Xà Trí Giang - Từ doanh nhân ‘yêu nước’ đến mục tiêu trừ khử của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từng làm việc cho Bắc Kinh với tư cách một doanh nhân ‘yêu nước, ông Xà Trí Giang nhanh chóng gánh chịu hậu quả khi Trung Quốc thay đổi giọng điệu. Ông Xà đã bị gọi là kẻ đạo đức giả “hai mặt”, một tên tội phạm đội lốt nhà từ thiện, và mọi việc không chỉ dừng ở đó.

Một ông trùm cờ bạc đang bị giam giữ ở Thái Lan đã tuyên bố qua một đoạn video bị rò rỉ gần đây rằng ông không có ý định tự sát.

Ông Xà Trí Giang (She Zhijiang), người Campuchia gốc Hoa và là nhà phát triển Thành phố Mới Yatai của Myanmar, đang phải đối mặt với việc bị dẫn độ sang Trung Quốc.

Ông Xà đang đấu tranh chống lại yêu cầu dẫn độ sang Trung Quốc vì tháng 1/2017 ông đã nhập quốc tịch Campuchia và không còn là công dân Trung Quốc. Ông nói rằng nếu ông chết thì đó là do tác động của Cơ quan An ninh Nhà nước Trung Quốc và tình báo Thái Lan.

Một người bạn thân, người muốn giấu tên vì sợ Bắc Kinh trả thù, đã thay mặt ông Xà nói chuyện với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times vì lo lắng cho tình hình sức khỏe của ông.

Người bạn cho biết ông Xà đã trở thành một nạn nhân của các hoạt động xâm nhập lãnh thổ nước ngoài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bắc Kinh thường tuyển dụng các doanh nhân Hoa kiều ở nước ngoài với danh nghĩa yêu nước, nhưng sau đó lại tiêu diệt họ sau khi họ hoàn thành công việc cho chế độ.

Ông bày tỏ sự quan ngại sâu sắc đối với tính mạng của ông Xà sau động thái dồn toàn lực bôi nhọ doanh nhân này của chế độ.

Người bạn này đã cung cấp cho The Epoch Times một đoạn video của ông Xà liên quan đến tuyên bố cá nhân của ông rằng ông “không có ý định tự sát” vào ngày 20/9, và một video khác của một tù nhân kêu gọi công chúng chú ý đến ông Xà. Bắc Kinh được cho là muốn ông Xà chết.

Tù nhân Wang Fugui đã mô tả trong video ít nhất một vụ bạo lực xảy ra trong nhà tù của ông Xà, mà cặp đôi này tin rằng nhắm vào ông Xà, người may mắn không hề hấn gì vì ông đang họp với luật sư của mình để kháng cáo việc dẫn độ.

Ông Wang nói: “Ông ấy nói với tôi rằng ông ấy thực sự hối hận khi nhận lời tuyển dụng của ĐCSTQ vào năm 2017”, ngây thơ tin vào tuyên bố của ĐCSTQ rằng vai trò của ông ấy sẽ là một “doanh nhân yêu nước”.

Nhận lời làm việc cho Bắc Kinh

Chấp nhận việc tuyển dụng của ĐCSTQ có nghĩa là chấp nhận làm việc như một đặc vụ của ĐCSTQ. Theo một báo cáo từ một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ về các vụ gián điệp Trung Quốc năm 2016, “Các doanh nhân trong và ngoài nước cũng được sử dụng làm đặc vụ cấp điều hành, cộng tác viên và đặc vụ chính, những người tự phát triển mạng lưới gián điệp”, báo cáo nói về Trung Quốc.

Như một thông lệ, Phòng Thương mại Trung Quốc ở nước ngoài thường đóng vai trò là trung tâm gián điệp của ĐCSTQ, nơi tuyển dụng những người làm việc ở nước ngoài, thường là những doanh nhân Trung Quốc thành đạt ở nước ngoài.

Việc ông Xà chấp nhận việc tuyển dụng của ĐCSTQ ngay lập tức khiến tên tuổi của ông được người Trung Quốc đại lục biết đến.

Trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác tại Bắc Kinh vào tháng 7/2019 giữa ông Xà và Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc (CCIEE), ông Xà được giới thiệu là một doanh nhân nước ngoài thành đạt, nhà từ thiện và là lãnh đạo phòng thương mại ở nước ngoài tham gia xây dựng Hành lang kinh tế Trung Quốc-Thái Lan-Myanmar.

CCIEE, một tổ chức tư vấn kinh tế Trung Quốc, được chính thức ra mắt tại Bắc Kinh vào ngày 20/3/2009, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng lúc đó là Ôn Gia Bảo. CCIEE có sứ mệnh thiết lập chiến lược cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của chế độ này.

Xà Trí Giang: Từ doanh nhân ‘yêu nước’ đến mục tiêu trừ khử của Bắc Kinh
Các nhân viên an ninh đi ngang qua bảng quảng cáo cho Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường tại địa điểm diễn đàn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 13/5/2017. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Từ doanh nhân ‘yêu nước’ trở thành ‘tên tội phạm đội lốt nhà từ thiện’

Ông Xà, sinh năm 1982 trong một gia đình nông dân ở tỉnh Hồ Nam, đã tìm kiếm cơ hội cho mình ở Philippines khi mới 20 tuổi.

Ông bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực sòng bạc và trở thành một trong những cổ đông của Genting Casino ở Philippines. Theo người bạn của ông, sự thành công, công việc từ thiện và sự nổi tiếng của ông Xà đối với người Philippines gốc Hoa là những điều ban đầu đã thu hút sự chú ý của cơ quan an ninh quốc gia của ĐCSTQ.

Bạn của ông cho biết, nhiệm vụ đầu tiên của ông Xà là từ đặc vụ Ma Dongli của ĐCSTQ, người đã thuyết phục ông tham gia kế hoạch hải ngoại của ĐCSTQ và mua lại một lô đất lớn từ chính phủ Myanmar.

Sau đó, ông mua được 120 km2 đất ở Thung lũng Shwe Kokko, nơi đặt trụ sở của Yatai International.

Năm 2017, ông Xà đầu tư 15 tỷ USD để phát triển Thành phố mới Yatai.

“Thành phố mới Yatai cũng được xây dựng bằng vốn và công nghệ của các doanh nghiệp trung ương của ĐCSTQ,” người bạn cho biết, chẳng hạn như Cục 20 Đường sắt Trung Quốc, Tập đoàn Phát triển Bất động sản Quốc gia Trung Quốc và Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Tây An.

Các chủ tịch và bí thư đảng ủy của họ, tức là những người trung thành với ĐCSTQ, đều đã xuất hiện ở Thành phố Mới Yatai. Đặc vụ ĐCSTQ, ông Ma đã trở thành giám đốc điều hành của Yatai International.

Người bạn này cho biết ĐCSTQ cũng sắp xếp để một quan chức cấp cao khác, Tổng Giám đốc Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Tây An Zhao Hongbing, làm giám sát trưởng của Hội đồng quản trị của Yatai International.

Tuy nhiên, ĐCSTQ nhanh chóng thay đổi giọng điệu và gọi ông Xà là kẻ đạo đức giả “hai mặt”, một tên tội phạm đội lốt nhà từ thiện.

Bạn của ông Xà giải thích rằng mối quan hệ cá nhân thân thiết của ông Xà với chính quyền quân sự địa phương đang cản trở nỗ lực kiểm soát thành phố của ĐCSTQ.

Bộ máy tuyên truyền hùng mạnh của ĐCSTQ đã phát động các hoạt động phỉ báng và bôi nhọ liên tục nhằm hủy hoại danh tiếng của ông Xà bằng cách liên kết hoạt động kinh doanh của ông với một trong nhiều hang ổ tội phạm khét tiếng ở Đông Nam Á, KK Park.

Bị Interpol bắt

Vào ngày 10/8/2022, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ ông Xà tại một nhà hàng Nhật Bản ở ngoại ô Bangkok theo lệnh bắt giữ của Interpol ban hành vào tháng 5/2021 với tội “điều hành các hoạt động cờ bạc trực tuyến trái phép”.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là ĐCSTQ có lịch sử lạm dụng hệ thống Interpol để truy lùng kẻ thù chính trị bằng những cáo buộc bịa đặt.

