Nhiều giám đốc tài chính Trung Quốc 'ngã ngựa'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình hình trong lĩnh vực tài chính tại Trung Quốc đang ngày một căng thẳng, đặc biệt là khi nó có liên quan tới đấu đá chính trị trong nội bộ ĐCSTQ.

Chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục tạo ra một làn sóng tổn thất khác trong lĩnh vực tài chính vào năm mới. Vào tháng 1, hơn chục giám đốc tài chính đã “ngã ngựa". Các nhà phân tích chính trị cho rằng chiến dịch này ít nhằm mục đích xử lý tham nhũng mà chủ yếu nhằm làm suy yếu quyền lực của các nhóm lợi ích đối địch trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Một thông báo ngày 25/1 của Ủy ban Kỷ luật và Giám sát Trung Quốc đã công bố các giám đốc mới nhất bị nghi ngờ mắc sai phạm: ông Wang Zhibin, chủ tịch Ngân hàng Công thương Hồ Bắc và ông Yu Zeshui, chủ tịch Ngân hàng Phát triển Sơn Đông.

Cả hai người đều là đảng viên trung thành. Ông Wang từng là phó giám đốc ủy ban tài chính và kinh tế tỉnh Hồ Bắc của ĐCSTQ. Ông Yu từng là bí thư tỉnh ủy Sơn Đông và từng là chủ tịch Phòng Thương mại Quốc tế về Công nghiệp Văn hóa Sơn Đông. Ông ấy được nhìn thấy lần cuối trước công chúng vào ngày 20/11 với vai trò đó.

Hai giám đốc ngân hàng này đã cùng với 10 quan chức khác từ các ngân hàng quốc doanh và tổ chức tài chính lớn trên khắp Trung Quốc trở thành đối tượng bị điều tra vào tháng 1, bao gồm các chi nhánh địa phương của Ngân hàng Xây dựng, Viện Nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Thái Bình Dương và Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện.

Ngoài ra, vào tháng trước, có thông báo rằng ông Wang Yongsheng, cựu ủy viên đảng ủy và phó thống đốc Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, và ông Liu Lixian, cựu giám đốc kỷ luật của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), đã bị khai trừ khỏi ĐCSTQ và bị bàn giao để truy tố.

Trong một vụ án liên quan, cựu giám đốc Ngân hàng Everbright thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã bị bắt vào ngày 15/1 vì tình nghi nhận hối lộ và tham ô. Người đứng đầu hiện tại của ngân hàng đã bị bắt vì tội danh tương tự vào tháng 10. Và ông Tian Huiyu, người bị cách chức khỏi cương vị người đứng đầu Ngân hàng Thương mại Trung Quốc vào năm 2022, đã bị tuyên án tử hình treo vào ngày 4/2 vì nhiều tội danh, bao gồm cả việc nhận hối lộ 29 triệu USD.

Theo thống kê, hơn 100 giám đốc cấp cao trong lĩnh vực tài chính đã bị điều tra hoặc trừng phạt trong năm qua. Danh sách bao gồm các giám đốc cơ quan quản lý chính phủ và các tổ chức trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm, cũng như lĩnh vực chứng khoán và quỹ tín thác.

Đáng chú ý, 40 cá nhân bị vướng vào các cuộc điều tra chống tham nhũng - 57% quan chức ngân hàng bị điều tra - là giám đốc cấp cao tại 5 ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc.

Theo nhà bình luận thời sự Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) sống tại Mỹ, các quan chức trong lĩnh vực ngân hàng, những người sử dụng chức vụ của mình để cho vay và tham gia vào các giao dịch quyền lực và tiền bạc, là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc thanh trừng gần đây.

Ông Đường nói với The Epoch Times, mặc dù được coi là một chiến dịch chống tham nhũng, việc thanh trừng hệ thống tài chính của ông Tập chủ yếu nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế của các phe phái trong đảng, loại bỏ các đối thủ, những người không đáng tin cậy về mặt chính trị và không vâng lời, đồng thời làm vật tế thần cho các vấn đề kinh tế của Trung Quốc.

