Hàn Tú (1): Hành trình của cô bé người Mỹ mắc kẹt ở Trung Quốc 30 năm trở về Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cô bé người Mỹ đến Trung Quốc khi mới 2 tuổi, rồi sau năm 1949, cô mắc kẹt ở Trung Quốc, trải qua đủ mọi kiếp nạn, lên núi về quê, lao động cực nhọc ở Tân Cương. Hành trình suốt 30 năm trời, từ cõi chết trở về, cuối cùng trở về Mỹ và sau đó thành một nhà văn nổi tiếng.

Hàn Tú là bút danh của Teresa Hanen Buczacki, một nhà văn nữ người Mỹ, sinh ra ở Manhattan năm 1946. Cha cô người Mỹ, mẹ cô người Trung Quốc. Cô đến Trung Quốc khi chưa đầy 2 tuổi, và bị mắc kẹt ở Trung Quốc 30 năm, trải qua vô số ma nạn của các cuộc vận động và Cách mạng Văn hóa, cuối cùng đã vượt qua được bức màn sắt trở về Mỹ.

Năm 1979 khi Mỹ - Trung thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước đó cô là người đầu tiên từ Trung Quốc trở về Mỹ năm 1978. Năm 1990 cô xuất tiểu thuyết tự truyện “Chiết xạ”, và từ đó mở ra con đường sự nghiệp văn chương. Đến nay cô đã xuất bản hơn 50 cuốn sách. Năm 2020 cô được giải thưởng Quốc gia Mỹ và giải thưởng Cống hiến Xã hội.

Người may mắn sống sót

Chính vì thân phận đặc biệt, nên khi bị mắc kẹt lại Trung Quốc sau năm 1949, trong xã hội bị ĐCSTQ kích động thù địch Mỹ, cô đã trở thành cái bia hứng chịu sự công kích của mọi người khi cô vẫn còn là một đứa trẻ nhỏ.

Khi cô từ chối yêu cầu của đảng ủy nhà trường rằng, phải viết tuyên bố 200 chữ rằng vĩnh viễn sẽ không đi tìm phụ thân người Mỹ, vạch rõ ranh giới với cha, thì cô bị đưa đi đày ở Sơn Tây, Tân Cương.

Một cô gái thành phố 17, 18 tuổi bị đày ở Sơn Tây 3 năm, làm việc như những nông dân thực thụ, quả không phải việc dễ dàng, nhưng cô dốc hết sức làm. Sau đó, năm 1967, cô bị đưa đến Tân Cương, cường độ lao động cực nhọc, người bình thường không thể nào chịu đựng nổi.

Mùa xuân năm 1976, cô trở lại Bắc Kinh, lúc đó ngoài cảm giác đau đớn, cô không còn bất kỳ cảm giác nào khác. Cô đi khám, bác sĩ chụp X quang và nói với cô rằng, xương sống cô bị nứt bẩm sinh, lẽ ra không phải lên núi về quê.

Việc đầu tiên cô làm là đến đồn công an khai báo hộ khẩu. Viên công an đó nói với cô vẻ ngạc nhiên: “Ô, sao cô có thể sống trở về được nhỉ?”.

Cô nói cô có mệnh lớn. Viên công an gật gù vẻ đồng tình, và làm thủ tục cho cô, rồi bảo cô đến văn phòng khu phố.

Trên tường văn phòng khu phố là một tờ giấy rất lớn, ghi tên tất cả những phụ nữ trong tuổi có thể sinh sản trong khu phố, và các thông tin khác như có con hay chưa, kết hôn hay chưa, lần có hành kinh gần nhất là ngày nào. Cô nói cô độc thân, họ nói bất kể ai ở tuổi có thể sinh sản đều phải khai báo. Họ còn căn dặn, lần sau có hành kinh ngày nào thì phải đến báo cho họ, nếu không họ sẽ đến tận nhà. Bởi vì phải 100% quán triệt chính sách 1 con. Sau đó họ cấp cho cô tờ giấy rằng đã đăng ký với ban kế hoạch hóa sinh sản.

Sau đó cô được phân công ở nhà máy trang phục địa phương.

