Họa sĩ người Ý tìm lại ý nghĩa thực sự của nghệ thuật: Tác phẩm “Linh cảm” đạt Giải thưởng Xuất sắc

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Cuộc thi tranh sơn dầu tả thực nhân vật toàn thế giới” lần thứ 6 do Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) tổ chức, hơn 60 tác phẩm của vòng chung kết cuộc thi đã được trưng bày. Một trong số đó là tác phẩm “Linh cảm”, được sáng tác bởi họa sĩ người Ý, Diana Manni, tác phẩm này đã đạt được Giải thưởng Xuất sắc. Bức tranh này miêu tả hình ảnh một cô gái đang chơi Vi-ô-lông một mình giữa thiên nhiên, khiến mọi người không khỏi cảm động.

Trong một cuộc phỏng vấn, họa sĩ Manni thừa nhận rằng cô đã rời bỏ thế giới nghệ thuật suốt 15 năm và chuyên tâm vào sáng tác điêu khắc đương đại trong 11 năm. Tuy nhiên, một bước ngoặt tình cờ đã khiến cô phải nhìn lại nghệ thuật và quyết định bước vào một chuyến hành trình nghệ thuật mới. Tác phẩm “Linh cảm” là kết quả trong chuyến hành trình mới của cô, thể hiện sự học hỏi và lĩnh hội mới của cô về kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu tả thực truyền thống.

Cô chia sẻ hành trình trong tâm mình, từ sự bối rối về nghệ thuật đương đại cho đến khi tìm thấy cảm hứng từ trong tu luyện thực tiễn và tìm lại ý nghĩa thực sự của nghệ thuật.

Du hành khắp thế giới, nhưng nội tâm lại trống rỗng

Cô Diana Manni là một nghệ sĩ chuyên nghiệp tham gia vào lĩnh vực điêu khắc đương đại, chủ yếu sử dụng thép không gỉ để sáng tác, vì đây là trào lưu trong nghệ thuật đương đại. “Tôi luôn chọn chất liệu này, vì vậy tôi đã chọn cách bồi dưỡng vẻ mạnh mẽ của mình, tôi thậm chí còn không có sự lựa chọn nào khác, tôi chỉ là một nghệ sĩ và chạy theo các trào lưu nghệ thuật đương đại”, cô nói.

Tuy nhiên, trong suốt 11 năm sự nghiệp của mình, dù thường xuyên đi du lịch và sáng tác ở khắp nơi trên thế giới, nhưng cô vẫn cảm thấy trống rỗng trong tâm. Cô chia sẻ: “Tôi đã làm hầu hết mọi thứ [mà một nhà điêu khắc sẽ làm], nhưng tôi cảm thấy như cuộc sống của mình không có mục đích”.

Cô cho rằng nghệ thuật đương đại quá trừu tượng, đòi hỏi người xem phải “đọc tất cả mục lục mới có thể hiểu được một tác phẩm nghệ thuật. Nó không còn chạm đến trái tim bạn nữa, mà chỉ là một trò chơi trí lực”.

Ngay khi cô cảm thấy bối rối, cô tình cờ biết đến một môn tu luyện thực tiễn có tên là Pháp Luân Đại Pháp. “Cái mà tôi gọi là tu luyện thực tiễn đến từ Trung Quốc, đã khiến tôi tìm lại một số giá trị mà mắt thường không thể nhìn thấy, trong đó có giá trị của nghệ thuật và sáng tác. Tôi nhận ra rằng phương thức nghệ thuật trước đây của mình là sai lầm, xa rời ý nghĩa thực sự của nghệ thuật. Điều này khiến tôi khó có thể kết nối với Thần và tôi hiểu được điều này một cách sâu sắc”.

“Vì vậy tôi đã dừng lại, bởi vì tôi nhận ra rằng mình đã đi sai đường với tư cách là một nghệ sĩ”. Họa sĩ Manni cho biết cô đã ngừng tham gia sáng tác nghệ thuật trong 15 năm và muốn thoát khỏi ảnh hưởng của quá khứ, tìm lại bản chất của mình, “Nó trở thành một phần tịnh hóa tâm hồn của tôi, bởi vì những sự vật trong quá khứ từng ám ảnh tôi một cách sâu đậm”.

Trong khoảng thời gian này, cô vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ hội họa, vì hội họa là hoài bão ban đầu của cô, cô thích hội họa từ khi còn nhỏ, đó cũng là hình thức biểu đạt thuần khiết nhất của cô. Cô bắt đầu công việc chụp ảnh để duy trì cuộc sống.

Cuối cùng, sau 15 năm lắng đọng, cô cảm thấy mình đã hoàn thành quá trình chuyển biến tâm hồn, sẵn sàng bắt đầu một hành trình mới và học lại các kỹ thuật truyền thống.

