Các tỷ phú cho vay P2P bị phạt nặng, Bắc Kinh có thêm đối tượng để đổ lỗi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vốn là lĩnh vực từng được Bắc Kinh ủng hộ và quảng bá, giờ đây các nền tảng cho vay ngang hàng P2P đang có một kết cục bi thảm. Các tỷ phú doanh nhân đứng sau các nền tảng đơn giản là các đối tượng để Bắc Kinh đổ lỗi trong lúc nền kinh tế Trung Quốc đang rối ren.

Một số tỷ phú của nền tảng cho vay ngang hàng P2P (các nền tảng trực tuyến kết nối trực tiếp người đi vay và cho vay) của Trung Quốc gần đây đã bị kết án chung thân ở Trung Quốc vì bị cáo buộc liên quan tới các âm mưu tài chính bất hợp pháp liên quan đến hàng tỷ USD.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đổ lỗi cho những nhà cho vay P2P đã cướp bóc tiền tiết kiệm cả đời của người Trung Quốc trong khi số tiền bị tịch thu có thể bị chính ĐCSTQ chiếm đoạt thay vì dùng để bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Chính quyền ĐCSTQ bắt đầu ủng hộ các nền tảng cho vay P2P vào năm 2013, với nhiều phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin rằng nền tảng cho vay trực tuyến này có thể giúp giảm bớt những thách thức về tài chính và đáp ứng nhu cầu đầu tư vốn tư nhân. Vào năm 2015, Thủ tướng Lý Khắc Cường khi đó đã tuyên bố ủng hộ tài chính Internet, cung cấp hỗ trợ cấp cao cho P2P trong chuyến thăm Thâm Quyến với một số bộ và ủy ban, bao gồm Bộ Tài chính, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc.

Các kênh truyền thông chính thức đã khẳng định uy tín cho nền tảng cho vay P2P, sau đó P2P đã thu hút lượng đầu tư lớn từ các cá nhân.

Tính đến năm 2018, quy mô ngành P2P của Trung Quốc đạt 1,3 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 184 tỷ USD), với 50 triệu người dùng đã đăng ký. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, có 1.836 nền tảng cho vay trực tuyến trên toàn quốc vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, kể từ năm 2018, ngành công nghiệp P2P đã vướng vào các vụ bê bối và khủng hoảng vỡ nợ. ĐCSTQ bắt đầu thanh lọc lĩnh vực này, và số lượng nền tảng cho vay trực tuyến P2P giảm từ mức đỉnh điểm khoảng 5.000 xuống 0 vào cuối năm 2020.

Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự làm việc tại Mỹ, nói với The Epoch Times rằng, sự đảo ngược thái độ đối với những bên cho vay P2P là “một cái tát vào mặt” vì lĩnh vực này vốn được phát triển với sự hậu thuẫn của ĐCSTQ hoặc có liên hệ đến các vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức cấp cao của ĐCSTQ.

Ông Đường tin rằng các biện pháp kiểm soát rủi ro do nền tảng P2P triển khai, chẳng hạn như yêu cầu tiền gửi ngân hàng và Chứng chỉ Chuyên gia được Chứng nhận ICAgile (ICP), một chứng chỉ được ngành công nhận, không hiệu quả trong việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư khi các nhà vận hành nền tảng biển thủ hoặc bỏ trốn với số tiền lớn, “điều này có thể một phần là do các cơ quan quản lý của ĐCSTQ bỏ bê nhiệm vụ.”

Nhưng theo ông Đường, quan trọng hơn, sự sụp đổ của các nền tảng tài chính P2P của Trung Quốc bắt nguồn từ các vấn đề mang tính hệ thống trong chế độ này, vốn tạo ra sự thông đồng giữa những người nắm quyền và chủ sở hữu tài sản, phá hủy lòng tin của người dân.

Các tỷ phú cho vay P2P bị phạt nặng, Bắc Kinh có thêm đối tượng để đổ lỗi
Cuộc biểu tình P2P được tổ chức tại Trùng Khánh, Trung Quốc vào ngày 1/10/2018. (Ảnh: The Epoch Times)

Bị phạt tù chung thân, tịch thu tài sản

Vào ngày 7/12, ông Zhou Shiping, được mệnh danh là “cha đỡ đầu của hoạt động cho vay trực tuyến tại Trung Quốc”, đã bị tòa án Thâm Quyến kết án tù chung thân và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân vì tội lừa đảo tài chính. 17 đồng phạm bị kết án tù dưới 11 năm.

