Đến chùa mà không hiểu Phật, cầu cúng vô ích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tháng Giêng - mùa của lễ hội. Đi lễ chùa vào những ngày đầu năm mới vốn là một nét đẹp trong đời sống văn hoá của người dân Việt, đến chùa để hướng về cõi Phật, cầu một năm mới bình an, như ý. Tuy nhiên, cứ đến dịp sau Tết, khi người người nô nức đi lễ chùa thì mạng xã hội lại tràn ngập những hình ảnh lễ hội được tổ chức ồn ào, bát nháo với đủ thứ biến tướng của mê tín, kinh doanh trục lợi.

Chùa chiền ngày xuân ở khắp nơi không khi nào vắng khách. Cảnh tượng quen thuộc là hàng biển người chen lấn, xô đẩy cùng mâm lễ trên tay, thi nhau khấn vái to nhỏ, dâng tấu sớ cốt sao để ‘Thánh biết mặt, Thần biết tên’; thế nhưng lại bất kính giắt tiền bừa bãi vào tay tượng Phật; vặt trụi cây cối trong chùa đem về nhà “lấy lộc”;... Dường như tranh giành trong cuộc sống hằng ngày là chưa đủ, người ta còn muốn tranh giành cả Phật, thế nên không thiếu những vụ từ xích mích nhỏ dẫn đến gây gổ, hành hung ở lễ hội.

Mặt khác, sân chùa cũng biến thành địa điểm kinh doanh, bày bán đủ thứ nhang, hoa, chim phóng sinh, sách kinh Phật lẫn sách bói toán, phong thuỷ…, người bán thì ra sức chèo kéo; các dịch vụ nhộn nhịp đáp ứng nhu cầu lễ hội, từ giữ xe, viết sớ tấu, mâm lễ, khấn hộ…, đến đồ lưu niệm rẻ tiền, rồi nhân dịp lễ mà tha hồ “chặt chém” khách. Tình trạng móc túi, cướp giật, cờ bạc, bói toán mê tín dị đoan… xuất hiện tràn lan ở các lễ hội.

Sự suy tàn của một đất nước hiển hiện ngay ở chốn tu hành, vốn là nơi lòng người hướng đạo. Không khí xô bồ, cảm giác dung tục phổ biến ở các lễ hội nhiều năm nay, khiến người ta không thể không đặt câu hỏi điều gì đang xảy ra trong đời sống tâm linh của người Việt?

Tâm lý cầu lợi đang chi phối niềm tin vào Thần Phật

Một trong những “Thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà tri thức nửa đầu thế kỷ 20", là “đời sống tôn giáo hời hợt”, ghi lại một đánh giá của Nguyễn Văn Huyên từng đăng trên tờ Đông Dương Tạp chí, năm 1914:

Mọi người chỉ cầu tới tôn giáo do nhu cầu vật chất. Ở một số trường hợp, người ta tìm kiếm một kết quả trước mắt như khỏi bệnh, có con, có tiền tài. Người ta cũng cầu Thần để cho đời sống một người đã khuất ở thế giới bên kia được dễ dàng, để thi đỗ, để nhanh chóng trong một việc, để đi xa một chuyển được bình yên... Thường thường trong ý thức dân gian, tôn giáo được quy lại chỉ còn là một lô thực hành thờ cúng đã trở thành bắt buộc. Lễ nghi là tất cả, nó đôi khi bao gồm những nghi thức rắc rối hoặc núp dưới một hình thức long trọng có tính cách bề ngoài.”

烧香 (图片: pixabay)
(Ảnh minh họa: Pixabay)

Cuộc sống đầy bất trắc và nhiều nỗi lo âu khiến con người không biết neo giữ niềm tin ở đâu, họ đặt cược vào vận may vào một thế lực siêu nhiên, tin rằng những vị Thần Thánh có khả năng mang lại may mắn, tài lộc. Lễ hội trở thành một cuộc lễ của những tham vọng cầu lợi, cầu may, tìm sự hỗ trợ của Thần Thánh trong những mưu đồ hốt bạc, cho rằng lễ vật càng hậu hĩ, đủ đầy thì Đấng thiêng càng rõ lòng thành mà độ trì.

Kẻ tìm đến chốn chùa chiền để cầu tài cầu lộc thì cũng có kẻ tổ chức lễ hội biến chốn linh thiêng thành nơi buôn Thần bán Thánh. Thói vụ lợi, tinh thần thực dụng đang chi phối các lễ hội vốn từng là nơi hội tụ truyền thống văn hoá dân tộc, khiến chốn tu hành trở thành thị trường tâm linh sôi động, đền chùa trở thành địa điểm kinh doanh, được dựng lên như nấm, có khi sửa sang từ một điểm du lịch vừa khai trương thành một nơi có ý nghĩa lịch sử.

