Đồn đoán Trung Quốc âm thầm nới lỏng định lượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh dường như đang âm thầm thực hiện “nới lỏng định lượng", một chính sách mà họ đã công khai bác bỏ. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cách làm của Bắc Kinh không thể giải quyết được vấn đề dài hạn của nền kinh tế.

Vài năm trước, Trung Quốc từng cho biết họ sẽ không thực hiện nới lỏng định lượng, một chính sách gây tranh cãi khi sử dụng việc mua trái phiếu để kích thích nền kinh tế. Bây giờ, có vẻ như họ đang thực hiện điều đó, bơm hàng nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) vào nền kinh tế đang gặp khó khăn nhằm giúp đỡ các chính quyền địa phương vốn đang phải chịu gánh nặng nợ nần.

Dữ liệu bảng cân đối kế toán từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy tài sản của ngân hàng trung ương này tăng mạnh trong nửa cuối năm 2023, tăng thêm gần 5 nghìn tỷ CNY (khoảng 705 tỷ USD). Một chuyên gia tài chính tin rằng Bắc Kinh đang âm thầm thực hiện nới lỏng định lượng, một chiến lược mà họ đã công khai bác bỏ.

Theo dữ liệu bảng cân đối kế toán, tài sản của ngân hàng trung ương lên tới 40,8 nghìn tỷ CNY (khoảng 5,69 nghìn tỷ USD) vào tháng 7/2023 và tăng lên hàng tháng kể từ đó. Đến tháng 12/2023, quy mô tài sản của cơ quan này đã tăng lên 45,7 nghìn tỷ CNY (khoảng 6,43 nghìn tỷ USD), tăng gần 5 nghìn tỷ CNY (khoảng 705 tỷ USD) trong sáu tháng.

Việc mở rộng nhanh chóng quy mô tài sản của ngân hàng trung ương đã gây ra mối lo ngại rộng rãi trên thị trường và làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có đang thực hiện nới lỏng định lượng hay không. Một bài báo của Bloomberg vào tháng 11 năm ngoái đã đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có đang cố gắng khắc phục cuộc khủng hoảng bất động sản bằng cách sử dụng “nới lỏng định lượng kiểu Trung Quốc” hay không.

Chính sách tiền tệ độc đáo này làm phình to bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương của quốc gia và bơm tiền mới vào cung tiền của nền kinh tế thông qua việc mua trái phiếu chính phủ hoặc các tài sản tài chính khác.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã chỉ trích việc nới lỏng định lượng. Vào tháng 12/2019, thống đốc PBOC Dịch Cương (Yi Gang) đã viết trong một bài báo đăng trên tờ Qiushi của ĐCSTQ rằng Trung Quốc nên duy trì chính sách tiền tệ “bình thường” càng lâu càng tốt và sẽ không sử dụng chính sách nới lỏng định lượng, đồng thời nói rằng: “Chúng ta không nên để tiền trong tay người Trung Quốc trở nên vô giá trị”.

Tuy nhiên, phân tích về thành phần tài sản chính của ngân hàng trung ương trong sáu tháng qua cho thấy có rất ít thay đổi về quy mô ngoại hối, tiền vàng và các tài sản nước ngoài khác, trong khi thay đổi lớn nhất đến từ “nợ phải trả đối với các tổ chức tiền gửi khác”. Các nhà phân tích nói rằng điều đó thể hiện việc mua trái phiếu trong nới lỏng định lượng.

Đồn đoán Trung Quốc âm thầm nới lỏng định lượng
Tờ 100 nhân dân tệ của Trung Quốc nằm phía trước khu tài chính Phố Đông ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 21/5/2007. (Ảnh: MARK RALSTON/AFP qua Getty Images)

Ai phải trả nợ?

Chính quyền địa phương của Trung Quốc đang nợ nần chồng chất, với các thông tin cho thấy công chức ở một số khu vực sẽ không được trả lương, thậm chí là trong nhiều tháng ở một số trường hợp. Cuộc khủng hoảng nợ có liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc, vì đất đai theo truyền thống là nguồn thu chính của địa phương.

