài, cái thân già vô dụng này đã cản đường con cái thì sống trên đời còn ý nghĩa gì nữa đâu!”

Bà Triệu nói tiếp: “Lúc ấy tôi vội khuyên nhủ mấy câu, thấy bà ấy không còn nói thêm gì nữa, tôi cứ tưởng bà ấy đã nguôi ngoai phần nào. Ai ngờ đến hôm nay lại xảy ra cơ sự này!”

Và điều không ngờ tới là, người chị chồng của Chu Thanh không rõ đầu đuôi sự việc nhưng cứ nhất quyết cho rằng em dâu đã hại chết mẹ mình. Cô liền viết cáo trạng gửi lên quan phủ, tố cáo Chu Thanh tội đại nghịch bất hiếu, đang tâm giết hại mẹ chồng!

Thái thú quận Đông Hải nhận được cáo trạng liền ra lệnh bắt Chu Thanh về quy án, ông không hỏi trái phải trắng đen mà đã dùng nhục hình tra khảo đánh đập. Chu Thanh chỉ là phận gái liễu yếu đào tơ, sao chịu được khốc hình tra tấn? Nàng bị đánh đến mức buộc phải ký tên nhận tội.

Lúc ấy, trong phủ Thái thú có viên cai ngục tên là Vu Công, ông cũng chính là cha của Vu Định Quốc, một vị quan nổi tiếng thời nhà Hán. Ông cho rằng Chu Thanh một mình phụng dưỡng mẹ chồng đã hơn mười năm, lòng hiếu thuận của nàng người trong thôn ai cũng biết, một nàng dâu như vậy hiển nhiên sẽ không làm cái việc tày đình này. Nghĩ vậy, Vu Công liền nói lời can gián, rằng bị cáo hẳn có điều oan khuất, thỉnh mong Thái thú đại nhân thận trọng điều tra lại.

Nhưng dẫu Vu Công có nói thế nào Thái thú vẫn không nghe, cứ khăng khăng cho rằng nàng dâu giết mẹ chồng, và rằng ả ta đã ký tên nhận tội, bằng chứng đanh thép như thế còn gì để nói nữa đây? Vu Công lại dùng lý lẽ tranh luận, kể lại câu nói của bà Triệu hàng xóm, nhưng viên Thái thú vẫn nhắm mắt bịt tai, chỉ muốn làm theo ý của mình. Vu Công vô cùng đau xót, ông ôm bản khai cung chạy ra ngoài cửa nha môn ngửa mặt lên trời than xót: “Hiếu phụ mà bị giết oan, vậy Thiên lý ở đâu? Một thân trong sạch mà phải mang tiếng nhơ, Trời xanh cũng không dung!”

Vu Công thống khổ vì không thể làm gì để cứu người lương thiện, đành bất lực xin cáo bệnh và rời khỏi phủ Thái thú. Cuối cùng, Thái thú vẫn nhất quyết phán Chu Thanh án tử hình.

Theo ghi chép trong “Liệt Nữ Truyện”, vào ngày Chu Thanh bị giải ra pháp trường, trên chiếc xe tử tù có cây sào trúc dài mười trượng dùng để treo cờ phướn. Trước lúc hành hình, Chu Thanh ngửa mặt lên trời thề rằng: “Trời xanh trên cao, Thiên lý sáng soi, Chu Thanh tôi nếu thực sự giết người thì tội ngàn lần đáng chết, sau khi chặt đầu máu rơi xuống đất. Còn nếu như Chu Thanh tôi trong sạch mà phải chết oan uổng, sau khi chặt đầu máu sẽ chảy ngược lên”.

Đao phủ vừa hạ đao xuống, Chu Thanh một vệt máu tươi theo cây sào trúc chảy ngược lên, vọt đến đỉnh cây sào rồi lại theo đó chảy xuống.