Người Việt thiếu một nền tảng tín ngưỡng sâu sắc, nhưng nhu cầu tâm linh vốn vẫn nằm trong tiềm thức mỗi người, cảm giác mơ hồ về sự kết nối với Thần Phật. Phải chăng sự thiếu hiểu biết về tín ngưỡng và thói vụ lợi đang làm méo mó, biến dạng đời sống tâm linh của người Việt, dung tục hoá các lễ hội, ô trọc hoá chốn chùa chiền?

Đến chùa mà không hiểu Phật

Thích Ca Mâu Ni đã nói: “Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Thế nhưng ngày nay người ta đến chùa cầu cúng là không hiểu về đạo Phật, không rõ đạo lý nông sâu ra sao, cội nguồn thế nào.

Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi nhập Niết bàn đã để lại dự ngôn cho chúng sinh
Thế là Ca Diếp cùng 500 đệ tử tới trước Phật nói: “Tôi và các đệ tử quyết ý quy y theo Đại Thánh..." (Ảnh: Pixabay)

Nhiều người tin rằng Đức Phật trở thành một vị Thần Thánh có nhiều phép thần thông, nên mang thói cầu thân nơi quan trường đến cửa Phật, với hi vọng rằng Phật cũng giống mấy vị quan tham, nhận hối lộ lễ vật rồi ban phát tài lộc cho mình. Họ không biết hoặc quên rằng Đức Phật là một nhà tư tưởng, lấy cuộc đời mình để mở lối cho chúng sinh giác ngộ, tìm thấy con đường đến hạnh phúc, viên mãn như Ngài.

Phật nhìn thấu căn nguyên nỗi khổ của chúng sinh mới đem lòng từ bi mà chỉ cho con đường giải thoát. Phật bảo các đệ tử rằng: “Này các đệ tử, ta nói cho mà biết: nước ngoài bể khơi, chỉ có một vị là vị mặn, đạo ta dạy đây, cũng chỉ có một vị là vị giải thoát vậy”.

Lúc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngộ đạo, chính là lúc ngài thấy rõ Tứ thánh đế: “Khổ, Tập, Diệt, Đạo” và “Thập nhị nhân duyên”. (Đế, nghĩa là lời dạy chân thật, chân lý; Thập nhị nhân duyên là 12 nhân duyên gây nên nghiệp).

Cốt yếu của đạo Phật cho rằng đời là bể khổ: “Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, không ưa mà hợp là khổ, ưa mà phải xa lìa là khổ, muốn mà không được là khổ, lưu luyến trong ngũ trọc là khổ”. Vậy nên Phật bảo rằng: “Nước mắt chúng sinh trong ba nghìn thế giới, đem chứa tích lại còn nhiều hơn là nước trong bốn bể”.

Thiện ác báo ứng vào lúc nào, Thần Phật đã an bài chu đáo
(Pixabay)

Nhưng vì sao mà khổ? Là bởi cái lòng tham sống, tham mạnh, tham sắc, tham hưởng thụ… khiến người đời quay cuồng trong những hành động gây nên “nghiệp”, bởi thế nên có nghiệp báo, luân hồi qua bao kiếp sinh tử để hoàn trả nợ nghiệp nên tất phải khổ.

Tập là lấy thập nhị nhân duyên mà tìm cái căn do bởi đâu mà kết tập thành khổ. Diệt là theo lần Thập nhị nhân duyên mà dứt từ ngọn cho đến cội rễ cái khổ. Đạo là con đường đi để giải thoát được khổ. Đó là những điều rất trọng yếu trong đạo Phật.

Đức Thế Tôn cho là khổ gốc ở Vô minh. Vì tham sân si mà tâm trí bị mờ tối, tưởng danh là thật danh, lợi là thật lợi. Ngờ đâu danh với lợi ở đời đều là những cái ảo ảnh khiến người ta như thiêu thân lao đầu vào ánh sáng. Vua A Dục sau này dựng tháp khắp Ấn Độ thường khắc một câu tóm nghĩa đạo bằng chữ Phạn rằng: “Muôn sự đều do một nguyên nhân. Như Lai dạy cho rõ nguyên nhân, lại dạy cách trừ diệt; ấy đạo tối huyền diệu của đức Phật như vậy”.

Làm sao để hiểu Phật

Chuyện rằng, một ngày kia Phật nghỉ đêm ở một trại nhà người thợ gốm. Nơi đó, có một người trai trẻ tên là Pukkusati, ăn vận nhà tu đã đến ngụ trước. Hai người không biết nhau. Phật nhìn thấy người thanh niên khôi ngô đứng đắn bèn hỏi: “Ơi bạn tì khưu, vì ai mà anh đi tu, vì ai mà anh lìa bỏ gia đình? Thầy anh là ai? Anh ưa thích giáo lý của người nào?”

