Cơn lũ tiền tệ của Trung Quốc sẽ tạo ra siêu lạm phát?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi mối lo về giảm phát, một chuyên gia đã cảnh báo người dân nước này có thể sẽ phải đối mặt với siêu lạm phát khi Bắc Kinh nỗ lực in tiền để cứu nền kinh tế.

Dựa trên dữ liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố, nguồn cung tiền M2 của Bắc Kinh có quy mô vượt quá nguồn cung tiền của Hoa Kỳ, khu vực đồng tiền chung euro và Vương quốc Anh cộng lại. Chỉ trong sáu tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã phát hành hơn 5 nghìn tỷ nhân dân tệ (CNY) và ước tính hơn 70% trong số đó là để trả cho trái phiếu địa phương. Một số nhà kinh tế Trung Quốc cảnh báo tiền tiết kiệm của người dân Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro lớn, đó là siêu lạm phát.

Cơn lũ tiền tệ

Vào ngày 17/3, tài khoản nền tảng truyền thông xã hội X (@caijingshujuku) đã công bố một tài liệu cho biết rằng vào ngày 15/3, dữ liệu tài chính được công bố của ngân hàng trung ương cho thấy vào cuối tháng 2, cung tiền rộng M2 của Trung Quốc là 299,56 nghìn tỷ CNY, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; Cung tiền hẹp (M1) là 66,59 nghìn tỷ CNY, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn tài chính xã hội vào cuối tháng 2 là 385,72 nghìn tỷ CNY, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản vay bằng đồng CNY tăng 6,37 nghìn tỷ CNY trong hai tháng đầu năm; Tiền gửi CNY đã tăng 6,44 nghìn tỷ CNY trong hai tháng đầu năm.

Bài báo chỉ ra rằng cung tiền M2 là 299,56 nghìn tỷ CNY, có nghĩa là lượng tiền tệ bình quân đầu người của Trung Quốc là 212.800 CNY.

Cung tiền rộng M2 ở Hoa Kỳ vào cuối tháng 1 năm 2024 là 20,8 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 150 nghìn tỷ CNY khi quy đổi sang CNY với tỷ giá hối đoái 7,2.

M2 của khu vực Eurozone (khu vực đồng tiền chung euro) tính đến cuối tháng 1 là 15,1 nghìn tỷ EUR (euro), tương đương 16,4 nghìn tỷ USD hay 118,4 nghìn tỷ CNY.

M2 của Vương quốc Anh tính đến tháng 1 năm 2024 là 3 nghìn tỷ GBP (bảng Anh), tương đương khoảng 3,8 nghìn tỷ USD và khoảng 27,36 nghìn tỷ CNY.

Quy mô tiền rộng M2 của Trung Quốc trong tháng 1 thấp hơn một chút so với tháng 2, đạt 297,63 nghìn tỷ CNY. Tuy nhiên, nó vẫn vượt quá của cả Mỹ, Eurozone và Anh cộng lại (tổng cộng khoảng 296 nghìn tỷ CNY). Điều này cho thấy cơn lũ tiền tệ của Trung Quốc lớn đến mức nào.

Cơn lũ tiền tệ của Trung Quốc sẽ tạo ra siêu lạm phát?
Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc và tờ đô la Mỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 6/1/2017. (Ảnh: FRED DUFOUR/AFP qua Getty Images)

Phát hành 5 nghìn tỷ trong nửa năm

Bài báo nêu rằng các ngân hàng trung ương thường nới lỏng tiền tệ theo hai cách: 1) thay đổi giá tiền tệ (tức là lãi suất), ảnh hưởng đến nguồn cung tiền rộng; 2) trực tiếp thay đổi lượng tiền, ảnh hưởng đến cung tiền cơ sở.

Bằng cách xem xét những thay đổi về quy mô bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương, có thể dễ dàng xác định liệu ngân hàng trung ương có mở rộng cung tiền cơ sở của mình trên quy mô lớn hay không. Chỉ cần quy mô tài sản của ngân hàng trung ương đột ngột tăng lên đáng kể, về cơ bản có thể xác định rằng ngân hàng trung ương đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ (QE).

Quy mô tài sản của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thay đổi như thế nào?

Trong 10 năm qua, quy mô bảng cân đối kế toán của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tăng chậm. Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm 2023, giá trị đột ngột tăng lên đáng kể. Chỉ trong 6 tháng, quy mô tài sản đã tăng thêm 5 nghìn tỷ CNY.

Ngược lại, từ năm 2015 đến năm 2022, tài sản của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ tăng thêm 5 nghìn tỷ CNY trong 8 năm.

Đánh giá từ quy mô tài sản của Ngân hàng Trung ương, Bắc Kinh thực sự đã thực hiện QE, với việc nới lỏng định lượng gần 5 nghìn tỷ CNY trong nửa năm.