Những người trong ngành ngân hàng phỏng đoán rằng làn sóng cách chức hiện tại không phải là điểm kết thúc của cuộc thanh trừng và dự đoán trước về nhiều bất ổn hơn sẽ xuất hiện trong hệ thống tài chính và ngân hàng Trung Quốc.

Nhiều giám đốc tài chính Trung Quốc ‘ngã ngựa'
Người đi bộ đi ngang qua một chi nhánh mới khai trương của Ngân hàng Công thương Trung Quốc, ở Madrid, Tây Ban Nha, vào ngày 25/1/2011. (Ảnh: Jasper Juinen/Getty Images)

Xu hướng trẻ hóa giám đốc

Khi các giám đốc ngân hàng tiếp tục “ngã ngựa”, những thay đổi nhân sự cấp cao là điều diễn ra thường xuyên và các giám đốc đang có xu hướng ngày càng trẻ hơn.

Một số ngân hàng quốc doanh đã tuyên bố việc từ chức hoặc nhậm chức của các quản lý cấp cao trong những tháng gần đây. Các thông báo nêu bật xu hướng trẻ hóa giới quản lý tại các ngân hàng Trung Quốc.

Vào ngày 20/1, ông Liao Lin, 57 tuổi, cựu chủ tịch ICBC, được thăng chức làm bí thư đảng ủy và chủ tịch ngân hàng lớn nhất thế giới nếu xét về tổng tài sản. Ông Liao, người có bằng Tiến sĩ về quản lý, là một nhà kinh tế cấp cao có thâm niên làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.

Vào ngày 13/1, ông Guan Wenjie trở thành bí thư đảng ủy và chủ tịch của Ngân hàng Thương mại Nông thôn Bắc Kinh, sau khi từ chức giám đốc điều hành và chủ tịch của Ngân hàng Hoa Hạ. Người đàn ông 53 tuổi nắm quyền lãnh đạo ngân hàng có trị giá khổng lồ.

Cũng trong tháng 1, ông Xie Taifeng, 51 tuổi, đảm nhận chức phó chủ tịch điều hành của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Trong khi đó, một người tương đối trẻ, Yang Xuan, 38 tuổi, được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Ngân hàng Quý Dương.

Khủng hoảng tài chính là không thể tránh khỏi

Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản trì trệ của Trung Quốc, nợ địa phương ngày càng gia tăng và nợ khó đòi của ngân hàng đã khiến nền kinh tế nước này kiệt quệ. Ông Đường, nhà bình luận thời sự được The Epoch Times phỏng vấn, cảm thấy rằng cuộc khủng hoảng tài chính là gốc rễ của việc Trung Quốc tích cực giám sát chặt chẽ lĩnh vực tài chính thời gian gần đây. Lo sợ rằng những rủi ro tài chính sẽ đe dọa chính chế độ, ĐCSTQ đã tiến hành một loạt các cuộc thanh trừng.

Trong khi đó, ĐCSTQ đã tăng cường giám sát tài chính thông qua nhiều sáng kiến, bao gồm các hội thảo tài chính, kiểm duyệt tăng cường và can thiệp an ninh nhà nước.

Một buổi hội thảo về chủ đề tài chính dành cho các cán bộ lãnh đạo của ĐCSTQ ở cấp tỉnh đã được tổ chức tại Trường Đảng Trung ương của ĐCSTQ vào chiều ngày 19/1. Một loạt quan chức của đảng đã có mặt, bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Công an, và sự xuất hiện này là một động thái bất thường.