Chu Thanh ngửa mặt lên trời lập lời thề... (Hình vẽ minh họa cho vở kịch "Đậu Nga oan", lấy nguyên mẫu từ vụ án oan của nàng Chu Thanh)

Sau khi Chu Thanh bị hành hình, toàn quận Đông Hải bỗng xảy ra đại hạn, liên tiếp ba năm trời không có một hạt mưa. Đồng ruộng nứt nẻ, đất đai cằn cỗi, hoa màu chết khô, một hạt thóc cũng không thu hoạch được, dân chúng vì thế mà đói khổ triền miên. Viên Thái thú cũng vì chuyện này mà bị triều đình luận tội, bị bãi miễn chức quan và đi đày đến vùng biên cương heo hút. Người dân trong quận Đông Hải ai cũng nói rằng ấy là quả báo, ác giả chịu ác báo.

Sau đó, triều đình phái một vị quan khác đến Đông Hải nhậm chức. Tân Thái thú đi một vòng thể sát dân tình, tiếp đó ông cho vời các bô lão và thân sĩ trong vùng đến phủ Thái thú để hỏi về nguyên nhân hạn hán và bàn cách giải quyết. Mọi người đều nói rằng tình hình hạn hán những năm gần đây rất nghiêm trọng, sông cạn giếng khô, đất đai nứt nẻ, việc tế Trời cầu mưa nay cũng không còn linh nghiệm, những người có tri thức đều bó tay không biết phải làm gì.

Vu Công cũng có mặt trong số các thân sĩ bô lão, ông bèn lên tiếng: “Theo lão sinh thấy thì nguyên nhân hạn hán có liên quan đến vụ án hiếu phụ Chu Thanh. Nàng là người vô tội nhưng lại bị phán tử hình, vị Thái thú tiền nhiệm đã giết oan nàng khiến Thượng thiên phẫn nộ, vậy nên mới có trận hạn tai này”.

Có vị thân sĩ hoài nghi chất vấn: “Đúng là Chu Thanh phải chịu oan uổng, nhưng đó là do vị Thái thú tiền nhiệm cứ khăng khăng cố chấp, nhất quyết đòi tử hình nàng. Tội cũng chỉ là tội của một mình ông ấy, vì sao lại giáng hạn tai cho toàn quận Đông Hải, làm liên lụy đến bách tính lê dân? Bách tính đâu có giết chết hiếu phụ, phải không?”

Cũng có người nói: “Có vị thân sĩ kia yêu người già, thương kẻ nghèo, ông ấy thường bỏ tiền túi ra giúp đỡ những người hoạn nạn, ai cũng khen ông ấy là bậc đại thiện nhân. Người tốt như thế mà cũng không tránh được cái khổ này, nhà ông ấy hoa màu không thu hoạch được, gia cảnh cũng ngày càng sa sút, vậy là cớ làm sao?”

Tân Thái thú nghe xong, trong tâm không tránh khỏi có đôi chút thắc mắc. Sau đó, ông liền lật lại hồ sơ vụ án Chu Thanh, đích thân xem xét toàn bộ sự việc.

Tân Thái thú ngồi trước văn án trên công đường, ông lật mở hồ sơ vụ án và đọc cẩn thận, mải mê đến mức không biết bên ngoài trời đã tối mịt. Đột nhiên, ông nhìn thấy trước công đường có hai sai dịch bước đến, gương mặt lạ lẫm hiển nhiên không phải người trong phủ Thái thú. Họ chắp tay cúi chào ông và nói: “Hoàng lão gia nhà tôi có lời mời, thỉnh ngài theo chúng tôi đi thăm một chuyến”.

Thái thú bất giác đi theo họ, chỉ một loáng đã đến một tòa đại điện nguy nga tráng lệ. Trong điện, một vị trông giống như bậc vương giả, đầu đội mũ miện, thân mặc áo bào tím bước ra nghênh đón Thái thú và mời ông vào. Thì ra, vị vương giả đón tiếp ông chính là Thần Thành Hoàng quận Đông Hải.