Ông Mike Sun, một nhà tư vấn đầu tư Bắc Mỹ và chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của chính quyền địa phương bằng cách “lặng lẽ thực hiện nới lỏng định lượng thông qua bơm thanh khoản vào thị trường”. Tuy nhiên, ông cho rằng, các biện pháp của Trung Quốc sẽ chỉ có thể sắp xếp lại các khoản nợ mà không giải quyết được vấn đề lâu dài.

Theo ông Sun, các biện pháp nới lỏng định lượng của ĐCSTQ không thực sự giải phóng tiền vào nền kinh tế hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Thay vào đó, khi các ngân hàng thương mại mua trái phiếu từ chính quyền địa phương, chính quyền địa phương sẽ sử dụng số tiền thu được làm tài sản thế chấp cho các khoản vay từ ngân hàng trung ương. Các chương trình của PBOC như chương trình cho vay bổ sung của ngân hàng trung ương mở rộng nguồn tài trợ của ngân hàng trung ương cho các ngân hàng, thường bằng trái phiếu chính phủ làm tài sản thế chấp.

Ngân hàng trung ương, trên cơ sở tài sản thế chấp đó, sẽ phát hành thêm trái phiếu. Trong ngắn hạn, chính quyền địa phương đã có được nguồn tiền từ ngân hàng trung ương dưới hình thức cho vay. Đến lượt mình, ngân hàng trung ương lại có được thu nhập từ người mua trái phiếu kho bạc bổ sung mà ngân hàng đã phát hành.

Tuy nhiên, về cơ bản, ngân hàng trung ương đã đóng gói lại trái phiếu chính quyền địa phương ban đầu, bán chúng dưới dạng trái phiếu kho bạc trung hạn, dài hạn và siêu dài hạn. Ông Sun cho biết, từ góc độ lý thuyết tài chính, khoản nợ vẫn chưa biến mất. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản được chuyển sang tay một người mua khác, cụ thể là ngân hàng trung ương. Khoản nợ mới sau đó được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương.

Ông Sun nói: “Không có vấn đề gì với việc phát hành trái phiếu - câu hỏi quan trọng là ai là người mua”. Ông tiếp tục: “Trước đây, những trái phiếu này chủ yếu được mua bởi vốn nước ngoài và nhà đầu tư tư nhân nhưng hiện nay đối tượng mua chính đã chuyển sang các ngân hàng thương mại”.

“Ai là người thực sự phải trả những khoản nợ này? Đó là người dân Trung Quốc”, nhà phân tích đầu tư nói.

Đồn đoán Trung Quốc âm thầm nới lỏng định lượng
Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Nợ địa phương cao kỷ lục

Tháng 7 năm ngoái, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính rằng hệ thống ngân hàng Trung Quốc nắm giữ khoảng 94 nghìn tỷ CNY (khoảng 13 nghìn tỷ USD) nợ của chính quyền địa phương.

Vào năm 2023, quy mô vay nợ của chính quyền địa phương đạt mức cao kỷ lục khi Trung Quốc phát hành hơn 9 nghìn tỷ CNY (khoảng 1,28 nghìn tỷ USD) trái phiếu chính quyền địa phương. Gần một nửa số đó có thể đã được dùng để trả nợ.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, số tiền gốc trái phiếu chính quyền địa phương đáo hạn vào năm 2023 ước tính đạt khoảng 3,6 nghìn tỷ CNY (khoảng 510 tỷ USD), điều này gây áp lực rất lớn lên chính quyền địa phương vốn đang phải đối mặt với những hạn chế về nguồn vốn.

