Hà Nội 'tuýt còi' trường học thu tiền giữ chỗ đầu năm học 2024-2025

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Hà Nội yêu cầu các trường không thu tiền "giữ chỗ" hay bất cứ khoản thu nào khác gây khó khăn cho học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ra công văn chỉ đạo về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025, trong đó yêu cầu các trường không được thu phí giữ chỗ.

Trong văn bản ngày 22/3 về việc thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh đầu cấp trong thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin, sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Thời gian qua, câu chuyện đặt cọc giữ chỗ khi đi đăng ký học cho con đã trở nên quen thuộc với phụ huynh Thủ đô. Để có suất cho con đi học trường tư, có người phải bỏ ra vài triệu, thậm chí 10-20 triệu đồng. Điều này tạo thành hình ảnh không đẹp trong giáo dục, khiến nhiều người phản đối.

Theo quy định của hầu hết các trường, phí giữ chỗ do phụ huynh nộp vào sẽ không được hoàn trả lại nếu học sinh không nộp hồ sơ nhập học tại trường. Còn nếu học sinh nhập học, trường sẽ khấu trừ vào các chi phí.

Hà Nội có khoảng 600 trường học ngoài công lập từ mầm non tới THPT. Hiện nhiều trường tiểu học, THCS và THPT thuộc nhóm này đã tổ chức tuyển sinh theo hình thức xét học bạ hoặc thi khảo sát, đánh giá năng lực.

Thí sinh sau khi có kết quả trúng tuyển thường được yêu cầu đóng khoản tiền "cọc" thường được gọi là phí giữ chỗ, phí nhập học hoặc phí ghi danh. Khoản tiền này được khấu trừ vào tiền học phí nếu thí sinh nhập học, và không được hoàn lại, hoặc chỉ hoàn lại một phần nếu thí sinh không nhập học.

Tại một số trường, phí giữ chỗ cho thí sinh dự tuyển vào lớp 10 ở mức cao, 10-23 triệu đồng. Mức thấp nhất vào khoảng 3-5 triệu đồng.

Một phụ huynh ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, chị đã nộp phí giữ chỗ hơn 10 triệu đồng sau khi con trúng tuyển vào lớp 10 một trường tư thục.

Phụ huynh này cũng cho biết, chị không băn khoăn về khoản phí này bởi gia đình chị xác định cho con học tại trường. Việc đặt cọc tiền cũng giúp phụ huynh có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình và có trách nhiệm với ngôi trường mà mình muốn cho con học. Tuy nhiên, với những gia đình xem đây là phương án dự phòng, số tiền giữ chỗ thực sự là cao.

Danh sách một số trường ngoài công lập tại Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 và các khoản tiền cần nộp, bao gồm khoản "phí giữ chỗ":

Trường THPT Archimedes Academy (huyện Đông Anh) đứng đầu danh sách với mức phí nhập học đối với học sinh đầu cấp, học sinh chuyển ngang lên đến 23 triệu đồng. Thông báo của nhà trường nêu rõ, phí này không được hoàn trả, không chuyển nhượng dưới mọi hình thức.

Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, phí nhập học với học sinh vào lớp 10 là 15 triệu đồng. Phí nhập học là khoản phí học sinh cần thanh toán khi làm thủ tục nhập học vào trường. Phụ huynh chỉ nộp phí nhập học một lần duy nhất trong một cấp học, khoản phí này không được chuyển nhượng hay hoàn trả dưới mọi hình thức. Phí nhập học sẽ được đối trừ với các khoản thu trong năm học.

Một số trường tư thục cũng đưa ra mức phí nhập học khá cao như: Trường THPT Lý Thái Tổ (Cầu Giấy) 11 triệu đồng/học sinh; Trường THPT Newton (Bắc Từ Liêm) 12 triệu đồng; Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Nam Từ Liêm), Trường THPT Hà Nội Academy (Tây Hồ) 20 triệu đồng… Học phí tại các trường này dao động từ 7 triệu - 20 triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, một số trường tư có “tiền cọc” thấp nhất là trường THPT Phan Bội Châu (Hà Đông) 1 triệu đồng/học sinh, trường THPT FPT (Thạch Thất) 2 triệu đồng.

Hà Nội luôn có tình trạng “căng thẳng” trong tuyển sinh đầu cấp, nhất là vào lớp 10. Vì hệ thống công lập chỉ đáp ứng nhu cầu học công lập cho trên 60% học sinh, do đó nhiều gia đình phải cho con học tư thục. Tuy nhiên, những năm gần đây, để có chỗ học tư thục, nhiều gia đình phải “trắng đêm” xếp hàng để đăng ký học cho con. Nhiều gia đình trước đó cũng phải nộp tiền “giữ chỗ” cho con ở những trường tư thục.

Năm học 2024-2025, dự kiến hơn 50.000 học sinh Hà Nội không có suất vào lớp 10 công lập năm nay. Đồng nghĩa với việc, hơn 50.000 phụ huynh suýt phải đối diện với mức phí giữ chỗ không "rẻ".

Lo sợ nếu chờ kết quả thi vào lớp 10 công lập, con không đỗ mới đăng ký vào trường tư thục sẽ “hết chỗ”, nhiều gia đình chấp nhận nộp khoản tiền “giữ chỗ” này. Nhiều em sau khi đỗ công lập, học trường công thì chấp nhận mất khoản tiền “giữ chỗ” này, vì chỉ số ít trường trả lại.

Theo các trường tư thục, việc họ yêu cầu nộp tiền “giữ chỗ” nhằm hạn chế tỷ lệ ảo, gây khó khăn trong công tác tuyển sinh; đồng thời để các gia đình cân nhắc, có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Tuy nhiên, mức phí “giữ chỗ” cao cũng khiến phụ huynh không hài lòng.

Cách đây 6 năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội từng yêu cầu các trường tư không thu phí ghi danh, giữ chỗ, nhưng sau đó, việc này lại tiếp diễn.


Hà Nội 'tuýt còi' trường học thu tiền giữ chỗ đầu năm học 2024-2025