Điều đáng chú ý là ông Thái Kỳ (Cai Qi) - quan chức số 5 của Trung Quốc và là chánh văn phòng trung ương đảng của ông Tập Cận Bình - đã có bài phát biểu kết thúc tại hội thảo. Ông Thái hiện là quan chức hàng đầu của Trung Quốc phụ trách an ninh quốc gia. Ông Đường cho biết, bài phát biểu của ông Thái đã truyền tải một thông điệp rõ ràng đến thế giới bên ngoài rằng lĩnh vực tài chính đang được ĐCSTQ trực tiếp giám sát, thay vì sự giám sát từ các cơ quan chính phủ như Hội đồng Nhà nước.

Nhiều giám đốc tài chính Trung Quốc ‘ngã ngựa'
(Từ trái sang phải) Các đại biểu Vương Dương, Vương Hỗ Ninh và Thái Kỳ tham dự lễ khai mạc phiên họp đầu tiên của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 14 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 5/3/2023. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Tương tự, tên của hội nghị chính sách tài chính diễn ra hai lần một thập kỷ của Trung Quốc đã được thay đổi vào tháng 10 năm ngoái. Hội nghị Công tác Tài chính Quốc gia trở thành Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương, nâng cao vị thế của nó. Lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ tại hội nghị ở Bắc Kinh nhấn mạnh sự lãnh đạo tập trung của đảng về tài chính. Ngay sau hội nghị, một bài đăng của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc trên tài khoản WeChat của họ tuyên bố rằng các nhà đầu cơ bán khống đang cố gắng làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và gây ra bất ổn tài chính trong nước. Bài đăng trên WeChat đánh đồng việc bán khống với rủi ro an ninh quốc gia, nhấn mạnh sự cần thiết đối với lực lượng an ninh quốc gia trong việc can thiệp vào lĩnh vực tài chính. Trong một loạt bài đăng, Bộ An ninh Quốc gia kêu gọi người dân không bị lung lay bởi “những câu chuyện sai sự thật”.

Bắc Kinh cũng tăng cường kiểm duyệt các chủ đề kinh tế và tài chính. Cơ quan tuyên truyền của đảng đã hướng dẫn người dân Trung Quốc “hát lên lý thuyết tươi sáng về nền kinh tế Trung Quốc” và kiểm duyệt mạnh mẽ nội dung trực tuyến của các nhà bình luận và phê bình tài chính, thậm chí xóa các thông tin về những người đang gặp khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, ông Đường nhấn mạnh rằng tình trạng bất ổn tài chính hiện nay của Trung Quốc là kết quả của một vòng luẩn quẩn. Ông nói, các cuộc cải cách của ĐCSTQ đã dẫn đến việc lĩnh vực tài chính bị chia rẽ bởi nhiều phe phái lợi ích có thế lực và có ảnh hưởng khác nhau, những người cấu kết với chính quyền địa phương và các doanh nhân. Vì vậy, ông cho rằng, không có sự gia tăng kiểm soát tập trung nào có thể giải quyết được vấn đề vốn có của hệ thống tại Trung Quốc.

Ông Đường nói: “Chính hệ thống của ĐCSTQ đã dẫn đến những rủi ro tài chính mang tính hệ thống ngày nay, vì vậy không thể tránh khỏi các cuộc khủng hoảng tài chính của Trung Quốc, bất kể cơ quan chức năng nào của ĐCSTQ chi phối tình hình”.

Nhiều giám đốc tài chính Trung Quốc ‘ngã ngựa'
Một sĩ quan cảnh sát đứng gác trước phiên bế mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 10/3/2022 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Tự tử hoặc đột ngột qua đời

Khi ĐCSTQ tiếp tục thanh lọc hệ thống tài chính, vào cuối năm ngoái, thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc tiết lộ rằng một số giám đốc ngân hàng đã tự tử hoặc đột ngột qua đời.