Họa sĩ người Ý Diana Manni bên bức tranh "Linh cảm" được giải thưởng của cô. (Ảnh Đới Binh - Epoch Times)

Trở lại với hội họa truyền thống

Tuy nhiên, quá trình học các kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống của cô gặp phải nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc bồi dưỡng tính kiên nhẫn và khả năng tập trung, rõ ràng đây là một quá trình lâu dài.

Cô Manni cho biết thử thách lớn nhất mà cô phải đối mặt đầu tiên là bồi dưỡng tính kiên nhẫn và nhiệt tình trong quá trình vẽ tranh. “Trong quá trình đào tạo nghệ thuật hiện đại, chúng tôi luôn theo đuổi tốc độ, thể hiện những cảm xúc nội tâm không có sự tiết chế, không chịu trách nhiệm về nội dung mình thể hiện. Nếu họ tức giận, sự tức giận sẽ đọng lại trong tranh, và sự trống rỗng sẽ là điều mà khán giả nhìn thấy khi họ xem tranh”.

Cô nói, đó là một cách theo đuổi tốc độ, chứ không phải phương thức hình thành nên sự kiên nhẫn, vì vậy việc học lại các kỹ thuật truyền thống là một quá trình tịnh hóa nội tâm đối với cô. “Tôi cần quan sát tâm tư và dòng năng lượng của mình, có lúc phải ngồi ở đó vài giờ đồng hồ, thậm chí là vài ngày. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn cực lớn”, cô Manni nói. Có rất nhiều ý tưởng sẽ xuất hiện trong quá trình này, chẳng hạn như đi dạo, uống một tách trà hay nghỉ ngơi một chút. Nhưng cô vẫn bất động và tiếp tục vẽ tranh với sự tập trung cao độ.

“Điều này dạy tôi không được trốn tránh, cần đào sâu vào nội tâm, xây dựng từng bước với tâm thái bình hòa, thay vì vội vã chạy theo kết quả và sự hài lòng trước mắt”. Cô Manni cho rằng, việc duy trì trạng thái này trong thời gian dài, mà không mong đợi bất cứ sự hài lòng trước mắt nào, đó chính là thách thức chính mà cô phải đối mặt khi mới quay trở lại với chủ nghĩa tả thực truyền thống, bởi cô đã quen với việc đạt được sự hài lòng một cách nhanh chóng.

Cô mô tả rằng, khi cô duy trì sự chuyên chú và bình tĩnh trong lúc vẽ tranh mà không bị cảm xúc chi phối, cô có thể quan sát các đối tượng và chi tiết mình đang vẽ rõ ràng hơn, hơn nữa, cô có thể thể hiện chúng chuẩn xác hơn. “Quá trình này đòi hỏi sự tập trung cao độ. Điều đó có nghĩa là bạn phải liên tục tịnh hóa tâm hồn của mình. Sau đó, bạn có thể nhìn thấy những thứ tế vi. Bạn càng nhìn thấy nhiều ánh sáng, nội tâm bạn có thể chứa càng nhiều ánh sáng. Bạn cũng có thể nhận được nhiều thứ hơn từ nơi sâu thẳm”.

Cô cho rằng việc quay trở lại với chủ nghĩa tả thực truyền thống đã mang lại cho cô rất nhiều lợi ích, không chỉ trong nghệ thuật mà còn cả trong cuộc sống. Bây giờ, cô đã kiên nhẫn hơn trước, đặc biệt là đối với chồng của cô. Hội họa cũng dạy cô cách sống chậm lại và tận hưởng từng khoảnh khắc.

Quá trình sáng tác bức tranh “Linh cảm”

Nói về quá trình sáng tác bức tranh “Linh cảm”, cô cho biết đó là nguồn cảm hứng bất chợt. Khi đó, cô đang cầm máy ảnh chụp ảnh bên bờ sông, bỗng nhiên cô muốn bước chân chậm lại, thưởng thức vẻ đẹp xung quanh mình và ghi lại một số bức ảnh đẹp. Đúng lúc đó, cô nhìn thấy một cô gái ngồi chơi chơi Vi-ô-lông một mình trên tảng đá ven sông như hòa mình vào thiên nhiên. Cảnh tượng này đã mang lại cho cô nguồn cảm hứng và cảm xúc rất lớn.

“Tôi nghĩ đó là một điều vô cùng đẹp – phát hiện ra một người trẻ tuổi, lựa chọn sự đơn độc, tôi luyện nội tâm, tạo nên mối liên hệ với thiên nhiên và sự thần thánh”, cô Manni nói.

