Hải quân Mỹ đụng độ cướp biển Houthi - liệu lịch sử có đang trêu đùa?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc chiến của hải quân Hoa Kỳ hơn 200 năm trước

Sóng vỗ dập dềnh trên mặt biển Địa Trung Hải xanh ngắt.

Một đoàn chiến hạm hùng hậu của phương xa được trang bị nhiều khẩu pháo lớn chạy băng băng ngoài khơi Cape Gata - Tây Ban Nha. Thời tiết đẹp, sóng êm, gió lặng… song các thủy thủ trên boong đều nín thở như thợ săn rình mồi.

Chạy trốn phía trước là một soái hạm to lớn mang tên Mashouda mang cờ Algeria, trang bị tới tận 46 khẩu pháo. Nhưng bị áp đảo về số lượng, và đã bị thiệt hại, nó chạy trối chết từ vịnh Alger mà không thoát.

9 chiếc tàu bao gồm 3 tàu khu trục, 2 tàu xà lúp, 2 thuyền buồm, 2 tàu hộ tống… theo hiệu lệnh của vị đô đốc, tản ra nhiều hướng, rồi bất ngờ vây lấy tàu đối phương. Tàu Mashouda phải dùng đến cách đáp trả bằng hỏa lực của súng hỏa mai ở cự ly gần, nhưng khu trục hạm đối phương là Epervier ngay lập tức nã 9 phát đại bác vào mạn tàu Mashouda gây ra hậu quả thảm khốc. Thủ thủ đoàn Mashouda mình mẩy đẫm máu giơ tay xin hàng. Trận chiến kết thúc.

không xác định
Cảnh hạm đội Mỹ đánh soái hạm Mashouda của Algeria. (Miền công cộng)

Đó là ngày 17/6/1815, Hải quân Hoa Kỳ non trẻ đã giành chiến thắng quyết định trước lực lượng cướp biển Bắc Phi trong cuộc chiến Barbary lần thứ 2. Ai mà ngờ được, lý do ra đời của Hải quân Hoa Kỳ chính là để đối phó với những tên cướp biển này.

Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng: nước Mỹ mới sinh đã gặp nạn cướp biển

Hải quân Mỹ công nhận ngày 13 tháng 10 năm 1775 là ngày thành lập lực lượng của họ, nhưng lúc đó nó chỉ được gọi là Hải quân lục địa. Sau cuộc chiến giành độc lập của 13 bang thuộc địa và từ đó có Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào năm 1783, lực lượng này được giải trừ quân bị. Thực ra họ cũng chẳng còn lại gì nhiều, bởi lực lượng chính đã bị tổn thất gần hết sau những cuộc hải chiến với Hải quân Anh mạnh hơn họ gấp bội.

Sau cuộc chiến hao người tốn của, nước Mỹ chẳng muốn duy trì lực lượng hải quân cho tốn kém, và họ tập trung vào lợi ích trong nước hơn là hải ngoại. Nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ.

Ngân khố trống rỗng dẫn đến nhu cầu thực thi luật thuế quan để tăng thêm nguồn thu, nhất là với hàng hóa nhập khẩu, vì việc thực thi mạnh mẽ luật thuế quan có thể ngăn chặn tình trạng buôn lậu tràn lan. Do vậy, vào ngày 4 tháng 8 năm 1790, Quốc hội Mỹ đã thành lập Cơ quan Thuế - Hải quân, sau đó được đổi tên thành Cơ quan Cắt giảm Doanh thu theo đạo luật ngày 31 tháng 7 năm 1894.

Cơ quan này có khoảng 10 chiếc tàu buồm cỡ nhỏ hoặc vừa, chạy với tốc độ nhanh và có mớn nước nông, tuần tra loanh quanh gần bờ biển nước Mỹ.

Nhưng nếu muốn đẩy mạnh ngoại thương, thì chừng ấy là không đủ, vì mậu dịch đường dài thì rủi ro an ninh sẽ cao hơn, nhất là khi tàu hàng phải di chuyển qua khu vực của bọn cướp biển Barbary khét tiếng.