Người đàn ông 55 tuổi thành lập Hongling Capital vào năm 2009 và sử dụng công ty này để thu hút khoảng 109 tỷ CNY (khoảng 15,3 tỷ USD) từ hơn 480.000 nhà đầu tư tư nhân.

Ông Lin Wenfeng, người sáng lập Công ty Đầu tư Wenshenwei Thâm Quyến và Công ty Dịch vụ Thông tin Tài chính Gongxinying Thâm Quyến, là một nhà kinh doanh cho vay P2P khác, người sẽ phải ngồi tù suốt đời và bị tước bỏ toàn bộ tài sản vì tội lừa đảo và các hành vi tài chính bất hợp pháp.

Vào ngày 29/11, ông Lin và 11 đồng phạm đã bị tòa án Thâm Quyến kết tội thu thập bất hợp pháp khoản tiền gửi của công chúng trị giá 38,6 tỷ CNY (khoảng 5,38 tỷ USD) từ hơn 150.000 nhà đầu tư thông qua các khoản vay P2P và cho vay tư nhân.

Ông Lin từng giữ các vị trí lãnh đạo tại Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Thương mại Trung Quốc, đồng thời ông từng là chủ tịch của Đài Truyền hình Vệ tinh Hong Kong và Chủ tịch Câu lạc bộ Golf Thâm Quyến.

Ngày 14/11, ông He Yuan, một doanh nhân cho vay nổi tiếng với loạt sản phẩm tài chính ở Thượng Hải, nhận mức án tù chung thân và bị phạt tài chính 3,4 triệu CNY (khoảng 474.000 USD).

Ông He bị cáo buộc bán các sản phẩm tài chính theo cách lừa đảo thông qua các công ty của mình, chẳng hạn như Công ty Quản lý Đầu tư Hoomsun (Thượng Hải), cho hơn 41.100 nhà đầu tư. Theo phán quyết của tòa án Thượng Hải, ông He đã thu hút được tổng cộng hơn 8,9 tỷ CNY (khoảng 1,25 tỷ USD) tiền đầu tư.

Ngày 3/11, Tòa án cấp cao tỉnh Quảng Đông đã đưa ra phán quyết cuối cùng, bác đơn kháng cáo và giữ nguyên phán quyết ban đầu vào ngày 14/7, khi Tòa án Trung cấp Thâm Quyến ra phán quyết đối với 26 nghi phạm, trong đó có ông Peng Tie, CEO của Tập đoàn Quản lý Vốn Neo (Neo Capital Management Group), vì các hành vi tài chính bất hợp pháp và gian lận trị giá 102,6 tỷ CNY (khoảng 14,3 tỷ USD) thông qua các khoản vay P2P và các sản phẩm tài chính tư nhân.

Ông Peng bị kết án tù chung thân và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân; những người khác bị phạt tù dưới 11 năm.

Chính quyền Quảng Đông đã bắt giữ ông Peng và hàng chục đồng sự, phong tỏa tài khoản và tịch thu tài sản của họ vào tháng 1/2021.

Tập đoàn Quản lý Vốn Neo là một trong những nền tảng P2P lớn nhất ở Quảng Đông, với hơn 6 triệu người đăng ký và chi nhánh tại 150 thành phố; hoạt động kinh doanh của công ty còn mở rộng sang cả đội bóng rổ Maverick của NBA.

Quyền lợi người dân bị tổn thất, trách nhiệm của Bắc Kinh ở đâu?

Các tỷ phú cho vay P2P bị phạt nặng, Bắc Kinh có thêm đối tượng để đổ lỗi
Những người thỉnh nguyện được cảnh sát và nhân viên an ninh hộ tống ra khỏi công viên trước khi bị đưa lên xe buýt và chở đi ở Bắc Kinh vào ngày 6/8/2018. - Hàng trăm cảnh sát đã tràn ra các đường phố của khu tài chính Bắc Kinh vào ngày 6/8 khi chính quyền Trung Quốc mạnh tay dập tắt một cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch liên quan tới những tổn thất do các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) gây ra. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Mặc dù tòa án Trung Quốc đã trừng phạt nặng nề những nhà cho vay trực tuyến và tịch thu tài sản của họ, nhưng các nạn nhân dường như không lấy lại được tiền của mình. Các luật sư Trung Quốc chỉ ra rằng trong những vụ án về âm mưu tài chính bất hợp pháp như vậy, nếu tiền không thể được hoàn trả khi kết thúc vụ án, thì nạn nhân sẽ không được bảo vệ và phải tự gánh chịu tổn thất.

