Dân thành phố chật vật tìm người giúp việc sau Tết dù trả lương cao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau Tết, nhiều người từ nông thôn ra thành phố làm việc muốn lưu lại với gia đình lâu hơn hoặc vui xuân tới hết rằm tháng Giêng khiến không ít gia chủ rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhịp sinh hoạt và công việc trở lại bình thường, nhưng nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn chật vật trong việc tìm kiếm người giúp việc mới.

Từ sau mùng 6 Tết, trên các trang mạng xã hội và các website tìm việc làm đã xuất hiện nhiều bài đăng tìm kiếm người giúp việc tại nhà, kèm theo đó là mức lương từ 8.000.000-12.000.000 đồng/tháng cùng chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Tuy nhiên, để tìm được một người giúp việc “ưng ý” cũng không phải điều đơn giản.

Gia đình chị Phạm Tú Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có một con nhỏ 3 tuổi, hai vợ chồng làm việc hành chính và thường xuyên đi công tác nên lúc nào cũng có nhu cầu tìm kiếm người giúp việc ăn ở tại nhà để chăm sóc cháu nhỏ và lo chuyện nội trợ trong gia đình.

Chị Tú Anh chia sẻ, người giúp việc cũ đã xin nghỉ từ trước Tết nên bây giờ chị phải đăng tuyển người mới. Chị cũng đã gặp mặt, phỏng vấn một số người nhưng cảm thấy chưa phù hợp vì gia đình trẻ mà bác giúp việc lại lớn tuổi, có nhiều suy nghĩ và cách làm việc không tương đồng. Ngoài ra, tìm người giúp việc thì chị luôn ưu tiên sự thật thà, chăm chỉ mới yên tâm giao con, giao nhà cho họ được nên dù có phải trả mức lương cao hơn thị trường chị vẫn chấp nhận.

Cũng chật vật tìm người giúp việc sau Tết, chị Nguyễn Thị Thu Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị được người quen ở quê giới thiệu một bác giúp việc nhưng người này lên làm được 2 ngày mùng 6 và mùng 7 Tết là xin về quê luôn. Lý do là vì nhà chị là căn hộ chung cư, không được rộng rãi, thông thoáng như nhà ở quê, công việc lại gò bó, quanh quẩn trong nhà nên bác giúp việc xin nghỉ. Hiện giờ vợ chồng chị vẫn phải thay nhau đưa đón con đi học và tranh thủ về sớm để lo cơm nước, nhưng xác định không duy trì được lâu mà vẫn phải cố gắng tìm người giúp việc.

Đại diện một trung tâm môi giới việc làm tại Hà Nội cho biết, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đơn vị đã nhận được hàng trăm thông tin tuyển dụng tìm người giúp việc tại nhà. Tuy nhiên, số hồ sơ ứng tuyển vào các vị trí này lại chỉ bằng một nửa so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là vì nhiều người lao động có xu hướng ở lại quê hoặc đi du Xuân đến hết ngày Rằm tháng Giêng, và đặc thù của nghề này là hai bên phải phù hợp về tính cách, lối sống,...

‘Hot’ dịch vụ giúp việc theo giờ

Vì không thuê được người giúp việc tại nhà lâu dài nên một số gia đình lựa chọn dịch vụ thuê giúp việc, dọn dẹp theo giờ. Tiền công sẽ tùy thuộc vào khối lượng công việc và thời gian làm, ngày thường sẽ khoảng 50.000-80.000 đồng/giờ nhưng ngày Tết sẽ cao hơn khoảng 100.000-200.000 đồng/giờ. Đây được xem là giải pháp “cứu cánh” sau các bữa tiệc khai Xuân, gặp mặt đầu năm của các gia đình tại Hà Nội.

Theo trung tâm giúp việc MG-cleaner, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, khách hàng có nhu cầu tìm người giúp việc theo giờ tăng khoảng 30% so với năm ngoái, một phần là do người giúp việc tại nhà về quê ăn Tết hoặc nghỉ việc. Người giúp việc theo giờ có nhân thân rõ ràng, được đào tào nghiệp vụ vệ sinh và các vật dụng chuyên nghiệp, đặc biệt là linh động về mặt thời gian nên được các gia đình ưa chuộng, sử dụng.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, giúp việc không chỉ là một nghề nghiệp như làm thuê thông thường, mà người giúp việc cũng được coi là một thành viên trong gia đình, ảnh hưởng rất lớn đến không khí, lối sống trong nhà, thậm chí đến cả sự phát triển lành mạnh của trẻ nhỏ. Chính vì thế, khi lựa chọn giúp việc, các gia đình không chỉ cần xem xét kĩ đến nhân thân mà còn cần chú trọng đến phẩm cách, thói quen của người giúp việc.

Trong thời gian thuê giúp việc, cũng không nên bỏ mặc toàn bộ việc nhà, việc chăm sóc con cái cho người giúp việc mà cần phải theo sát sao. Thông qua quan sát thái độ, cách làm việc của người giúp việc để biết được tính cách, đạo đức, hành xử, có yêu thương trẻ em, kính trọng người già hay không, lối sống có phù hợp với văn hóa gia đình hay không... Bên cạnh đó, chủ nhà cũng cần cởi mở, coi người giúp việc như thành viên trong nhà, đối đãi với họ chân thành, tử tế. Có như thế mới mong nhận được chân tình, yêu quý và hết lòng từ người giúp việc.

Để tránh gặp phải những tình huống “dở khóc, dở cười”, người sử dụng lao động cần làm hợp đồng với người giúp việc chặt chẽ hơn với các điều khoản kín kẽ hơn nữa, tránh những nỗi bức xúc phát sinh giữa đôi bên.

Qua khảo sát, hiện nay, mức lương cơ bản cho người giúp việc trong gia đình dao động từ 5 - 8 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền thưởng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhiều người chọn hình thức giúp việc theo giờ, vừa chủ động thời gian, không phụ thuộc chủ nhà lại cho thu nhập tốt hơn.

Bà Đinh Thị Lý (54 tuổi, quê ở tỉnh Bắc Giang) đã có thâm niên 3 năm làm nghề giúp việc cho biết, trước đây, bà làm giúp việc theo tháng với mức lương 6 triệu đồng/tháng nhưng nay chọn làm theo giờ. Mỗi giờ đi quét dọn, lau nhà cũng được trả từ 60.000 đến 80.000 đồng. Nhiều chủ nhà thấy bà làm cẩn thận còn cho thêm tiền. Nếu chịu khó làm, đặc biệt trong những ngày lễ, tết có thể có thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày.

Bà Lý cũng cho biết thêm, hiện nay, những người còn trẻ khỏe chủ yếu đi giúp việc theo giờ chứ ít người đi làm theo tháng. Chính vì vậy, tình trạng khan hiếm người giúp việc, đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết, là điều dễ hiểu.

Việt Nam Xã hội

Dân thành phố chật vật tìm người giúp việc sau Tết dù trả lương cao