Khoảng một nửa số trái phiếu chính quyền địa phương được phát hành là “trái phiếu mới”, chủ yếu sẽ được sử dụng cho các dự án phúc lợi công cộng lớn. Số lượng trái phiếu mới phát hành giảm nhẹ trong năm ngoái. Khoảng một nửa là trái phiếu đảo nợ, thường được gọi là “vay mới để trả nợ cũ”. Có sự gia tăng đáng kể (82% so với năm trước) trong việc đảo nợ trái phiếu, một phần của việc hoán đổi nợ được Bắc Kinh hậu thuẫn nhằm giảm nhẹ chi phí vay của chính quyền địa phương.

Kể từ tháng 10/2023, hơn 20 tỉnh của Trung Quốc đã phát hành tổng cộng hơn 1,3 nghìn tỷ CNY (khoảng 180 tỷ USD) trái phiếu đảo nợ đặc biệt để giúp chính quyền địa phương trả nợ. Con số đó tăng lên từ mức 200 tỷ CNY (khoảng 29,7 tỷ USD) được phát hành vào năm 2022.

Trước đó vào năm 2023, trong nỗ lực hạn chế việc phát hành trái phiếu địa phương quá mức, chính quyền ĐCSTQ đã hạn chế khả năng vay nợ mới của chính quyền địa phương ở 12 khu vực mắc nợ nặng nề và đặt ra giới hạn đối với các dự án do nhà nước tài trợ mà họ có thể triển khai.

Tuy nhiên, dưới áp lực to lớn từ nền kinh tế đang suy thoái, vào tháng 10, ngân hàng trung ương đã đưa ra quyết định hiếm hoi là phát hành thêm 1 nghìn tỷ CNY (khoảng 139 tỷ USD) trái phiếu để tài trợ cho chi tiêu cơ sở hạ tầng.

Hơn nữa, tờ Wall Street Journal ngày 5/3 đưa tin rằng Bắc Kinh có kế hoạch phát hành 1 nghìn tỷ CNY (khoảng 139 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn trong năm nay. “Siêu dài hạn” thường dùng để chỉ khoản nợ có thời hạn từ 30 năm trở lên.

Đồn đoán Trung Quốc âm thầm nới lỏng định lượng
Người dân đang thư giãn bên hồ nước gần các tòa nhà dân cư ở thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 4/7/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Giảm phát tạm ngưng tại Trung Quốc, nhưng lo lắng vẫn còn

Nới lỏng định lượng thường được chính phủ các nước trên thế giới sử dụng khi nền kinh tế suy thoái, thường đi kèm với giảm phát hoặc lạm phát ở mức thấp. Trái ngược với tình hình tại Trung Quốc, nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt với tình trạng lạm phát và tình trạng “quá nóng” của nền kinh tế, khiến các chính phủ phải tìm cách thắt chặt định lượng.

Trong khi đó, Trung Quốc đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát và một nền kinh tế đi theo hướng suy thoái. Trên thực tế, số liệu lạm phát tích cực mới đây tại đất nước này vẫn chưa thể đẩy lùi mối lo về giảm phát dai dẳng.

Theo các chuyên gia, sự phục hồi của giá tiêu dùng Trung Quốc trong tháng 2 - lần đầu tiên sau 6 tháng - chỉ mang lại sự xoa dịu tạm thời khỏi áp lực giảm phát đối với nền kinh tế. Họ cảnh báo rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách áp dụng cách tiếp cận chủ động hơn.

Các chuyên gia cho rằng sự tích cực này bắt nguồn từ sự tăng giá trong các hoạt động dịch vụ, trong khi Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với sự mất cân đối trong sản xuất, nhu cầu tiêu dùng yếu và lực cản kéo dài từ lĩnh vực bất động sản.

Đồn đoán Trung Quốc âm thầm nới lỏng định lượng
Các công nhân đang làm việc với các sản phẩm nhôm tại một nhà máy ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào ngày 30/1/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Theo dữ liệu công bố ngày 9/3 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, một chỉ số chính phản ánh lạm phát, đã tăng 0,7% so với cùng kỳ trong tháng 2, đảo ngược mức giảm 0,8% trong tháng 1.