Từ năm 2020 đến 2021, Mỹ, châu Âu và Nhật Bản tiến hành QE và in tiền mạnh mẽ nhưng chính quyền Bắc Kinh không làm theo. Tuy nhiên, kể từ nửa cuối năm 2023, không những châu Âu và Mỹ không tiếp tục QE mà họ còn bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán, trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bắt đầu quá trình nới lỏng định lượng QE với quy mô lớn.

Quan sát sự thay đổi về thành phần tài sản chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc trong 6 tháng qua, ngoại hối, vàng, trái phiếu kho bạc và các tài sản khác không có nhiều thay đổi về quy mô. Thay đổi lớn nhất đến từ “nợ phải trả từ các tổ chức tiền gửi khác”. Sự thay đổi ở khoản mục này đã lên tới gần 5 nghìn tỷ, chính là tổng số tiền QE. (“Tổ chức tiền gửi” ở đây dùng để chỉ các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và ngân hàng chính sách).

Vậy, 5 nghìn tỷ nhân dân tệ tiền cơ bản này được in như thế nào?

​​Câu trả lời là, ngoại trừ vàng và ngoại hối, tất cả các trái phiếu và tài sản tín dụng khác (cho vay lại) đều đủ điều kiện làm tài sản thế chấp của ngân hàng trung ương.

Các khoản cho vay của ngân hàng trung ương đối với các ngân hàng thương mại trước năm 2015 có quy mô và tỷ trọng tương đối nhỏ. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2015, quy mô tài sản đã mở rộng nhanh chóng, từ dưới 3 nghìn tỷ CNY lên hơn 18 nghìn tỷ CNY hiện nay.

Vào năm 2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Bộ Tài chính và Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã cùng ban hành một văn bản đưa trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành công khai vào phạm vi tài sản thế chấp kho bạc.

Rất có thể, hơn 70% tài sản của "nợ phải trả từ các tổ chức tiền gửi khác" này có thể là trái phiếu chính quyền địa phương, bên cạnh hàng nghìn tỷ nhân dân tệ tài sản tín dụng ngân hàng và các khoản cho vay lại.

Cơn lũ tiền tệ của Trung Quốc sẽ tạo ra siêu lạm phát?
Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc được đếm tại một ngân hàng ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc vào ngày 24/09/2013. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Siêu lạm phát có thể quét sạch tiền tiết kiệm của người dân

Để cứu nền tài chính địa phương sắp sụp đổ, Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực cung ứng tài chính cho các địa phương. Đồng thời, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc cũng đứng trước nguy cơ phá sản. Bắc Kinh cần thêm vốn để giải cứu các doanh nghiệp nhà nước này.

Nhà kinh tế Trung Quốc Hứa Thành Cương (Xu Chenggang) cho biết trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Deutsche Welle hôm 8/3 rằng Bắc Kinh hiện nợ rất nhiều, đồng thời nhiều công ty Trung Quốc đang phá sản. Việc cứu vớt mỗi doanh nghiệp sẽ cần hàng trăm tỷ nhưng thực tế Bắc Kinh không có nhiều nguồn lực để sử dụng. Bắc Kinh cuối cùng phải dựa vào việc phát hành tiền tệ quy mô lớn để giải quyết vấn đề. Việc phát hành tiền tệ quy mô lớn như vậy chắc chắn sẽ tạo ra lạm phát nghiêm trọng sau khi giảm phát đi qua.

Đầu tháng 2 năm nay, ông Hứa đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Yuan Li từ "Don't Understand Podcast", rằng tiền tiết kiệm của người dân Trung Quốc phải đối mặt với một rủi ro lớn, đó là siêu lạm phát, thứ có thể quét sạch tiền tiết kiệm của người dân.

Cơn lũ tiền tệ của Trung Quốc sẽ tạo ra siêu lạm phát?
Một khách hàng nhìn quả bí ngô tại một khu chợ ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 10/6/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Hành động đi ngược lại tuyên bố trước đó

Vài năm trước, Trung Quốc từng cho biết họ sẽ không thực hiện nới lỏng định lượng, một chính sách gây tranh cãi khi sử dụng việc mua trái phiếu để kích thích nền kinh tế. Bây giờ, có vẻ như họ đang thực hiện điều đó, bơm hàng nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) vào nền kinh tế đang gặp khó khăn nhằm giúp đỡ các chính quyền địa phương vốn đang phải chịu gánh nặng nợ nần.