Nhà tu hành trẻ tuổi thưa: “Có nhà tu tên là Gautama, dòng họ Sakya đã bỏ gia đình mà tìm Đạo. Vì người ấy mà tôi đi tu, và chính người ấy là Thầy tôi. Tôi ưa giáo lý của Người lắm!”

- Ông ấy bây giờ ở đâu?"

- Ở phía Bắc, tại thành Savathi

- Anh có bao giờ gặp mặt ông ấy chưa? Nếu anh gặp ông, anh có nhìn ra ông không?

- Tôi chưa từng gặp được người. Nếu gặp chắc chắn tôi sẽ không bao giờ nhìn ra được.

Phật không chịu xưng tên, mặc dù biết rằng người ấy vì mình mà đi tu, bèn nói: “Anh có chịu nghe tôi nói giáo lý của tôi không?”

- Bằng lòng lắm! Bạn cứ nói.

Đức Phật bèn đem giáo lý mình ra mà giảng. Sau khi nghe xong, người ấy nhận ra liền: người đứng trước mặt anh chính là Phật, chứ không ai xa lạ!

Không phải mang nhãn hiệu Phật mới là Phật. Không phải mang hình thức tôn giáo mới nói được những lời của Phật. Bởi Phật không đặt ra hình thức tôn giáo mà chỉ giảng pháp lý. Người đời sau đặt ra hình thức tôn giáo rồi chạy theo nó. Mục đích của Phật không phải tạo nên một tôn giáo mà chỉ là giúp con phá mê khai ngộ, từ đó nhận ra con đường thoát khổ.

Khi chàng Pukkusati nghe Phật nói, và hiểu được lời dạy của Phật, anh đâu có cần biết người nói với anh là ai, và cái giáo lý người ta giảng cho anh nghe là giáo lý của ai. Chàng ta nhận được cái chân lý không cần có nhãn hiệu.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Phần cuối): Lấy vàng phủ đất mua Kỳ Viên, thành Thánh địa Phật giáo [Radio]
Sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca khiến các tu sĩ Bà La Môn lo sợ. (Phạm vi công cộng)

Hiểu Phật là thấu tỏ giáo lý mà Ngài đã cất công truyền ra để chỉ cho chúng sinh con đường thoát khổ. Đạo Phật là lấy cái trí sáng tỏ mà phá sự mê mờ, chứ không phải một niềm tin mù quáng mà không có lý trí. Trí sáng tỏ thôi vẫn chưa đủ, cần phải có sự thực hành nữa thì mới gọi là tu Phật. Vậy mới có câu: “Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân”, nghĩa là: Người có thể mở rộng được đạo, chứ không phải đạo mở rộng được người. Đạo vốn là hay, nhưng mà người không hiểu hết nghĩa lý, không cố sức làm theo, thì đạo có truyền ra cũng không nghĩa lý chi hết.

Sự thực hành ấy thông qua tám con đường chính gọi là bát chánh đạo, tức là tám con đường để tu thành chính quả. Tám con đường ấy là: Chánh kiến (thấy rõ, biết rõ chân lý); Chánh tư duy (lập chí theo chân lý mà đến chỗ ngộ Đạo); Chánh ngữ (nói những điều chân, không gian tà, giả dối); Chánh nghiệp (làm những việc ngay chính); Chánh mạng (sống theo con đường công chính); Chánh tinh tấn (học tập tu luyện cho tới đến đạo); Chánh niệm (suy nghĩ những điều chân chính theo đạo); Chánh định (định tâm trí của mình vào đạo).

Tu Phật là theo tám con đường chính ấy mà sửa mình, sửa lại cái sai bằng cách suy nghĩ, nói năng, hành động đúng. Tụng kinh, ăn chay, niệm Phật, ngồi thiền, cúng dường… cũng không phải là tu nếu nó không lấy việc sửa mình làm mục đích.

Vậy làm thế nào để tu?

Tôn chỉ của Phật giáo không gì ngoài 3 chữ: Giới - Định - Tuệ. Giới là từ bỏ những dục vọng, lợi ích, những điều thế tục để tâm trở thành ‘không’, từ đó mà “định”, tức làm cho tâm an trụ. Khi tâm định lại rồi thì trí tuệ sẽ sáng suốt, như nước lặng thì mặt trời hiện, mây tan thì mặt trăng tỏa rạng.

Thế nên ở Hàn Quốc, các ngôi chùa được đặt ở vị trí trang nghiêm và tĩnh lặng sâu trên núi. Người Hàn Quốc không đi lễ ở nhiều chùa, mà chỉ đến một ngôi chùa để thiền rồi trở về, họ tin nếu ngồi thiền tâm càng tĩnh thì ước nguyện của bản thân sẽ được đáp lời.

