Hồng Lâu Mộng: Những mối tình dang dở chỉ là trả nợ cho nhau

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giáng Châu tiên thảo hạ xuống cõi trần không phải để kết duyên với Bảo Ngọc, và có được cuộc hôn nhân mỹ mãn. Hãy thử nghĩ xem, nếu lương duyên như ý thì vì sao nàng lại khóc hết nước mắt rời khỏi nhân thế, cuối cùng trở về Trời thành Tiên?

Nhân gian không nợ chẳng tương phùng

Hồi mở đầu “Hồng Lâu Mộng” viết rằng:

Bên bờ sông Linh Hà ở Tây phương, bên cạnh hòn đá Tam Sinh có một cây Giáng Châu được Thần Anh làm chức chầu chực ở cung Xích Hà ngày ngày lấy nước Cam Lộ tưới bón cho nó mới tươi tốt sống lâu.

Đã hấp thụ tinh hoa của trời đất, lại được nước Cam Lộ chăm bón, cây Giáng Châu thoát được hình cây, hóa thành hình người, tu luyện thành người con gái, suốt ngày rong chơi ngoài cõi trời Ly Hận, đói thì ăn quả Mật Thanh, khát thì uống nước bể Quán Sầu. Chỉ vì chưa trả được ơn bón tưới, cho nên trong lòng nó vẫn mắc mứu, khi nào cũng cảm thấy như còn vương vấn một mối tình gì đây.

Gần đây, Thần Anh bị lửa trần rực cháy trong lòng, nhân gặp trời đất thái bình thịnh vượng muốn xuống cõi trần để qua kiếp "ảo duyên", nên đã đến trước mặt vị Tiên Cảnh Ảo ghi sổ. Cảnh Ảo liền hỏi đến mối tình bón tưới, biết chưa trả xong, muốn nhân đó để kết liễu câu chuyện. Nàng Giáng Châu nói: "Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trang trải xong!"

Thị giả Thần Anh thấy cây tiên Giáng Châu khô héo, liền lấy nước Cam Lộ ngày đêm tưới bón cho. Tiên thảo nhờ hấp thụ linh khí của đất trời, đồng thời được Cam Lộ nuôi dưỡng nên có thể trường sinh, sống lâu cùng tuế nguyệt, hóa thành Giáng Châu Tiên Tử.

Thần Anh thị giả động lòng phàm, bèn xuống nhân gian đầu thai vào phủ họ Giả, lấy tên là Giả Bảo Ngọc. Giáng Châu Tiên Tử vì muốn báo đáp ân tình của Thần Anh nên cũng theo chàng hạ phàm, đầu thai vào nhà họ Lâm ở Giang Nam, lấy tên là Lâm Đại Ngọc. Lâm Đại Ngọc lên 5 tuổi thì mẫu thân qua đời, nàng được bà ngoại đón về phủ họ Giả. Tại đây nàng đã gặp người anh họ của mình - Giả Bảo Ngọc.

Hồi thứ ba kể rằng, ngay trong lần đầu gặp gỡ, Đại Ngọc vừa trông thấy Bảo Ngọc đã vô cùng ngạc nhiên: “Lạ thật, hình như ta đã gặp anh ấy ở đâu rồi, sao quen mặt thế!” Còn Bảo Ngọc vừa nhìn thấy em Lâm cũng thốt lên rằng: “Hình như tôi đã từng gặp cô em lần nào rồi!”

Mọi cuộc gặp gỡ trên thế gian đều là tương phùng sau thời gian dài ly biệt. Giữa biển đời mênh mang, người với người vội vã lướt qua nhau, vậy mà lại có đôi nam nữ vừa gặp đã nảy sinh tình cảm, nhất kiến chung tình, tâm linh tương thông, thì ra đều là tiền duyên đã định.

“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, nhân gian không nợ chẳng tương phùng. Đại Ngọc đã bị tẩy sạch ký ức nào biết rằng cuộc gặp gỡ này chỉ là khúc mở màn cho vở kịch “nước mắt đền ơn xưa”?

(Ảnh minh họa: Khu vực công cộng)

Trong mê không biết mình là ai

Trong 80 hồi đầu “Hồng Lâu Mộng”, Đại Ngọc khóc cả thảy 37 lần: “Trước cửa sổ lệ rơi”, “một mình khóc trong phòng”, “bưng mặt khóc thầm”, “khóc với nhau không nói nên lời”, “lau giọt châu sa”, “hai mắt sưng húp như quả đào, mặt đầm đìa lệ quang”, “lệ rơi thánh thót”... Đại Ngọc luôn thích khóc, khóc tới nức nở nghẹn ngào, bi thương đau xót, cứ như thể nàng sinh ra là để khóc vậy.