Cha cô là sĩ quan Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc từ năm 1943 đến 1945, phụ trách tuyến huyết mạch Himalaya, tuyến đường vận chuyển vật tư trang bị viện trợ cho Trung Hoa Dân Quốc chống Nhật. Mẹ cô là thanh niên văn nghệ theo cánh tả.

Các bác sĩ Mỹ kinh ngạc

Chứng nứt xương sống khiến cô luôn sống trong đau đớn, cả sau này khi về Mỹ cũng vậy.

Năm 2002, cô lại bị đau dây thần kinh mặt nghiêm trọng, đau liền trong 10 năm trời, đến mức cô phải uống thuốc giảm đau cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Năm 2012, cô tìm thầy thuốc ở Washington, nói rằng cô không thể nào chịu được nữa. Bác sĩ nói: “Teresa, tôi không còn thuốc gì có thể chữa cho cô được nữa. Cô có thể chấp nhận phẫu thuật không, phải mổ hộp sọ”.

Cô nói: “Việc gì tôi cũng chấp nhận, chỉ cần hết đau là được”.

Sau phẫu thuật, quả nhiên cô hết đau, nhưng lại phát hiện ra vấn đề, đó là cô bị dính hạch thần kinh và huyết quản với diện tích lớn. Vị bác sĩ phẫu thuật cho cô là một bác sĩ ngoại khoa cực giỏi. Ông hỏi cô: “Khoảng năm cô 20, 21 tuổi, có bị tai nạn giao thông không?”

“Khi đó tôi ở Tân Cương, không có xe, không có tai nạn giao thông”.

“Vậy cô có bị va chạm không?”

“Có”

“Vật gì va chạm vào đầu cô”

“Báng súng”

Khi đó, đấu tố trong Cách mạng Văn hóa lên cao trào. Các buổi tối đều tổ chức họp đấu tố. Hôm đó, trong cuộc đấu tố, người bị đấu tố bị đánh chết ngay tại chỗ. Nhìn thấy cảnh tượng này, cô không thể nào chịu đựng nổi. Cô chuẩn bị đứng dậy thì người ngồi bên nói: “Cô muốn về à?”.

Nào ngờ, một dân quân đứng phía sau nghe được câu hỏi này, biết cô muốn rời khỏi cuộc đấu tố, liền vung báng súng giáng thẳng xuống đầu cô.

Vị bác sĩ người Mỹ hỏi: “Anh ta đập vào đầu cô mấy cái?”

“Đập một cái là tôi đã xong rồi, chết ngất, không còn biết gì nữa, tôi đâu có biết là đập mấy cái”

“Sau đó thế nào?”

“Sau đó họ khiêng tôi ném ra sa mạc Gobi”

“Khi nào cô khôi phục lại tri giác?”

“3 ngày sau tôi tỉnh lại và bò về liên đội”

Bác sĩ nói: “Việc này đã chứng minh điều tôi suy đoán”.

Cô hỏi: “Ngài suy đoán gì?”

“Cô có biết bóng bầu dục Mỹ không?”

“Tôi có biết”

“Những vận động viên bóng bầu dục va chạm, đầu va chạm đầu đối phương, rất mạnh. Khi đó không vấn đề gì, nhưng những vận động viên này qua 40 năm sau, thì sẽ bị đau thần kinh nghiêm trọng, chính là dính hạch thần kinh. Do đó tôi mới nghĩ đến việc cô bị vật gì va vào đầu, nên mới bị đau thần kinh nghiêm trọng như thế này”.

“Ồ, thì ra là như vậy”.

Câu chuyện của cô khiến vị bác sĩ này trở thành người không đội trời chung với ĐCSTQ. Ông nói: “Một thân thể khỏe mạnh như thế này, một con người khỏe mạnh như thế này, lại bị hành hạ đến mức như thế này, thì cái xã hội này, cái chế độ này tuyệt đối có vấn đề nghiêm trọng”.

Tất cả những bác sĩ đã từng khám bệnh cho cô, đều không chịu được tình trạng như thế này. Năm 1978 trở về Mỹ, cô chỉ nặng 43 kg, gầy đét chỉ còn da bọc xương, các số liệu kiểm tra sức khỏe đều rất tệ: Huyết áp không tới 60, thường xuyên không thấy mạch đập, có lúc còn không thấy nhịp tim đập. Bác sĩ hỏi: “Cô đã đi đâu vậy?”