Việc tu hành, bởi vậy chỉ cốt lấy việc hướng nội làm tông chỉ. Hướng ngoại tìm cầu đều là đường tà. Cho nên mới có câu “Phật tại tâm trung". Mỗi người đều vốn có trí tuệ sáng suốt viên mãn (tức là có tâm Phật), nên Phật Thích Ca mới nói “ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”, chỉ cần nỗ lực, tinh tấn thì sẽ khai mở được trí huệ đang bị vùi lấp trong vô minh (tham sân si) mà đạt tới trạng thái tâm sáng suốt và hạnh phúc chân thật, gọi là Niết Bàn.

Ngày nay người ta đến chùa mà không hiểu Phật. Phật dạy sống là sự khổ vô thường mà người đời lại lấy sống là của báu vô giá; cho nên miệt mài vật lộn, đâu đâu cũng chỉ thấy vì ham muốn thỏa mãn đủ thứ dục vọng mà phải tranh giành nhau kịch liệt.

Đức Phật chỉ lối để con người tự thoát khổ chứ không hề ban phát sự sung sướng. Ngày nay, có những chùa người tu hành ít nhưng hoạt động cúng bái, lễ hội cho khách thập phương thì nhiều. Ngày ngày tụng kinh, niệm Phật mà hành động thì trái hẳn với những lời răn, giáo lý. Vậy thử hỏi Phật nào sẽ độ họ?

Phật biết rõ tâm lý con người phần đông chỉ truy cầu danh lợi, hưởng thụ, nên Ngài mới nói rằng: “Đạo ta là cái đạo “đi ngược dòng”, nghĩa là đi ngược lại với những mong mỏi, những dục vọng ích kỷ của con người. Bởi vậy, sau ngày đắc Đạo, ngồi dưới gốc Bồ Đề. Ngài nghĩ: “Ta đã ngộ được cái chân lý vi diệu, khó mà nhận được, khó mà hiểu được, đối với những hạng tầm thường… Những kẻ chìm đắm trong dục vọng, bị vô minh che lấp… không làm gì nghe thấu được giáo lý của ta…”. Thế nên lúc đầu, Ngài do dự không muốn đi giảng dạy truyền bá cho ai cả.

Phật tại tâm trung

Phật dạy rằng: “Nhất thiết chúng sinh câu hữu Phật tính”, nghĩa là: Tất cả chúng sinh đều có tính của Phật. Bởi thế nên đâu cần đi cầu Phật ở ngoài, mà chỉ nên cầu Phật nơi mình. Phật ví chúng sinh và Phật như trái hồng chát và trái hồng ngọt. Cùng là một trái hồng cả, nhưng chỉ khác nhau có một chát một ngọt mà thôi, nghĩa là chỉ khác nhau ở chỗ một Mê hay một Tỉnh mà thôi. Trong Kinh có viết: “Nhữ thị đương thành Phật, ngã thị dĩ thành Phật” (Ngươi là kẻ đang thành Phật, còn ta là kẻ đã thành Phật). Lục Tổ Huệ Năng cũng chỉ ra: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”.

Đạo Phật chung quy mục đích là chuyển mê khai ngộ. Mê rồi thì mỗi ngày một tối tăm lại, ngộ rồi thì càng ngày càng sáng tỏ ra. Phương pháp là: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” - bao nhiêu điều ác thì không làm, bao nhiêu điều thiện thì làm; tự mình phải giữ cái tâm ý của mình cho ngay chính trong sạch.

Thế là Tôn giả Mục Kiền Liên dẫn Liên Hoa Sắc đến gặp Thế tôn Thích Ca khi đó đang ở Tịnh xá Trúc Lâm ở thành Vương Xá.
(Wikipedia)

Nếu không hiểu Tứ Diệu Đế, không biết Thập Nhị Nhân Duyên, không hành theo Giới Định Tuệ vốn là tôn chỉ con đường giải thoát của Đức Phật thì mang lễ vật, tiền bạc đến cầu Phật ban phước phỏng có ích gì, lại thêm tội không hiểu Phật.

Người nào thấu được đạo lý của nhà Phật thì tỉnh ra, thấy rõ cái thật cái giả, thì lúc nào cũng ung dung tự tại, không say đắm ở những hư vọng, không lấy sự đắc thất làm lo buồn, không ham luyến sắc dục mà vui làm điều lành điều phải, đến với Phật không phải để cầu xin ban phát những điều tốt cho mình mà để tìm đến những giáo lý Ngài, để tu tâm hành thiện, để nhận trái ngọt từ chính những nhân lành do mình tạo nên, thì dù không đến chùa, không cầu cúng, vẫn có ngôi đền thiêng trong lòng mình vậy.

Quế An



BÀI CHỌN LỌC

Đến chùa mà không hiểu Phật, cầu cúng vô ích