Theo dữ liệu bảng cân đối kế toán, tài sản của ngân hàng trung ương lên tới 40,8 nghìn tỷ CNY (khoảng 5,69 nghìn tỷ USD) vào tháng 7/2023 và tăng lên hàng tháng kể từ đó. Đến tháng 12/2023, quy mô tài sản của cơ quan này đã tăng lên 45,7 nghìn tỷ CNY (khoảng 6,43 nghìn tỷ USD), tăng gần 5 nghìn tỷ CNY (khoảng 705 tỷ USD) trong sáu tháng.

Việc mở rộng nhanh chóng quy mô tài sản của ngân hàng trung ương đã gây ra mối lo ngại rộng rãi trên thị trường và làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có đang thực hiện nới lỏng định lượng hay không. Một bài báo của Bloomberg vào tháng 11 năm ngoái đã đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có đang cố gắng khắc phục cuộc khủng hoảng bất động sản bằng cách sử dụng “nới lỏng định lượng kiểu Trung Quốc” hay không.

Chính sách tiền tệ độc đáo này làm phình to bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương của quốc gia và bơm tiền mới vào cung tiền của nền kinh tế thông qua việc mua trái phiếu chính phủ hoặc các tài sản tài chính khác.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã chỉ trích việc nới lỏng định lượng. Vào tháng 12/2019, thống đốc PBOC Dịch Cương (Yi Gang) đã viết trong một bài báo đăng trên tờ Qiushi của ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) rằng Trung Quốc nên duy trì chính sách tiền tệ “bình thường” càng lâu càng tốt và sẽ không sử dụng chính sách nới lỏng định lượng, đồng thời nói rằng: “Chúng ta không nên để tiền trong tay người Trung Quốc trở nên vô giá trị”.

Cơn lũ tiền tệ của Trung Quốc sẽ tạo ra siêu lạm phát?
Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc nằm phía trước khu tài chính Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 21/5/2007. (Ảnh: MARK RALSTON/AFP qua Getty Images)

Người dân phải gánh chịu hậu quả

Chính quyền địa phương của Trung Quốc đang nợ nần chồng chất, với các thông tin cho thấy công chức ở một số khu vực sẽ không được trả lương, thậm chí là trong nhiều tháng ở một số trường hợp. Cuộc khủng hoảng nợ có liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc, vì đất đai theo truyền thống là nguồn thu chính của địa phương.

Ông Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư Bắc Mỹ và chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương bằng cách “lặng lẽ thực hiện nới lỏng định lượng thông qua bơm thanh khoản vào thị trường”. Tuy nhiên, ông cho rằng, các biện pháp của Trung Quốc sẽ chỉ có thể sắp xếp lại các khoản nợ mà không giải quyết được vấn đề lâu dài.

Theo ông Sun, các biện pháp nới lỏng định lượng của ĐCSTQ không thực sự giải phóng tiền vào nền kinh tế hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thay vào đó, khi các ngân hàng thương mại mua trái phiếu từ chính quyền địa phương, chính quyền địa phương sẽ sử dụng số tiền thu được làm tài sản thế chấp cho các khoản vay từ ngân hàng trung ương. Các chương trình của PBOC như chương trình cho vay bổ sung của ngân hàng trung ương mở rộng nguồn tài trợ của ngân hàng trung ương cho các ngân hàng, thường bằng trái phiếu chính phủ làm tài sản thế chấp.

Ngân hàng trung ương, trên cơ sở tài sản thế chấp đó, sẽ phát hành thêm trái phiếu. Trong ngắn hạn, chính quyền địa phương đã có được nguồn tiền từ ngân hàng trung ương dưới hình thức cho vay. Đến lượt mình, ngân hàng trung ương lại có được thu nhập từ người mua trái phiếu kho bạc bổ sung mà ngân hàng đã phát hành.

Tuy nhiên, về cơ bản, ngân hàng trung ương đã đóng gói lại trái phiếu chính quyền địa phương ban đầu, bán chúng dưới dạng trái phiếu kho bạc trung hạn, dài hạn và siêu dài hạn. Ông Sun cho biết, từ góc độ lý thuyết tài chính, khoản nợ vẫn chưa biến mất. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản được chuyển sang tay một người mua khác, cụ thể là ngân hàng trung ương. Khoản nợ mới sau đó được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương.

Ông Sun nói: “Không có vấn đề gì với việc phát hành trái phiếu - câu hỏi quan trọng là ai là người mua”. Ông tiếp tục: “Trước đây, những trái phiếu này chủ yếu được mua bởi vốn nước ngoài và nhà đầu tư tư nhân nhưng hiện nay đối tượng mua chính đã chuyển sang các ngân hàng thương mại”.

“Ai là người thực sự phải trả những khoản nợ này? Đó là người dân Trung Quốc”, nhà phân tích đầu tư nói.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Cơn lũ tiền tệ của Trung Quốc sẽ tạo ra siêu lạm phát?