Trong một báo cáo điều tra năm 2021, “Theo đuổi suốt đời”, tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders đã ghi lại cách ĐCSTQ lạm dụng Interpol “trong việc đàn áp các tội phạm chính trị và tư tưởng” và ghi nhận những thất bại nổi tiếng của Interpol trong việc kiểm tra và rà soát các Thông báo Đỏ [thông báo truy lùng tội phạm] được yêu cầu.

Báo cáo cho biết chính quyền Trung Quốc và Hong Kong đã “đưa ra hàng loạt lời đe dọa ngày càng tăng nhằm lợi dụng các hiệp ước hỗ trợ pháp lý lẫn nhau (MLAT) với các nước thứ ba, cũng như các công cụ do Interpol cung cấp, để tích cực truy đuổi và buộc những 'kẻ đào tẩu' phải hồi hương”.

Báo cáo trình bày dữ liệu về cách chính quyền Trung Quốc sử dụng và lạm dụng các công cụ của Interpol như Thông báo Đỏ và sự mở rộng nhanh chóng của Interpol trong hai thập kỷ qua, chứng kiến việc sử dụng Thông báo Đỏ tăng gấp 10 lần và Thông báo Khuếch tán (Diffusion) (thông báo truy lùng không chính thức từ một quốc gia thành viên) tăng gấp 5 lần.

Người bạn cho biết họ tin rằng hoạt động chống lại ông Xà được thực hiện vì mục đích chính trị với sự sắp xếp của ngành an ninh quốc gia ĐCSTQ.

Điểm khởi đầu sự xung đột

Theo bạn của ông, ĐCSTQ muốn ông Xà chuyển đến Đài Loan để phát triển. Đó là lúc ông Xà nhận thức được ý định muốn loại bỏ ông Xà của ĐCSTQ và bắt đầu xa rời ĐCSTQ.

“Nếu Xà Trí Giang rời đến Đài Loan, ĐCSTQ sẽ tiếp quản Thành phố Mới Yatai. Đây là điểm khởi đầu của cuộc xung đột của họ. Cá nhân ông đã đầu tư hơn 10 tỷ USD. Tất nhiên là ông ấy sẽ không buông tay”, người bạn nói.

Trong một cuộc hỏi đáp trên phương tiện truyền thông vào tháng 7/2020, Yatai International đang thực hiện việc kiểm soát thiệt hại và nỗ lực tạo khoảng cách với BRI.

“Ở đây, chúng tôi muốn làm rõ rằng ban đầu chúng tôi tìm kiếm sự liên kết với BRI, vì cơ sở hạ tầng và sự phát triển của chúng tôi phù hợp với các mục tiêu của BRI”.

Công ty tuyên bố vào thời điểm đó: “Chúng tôi muốn tuyên bố rằng chúng tôi tránh xa BRI và không nhận được sự ủng hộ chính thức nào từ chính phủ Trung Quốc”.

Vào tháng 8/2020, đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã đưa ra thông cáo báo chí chính thức tuyên bố rằng Thành phố mới Yatai là “khoản đầu tư của nước thứ ba và không liên quan gì đến Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Thế giới ngầm

Trong video và tuyên bố được cung cấp cho The Epoch Times, ông Xà nghiêm túc tuyên bố: “Trước hết, tôi không phải là chủ sở hữu của KK Park và tôi không liên quan gì đến KK Park. Tôi chưa bao giờ điều hành một công ty lừa đảo”.

KK Park, một trong những khu lừa đảo khét tiếng nhất ở Myawaddy của Myanmar, gần đây đã thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế về nhiều nạn nhân, bao gồm cả người Hong Kong và Đài Loan, những người được cho là đã bị buôn bán và bị giam giữ trong khu phức hợp, trung tâm của ngành công nghiệp lừa đảo viễn thông đang bùng nổ trải dài từ Bắc Myanmar.

