Em gái Đức Phật xinh đẹp tuyệt thế tại sao xuất gia, cô tu hành như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đức Phật có em gái không? Ngài không chỉ có em gái, mà cô ấy sau này còn tu thành Đệ nhất Thiền định trong số những nữ đệ tử của Đức Phật.

Theo sách “Những đại đệ tử của Đức Phật” (Great Disciples of the Buddha), em gái của Đức Phật tên là Nan Đạt (Nanda), cái tên này có nghĩa là hoan hỉ, hài lòng, cao hứng. Nan Đạt là con gái của cha Đức Phật - Tịnh Phạn Vương, và người vợ thứ 2 là Đại Ái Đạo (Mahatma). Đại Ái Đạo là dì ruột của Đức Phật. Bà coi Kiều Đạt Ma Tất Đạt Đa - con trai độc nhất của người chị, như là con ruột. Để dành tình yêu thương đầy đủ cho Thái tử Tất Đạt Đa, rất nhiều năm sau bà mới sinh ra người con trai ruột của mình là Nan Đà, còn con gái Nan Đạt của bà thì ít tuổi hơn người anh Nan Đà vài tuổi.

Trong bài “Vì để hóa độ em trai, Đức Phật đã dùng đủ mọi thần thông”, chúng ta thấy Đức Phật đã bỏ ra rất nhiều tâm sức để thúc giục, khích lệ em trai xuất gia tu hành. Đối với người em gái Nan Đạt này cũng vậy, Đức Phật cũng đã tốn rất nhiều tâm sức để khiến em gái tinh tấn tu hành.

Người được tăng đoàn sủng ái

Một ngày nọ, Đức Phật yêu cầu tất cả các Tỳ kheo ni, từng người đến gặp Ngài để nghe chỉ dẫn, nhưng Nan Đạt lại không tuân theo.

Nan Đạt từng là công chúa, được giáo dục tốt, trang nhã lại mỹ lệ. Nhưng cô xuất gia không phải vì bản thân khát vọng theo đuổi chân lý, hay là triệt ngộ sau khi đã trải qua muôn vàn khó khăn khốn khổ trong cuộc sống. Cô xuất gia là vì không muốn rời xa người nhà.

Là một thành viên trong vương tộc Thích Ca, khi cả nhà cô, gồm cả người anh Nan Đà, mấy anh chị em họ, thậm chí cả mẫu thân, còn rất nhiều phụ nữ và quý tộc khác của dòng họ Thích Ca đều xuất gia, Nan Đạt quyết định cũng theo bước chân họ, vì cô muốn ở cùng với người trong gia đình.

Bước vào tăng đoàn, Nan Đạt trở thành người được tăng đoàn sủng ái. Mọi người thấy em gái của Đức Phật vừa đẹp cuốn hút, lại đáng yêu, lại mặc cà sa giống mình, thì bất giác ai nấy cũng đều tôn kính và yêu thích cô. Điều này khiến Nan Đạt rất chú ý đến diện mạo xinh đẹp của mình, rồi dần dần có tâm thái muốn được người khác yêu thích.

Đối với một cô gái trẻ bình thường mà nói, thì điều này không có gì sai trái cả. Nhưng đối với người tu hành mà nói, thì đây là một chướng ngại. Do đó cùng với thời gian trôi qua, về tu hành, Nan Đạt trở thành người rớt lại phía sau của tăng đoàn. Những vương tử và những cô gái quý tộc xuất gia vào khoảng thời gian cùng với cô, đều đã có những tiến bộ rõ rệt, và đã vượt xa cô rồi.

Đức Phật cũng chú ý đến việc này, có cơ hội là nhắc nhở cô, nhưng trong khoảng thời gian rất dài, cô vẫn không sửa chữa, mà còn tìm mọi cách tránh mặt Đức Phật.

Một cô gái trẻ đẹp vượt xa Nan Đạt

Hôm đó, Đức Phật yêu cầu tất cả các Tỳ kheo ni, từng người đến gặp Ngài để ngài chỉ bảo. Mọi người đều lần lượt đến, chỉ có Nan Đạt là mãi vẫn chưa đến. Cô nấp trong bụi cỏ giống như con nai nhỏ, sợ hãi, xấu hổ. Mãi đến khi Đức Phật cho người tìm riêng đến gặp cô truyền mệnh, cô mới do dự chui ra khỏi bụi cỏ bước đến. Ánh mắt cô đầy vẻ bất an và có chút phản nghịch.