Trong lịch sử, những tên cướp biển Barbary bao gồm đa phần là những tộc nhân Berber hung dữ, còn có người Thổ Nhĩ Kỳ ham lợi, người Hồi giáo bị đuổi khỏi Tây Ban Nha. Họ hoạt động dọc bờ biển Tây Ban Nha và Bắc Phi (ngày nay là Maroc, Algeria, Tunisia, Libya). Có sự yểm trợ của chính quyền các nước này, họ kiểm soát giao thông thương mại đi đến các cảng Địa Trung Hải theo kiểu tương tự Lương Sơn Bạc. Hiểu nôm na rằng các chủ hàng đi qua khu vực này phải nộp phí mãi lộ nếu muốn an toàn. Những ai từ chối làm vậy có nguy cơ mất tàu, thủy thủ thì bị bắt cóc đòi chuộc bằng một số tiền rất lớn, hoặc không thì bị bán làm nô lệ.

Cho đến khi có Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776, các hiệp ước của Anh với các quốc gia Bắc Phi đã bảo vệ tàu Mỹ khỏi cướp biển Barbary. Tuy vậy, sau khi Hoa Kỳ giành độc lập từ Anh quốc, thì tàu của họ bị Maroc chiếm giữ vào năm 1784. Mỹ phải ký “Hiệp ước Hữu nghị Mỹ - Maroc” vào năm 1786, và sau đó với các tay chính quyền “anh chị” khác ở Bắc Phi, thế mà vẫn bị buộc phải cống nạp để khỏi bị tấn công. Gánh nặng này rất lớn: từ năm 1795, khoản cống nạp hàng năm trả cho Nhiếp chính Algiers lên tới 20% chi tiêu hàng năm của chính phủ liên bang Hoa Kỳ.

Mục đích ban đầu của sự tái lập Hải quân Hoa Kỳ: Diệt cướp biển bảo vệ mậu dịch

Ở Paris, vị đại sứ Thomas Jefferson - một quốc phụ của Hoa Kỳ, ngày càng phải nghe nhiều phàn nàn của các thương gia Mỹ. Nếu cảnh cướp bóc này cứ tái diễn, thì họ sẽ không làm ăn gì nữa và ngành ngoại thương của Mỹ sẽ chết yểu. Còn việc bỏ tiền ra để trang bị vũ khí cho chủ tàu, thì không phải việc của họ.

Jefferson cố gắng thuyết phục một số quốc gia như Ý, Bồ Đào Nha và “các cường quốc hải quân yếu hơn” vào liên minh của Hoa Kỳ nhằm tiêu diệt cướp biển, nhưng vô ích.

Ông cũng viết cho John Adams, một bậc quốc phụ Hoa Kỳ khác, lúc đó là đại sứ tại Anh, rằng có bốn lý do cơ bản để đề nghị với tổng thống Washington và Quốc hội về việc khôi phục lực lượng Hải quân để bảo vệ doanh nghiệp Mỹ. Bốn lý do này là: công lý, danh dự, thể diện toàn cầu và quyền lực của tổng thống để ép Quốc hội tuyên bố chiến tranh.

Tháng 3 năm 1786, Thomas Jefferson và John Adams tới London để đàm phán với sứ thần của Tripoli (ngày nay là Libya). Khi họ hỏi "về cơ sở của việc giả vờ gây chiến với các quốc gia không gây tổn hại gì cho Tripoli", vị đại sứ có tên Sidi Haji Abdrahaman đã trả lời:

Kinh Koran của họ viết rằng tất cả các quốc gia không thừa nhận Nhà tiên tri đều là tội nhân, là người mà người ta có quyền và nghĩa vụ cướp bóc, bắt làm nô lệ; và rằng mọi người Hồi giáo bị giết trong cuộc chiến này chắc chắn sẽ được lên thiên đường. Ông ta cũng nói rằng, người đầu tiên lên tàu được tính thêm một nô lệ vào với phần của hắn, và khi họ nhảy lên boong tàu của kẻ thù, mỗi thủy thủ đều hai tay hai dao găm, thêm một con dao ngậm trong miệng; thường gây ra nỗi kinh hoàng cho kẻ thù đến mức chúng kêu lên ngay lập tức.