Xà Trí Giang: Từ doanh nhân ‘yêu nước’ đến mục tiêu trừ khử của Bắc Kinh
Một hàng rào biên giới ngăn cách Trung Quốc và Myanmar ở thành phố Thụy Lệ cấp huyện thuộc Đức Hoành, tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc, vào ngày 14/01/2023. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Người bạn giải thích rằng Thành phố mới Yatai nằm ở Shwe Kokko, cách Myawaddy khoảng 22 km về phía bắc. Nó chịu sự quản lý tách biệt khỏi Myawaddy.

Ông nói rằng Shwe Kokko được cai trị bởi Đại tá Saw Chit Thu, từ Lực lượng Biên phòng Karen (BGF), còn Myawaddy do Thiếu tá Saw Tin Win cai trị. Cả hai bên đều tự gọi mình là Lực lượng Biên phòng Karen, nhưng họ không can thiệp vào hoạt động của nhau.

Người bạn nói rằng các dự án BRI phát triển theo hai tuyến. Tuyến đầu tiên là các dự án BRI chính thức, chẳng hạn như đường sắt cao tốc, đường cao tốc và các dự án khác do các gia đình đỏ của ĐCSTQ và các nhóm lợi ích của họ như PetroChina, Sinopec, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, v.v., nắm giữ.

Nhóm còn lại là các tổ chức thuộc thế giới ngầm có liên hệ với ngành an ninh quốc gia, tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp, từ sòng bạc trực tuyến và lừa đảo trên mạng, tới buôn người và rửa tiền.

Theo người bạn, ông Duan Zhengli là trưởng đặc vụ của cơ quan an ninh quốc gia Bắc Kinh tại Myanmar. “Tôi được biết ông ấy đã đến KK Park vào tháng 9 này để thu tiền hoa hồng. Không rõ liệu ông ấy có gửi tiền đến Bắc Kinh hay không. Nhưng ông ấy có mối liên hệ chặt chẽ với KK Park”.

Cơ quan ngôn luận nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin vào năm 2017 rằng ông Duan là một nhà phát triển mỏ và là nhân vật quan trọng đối với BRI của Trung Quốc, người bắt đầu tìm hiểu thị trường Myanmar vào năm 2006 và là thành viên hội đồng quản trị của Yatai International.

Người bạn cho biết, để theo dõi và kiểm soát ông Xà, ông Duan là điệp viên thứ ba được ĐCSTQ sắp xếp tại Yatai International.

Thành phố mới Yatai

Ông Fu Yifeng, một người Trung Quốc 27 tuổi đến từ Sơn Đông, Trung Quốc, đã được Liên Hợp Quốc cấp quy chế tị nạn ở Thái Lan vào tháng 5 này.

Ông ấy đã không có quốc tịch kể từ khi sinh ra. Ông nói: “Chế độ từ chối đăng ký hộ khẩu cho tôi”.

Vào đầu tháng 9, ông Fu đã thực hiện chuyến đi 10 ngày đến Thành phố mới Yatai và cung cấp cho The Epoch Times một đoạn video về Thành phố mới Yatai. Ông ấy lái xe máy và dành bốn ngày để đi tham quan khắp thành phố.

Xà Trí Giang: Từ doanh nhân ‘yêu nước’ đến mục tiêu trừ khử của Bắc Kinh
Ông Fu Yifeng, một nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc ở Thái Lan, được Liên Hợp Quốc cấp quy chế tị nạn vào tháng 5/2023. (Ảnh: Fu Yifeng)

“Đó không phải là một thành phố lớn, có diện tích xấp xỉ một thị trấn nhỏ điển hình ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nó được trang bị đầy đủ các cơ sở vật chất như công viên, bệnh viện, rạp KTV [karaoke], trung tâm thương mại, phòng tập đấm bốc, nhà máy xử lý nước thải, cùng các cơ sở vật chất khác”, ông Fu nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times.

Ông giải thích rằng việc xây dựng vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trong thành phố. Công viên Yatai trong thành phố gần như chật kín du khách suốt cả ngày.