Kỳ thực, tính cách chỉ là lý do trên bề mặt, còn nguyên nhân sâu xa hơn chính là nguyện ước ban đầu khi hạ thế. Một đời của Lâm Đại Ngọc là một đời hoàn trả nước mắt, vì Bảo Ngọc mà khóc cạn khô lệ để hoàn trả ân tình tưới bón trên Thiên thượng.

Đại Ngọc trong mê không biết bản thân là ai, không nhìn rõ được quan hệ nhân duyên. Vậy nên đối với thói đời đen bạc, thế thái vô tình, lòng người ấm lạnh, nàng luôn tỏ ra lãnh đạm, thờ ơ. Đại Ngọc vì tình mà đau khổ, vì Bảo Ngọc mà khóc cả một đời, khóc mãi đến ngày Bảo Ngọc kết hôn với Bảo Thoa, khóc đến cạn nước mắt mà chết mới có thể giải thoát, về Trời.

Nếu như Đại Ngọc biết rằng mỗi giọt châu sa là để hoàn trả một giọt Cam Lộ, năm xưa được Thần Anh tưới bao nhiêu Cam Lộ, thì hôm nay phải hoàn trả bấy nhiêu nước mắt. Đây chính là tâm nguyện của nàng từ tiền kiếp, nào đâu phải vì tình duyên lỡ làng hay thói đời bạc bẽo gì đâu? Nếu đã biết rõ như vậy thì liệu Đại Ngọc có còn đa sầu đa cảm, còn thở vắn than dài như thế nữa hay không?

(Ảnh minh họa: Khu vực công cộng)

Thần Tiên không lụy bởi chữ “Tình”

Tình duyên của Bảo Ngọc và Đại Ngọc khởi nguồn từ việc hoàn trả nước mắt, giữa hai người là quan hệ báo ân chứ không phải quan hệ tình ái. Cho dù tình cảm sâu đậm thế nào, yêu nhau tha thiết đến đâu, thì cho đến phút cuối cùng tất cả cũng chỉ là “trăng in đáy nước, hoa lồng bóng gương”. Vì thế mà em Lâm chỉ có thể “nước mắt chảy dài cả năm ròng”. Khi lệ cạn thì món nợ cũng trả xong, Đại Ngọc liền rời khỏi nhân gian, trở về Thái Hư làm Tiêu Tương Phi Tử.

Trong giấc mộng Bảo Ngọc du ngoạn đến Thái Hư và gặp lại Đại Ngọc. Bảo Ngọc liền bày tỏ tâm tình: “Em ở đây khiến anh rất nhớ!”, nào ngờ vừa nói xong liền bị thị nữ đuổi ra ngoài.

Đại Ngọc nay đã trở thành Tiêu Tương Phi Tử, còn Bảo Ngọc chỉ là kẻ phàm trần ô trọc, sao có thể ở lại nơi Tiên giới được đây? Nhân gian duyên tình ngắn ngủi, nợ tình đã trả hết thì duyên phận cũng chẳng còn.

Bảo Ngọc thất vọng phát hiện ra rằng, những chị em thân thiết năm xưa giờ chẳng còn ai nhận ra mình, ngay cả a hoàn Tình Văn nay cũng thờ ơ lạnh lùng. Thần Tiên đã không còn vương vấn với cõi trần thì cũng chẳng còn giữ thân tình với kẻ phàm nhân.

Nhưng riêng Tiêu Tương Phi Tử là vẫn nhận ra Thần Anh thị giả trong hình hài Bảo Ngọc. Vì muốn thức tỉnh Bảo Ngọc sớm ngày trở về Thần giới, Tiêu Tương Phi Tử đã lệnh cho Vưu Tam Thư cầm kiếm đuổi theo chàng để chặt đứt trần duyên, chặt đứt sợi tơ tình. Có thể thấy Đại Ngọc đã thành Tiên nhưng vẫn còn dụng tâm vì Bảo Ngọc, nhưng điều đó đã vượt xa cái tình nam nữ thông thường.