Vì vậy, thông qua việc tạo ra bức tranh “Linh cảm”, cô muốn mời khán giả cùng cô cảm thụ lại sự liên kết với vũ trụ, đến gần hơn với mặt Thần tính và có được cảm hứng từ đó. Cô chia sẻ rằng, điều này đặc biệt quan trọng đối với nghệ thuật, bởi vì nghệ thuật hiện đại dường như đã quên mất bản chất của nó - nghệ thuật là cầu nối giữa con người và Thần. Mỗi một tác phẩm nghệ thuật trong quá khứ đều hàm chứa tầng ý nghĩa này, nhằm kết nối con người với Thần.

“Và tôi cũng có thể nhìn thấy bút tích của Thần trong tự nhiên, vạn vật đều rất hoàn mỹ, giữa vạn vật với nhau đều có sự hòa hợp sâu sắc, dù là nước hay gió, nó đều mang đến cho tôi nguồn cảm hứng vô tận. Nếu bạn dừng lại và quan sát ánh sáng trên mặt nước hay những chiếc lá đung đưa theo gió, bạn sẽ cảm thấy có điều gì đó rộng mở trong tâm mình, cảm nhận được một sự kết nối cao tầng hơn, một cuộc trò chuyện sâu sắc và chúng ta có thể kết nối với một chiều không gian cao hơn ngay lập tức”, cô Manni nói.

Cô cho biết, sáng tác bức tranh “Linh cảm” là khoảnh khắc chuyển biến đầu tiên mà cô thực sự cảm nhận được. “Mặc dù chưa hoàn toàn thay đổi, nhưng đó là một khởi đầu tốt. Tôi thực sự có thể cảm nhận được sự thay đổi từ việc sáng tác hội họa”, “Các cánh cửa ở đây đều đã mở ra vì tôi. Giống như mọi điều kiện đã được tạo ra một cách tự nhiên khi tôi đến nơi này”.

Cô chia sẻ quá trình học tập kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống của mình. Cô từng tham gia một dự án hội họa Đại Pháp, nhưng nhận thấy các kỹ thuật tả thực của mình chưa đủ sâu, nên cô quyết định học và thông thạo những kỹ thuật này trước, bắt đầu từ việc sáng tác bức tranh “Linh cảm”.

Tác phẩm “Linh cảm” của họa sĩ Diana Manni đạt Giải thưởng Xuất sắc. (Ảnh NTD)

Tranh sơn dầu truyền thống: Kỹ thuật thể hiện chiều sâu và từng lớp của bức tranh

Cô cho biết, kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống rất khác so với nghệ thuật hiện đại. Trong nghệ thuật hiện đại, bạn có thể vẽ màu lên một tấm vải trắng tùy theo ý bạn muốn, tùy theo cảm nhận của bạn, và bạn có thể hoàn thành một bức tranh chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Nhưng trong kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống, bạn cần phải bỏ ra nhiều thời gian chuẩn bị nguyên liệu và vải Canvas, sau đó quét nhiều lớp màu sơn chồng lên nhau theo các bước và quy tắc nhất định, để đạt được hiệu quả mong muốn. Đây là một quá trình tốn rất nhiều thời gian và công sức, nhưng cũng là một quá trình rất ý nghĩa và có giá trị.

Cô giải thích rằng về mặt kỹ thuật, việc hoàn thành một bức tranh sơn dầu truyền thống có thể mất vài tháng, thậm chí một hoặc hai năm, vì bạn phải bắt đầu bằng việc tự mình chọn vật liệu và chuẩn bị khung vẽ.

Đầu tiên, bạn cần tự xử lý tấm vải Canvas, bạn không thể sử dụng tấm vải lanh ở cửa hàng ngay lập tức, vì chúng chưa được xử lý đúng cách. Trước tiên, bạn cần bôi keo động vật lên tấm vải lanh để nó co lại và cố định vào khung. Sau đó, bạn cần sử dụng công thức đặc biệt để tạo lớp sơn lót màu trắng và quét lên tấm vải lanh đó.

Mục đích của việc này là để sơn dầu được hấp thụ tốt hơn, có thể xếp nhiều lớp và làm nổi bật chiều sâu cũng như từng lớp của bức tranh. Bóng tối không chỉ là một màu đen đơn thuần, bạn có thể cảm nhận được chiều sâu, chúng có phần mở rộng nội tại. Như bạn có thể thấy, những công việc chuẩn bị này đã tiêu tốn rất nhiều thời gian và sức lực.

Kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống dựa trên cách làm việc nhiều lớp này. Bạn không thể trực tiếp sử dụng sơn để khắc họa các chi tiết, ánh sáng và bóng tối, thay vào đó, bạn bắt đầu với các màu cơ bản và dần dần thêm các màu sơn khác để xác định hình thể và không gian, tiếp tục thêm màu sơn trắng và đen để điều chỉnh ánh sáng và bóng tối, sáng tối đối lập với nhau, đồng thời, sử dụng nhiều lớp màu để gia tăng độ nét và tính khoảng cách. Đây là một quá trình rất dài.

Tất cả những điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và cẩn thận của bạn, vì phải đợi mỗi lớp sơn trước được khô ráo, sau đó mới chuyển sang lớp tiếp theo. Bạn cũng cần phải nhạy cảm và tinh ý khi nắm bắt những thay đổi về ánh sáng, màu sắc và thể hiện chúng thông qua màu sơn.

Cô chỉ vào bức tranh đối diện và nói: Bạn có thể thấy đấy, họa sĩ này đã sử dụng kỹ thuật này để sáng tác. Bạn có thể thấy có một loại bóng tối xanh lá cây trên các ngón tay của cô ấy, đó là vì cô ấy đã sơn màu nền trên tông màu xanh lá cây. Việc làm này làm cho các ngón tay có vẻ xa hơn so với người xem, như thể từ sau ra trước. Điều này rất khác với việc ném sơn ngẫu nhiên trong nghệ thuật hiện đại, bạn cần phải dùng màu sơn để đọc và thể hiện ra tất cả ánh sáng.

Vì vậy, cô cho rằng học kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu truyền thống không chỉ là học một loại kỹ thuật nào đó, mà còn là học một số giá trị quan đang dần biến mất trong xã hội hiện đại. “Khi bạn là một họa sĩ, bạn cảm nhận được sự liên kết giữa hội họa và bạn, nó sẽ đưa bạn vào một thế giới khác. Trong thế giới này, bạn tái hiện niềm đam mê, sự quan tâm và chi tiết, cũng như mối liên hệ của bạn với quá khứ. Mỗi nét bạn chạm vào đều sẽ lưu lại năng lượng và cảm xúc của bạn trên tấm vải vẽ, khi khán giả ngắm nhìn tác phẩm của bạn, họ cũng cảm nhận được những điều đó. Đó là một cách đưa họ quay về quá khứ, một cách để họ thể nghiệm một loại giá trị quan khác”.

Cô cho biết vì lý do này mà một người quản lý người Úc cũng đã mở một phòng vẽ tranh miễn phí ở Florence. “Bởi vì anh ấy tin rằng, trong kỹ thuật vẽ tranh truyền thống này còn có một thế giới khác mà giờ đây chúng ta cần hiểu về nó, việc dạy những bạn trẻ học vẽ tranh sơn dầu cũng có nghĩa là dạy cho họ một tập hợp các giá trị quan đang dần biến mất trong xã hội đương đại. Nếu các bạn trẻ học được cách sáng tác tranh sơn dầu, những giá trị quan này cũng được truyền lại trong quá trình học tập, vì vậy, các bạn trẻ cũng học hỏi những giá trị quan này theo cách tương tự”.

Trách nhiệm của nghệ sĩ với xã hội

Cô Manni cho biết toàn bộ quá trình không chỉ có ảnh hưởng tích cực đến sáng tạo nghệ thuật mà còn thay đổi sâu sắc thái độ của cô đối với cuộc sống, khiến cô trở nên bình hòa và kiên nhẫn hơn. Nó cũng khiến cô hiểu được trách nhiệm của nghệ thuật đối với xã hội sâu sắc đến nhường nào. Mỗi nghệ sĩ đều phải chịu trách nhiệm về những gì họ làm, những gì họ tin tưởng và những gì họ nghĩ đến khi vẽ tranh đều sẽ ảnh hưởng đến khán giả.

Cô cho rằng nghệ thuật tốt có thể trở thành kim chỉ nam cho xã hội, dẫn dắt con người quay trở về với những giá trị quan tích cực, trở thành mối liên hệ với Thần và khơi dậy cảm hứng của con người.

“Đó là lý do tại sao mọi người đều thích miêu tả sự tồn tại của Thần. Làm như vậy sẽ mang lại nhiều trách nhiệm hơn, để làm tốt điều đó, bạn phải thực sự nỗ lực hoàn thiện bản thân. Như vậy, toàn bộ quá trình này sẽ phản ánh vào trong tranh vẽ một cách tự nhiên”. Cô Manni cho biết cô hy vọng tác phẩm của mình sẽ có ích cho khán giả, cô cũng rất biết ơn khi được tham gia cuộc thi nghệ thuật này.

Thái Dung - Epoch Times

Gia Ý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Họa sĩ người Ý tìm lại ý nghĩa thực sự của nghệ thuật: Tác phẩm “Linh cảm” đạt Giải thưởng Xuất sắc