Jefferson đã báo cáo cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao John Jay, người đã đệ trình ý kiến ​​của đại sứ và đề nghị lên Quốc hội. Jefferson lập luận rằng việc cống nạp sẽ khuyến khích nhiều cuộc tấn công hơn.

Tuy nhiên, John Adams ban đầu không đồng tình với cách làm này. Ông nói: “Một cuộc chiến sẽ tốn kém gấp mười lần việc cống nạp”. Ông cũng nghi ngờ liệu người nộp thuế hay Quốc hội có chấp thuận thành lập một lực lượng hải quân mới chỉ để bảo vệ lợi nhuận của các doanh nhân ở những vùng đất xa xôi hay không.

Quốc hội mất hai năm để hồi sinh Hải quân Hoa Kỳ

Các nghị viên quốc hội Hoa Kỳ tranh luận mất 2 năm về việc chi một số tiền tương đương với 45 triệu Mỹ kim theo thời giá ngày nay để đóng sáu tàu khu trục 38 khẩu súng và 10 thuyền có mái chèo nhằm phục hồi Hải quân Hoa Kỳ. Gánh nặng này sẽ thuộc về các doanh nghiệp Mỹ muốn được bảo vệ, hay là người đóng thuế Hoa Kỳ?

Những doanh nghiệp đã có những nỗ lực lớn để vận động hành lang, đồng thời đóng góp cho chiến dịch. Không chỉ có họ, còn có các ngân hàng và nhà tài chính, chủ tàu và thợ xây dựng. Họ hô hào rằng: “Hàng triệu cho quốc phòng, không một xu cho cống nạp”. Thế là quốc hội cũng xiêu lòng, và việc thông qua Hiến pháp năm 1789 đã trao cho Quốc hội quyền trừng phạt cướp biển, tuyên chiến, xây dựng và hỗ trợ Quân đội, cung cấp và duy trì Hải quân, đồng thời quản lý cả hai.

Cuối cùng, “lợi ích kinh doanh” đã chiến thắng. Quốc hội tán thành Đạo luật Hải quân, và tổng thống Washington đã ký nó vào ngày 27 tháng 3 năm 1794, cho phép Hải quân Hoa Kỳ được khôi phục.

Tổng chi phí mà người nộp thuế Hoa Kỳ phải trả khi tiến hành các cuộc chiến Barbary từ năm 1785-1815 được ước tính là 1 triệu USD (tức là khoảng 27 tỷ USD theo thời giá hiện tại). Nó bao gồm chi phí bảo vệ tuyến đường thương mại, các hoạt động hải quân và sự gián đoạn vận chuyển. Tuy vậy, trừ khoản vận động hành lang, các doanh nghiệp Mỹ chưa bao giờ phải hoàn trả chi phí này cho người nộp thuế. Tổng thống John Adams khi đó cũng không yêu cầu điều này, tạo ra một tiền lệ cho các tổng thống về sau.

Song, kết quả của hoạt động hải quân Hoa Kỳ tái lập đã khiến cho lực lượng cướp biển Barbary ở các quốc gia Bắc Phi bị đập tan. Sức mạnh của Hải quân Hoa Kỳ từ đó ngày càng tăng tiến, cuối cùng đã trở thành lực lượng hải quân mạnh nhất hoàn cầu.

undefined
Hạm đội Great White chứng tỏ được sức mạnh hoạt động tầm xa của Hải quân Hoa Kỳ vào năm 1907. (Miền công cộng)

Lịch sử liệu có đang lặp lại?

Bây giờ chúng ta quay trở lại khu vực Biển Đỏ với sự quấy rối của lực lượng Houthi, sẽ có phần ngạc nhiên tự hỏi rằng lịch sử dường như đang lặp lại.

Chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng” của Hoa Kỳ hiện nay, cũng có thể đang lặp lại hoạt động đối phó của Hoa Kỳ với cướp biển Barbary vào 200 năm trước. Và cũng tương tự với kết quả của Jefferson khi du thuyết Châu Âu, thái độ của các nước phương Tây tham gia liên minh, trừ Anh quốc, đều không mấy tích cực.