Nan Đạt vốn cho rằng sẽ bị Đức Phật phê bình một trận, nhưng thật bất ngờ, Đức Phật bắt đầu khen ngợi những ưu điểm của cô. Nan Đạt nghe những lời khen thì trong lòng vui phơi phới, tinh thần cũng phấn chấn hẳn lên.

Đức Phật biết những lời này đã khiến cô phấn chấn lên rồi, đã có thể tiếp nhận lời dạy bảo được rồi. Nhưng Ngài cũng biết nền tảng tu luyện của cô còn mỏng, do đó trước tiên Ngài dùng một phương pháp khác.

Đức Phật biết cô chấp trước vào ngoại hình bản thân, nên quyết định cho cô một khóa học sinh động về nhân sinh. Thế là Ngài dùng thần thông biến hóa ra một cô gái trẻ. Sắc đẹp của cô gái trẻ này có thể nói là tuyệt thế, giống như nàng Tiên trong giấc mơ vậy, hoàn toàn vượt xa Nan Đạt.

Nan Đạt vừa nhìn thấy cô gái này thì ngây người ra. Sau đó ngay trước mặt Nan Đạt, mỹ nữ này lại lão hóa với tốc độ mắt thường có thể nhìn thấy, da dẻ mất đi sự sáng bóng, dần chuyển thành nhăn nhéo, mái tóc đen mướt chuyển sang hoa râm, khuôn mặt căng mịn bắt đầu chảy xệ xuống, thân hình như cành cây khô.

Cảnh tượng này khiến Nan Đạt chấn động sâu sắc, dường như nhìn thấy tương lai của chính bản thân mình trong đó. Cô ý thức được rằng, tuổi trẻ và sắc đẹp cuối cùng cũng sẽ già đi, thế thì ngày ngày chú ý đến những điều này có ý nghĩa gì đâu?

Nan Đạt dường như từ trong giấc mơ bừng tỉnh. Lúc này Đức Phật mới giảng giải Pháp lý cho cô, từ nông cạn đến thâm sâu dạy bảo cô, giống như dòng nước róc rách từ từ chảy vào trong tâm Nan Đạt. Nan Đạt lập tức chứng được sơ quả.

Chúng ta không thể không cảm thán, gặp được thời Phật tại thế, đối với chúng sinh mà nói, quả là may mắn biết nhường nào.

Từ đó trở đi, Nan Đạt dốc hết sức vào việc tu thiền, cô còn viết bài kệ rằng: “Không quản ngày lẫn đêm, ta hăng say tu hành, tất cả là nhân quả. Thân thể này hôi thối, kẻ ngu mới yêu thân”.

Trải qua ngày đêm không mệt mỏi tu hành, tâm cảnh của cô đã đạt đến sự bình hòa và an định mỹ diệu, chứng được quả A La Hán rồi.

Sau này Đức Phật ca ngợi em gái của Ngài là người “đệ nhất thiền định” trong tất cả Tỳ kheo ni.

Bà lão với nhiều thói quen khác thường

Trong tăng đoàn của các Tỳ kheo ni còn có một phụ nữ khác, so với Nan Đạt trẻ trung, đáng yêu thì hoàn toàn trái ngược. Người phụ nữ này là một bà lão có nhiều thói quen khác thường khiến người ta chán ghét. Bà vốn là một bà mẹ của 10 người con trong thành Xá Vệ, luôn bận rộn với những việc sinh con, nuôi con. Mọi người đều gọi bà là Sách Na (Sona) đông con.

Bà vốn là một bà mẹ của 10 người con. (Chụp video)

Sau này, chồng bà - một người đàn ông tốt, luôn tín phụng Đức Phật. Một ngày nọ, chồng bà cuối cùng quyết định xuống tóc làm tăng nhân.

“Ông nói gì vậy?” - Sách Na tròn mắt ngạc nhiên, cảm giác như bị rơi vào một vực xoáy khổng lồ.