Lúc đó cô chưa nói được tiếng Anh, do đó có một người bạn tên là Sophia ở Phòng Trung Quốc của Quốc vụ viện thường giúp cô, đem cho cô cuốn từ điển y học Anh - Hán. Sau đó, cô ấy thấy các bác sĩ không thể nào hiểu được tình hình của Hàn Tú, Sophia đã nói một câu với các bác sĩ rằng: “Bác sĩ hãy nghĩ như thế này, Teresa vừa từ Auschwitz (trại tập trung của Đức Quốc Xã) ra. Bác sĩ hiểu chưa, thực sự, thực sự là như thế”.

Bác sĩ nói: “Tôi hiểu rồi. Giờ đây tôi đã biết phải chăm sóc cô ấy như thế nào rồi”.

Các bác sĩ chưa bao giờ nhìn thấy một người như cô, giống như một nạn nhân trong trại tập trung Đức Quốc Xã thời thế chiến thứ 2 trở về, giống một bộ xương, và cũng không biết phải làm thế nào. Đó là những tổn thương do một xã hội không bình thường gây ra. Một người may mắn cận kề cái chết thoát chết trở về.

Những vận may giúp cô trở về Mỹ

Tờ giấy của Đặng Tiểu Bình

Cô quả là may mắn, 1 tờ giấy của Đặng Tiểu Bình đã giúp cô từ Tân Cương trở về Bắc Kinh, vì vẫn còn rất nhiều người khác giống như cô, nhưng không được trở về, vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất Tân Cương.

Tờ giấy đó viết gì thì cô không được biết, họ chỉ cho cô xem 1 dòng chữ ở giữa trang giấy “Người này không nên lưu lại Tân Cương”. Sau đó họ yêu cầu cô phải rời Tân Cương trong vòng 3 ngày.

Cô là công dân Mỹ, chính quyền Trung Quốc tất nhiên biết rõ điều đó, nhưng khi đàm phán với chính quyền Mỹ ở Warsaw, đại diện Trung Quốc nhiều lần tuyên bố: “Không có một công dân Mỹ nào trên lãnh thổ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Sự tồn tại của cô là minh chứng những lời tuyên bố của Bắc Kinh hoàn toàn là dối trá. Khi trở về Bắc Kinh, mặc dù sức khỏe rất yếu, nhưng cô quyết tâm phải dốc hết sức vạch trần những lời dối trá này.

Đến năm 1973, Mỹ thiết lập Phòng liên lạc Mỹ ở Bắc Kinh. Cô tìm cách đến Phòng liên lạc Mỹ để chính phủ Mỹ biết là có công dân Mỹ trên lãnh thổ Trung Quốc.

Bí thư chi bộ nhà máy tốt bụng

Năm 1976, đại địa chấn Đường Sơn, nhà cửa đổ hết, những công nhân trong xưởng của cô đưa người nhà đến Bắc Kinh tạm lánh nạn, cuộc sống vô cùng cực khổ.

Cấp trên phát một số gỗ và vật liệu để làm lều chống động đất. Cô nói cô một mình ở với bà ngoại, nhà cũng kiên cố, nên không cần số vật liệu này, nên để các công nhân khác dùng. Và cô nhận làm ca đêm, để các công nhân khác ở nhà chăm sóc vợ con. Thế là vượt qua thời kỳ khó khăn đó, và các công nhân rất cảm kích, nhờ cô mà họ có thể chăm sóc được cho gia đình.

Bí thư chi bộ nhà máy cũng là người tốt. Một ngày nọ, ông tìm đến cô và nói: “Cô đã giúp chúng tôi rất nhiều việc, tôi có thể giúp việc gì cho cô không?”

Cô nói: “Thời Cách mạng Văn hóa, Hồng vệ binh đã lấy đi một số đồ của tôi, gồm cả giấy khai sinh và hộ chiếu. Nếu có thể trả lại cho tôi thì tốt quá”.

Thời Cách mạng Văn hóa, gia đình bí thư có một cái xưởng nhỏ, nên cũng bị đấu tố, nên ông cũng căm giận Hồng vệ binh. Ông nói: “Hồng vệ binh lấy đồ của cô, chính quyền chưa trả lại à?”