Theo chính quyền huyện Anh Sơn, tỉnh Hồ Bắc, ông Wang Shengyong, chủ tịch Ngân hàng Làng sông Dương Tử trong huyện, đã chết vì ngộ độc khí carbon monoxide vào ngày 5/12/2023, thọ 54 tuổi. Thông tin cho rằng ông Wang đã tự sát sau khi lợi dụng chức vụ của mình để lừa gạt số tiền 40 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 5,6 triệu USD) từ người gửi tiền dưới chiêu bài huy động vốn.

Theo truyền thông chính thức đưa tin, ông Du Haitao, phó tổng giám đốc công ty Quản lý tài sản Credit Suisse - ICBC (Ngân hàng Công thương Trung Quốc), qua đời vì cơn đau tim vào ngày 13/12/2023 ở tuổi 49. Ông Du sinh năm 1974, và là phó tổng giám đốc của Công ty TNHH Quản lý tài sản Credit Suisse - ICBC và chủ tịch của Công ty TNHH Quản lý tài sản Credit Suisse - ICBC (Quốc tế).

Vào ngày 10/12/2023, ông Gong Danzhi, chủ tịch chi nhánh Thiên Tân của Ngân hàng Hoa Hạ, đã ngã từ trên cao và tử vong. Đồn cảnh sát địa phương đã xác nhận thông tin này.

Dựa trên thông tin doanh nghiệp, ông Gong Danzhi được bổ nhiệm làm chủ tịch chi nhánh Thiên Tân của Ngân hàng Hoa Hạ vào tháng 11/2020. Trước đó, ông là phó chủ tịch chi nhánh Bắc Kinh và chủ tịch chi nhánh trung tâm thứ cấp đô thị Bắc Kinh.

“Việc chủ tịch ngân hàng tự sát cho thấy [chính quyền] trung ương không còn chịu trách nhiệm nữa. Bất cứ ai cho vay tiền đều phải chịu trách nhiệm”, Wang Donglan (hóa danh), cựu phó chủ tịch một ngân hàng ở tỉnh Sơn Đông, nói với The Epoch Times vào ngày 20/12/2023.

“Trước đây, doanh nghiệp được khuyến khích vận hành bằng nợ. Một số doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn nhưng thông qua mối liên hệ giữa các cá nhân, họ vẫn có được vốn vay”.

“Không ai hỏi về điều đó trong nhiều năm đến như vậy. Giờ đây kiểm tra cuối năm phải có người chịu trách nhiệm, chủ tịch ngân hàng có thể không lo lắng sao? Số tiền nào được cho vay mà không có chữ ký của các chủ tịch? Lựa chọn tự sát có thể cứu được gia đình hoặc tài sản của họ”.

Vào ngày 4/5/2023, Ngân hàng Bắc Kinh đưa ra thông báo rằng ông Lin Hua, giám đốc độc lập của công ty, qua đời ở tuổi 47 vì bệnh tật.

Ông Lin sinh năm 1975 có lý lịch khá ấn tượng. Là nhà phân tích tài chính được cấp bằng (CFA) và nhà quản lý rủi ro tài chính, ông có bằng MBA tại Đại học California, Irvine và bằng Tiến sĩ về khoa học tài chính ứng dụng tại Đại học Geneva. Ông gia nhập hội đồng quản trị của Ngân hàng Bắc Kinh vào tháng 7/2022 và là giám đốc độc lập của ngân hàng.

Theo thông tin công khai, ông Lin là chủ tịch của Công ty TNHH Công nghệ chức năng Hoa Thành Bắc Kinh. Ông cũng là thành viên ban biên tập tạp chí Kế toán tài chính, phó giám đốc điều hành Ủy ban chuyên môn chứng khoán hóa tài sản của Hiệp hội quản lý tài sản bảo hiểm Trung Quốc, thành viên Ủy ban cố vấn chuẩn mực kế toán doanh nghiệp của Bộ Tài chính, giám đốc độc lập không điều hành của công ty Quản lý tài sản đất đai thương nhân Trung Quốc (China Merchants Land Asset Management), và là thành viên Ủy ban Thường vụ Ủy ban thứ mười lăm của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tại quận Đông Thành, Bắc Kinh, cùng các chức danh khác.