Chuyên gian Dong Lijuan, một nhà thống kê của NBS, cho rằng chỉ số CPI tăng là do nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán, diễn ra từ ngày 10 đến ngày 24/2.

Theo báo cáo của Reuters, giá tiêu dùng tháng 2 tăng ở mức cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái trong 11 tháng qua, được thúc đẩy bởi sự gia tăng của một số mặt hàng chính, bao gồm thịt lợn và rau quả tươi, cũng như hoạt động du lịch trong thời gian cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc vào Tháng 2.

Sự phục hồi trở lại của CPI cũng trái ngược với mức giảm lớn nhất trong hơn 14 năm vào tháng 1, do cơ sở thống kê lớn hơn vào tháng 1/2023 khi Tết Nguyên đán đến sớm hơn vào năm ngoái (tháng 1 thay vì tháng 2 như năm nay) và chi tiêu tăng lên.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lập luận rằng thay vì chỉ dựa vào số liệu thống kê lạm phát tiêu biểu, người ta cần đánh giá tình trạng thực sự của nền kinh tế qua các con số theo ngành.

Theo ghi chú của Natixis Research công bố vào ngày 11/3, “áp lực giảm phát được giảm bớt của Trung Quốc không thể làm lu mờ mô hình tăng trưởng mất cân bằng thiên về các lĩnh vực sản xuất”.

Natixis cho biết thêm rằng các con số cho thấy khu vực dịch vụ có sự tăng giá đáng kể trong khi khu vực hàng hoá tiếp tục cho thấy sự suy giảm. Do đó, sự mất cân bằng trong sản xuất hiện tại - được định nghĩa là nhu cầu yếu hơn nguồn cung - vẫn tồn tại và sự phục hồi trong hoạt động dịch vụ của Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu giúp giảm bớt tình trạng giảm phát của đất nước này.

Theo dữ liệu của NBS, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc, đo lường giá sản phẩm tại cổng nhà máy, đã giảm 2,7% so với cùng kỳ trong tháng 2. Trên cơ sở hàng tháng, PPI đã giảm 0,2% trong tháng Hai.

Natixis cho biết: “PPI tính theo tháng được điều chỉnh theo mùa và ngày lễ của chúng tôi, bao gồm nhiều thành phần hàng hóa hơn CPI, vẫn ở mức âm, mặc dù nó đã tăng trong tháng 2”.

“Khoảng cách giữa cung và cầu đối với sản xuất trong nước chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng, điều này không tốt cho vấn đề dư thừa công suất và áp lực giảm phát trong tương lai”.

Bắc Kinh đang gặp khó khăn trong việc lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và phục hồi nhu cầu trong nước, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc suy thoái nhà ở kéo dài, như dữ liệu CPI ảm đạm gần đây của Trung Quốc đã chỉ ra, các chuyên gia cho biết.

Tại cuộc họp “Lưỡng hội” tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tuyên bố sẽ chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước và giảm bớt rủi ro do các nhà phát triển bất động sản bị phá sản gây ra. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng cách hiệu quả nhất để Trung Quốc tăng tiêu dùng là cải thiện nhu cầu trong nền kinh tế.

“Sự phục hồi của giá tiêu dùng là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy nhu cầu trong nước được cải thiện. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi khó khăn khi thương mại vẫn phải đối mặt với tình trạng bất ổn và lực cản từ lĩnh vực bất động sản vẫn đang tiếp diễn, điều đó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách sẽ cần giữ lập trường chủ động”, HSBC cho biết trong một báo cáo được công bố hôm thứ 7 (9/3).

Nhìn chung, theo Ngân hàng ING, trong khi việc chỉ số CPI phục hồi trong tháng 2 có thể tạm thời làm giảm bớt lo ngại về giảm phát, mức tăng lạm phát có thể vẫn ở mức yếu trong hầu hết nửa đầu năm 2024.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Đồn đoán Trung Quốc âm thầm nới lỏng định lượng