“Chưa”.

“Thế thì tôi cần hỏi ai”.

“Ông nên đến phòng ngoại vụ sở công an Bắc Kinh hỏi”.

“Được, tôi sẽ đi”.

Người ở phòng ngoại vụ đã tiếp ông, và đồng ý trả lại, và nói: “Giấy khai sinh và hộ chiếu của cô gái này là những năm 1940, không dùng nữa rồi, trả lại để cô ấy làm kỷ niệm”.

Thế là công an sở ngoại vụ đến nhà máy, trao trả lại cô giấy khai sinh và hộ chiếu trước mặt bí thư và mọi người: “Cách mạng Văn hóa đã qua rồi, chúng ta nên dùng một nụ cười hóa giải mọi hận thù”.

Đến Phòng liên lạc Mỹ

Tháng 2 năm 1977, cô tự cắt may cho mình một chiếc quần bò ống loe, 1 áo jacket nhỏ, thả xõa tóc rồi đến Cửa hàng Hữu Nghị, rồi nhằm phía có là cờ nhiều sọc và sao đi đến. Cô không biết hôm đó là sinh nhật tổng thống Mỹ, nên Phòng liên lạc nghỉ.

Cô đến đại sứ quán 1 nước châu Phi đối diện với Phòng liên lạc Mỹ. Cảnh vệ nhìn cô cười: “Cô đi nhầm rồi, đây là đại sứ quán của nước châu Phi, người ra vào đều là người da đen”.

Cô cười với cảnh vệ và quay người chạy ngược lại, sang Phòng liên lạc Mỹ, dừng lại trước vạch trắng. Cảnh vệ gác cổng bỗng thấy một cô gái xuất hiện liền lớn tiếng quát: “Này, cô làm gì vậy?”

“Hộ chiếu của tôi hết hạn, tôi đến làm thủ tục”.

“Cô là ai?”

“Tôi là người Mỹ”.

“Cô mới không phải là người Mỹ. Người Mỹ đều biết hôm nay là ngày nghỉ, sinh nhật tổng thống Mỹ”.

Cảnh vệ giơ súng lên chĩa vào cô và nói cô không được bước qua. Qua vạch trắng này là lãnh thổ Mỹ. Cô cứ đứng yên đó, nghĩ: “Nếu anh bắn chết tôi, tôi sẽ ngã vào trong vạch trắng này. Tôi nhất định phải đem giấy khai sinh và hộ chiếu của mình vào, để nước Mỹ biết là có công dân Mỹ trên lãnh thổ Trung Quốc”.

Cô không nghĩ là sẽ sống, vì cô biết nếu trở về, công an sẽ lập tức đến bắt cô. Tội xông vào cơ quan nước ngoài ở Trung Quốc thì không có đường sống.

Quả đúng là Ông Trời có mắt. Khi đó, một quan chức ngoại giao Phòng liên lạc Mỹ đến văn phòng lấy bóng tennis để đi chơi tennis, vì ông ấy để quên bóng ở văn phòng.

Khi xe của ông đi qua vạch trắng, ông nhìn qua cửa xe thấy hộ chiếu trong tay cô màu lục, bìa vải, là của những năm 1940, còn hộ chiếu hiện hành là màu lam. Ông liền đến gần cô và hỏi: “Tôi có thể xem giấy tờ của cô được không?”

“Tất nhiên”.

Ông chính là Wardlaw (tên chữ Hán Vạn Lạc Sơn) - viên chức ngoại giao cao cấp. Ông xem xong rồi nói cô hãy đứng yên ở đây, để ông vào tìm người.

Một phút sau, Jerome C.Ogden (tên chữ Hán Đằng Tổ Long - viên chức ngoại giao Mỹ, và Wardlaw bước ra. Hai người thương lượng với cảnh vệ. Cảnh vệ bỏ súng xuống, dù trời rét nhưng mặt đầm đìa mồ hôi.

Hai người Mỹ nói: “Cô ấy là công dân Mỹ, cô ấy cần được vào làm thủ tục, anh thấy thế nào?”