Tình cảm phức tạp, không thể nào nói ra được. Nhưng cuối cùng Sách Na cũng quyết định biến thách thức này thành cơ hội. Bà dự tính thành kính bước vào tu hành.

Sau khi chồng xuất gia, Sách Na triệu tập 10 người con lại, đem toàn bộ số tài sản khá giàu có này chia hết cho các con, và chỉ đưa ra một yêu cầu nhỏ: “Sau này mẹ phải dựa vào các con nuôi dưỡng, đừng để mẹ đói là được rồi”.

Ban đầu, mọi việc đều thuận lợi, Sách Na có đủ thời gian và tinh lực tham gia các hoạt động Phật giáo mà bà yêu thích. Nhưng rất nhanh sau đó, người mẹ này trở thành người không được hoan nghênh trong gia đình. Các con bà bắt đầu coi bà như là gánh nặng, chúng đã quên sự nuôi dưỡng dạy dỗ của bà đối với chúng, đã quên là bà đã chia tài sản cho chúng, đã quên là bà đã nhiều năm vất vả chăm sóc chúng.

Sách Na cảm thấy đau lòng vô cùng, nỗi đau này thậm chí còn lớn hơn nỗi thống khổ phải chia ly với chồng. Trong tâm bà đầy những cảm xúc phức tạp, trong đó trộn lẫn sự trách móc oán hận các con.

Bà quan sát nội tâm mình, bỗng nhiên nghĩ rằng, Đức Phật đã từng nói rằng: “Thứ mà người phụ nữ dựa vào không phải là tài sản, quyền lực và năng lực, mà là con cái, nhưng Sa môn thì chỉ dựa vào mỹ đức của bản thân mình”.

Trước nay bà vẫn hoàn toàn dựa vào con cái, giống như một phụ nữ bình thường, giờ đây đã minh chứng rằng, con cái là không thể dựa vào được, vậy phải làm thế nào?

Bà lão xuất gia

Thế là Sách Na hạ quyết tâm quyết định xuất gia, cảm thấy như thế mới bồi dưỡng được tình yêu vô tư và mỹ đức. Trong gia đình, tình cảm và sự tôn trọng dường như đã mất hết rồi, cuộc sống trở nên nặng nề, thế thì tiếp tục ở nhà chịu sự thờ ơ lạnh nhạt này làm gì?

Trong tâm bà, cuộc sống xuất gia giống như ánh sáng bình minh chiếu qua những đám mây màu, tràn đầy hy vọng và sự tốt đẹp, do đó bà quyết định theo bước chân chồng xuất gia, mặc lên người bộ cà sa của Tỳ kheo ni.

Nhưng rất nhanh chóng, Sách Na ý thức được những thói quen và tính tình kỳ quặc của mình cũng lặng lẽ theo bà bước qua cánh cổng của tăng đoàn, dẫn đến trong hoàn cảnh hoàn toàn mới này, bà cũng có sự khởi đầu khó thích ứng. Bà thường được các Tỳ kheo ni trẻ chỉnh sửa những điều chưa phù hợp.

Sách Na phát hiện ra rằng, giống như việc bà không thể dựa vào con cái, tăng đoàn của các Tỳ kheo ni cũng không phải là Thiên đường như bà tưởng tượng.

Hôm đó, Sách Na ngồi trong một góc, quan sát cái tâm mình, nhận thức được bà vẫn có khá nhiều tính tùy tiện của thiếu nữ, thiếu tính kiên định và tinh thần tiến thủ của đàn ông. Và điều quan trọng hơn là, chỉ chán ghét khuyết điểm của bản thân là không đủ, bà cần phải nỗ lực nhiều hơn, phải dốc toàn bộ sức lực tu hành.

Bà biết rõ, nếu vào thời khắc then chốt mà bị tình cảm dẫn động, thì Phật Pháp mà bà đã học và lời thề nguyện khi xuất gia chẳng phải trở thành trò cười đắt giá đó sao? Bà không còn chán nản nữa, mà quyết định tinh tấn tu hành.

Vì Sách Na tuổi cao mới bước vào tăng đoàn, do đó bà có cảm giác cấp bách, không còn nhiều thời gian nữa. Thế nên bà thường tọa thiền cả đêm, chỉ dành rất ít thời gian nghỉ ngơi.