Liu Yanlin (hóa danh), một chuyên gia tài chính ở Trung Quốc, nói với Đài truyền hình NTD tiếng Trung rằng ĐCSTQ trước đây đã quảng bá cho nền tảng P2P, đồng thời tạo điều kiện cho việc đóng gói và bán các khoản nợ xấu cho nền tảng P2P.

“Sau đó, chính quyền ĐCSTQ đã ngầm cho phép các nền tảng P2P đóng gói các khoản nợ xấu này và bán chúng cho các nhà đầu tư nhỏ không hiểu biết. Tiền đầu tư [được các nền tảng huy động] cuối cùng đã đến tay các ngân hàng và cuộc khủng hoảng tài chính đã được chuyển sang người dân Trung Quốc”.

Ông Đường nói: “Đổ hết trách nhiệm lên người đứng đầu các nền tảng cho vay trực tuyến [là một động thái] có động cơ chính trị hơn là có ý nghĩa kinh tế khi mà ĐCSTQ không thể tìm ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế”.

Giải cứu kinh tế bất thành, Bắc Kinh tìm cách đổ lỗi

Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua sự suy yếu đáng kể. Mặc dù ĐCSTQ thực hiện nhiều nỗ lực giải cứu thị trường nhưng chúng vẫn không mang lại kết quả đáng chú ý. Trong lúc đó, ĐCSTQ đang cố gắng đổ lỗi bằng cách trấn áp các quan chức khác nhau của chính quyền trong các cuộc điều tra tham nhũng mở rộng.

Theo thống kê từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ, kể từ tháng 11, ít nhất 9 giám đốc tài chính tại các ngân hàng được nhà nước hậu thuẫn đã bị cách chức, với hơn 90 quan chức như vậy đã bị thanh trừng trong năm nay.

Đổ lỗi cho ông Lý Khắc Cường

Các tỷ phú cho vay P2P bị phạt nặng, Bắc Kinh có thêm đối tượng để đổ lỗi
Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Lý Khắc Cường phát biểu trong chuyến thăm công trường xây dựng cây cầu nối bán đảo Peljesac của Croatia với phần còn lại của bờ biển và đất liền Croatia vào ngày 11/4/2019. (Ảnh: Elvis Barukcic/AFP qua Getty Images)

Nhà bình luận chính trị Trung Quốc Lý Lâm Nhất (Li Linyi) ở New York nói với The Epoch Times vào ngày 10/12 rằng nếu cuối cùng cuộc khủng hoảng kinh tế Trung Quốc nổ ra, ĐCSTQ rất có thể sẽ cố gắng đổ lỗi cho ông Lý Khắc Cường và phe cánh của ông Lý trong chính quyền.

Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của ĐCSTQ, Ủy ban Tài chính Trung ương được thành lập vào tháng 3 năm nay, hiện do Thủ tướng Lý Cường lãnh đạo và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong làm giám đốc văn phòng. Ông Lý Cường và ông Hà Lập Phong đều là những người bạn thân tín đáng tin cậy của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Lý Lâm Nhất nói: “Bây giờ, những người nắm quyền lực đáng kể trong lĩnh vực tài chính của ĐCSTQ là những người được lãnh đạo đảng tin tưởng”. Ông Lý tiếp tục: “Những quan chức bị thanh trừng gần đây là những người được ông Lý Khắc Cường bổ nhiệm trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông. Đây là một dấu hiệu rõ ràng”.

Theo ông Lý Lâm Nhất, cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường vào ngày 27/10 ở tuổi 68, chỉ nửa năm sau khi từ chức Thủ tướng, đã đặt ra nhiều dấu hỏi về việc ông Lý thực sự qua đời như thế nào.

Các doanh nghiệp gặp khó khi phải giải cứu thị trường

Nhiều doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc tham gia giải cứu thị trường đã rơi vào tình thế khó khăn.