(Tranh minh họa: Bình Minh - NTDVN)

Vị Thành Hoàng nói: “Nghe nói tân Thái thú muốn tìm hiểu tình hình thiên tai, vậy nên bản vương đặc biệt mời ngài đến đây. Bản vương cho ngài biết, điều mà Vu Công nói chính là sự thật, nguyên nhân hạn hán xác thực là vì hiếu phụ bị giết oan, Ông Trời vô cùng phẫn nộ nên mới giáng xuống trận đại hạn này, lấy đó để cảnh tỉnh thế nhân”.

Thái thú cung kính chắp tay nói: “Đa tạ Vương gia, nhưng hạ quan vẫn còn mấy điểm nghi vấn, mong được Vương gia điểm ngộ cho”. Sau đó, ông liền trình bày lại những câu hỏi của các vị thân sĩ.

Thần Thành Hoàng gật đầu đáp: “Đúng vậy, kết án tử hình chỉ là cá nhân Thái thú, ông ấy độc đoán chuyên hành, coi mạng người như cỏ rác. Đáng trách hơn nữa là, ông ấy là quan phụ mẫu của dân, đáng lẽ phải biểu dương khen ngợi lòng hiếu đễ, lấy đó mà phù chính dân phong. Thế mà ông ấy lại giết oan nàng dâu hiếu thảo, vu hãm người tốt, khiến cho dân phong bất chính, nhân tâm bất thuần, làm cho đạo đức bại hoại, dân chúng không ai còn nói lời chính nghĩa. Tội của ông ta là rất nặng, rất nặng rồi đó. Không chỉ phúc phận của ông ta đã tiêu tán phần lớn mà dương thọ cũng bị giảm đáng kể, sau khi chết còn bị hạ địa ngục chịu tội để bồi thường. Thêm vào đó, tội nghiệp của ông ta còn làm liên lụy tới con cháu đời sau”.

“Còn nói như vì sao Trời giáng hạn tai, gây nguy hại đến bách tính? Dân chúng ở quận Đông Hải này phần lớn đều biết đến lòng hiếu hạnh của Chu Thanh, biết rõ nàng bị oan nhưng lại không dám nói một lời công đạo. Ai cũng giữ im lặng, chỉ vì để bảo hộ bản thân mà ngậm miệng không nói, không dám đứng lên hiển giương chính nghĩa. Trên thực tế, đây chính là đồng lõa tiếp tay cho cái ác – ấy là bất nghĩa. Lại có kẻ tin vào hôn quan, cho rằng Chu Thanh đã giết mẹ chồng – ấy là bất nhân. Thần coi trọng nhân tâm, con người đã không còn chính nghĩa, lẽ nào không đáng bị trừng phạt hay sao? Từ góc độ này mà nói, toàn bộ dân chúng ở quận Đông Hải đều có tội, do đó phải chịu cái nạn này. Ông Trời có mắt, xưa nay chưa từng vô cớ giáng thiên tai, thiên tai nhân họa chính là để trừng trị những kẻ bất nhân bất nghĩa đó! Thiên lý là công chính nhất, hết thảy đều có nguyên do”.

Tân Thái thú gật đầu cung kính, sau đó ông hỏi: “Vậy còn vị đại thiện nhân kia…”

Thần Thành Hoàng đáp: “Chuyện đó không cần phải nói nhiều nữa, bản thân ông ta cũng tự nên minh bạch. Ông ta nhờ âm phúc của tổ tiên nên đời này mới trở thành một thân sĩ. Đúng là bình thường ông ta thường hay làm việc tốt, nhưng ấy đều là những việc không làm tổn hại đến lợi ích của bản thân, hơn nữa ông làm việc tốt chỉ là để có được tiếng thơm cho bản thân mình. Cũng chính là nói, ông ta vì muốn đắc được chỗ tốt nên mới làm những việc thiện ấy. Điều này trong mắt Thần nhìn nhận thì là hữu cầu mà làm, cũng bằng như buôn bán lòng tốt mà thôi. Còn nếu như làm việc tốt mà gây tổn hại đến lợi ích của bản thân, thì ông ta cũng sẽ không làm.