Để đảm bảo ban đêm không rơi vào trạng thái mệt mỏi hoặc ngủ gục, bà luyện tập đi lại trong thiền phòng vào ban đêm. Trong khi đi đi lại lại như thế này, bà luyện tập phương thức tu hành chăm chú tập trung, loại trừ tạp niệm. Bà cẩn thận nhắm bước chân thẳng chiếc cột, để đảm bảo mình không bị vấp ngã hoặc đá phải đồ đạc.

Trải qua tu hành tinh tấn như thế này, một ngày nọ, trong tình hình không có điềm báo trước, Sách Na chứng được quả A La Hán.

Đun nước

Hôm đó, các Tỳ kheo ni khác đều ra khỏi khu tinh xá, chỉ còn mình bà ở nhà. Khi mọi người trở về, Sách Na khiến mọi người kinh ngạc.

Trong “Thí dụ kinh” có ghi chép rằng, khi các Tỳ kheo ni ra đi, một Tỳ kheo ni đã nhắc Sách Na rằng: “Bà chớ quên đun nồi nước nóng đấy nhé”.

Sách Na gật đầu. Bà lấy nước suối trong về đổ vào trong nồi gang lớn, Đúng lúc bà định nổi lửa thì lại nghĩ: “Vẫn còn sớm, mình đả tọa trước một lúc đã rồi hãy nấu nước”.

Nhưng lần này bà đã nhập định sâu, cảm nhận được tất cả những huyên náo và nhiễu loạn trong sinh mệnh đã biến mất, hoàn toàn thể nghiệm được trạng thái thần kỳ, hoàn toàn quên việc đun nước.

Khi các Tỳ kheo ni trở về, chuẩn bị rửa mặt mũi súc miệng, thấy nước trong nồi lạnh ngắt. Đúng lúc ấy, Sách Na bỗng xuất định, bà vẫy tay một cái, nước trong nồi liền sôi sùng sục. Bà tươi cười nói: “Hãy xem này, chẳng phải nước đã sôi rồi đó sao!”

Mọi người kinh ngạc. Thì ra trong khoảng thời gian ngắn khi mọi người không ở trong tịnh xá, Sách Na đã chứng được quả A La Hán, thậm chí đã xuất thần thông rồi.

Sau khi nghe được việc này, Đức Phật cũng cười vui vẻ, làm một bài kệ khen ngợi thành tựu của Sách Na: “Nếu người thọ trăm tuổi, trễ nải không tinh tấn, không bằng sống một ngày, dốc sức tu tinh tấn”.

Em gái Phật Đà và bà lão có nhiều thói quen khác thường

Mỗi người đều có xuất thân và cảnh ngộ khác nhau, đều có khuyết điểm và chấp trước riêng của mình. Thân phận địa vị thế gian, đẹp xấu hay tài cao thấp, trong tu hành đều là những cái vỏ cần vứt bỏ. Em gái Phật Đà xinh đẹp trang nhã. Bà lão 10 con xấu xí già cả khiến người ta chán ghét, nhưng cả 2 đều có điểm tương đồng, tức là họ đều buông bỏ những cái vỏ của thế gian, tu hành đắc đạo, đạt cảnh giới A La Hán, có thể nhảy ra khỏi Tam giới, không còn luân hồi nữa.

Đương nhiên, hơn 2500 năm đã trôi qua, Phật giáo đã tiến vào thời kỳ mà có những tăng nhân mặc cà sa niệm Phật, nhưng chẳng qua chỉ là làm công việc như công chức đi làm. Những tăng nhân thực sự hiểu tu hành và thực tu đã rất ít rồi. Tuy nhiên, đó cũng chính là thời mạt Pháp mà Đức Phật vẫn thường nói đến, cũng chính là lúc mà Chuyển Luân Thánh Vương giáng lâm. Đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni là Đại Ca Diếp vì thế đã ở trong núi Kê Túc chờ đợi hơn 2500 năm, có lẽ Đại Ca Diếp đã tìm thấy rồi chăng.

Tuyết Lợi - Wenshi Daguanyuan
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Em gái Đức Phật xinh đẹp tuyệt thế tại sao xuất gia, cô tu hành như thế nào?