Trong những nước chịu lộ danh trong liên minh thì Pháp ủng hộ đảm bảo tự do hàng hải nhưng không nói rõ là có tăng cường thêm hải quân Pháp vào liên minh không, Ý thì tham gia nhưng không chịu dưới quyền chỉ huy của “minh chủ” Hoa Kỳ. Tây Ban Nha quyết định từ chối tham gia. Australia chỉ cử 11 quân nhân, trong khi Hy Lạp cam kết điều động một tàu hộ vệ chưa rõ chủng loại. Seychelles là quần đảo 100.000 dân đóng góp phần mình bằng cách quan sát và thông báo v.v.

undefined
Vùng biển mà Chiến dịch “Người bảo vệ thịnh vượng” do Mỹ dẫn đầu hoạt động bảo vệ an toàn hàng hải. (Wikipedia/ NormanEinstein/ SA-3.0)

Khi hoạt động vận tải hàng hóa qua Biển Đỏ gặp trở ngại thì chi phí vận chuyển tăng vọt, giá dầu và hàng hóa tăng lên, gián đoạn chuỗi cung ứng v.v. sẽ là khó khăn chung cho toàn thế giới, trong đó có cả các nước phương Tây trong và ngoài liên minh. Song, rất ít quốc gia chia sẻ chi phí hay gánh vác trách nhiệm với Hoa Kỳ. Điều này có thể khiến giới quan sát nhớ đến vai trò của Tổng thống Donald Trump khi ông làm cho các nước trong NATO không thể thoái thác trách nhiệm san sẻ đóng góp tài chính với nước Mỹ.

Cách tiếp cận cũ liệu có thể giải quyết vấn đề mới nảy sinh?

Vào năm 1786, Tổng thống George Washington đã viết thư cho hầu tước Lafayette rằng: “Ước gì chúng ta có một lực lượng hải quân đủ sức cải biến những kẻ thù đó thành con người, hoặc nếu không thì nghiền nát chúng thành hư không”.

Hiện nay, lực lượng hải quân Hoa Kỳ rất mạnh, có thể nghiền nát nhiều kẻ địch, song cũng không thể đủ sức dàn trải trên mọi mặt trận. Nếu đi theo cách tiếp cận này, biết đâu chẳng có một vụ sa lầy giống như tại Iraq, hay thậm chí là một Afghanistan thứ hai. Mặt khác, không như 200 năm trước là chuyện cướp đoạt tiền bạc, mục đích của việc quấy rối thương mại trên Biển Đỏ hiện nay của Houthi là vấn đề chính trị, tôn giáo và đằng sau nó là mớ bòng bong của lịch sử quan hệ giữa phương Tây và Hồi giáo.

Vậy chi bằng hãy tập trung vào vế thứ nhất trong lời của Washington, tức là “cải biến những kẻ thù đó thành con người.” Con người thì có lịch sử, có văn hóa và tín ngưỡng, cần phải hiểu được những phương diện này mới có cách tiếp cận đủ nhân đạo, mang tính hòa giải, sử dụng vũ lực chỉ là biện pháp cuối cùng.

Tất nhiên, điều này không dễ dàng, nhưng khó như quan hệ căng thẳng Israel - UAE mà cựu tổng thống Donald Trump vẫn có thể hóa giải bằng hiệp định Abraham mà không mất một binh một tốt. Và tại sao chỉ có Trump mới có thể đối thoại với Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên hay Putin nước Nga? Thậm chí vô hiệu hóa Iran mà Iran không làm gì được Mỹ? Kinh nghiệm này phải chăng cũng đáng để chính quyền tổng thống Biden tham khảo?

Vào 2500 năm trước, ông tổ Binh gia của Trung Hoa là Tôn tử đã từng nói:

“Chiến tranh là một sự kiện quan trọng của quốc gia và có ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ về sự sống và cái chết của con người, mà còn là sự sống còn của một quốc gia. Vì vậy, phải xem xét thận trọng và thích đáng để bắt đầu một cuộc chiến tranh với các quốc gia khác.”

Và:

“Trăm trận trăm thắng không phải người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc. Không đánh mà khuất phục quân địch, đó mới là người xuất sắc nhất trong những người xuất sắc”

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Hải quân Mỹ đụng độ cướp biển Houthi - liệu lịch sử có đang trêu đùa?