Tính đến ngày 7/12/2023, chính quyền ĐCSTQ báo cáo rằng ít nhất 96 cán bộ của hệ thống tài chính đã bị điều tra. Trong đó, có 8 cán bộ trực thuộc trung ương, 71 cán bộ ở các cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước, phòng ban tài chính và 17 cán bộ thuộc chính quyền tỉnh. Vào năm 2022, số người bị điều tra trong hệ thống tài chính là 77 người. Vì số liệu của ĐCSTQ từ lâu vẫn luôn bị nghi ngờ nên con số thực có thể cao hơn.

“Nhiều quản lý cấp trung và cấp cao ở nhiều phòng ban hiện đã qua đời vì đột tử hoặc bệnh tim”, Wang Donglan nói. “Có đủ loại thảo luận trên mạng [về vấn đề này], từ tử vong do bệnh tật đến tác dụng phụ của vaccine”.

Nhiều giám đốc tài chính Trung Quốc ‘ngã ngựa'
Một nhân viên đếm tờ 100 nhân dân tệ tại một ngân hàng ở Nam Thông, tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, vào ngày 23/7/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Giải cứu kinh tế bất thành, Bắc Kinh quay sang đổ lỗi

Trong khi những nỗ lực giải cứu nền kinh tế chưa cho thấy nhiều hiệu quả, dường như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cố gắng đổ lỗi bằng cách trấn áp các quan chức khác nhau của chính quyền trong các cuộc điều tra tham nhũng mở rộng.

Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Lý Lâm Nhất (Li Linyi) ở New York nói với The Epoch Times vào ngày 10/12/2023 rằng nếu cuối cùng cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc nổ ra, ĐCSTQ rất có thể sẽ cố gắng đổ lỗi cho ông Lý Khắc Cường và phe cánh của ông Lý trong chính quyền.

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ, Ủy ban Tài chính Trung ương được thành lập vào tháng 3/2023, do Thủ tướng Lý Cường lãnh đạo và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong làm giám đốc văn phòng. Ông Lý Cường và ông Hà Lập Phong đều là những người bạn thân tín đáng tin cậy của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Lý Lâm Nhất nói: “Bây giờ, những người nắm quyền lực đáng kể trong lĩnh vực tài chính của ĐCSTQ là những người được lãnh đạo đảng tin tưởng”. Ông Lý tiếp tục: “Những quan chức bị thanh trừng gần đây là những người được ông Lý Khắc Cường bổ nhiệm trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông. Đây là một dấu hiệu rõ ràng”.

Theo ông Lý Lâm Nhất, cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường vào ngày 27/10/2023 ở tuổi 68, chỉ nửa năm sau khi từ chức Thủ tướng, đã đặt ra nhiều dấu hỏi về việc ông Lý thực sự qua đời như thế nào.

Trong lúc cuộc thanh trừng trong lĩnh vực tài chính vẫn đang căng thẳng, lĩnh vực này vẫn tiếp tục chứng kiến những diễn biến tiêu cực. Ngay vào đầu năm mới, gã khổng lồ ngân hàng ngầm Zhongzhi đã nộp đơn thanh lý phá sản và được chấp thuận. Đây là diễn biến báo hiệu một năm 2024 không hề yên ả đối với ngành tài chính Trung Quốc. Vụ phá sản của Zhongzhi cũng nêu bật những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc giải quyết các vấn đề nợ quy mô lớn và đôi khi là bị ẩn giấu, đồng thời minh họa cho sự thất bại của ĐCSTQ trong nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính cho các lĩnh vực rủi ro hơn trong hệ thống tài chính Trung Quốc.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Nhiều giám đốc tài chính Trung Quốc 'ngã ngựa'