(Ảnh minh họa: Khu vực công cộng)

Hạ phàm chỉ để diễn một màn

Tiên cô Cảnh Ảo dẫn Bảo Ngọc đi du ngoạn Thái Hư Ảo Cảnh là để thức tỉnh chàng, nhắc nhở chàng chớ nên mê đắm vào ảo mộng nhân sinh, sớm ngày quay về Thiên giới. Nhưng Bảo Ngọc chưa từng trải thế sự nên vẫn hồ đồ không hiểu: Vì sao ái tình xưa nay chẳng qua chỉ là “cái tình trăng gió”?

Sau này, trải qua cuộc du ngoạn Thái Hư lần thứ hai, Bảo Ngọc đã không còn quyến luyến công danh tiền đồ, trong lòng cũng xem nhẹ tình duyên nam nữ. Vậy nên Bảo Ngọc “thấy linh cữu của Lâm muội muội trở về, hoàn toàn không thương tâm rơi lệ”.

Vậy là cuối cùng Bảo Ngọc đã ngộ ra rằng: Hết thảy tình duyên trên thế gian đều là ma chướng, tình ái trong cõi hồng trần kỳ thực chỉ là si nam oán nữ đang hoàn trả cái tình gió trăng mà thôi.

Người ở trong mê, chỉ khi bước qua hồng trần, nếm trải ái tình hư ảo mới hiểu rằng bản thân hạ phàm chẳng qua chỉ là diễn một màn kịch. Đến khi vở kịch kết thúc, oan nghiệt trả xong thì cũng là lúc hạ màn. Do đó, đến cuối truyện Bảo Ngọc đã thay đổi diện mạo, khoác chiếc áo choàng đỏ tươi, đầu trần chân đất, theo hai vị tăng nhân và Đạo sĩ rời khỏi nhân gian.

(Ảnh minh họa: Khu vực công cộng)

Giáng Châu tiên thảo hạ phàm không phải vì để kết hôn với Bảo Ngọc

Giáng Châu tiên thảo tu thành hình người sau đó hạ phàm, hoàn toàn không phải để kết hôn với Bảo Ngọc, và thành tựu mối lương duyên mỹ mãn. Hãy thử nghĩ xem, nếu tình duyên như mộng đẹp, nhân duyên như ý nguyện, thì vì sao nàng lại khóc đến cạn khô dòng lệ rồi trở về Thiên giới làm Thần Tiên?

Câu chuyện Đại Ngọc hoàn trả nước mắt là một màn diễn nhân sinh đầy ý vị. Mà màn diễn này càng si tình thì càng bi thảm, càng có thể cảnh tỉnh người đời đang mê mờ trong chốn nhân thế, đang khổ sở mệt mỏi vì chữ tình. Ý nghĩa của vở kịch cũng như dụng tâm của vai diễn là mong người đời có thể nhìn thấu những giả tướng hư ảo, từ đó buông bỏ cái tình, nhảy thoát ra khỏi bể khổ giống như Bảo Ngọc vậy.

Thứ gọi là bi kịch nhân gian, có duyên mà chẳng có phận, có tình mà chẳng thể sánh bước chung đường… thực ra đều là một màn kịch hoàn hảo. Những mối tình dang dở rốt cuộc chỉ là để trả nợ cho nhau. Những gì là sớm nhung tối nhớ, đêm than chiều khóc, xuân cảm thu sầu… chẳng qua chỉ là mê trong nhân thế, tự mình đa tình, vướng lưới tình chuốc lấy thị phi mà thôi.

Chúng ta đã tẩy sạch ký ức, mắc kẹt trong lưới tình, quấn thân trong danh lợi, mơ mơ hồ hồ chẳng còn nhớ mình là ai. Vì sao ta lại đến đây? Vì sao một đời bi lụy? Vì sao mộng đẹp khó thành? Ấy là vì hết thảy đều là để để trả nợ cho nhau.

Chúng ta mê mang trong vai diễn đời này, chiểu theo kịch bản đã định trước, bạn hát xong tôi liền lên sân khấu, cùng diễn một vở kịch lớn nhân gian. Trong những tình tiết thật thật giả giả, hư hư thực thực ấy, phải chăng vẫn luôn có người lầm tưởng vũ đài nhân gian là cố hương của mình?

Theo Tần Thuận Thiên - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hồng Lâu Mộng: Những mối tình dang dở chỉ là trả nợ cho nhau