“Tôi phải gọi điện hỏi ý kiến thượng cấp”

“Anh hỏi đi, chúng tôi đứng đây chờ”.

Trong thời gian đó, mọi người đến xem ngày càng đông. Viên cảnh vệ mồ hôi đầm đìa. Khoảng 10 phút sau, thượng cấp đi xe đạp đến. Ông ta nói: “Theo tinh thần “Thông báo Thượng Hải, chúng tôi không ngăn cản công dân Mỹ vào Phòng liên lạc Mỹ”.

Thật may mắn, hôm đó là ngày nghỉ nhưng Phó trưởng văn phòng liên lạc Mỹ David Dean cũng ở văn phòng.

Họ gọi điện về Quốc vụ viện Mỹ báo cáo tình hình. 6 phút sau, Quốc vụ viện kiểm tra xác nhận, cô chính là Teresa Hanen Buczacki - công dân Mỹ sinh ở Manhattan vào 19 tháng 9 năm 1946.

Tuy nhiên, một vấn đề nghiêm trọng là, Phòng liên lạc không phải Đại sứ quán, nên không có sẵn hộ chiếu để cấp cho cô, phải chờ 1 tháng sau.

David Dean nói với cô rằng: “Sau khi cô trở về, tất cả mọi thứ của cô sẽ bị công an tịch thu. Chúng tôi đưa cô số điện thoại, danh thiếp, đều không giữ lại được. Thế nên cô có thể nhớ được 5 số điện thoại không?”

“Được, không vấn đề”.

“Một tháng sau, cô nhất định phải nghĩ cách liên lạc với chúng tôi. Chúng tôi nhất định sẽ giúp cô trở về nhà, bất kể là cô còn sống hay không, nếu chết chúng tôi cũng nhất định sẽ đưa thi thể cô về nhà”.

Khi đó, từ nhà cô đến Phòng liên lạc Mỹ, dọc đường toàn là cảnh sát và cảnh sát chìm.

Công an

Sau khi về, cô bị công an thẩm vấn, hành hạ, cân nặng tụt dốc hàng ngày. Đúng 1 tháng sau, hôm đó cô vẫn đi làm như thường lệ, nhưng cổng nhà máy, phân xưởng, toàn là cảnh sát. Đầu ngõ nhà cô cũng có cảnh sát. Trên đường từ nhà cô đến nhà máy, cứ 5 bước là có 1 chốt cảnh sát. Cô đi qua rừng cảnh sát và công an chìm đi làm như thường lệ.

Hôm đó cô không đi đến Phòng liên lạc Mỹ, họ cũng đã yên tâm, cho rằng cô đã bị họ trừng trị đến mức sợ rồi, nên dần dần cũng không còn canh chừng cô nghiêm ngặt nữa.

Tuy nhiên cũng từ hôm đó, cô đã thử gọi điện nhiều lần nhưng đều không gọi được, bất kỳ điện thoại nào trong thành phố đều không kết nối với văn phòng liên lạc Mỹ được.

Công an tìm đến nhà cô, nói với bà ngoại cô rằng: “Cháu gái bà khi đi học là học sinh tốt, đến công xã nhân dân là xã viên tốt, đến Tân Cương cũng vẫn rất khá, tại sao cô ấy lại đến Phòng liên lạc Mỹ? Tại sao cô ấy lại đến chỗ chủ nghĩa tư bản? Có bàn tay đen nào đằng sau xúi giục cô ấy? Bà có biết đó là ai không?”

Bà ngoại cô nói: “Đó chính là tôi. Thưa ông cảnh sát, ông cũng nói cô bé này là học sinh tốt, là nông dân tốt, là công nhân tốt. Nó ở đây nào có tiền đồ gì. Sẽ chẳng có kết quả nào tốt cả. Nếu là con gái ông, ông có để nó ra đi không?

Tôi để nó ra đi. Tôi già thế này rồi, hơn 70 tuổi rồi, tôi còn muốn gì nữa đâu. Để nó ra đi, trở về nơi chốn của nó, thì tốt xấu vẫn có chút hy vọng. Do đó tôi đồng ý để nó đi.

Nếu ông muốn biết bàn tay đen đứng sau, thì bàn tay đen đó chính là ở đây”.