“Có nhân viên an ninh tuần tra trên các đường phố và ngõ hẻm trong toàn thành phố và tại mọi ngã tư - hầu như suốt cả ngày ở bất kỳ ngóc ngách nào. Một chi tiết khác là cứ vài trăm mét lại có vòi uống nước miễn phí trên các con đường, vỉa hè của thành phố”, ông Fu nói.

Ông mô tả quá trình phát triển Thành phố Mới Yatai đã được tổ chức tốt chứ không phải như những gì truyền thông ĐCSTQ đã đưa tin với công chúng Trung Quốc.

Ông ấy cũng đã thực hiện một chuyến đi đến KK Park và cung cấp cho The Epoch Times một đoạn video về chuyến thăm của ông ấy đến khu vực xung quanh KK Park.

Ông Fu muốn cảnh báo mọi người thậm chí không nên cố gắng đến thăm khu vực này. Trong chuyến đi, ông Fu được hai dân quân địa phương tháp tùng. Theo ông, KK Park được rào hoàn toàn giống như một thành phố nhà tù.

Trở thành mục tiêu loại bỏ của Bắc Kinh

Vào ngày 5/10, The Epoch Times đã liên lạc được với ông He, giám đốc lâm thời của Yatai International sau khi ông Xà bị bắt.

Để bảo vệ danh tính, tên của ông He không được cung cấp [He là họ].

Ông cho biết nhiều dự án khác nhau trong thành phố vẫn tiếp tục, nhưng chắc chắn với tốc độ chậm hơn nhiều kể từ khi ông Xà bị bắt.

Yatai International đang tham gia phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp ở Thành phố mới Yatai, tức là quy hoạch đô thị tổng thể đã có trong tâm trí của ông Xà. Theo ông He, chỉ có ông Xà mới có bản thiết kế chi tiết của thành phố và không ai khác có thể thay thế vị trí của ông trong việc xây dựng thành phố.

“Chúng tôi là nhà phát triển thành phố. Bất kỳ ai vào thành phố để kinh doanh đều phải được sự chấp thuận của chính quyền địa phương. Những gì liên quan tới các doanh nghiệp địa phương không nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi”, ông He nói.

Ông He nói: “Chúng tôi có mối quan hệ tốt với chính quyền quân sự địa phương, nhưng ĐCSTQ đang đàn áp chúng tôi”.

Người bạn trước đó tiết lộ rằng ông Xà có mối quan hệ tốt với Đại tá Chit Thu, người đã cấp cho ông một lực lượng an ninh gồm 5.000 người ở Thành phố mới Yatai. Người bạn nói: “Cuối cùng đây là lý do chính khiến ĐCSTQ muốn loại bỏ ông ấy vì ông ấy có ảnh hưởng, giàu có, có đất đai, quân đội và sẽ không dễ bị kiểm soát”.

Các tài khoản công khai của Yatai International trên mạng xã hội WeChat và Douyin của Trung Quốc đã bị đóng và trang web chính thức của nó bị tấn công. Theo ông He, công ty hiện đang cố gắng xây dựng lại một trang web để không bị ảnh hưởng bởi các vụ hack trực tuyến.

Ông nhấn mạnh việc bôi nhọ ông Xà trên mạng là vô căn cứ.

“Cờ bạc đã tồn tại ở khu vực này từ lâu. Chúng tôi đến đây để phát triển đô thị, chỉ có người dân địa phương mới biết về rất nhiều việc làm mà chúng tôi mang lại cho địa phương, nơi vốn là một vùng đất cằn cỗi, hoang vu và hoang vắng”.

"Công việc kinh doanh cờ bạc của ông Xà ở Philippines có giấy phép cờ bạc hợp pháp chính thức”, ông nói.

Về các đặc vụ của ĐCSTQ được bố trí tại Yatai International, ông Duan, ông Zhao và ông Ma đều biến mất sau khi ông Xà bị bắt, ông He xác nhận với The Epoch Times.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Xà Trí Giang - Từ doanh nhân ‘yêu nước’ đến mục tiêu trừ khử của Bắc Kinh