Vào ngày 29/11, các công ty bảo hiểm lớn thuộc sở hữu nhà nước China Life Insurance và New China Life Insurance cùng tuyên bố thành lập quỹ đầu tư chứng khoán cổ phần tư nhân trị giá 50 tỷ CNY (7 tỷ USD). Quỹ không chỉ có quy mô lớn mà thời hạn của nó là "10+N" năm, nghĩa là nó có thể được gia hạn sau 10 năm đầu tiên tùy theo hoàn cảnh. Hai ông lớn bảo hiểm nhấn mạnh đây là dự án quan trọng, phù hợp với các chính sách liên quan, tối ưu hóa danh mục bảo hiểm nhân thọ.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã ca ngợi sự hợp tác này như một sự khuyến khích cho việc thâm nhập vốn dài hạn vào thị trường, hỗ trợ sự phát triển ổn định của thị trường vốn và đóng vai trò là "chất ổn định" trong nền kinh tế.

Chỉ hơn một tuần sau, cổ phiếu của cả hai công ty bảo hiểm niêm yết tại Hong Kong đều chạm mức thấp nhất trong năm vào ngày 8/12.

Vào ngày 9/11, Reuters đưa tin chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu Tập đoàn Bảo hiểm Ping An của Trung Quốc chiếm cổ phần kiểm soát tại Country Garden để đối phó với khó khăn tài chính của Country Garden. Tin tức này làm thị trường lo ngại, khiến giá cổ phiếu của Ping An giảm hơn 5%.

Bảo hiểm Ping An đã đưa ra tuyên bố khẩn cấp phủ nhận bài báo, nói rằng họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ yêu cầu nào như vậy từ chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, Reuters vẫn giữ nguyên bài báo của mình, trích dẫn 4 nguồn tin cho rằng chính quyền thực sự đã đưa ra yêu cầu như vậy.

Giá cổ phiếu của Ping An tiếp tục giảm sau đó.

Trước đó, vào cuối tháng 11, thông tin từ Bloomberg và truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đang soạn thảo một "danh sách trắng" các nhà phát triển bất động sản, yêu cầu các tổ chức tài chính và ngân hàng hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản trong danh sách này bằng cách cung cấp các khoản vay và các công cụ cứu trợ khác. Theo thông tin, 50 công ty bất động sản nhà nước và tư nhân nằm trong danh sách trắng gồm các doanh nghiệp như Vanke, Xincheng Development và Longfor Group. Động thái này giống như tìm cách đổ trách nhiệm giải cứu bất động sản lên các ngân hàng.

Các tỷ phú cho vay P2P bị phạt nặng, Bắc Kinh có thêm đối tượng để đổ lỗi
​​Một khu phức hợp nhà ở do nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Vanke xây dựng ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, vào ngày 30/8/2023. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Nhà truyền thông tài chính Lao Man tin rằng danh sách trắng thực chất là việc chính quyền trung ương bắt đầu trực tiếp ép các ngân hàng cho các nhà phát triển bất động sản vay tiền. So với 21 năm trước khi chính quyền trung ương buộc các ngân hàng ngừng cho các nhà phát triển bất động sản vay tiền thì giờ đây mọi chuyện đã quay ngoắt 180 độ.

Chuyên gia này cũng cho rằng loại danh sách trắng này là vô ích và không thể cứu được lĩnh vực bất động sản.

Ông Chen Songxing, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Mới tại Đại học Donghua của Đài Loan, nói với Free Asia rằng “danh sách trắng” hỗ trợ 50 công ty bất động sản “giống như đổ các vấn đề sang ngân hàng”.

Ông Chen Songxing phân tích rằng nếu tính cả chi phí trái phiếu thì lợi nhuận ròng của các ngân hàng Trung Quốc sẽ âm. Ngoài ra, hoạt động cho vay liên ngân hàng bị thắt chặt, việc trả lãi cho người gửi tiền là gánh nặng khá nặng nề đối với các ngân hàng. Họ cũng đã được yêu cầu gia hạn các khoản nợ của các nhà phát triển bất động sản. Ngoài ra, chi phí vận hành của những cỗ máy khổng lồ khiến các ngân hàng Trung Quốc chịu áp lực rất lớn.

Quantum Leap từng công bố bài phân tích cho rằng ngành bất động sản đã bắt cóc toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Một khi”con đập” bất động sản vỡ, dòng nước lũ sẽ nhanh chóng cuốn trôi thị trường nợ hạ nguồn. Cuối cùng, thị trường bất động sản và nợ sẽ hợp sức đánh bại hệ thống ngân hàng. Một khi các ngân hàng bị phá hủy, nền kinh tế sẽ bị hủy hoại hoàn toàn.

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Các tỷ phú cho vay P2P bị phạt nặng, Bắc Kinh có thêm đối tượng để đổ lỗi