Cũng như việc hiếu phụ bị giết oan này, trong tâm ông ta hiểu rõ là có oan tình, nhưng ông ta lại không dám mạo hiểm đắc tội với quan phủ, sợ gây bất lợi cho bản thân. Ông ta chỉ giương mắt nhìn người tốt bị giết, một lời cũng không lên tiếng. Tiêu chuẩn làm việc của ông ta chính là: “Làm việc này thì có lợi cho tôi hay không”. Đó đâu phải là thực lòng muốn tốt cho người khác? Những việc thiện mà ông ta làm chỉ là vì để mua danh cầu lợi cho bản thân mà thôi. Ta đã nói rồi: Thần nhìn nhân tâm. Tâm ông ta bất thuần, đức cũng tổn thất rồi, còn trông mong có hảo vận nữa sao?”

Tân Thái thú luôn miệng vâng dạ, trong lòng vô cùng tín phục, ông chắp tay thưa với Thần Thành Hoàng: “Kính xin được thụ giáo, hạ quan đã hiểu và biết nên làm gì rồi, ngàn lần đa tạ tôn Thần!”

Thần Thành Hoàng gật đầu khen ngợi và lệnh cho sai dịch hộ tống Thái thú về dinh phủ.

Viên Thái thú đang mơ màng bỗng đột nhiên ngã xuống, ông giật mình tỉnh dậy: Thì ra là giấc mộng Nam Kha! Nhưng cảnh vật trong mộng rõ ràng như trước mắt, lời dạy của Thần Thành Hoàng vẫn văng vẳng bên tai. Ông lại giở xem bản án Chu Thanh, trong tâm không khỏi cảm thán: “Quả đúng là phòng tối tâm đen, mắt Thần như điện! Thiên tâm không thể coi nhẹ, Thiên lý không thể vi phạm!”

Hôm sau trời vừa sáng, Thái thú liền cho mời các vị bô lão hương thân đến dinh phủ và kể lại giấc mộng Thần Thành Hoàng cho mọi người nghe. Sau đó, ông chuẩn bị vật phẩm tế lễ và đích thân dẫn các bô lão đi viếng mộ hiếu phụ Chu Thanh. Trước mộ, ông cho người khắc đá lập bia, tuyên dương đức hạnh và lòng hiếu thảo của nàng, hơn nữa còn viết một bài điếu văn trả lại sự trong sạch cho nàng.

Khi nghi thức tế lễ vẫn còn đang dang dở, trên bầu trời đã thấy mây đen bao phủ, rồi mưa rơi như trút. Sau ngày hôm ấy, quận Đông Hải mưa thuận gió hòa, năm ấy mùa màng bội thu, dân chúng được sống cảnh ấm no, thanh bình.

Nói riêng về Vu Công, vì kiên trì giữ vững chính nghĩa và lương tri nên tích được âm đức. “Phúc đức ấm tử tôn”, con trai ông là Vu Định Quốc làm đến chức Thừa tướng, được hoàng đế phong làm Vĩnh thế Ngự sử Đại phu, tước phong được truyền thừa cho các đời sau. Đây chính là “thiện hữu thiện báo” mà dân gian vẫn nói.

Quả vậy, con người sống trên thế gian thì nên phân rõ thị phi, kiên trì chính nghĩa, chống lại ác tà, biết lên tiếng cho lẽ phải, công bằng, như thế mới có thể được Thượng thiên bảo hộ, khi thảm họa tới mới có thể tránh được họa tai. Bởi vì lựa chọn giữa Thiện và Ác, đứng về chính hay tà đều sẽ quyết định vận mệnh và tương lai mỗi người.

Theo Đông Phương và Tuyết Lỵ - Sound of Hope
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyện nàng dâu hiếu thảo ở Đông Hải