Cảnh sát hết cách đành ra về.

Bà ngoại nói với cô: “Con như thế này thì không được, chẳng mấy chốc sẽ bị họ đánh gục, sẽ chết. Chúng ta cần phải ăn uống tốt một chút. Con hãy đến Tây Đơn mua một con gà rán, chúng ta hãy ăn một bữa ngon lành nào”.

Đến Tây Đơn mua gà rán cũng phải xếp hàng. Cô thấy một chiếc điện thoại kiểu Nhật, như là đồ cổ. Cô bước đến, nhân viên ở đó nói: “4 xu”. Cô đưa tiền và gọi thử, may thay thông thẳng đến bàn làm việc của Jerome, cô thông báo ngày mai trước 8h sáng, cô nhất định sẽ đến.

Sáng sớm hôm sau, 4h sáng, cảnh sát còn chưa đi làm thì cô đã ra khỏi nhà rồi. Cô bắt xe buýt 3 chặng, đến bệnh viện gần Phòng liên lạc Mỹ, đứng lẫn trong nhóm những bệnh nhân, rồi đi về hướng Phòng liên lạc. Jerome đã chờ sẵn ở cổng, tay cầm sẵn hộ chiếu của cô, đưa cho cô và đi vào. Viên cảnh vệ không kịp phản ứng thì cô đã ở bên trong rồi.

File:Us-passport.jpg
Hộ chiếu Mỹ. (Miền công cộng)

Jerome nói: “Cô ký tên nhanh lên. Cô ký xong, hôm nay tôi sẽ đến Bộ ngoại giao Trung Quốc đòi đưa cô về nước, vì hôm nay cô đã có hộ chiếu rồi”.

Ông nói tiếp: “Chúng tôi trao cô hộ chiếu này, cô đem về nhà, công an sẽ đến tịch thu, tất cả mọi việc đều có thể xảy ra. Nhưng chúng tôi nhất định làm được, sống thì thấy người, chết thì thấy xác, chúng tôi sẽ làm đến cùng với chính phủ Trung Quốc”.

Quả nhiên hôm đó, người của sở công an đến nhà, đầy một nhà, tình thế cứ như là đánh trận lớn vậy, rồi đưa cô đi thẩm vấn, cô lại phải đối mặt với những cuộc đấu trí, đấu sức, và sự hành hạ.

Trở về

Tám tháng sau, Ngoại trưởng Mỹ đến thăm Trung Quốc, đã đưa ra một danh sách, và cái tên đầu tiên trong danh sách đó chính là cô.

Ngoại trưởng Roberts Vance đưa ra điều kiện số 1 là, nếu các anh muốn kiến lập quan hệ chính thức giữa 2 nước, thì trước tiên phải trả người cho chúng tôi.

Cuối cùng, chính phủ Trung Quốc cũng nhượng bộ, đồng ý trả người. Cô đến Hong Kong và bay đến Mỹ năm 1978.

Ở Mỹ cô không có người thân, đến như cha cô trước kia ở nơi nào trên đất Mỹ, cô cũng không biết. Cô được đưa đến phòng Trung Quốc của Quốc vụ viện. Ngay hôm đầu tiên cô đến Quốc vụ viện, Tổng thống Carter đã đưa ra yêu cầu nghiêm khắc với Quốc vụ viện rằng, các anh phải tìm mọi cách đưa được những người Mỹ mắc kẹt ở Trung Quốc giống như Teresa này trở về nước.

Thế là trong 3 năm, tổng cộng hơn 300 người Mỹ ở Trung Quốc lục tục được đưa trở về.

Quan chức Bộ quốc phòng đã nói tình hình của cha cô cho biết, rằng ông đã qua đời 10 năm trước rồi. Ở Mỹ, chỉ cần cô nỗ lực, cố gắng dốc sức, thì sẽ thành công.

(Bài viết từ nội dung phỏng vấn của MC Phương Phi và nữ nhà văn Hàn Tú trên tiết mục Phương Phi phỏng đàm của NTD tháng 8 năm 2022)

(Còn tiếp)

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Hàn Tú (1): Hành trình của cô bé người Mỹ mắc kẹt ở Trung Quốc 30 năm trở về Mỹ