Huyền thuật của các đạo sĩ Tây Tạng khiến giới khoa học chấn động

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ ngàn xưa, Tây Tạng vẫn nổi tiếng về truyền thống tâm linh huyền bí, khác hẳn những quốc gia khác. Người Ấn Độ và Trung Hoa đã có nhiều giai thoại nói về miền đất nằm tận trên mây này. Hầu như đa số các tu sĩ Ấn Độ đều có thời kỳ qua Tây Tạng học hỏi, tu luyện. Nhiều người tìm đường qua Tây Tạng như bị thu hút bởi một mãnh lực nào đó. Họ cho rằng chỉ tại nơi đây người ta mới trải nghiệm được những sự kiện mầu nhiệm, những hiện tượng siêu nhiên huyền bí vượt xa sức tưởng tượng của con người. 

Alexandra David Neel là người phụ nữ da trắng đầu tiên du hành khắp Tây Tạng. Bà đã dành ra hơn 12 năm nghiên cứu về Phật học tại đây, lúc thì trong những tu viện hẻo lánh, khi thì nhập thất trong một hang động trên đỉnh Himalaya. Trong những tác phẩm viết về Tây Tạng, sách của bà chiếm một vị trí vô cùng quan trọng và được xem là những tài liệu có giá trị vượt thời gian; giúp bà được trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh.

Bà cho biết người Tây Tạng không chấp nhận những sự kiện gọi là siêu nhiên huyền bí. Đối với họ, tất cả đều là những hiện tượng tự nhiên như trăm ngàn các hiện tượng khác. Tuyệt đối không gì có thể gọi là siêu nhiên hay phép lạ được. Huyền thuật đối với người Tây Tạng chỉ là một khoa học nghiên cứu các sức mạnh của tâm thức để sử dụng nó vào một mục đích nhất định nào đó mà thôi.

Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng. (Sách trên trang web firstnews)

Huyền thuật kỳ lạ

Gần đây hình ảnh một người tu luyện Yoga ở Himachal Pradesh (Ấn Độ) thiền định trên dãy Himalaya, chỉ mặc quần áo rất mỏng đã khiến cộng đồng mạng kinh ngạc. Khung cảnh cho thấy tuyết rơi đầy trên mặt đất và phủ trắng xóa trên thân người thiền định, giống như một “tác phẩm điêu khắc bằng tuyết”. Đoạn video khiến cư dân mạng bàn luận sôi nổi, thậm chí có người còn nghi ngờ nó làm bằng AI.

Nhưng theo trang India Today, một tổ chức tâm linh ở Himachal Pradesh đã khẳng định cảnh tượng đó là thật. Họ cho biết, người thiền định trong ảnh là hành giả Satyendra Nath. Ông đã thực hành thiền ở dãy Himalaya nhiều lần trong hơn 20 năm qua. Đoạn phim được quay bởi người đệ tử của ông.

Đầu tháng 2 năm nay, Nath và các đệ tử đã đến Thung lũng Seraj ở quận Kullu trong một tháng. Khi cơn bão tuyết ập đến, các đệ tử đã đến chỗ hành giả Nath và thấy ông đang trong trạng thái thiền định ở khu vực núi phủ đầy tuyết. Vì vậy họ quyết định quay lại cảnh ông đang thiền định.

Hành giả Satyendra Nath thiền trong thuyết trên dãy Himalaya. (Chụp video)

Ở nơi khác, Kailash là một trong những ngọn núi linh thiêng và bí ẩn nhất thế giới, được mệnh danh là Vua của các ngọn núi thiêng, các nhà khoa học gọi nó là Kim tự tháp trắng của Tây Tạng. Thông qua bản đồ vệ tinh, chúng ta cũng có thể tìm thấy một người đang thiền định bên trong bức tường đá băng giá của ngọn Kailash.

Điều này thật kỳ diệu. Nhưng học giả David Néel cho biết với người Tây Tạng thì môn huyền thuật này được nhắc đến rất nhiều, gọi là phép luyện lửa tam muội, hay nhiệt công. Hãy thử tưởng tượng giữa mùa đông giá rét, khi nhiệt độ xuống khoảng âm vài chục độ, 1 người ngồi trong một động đá cao khoảng vài ngàn thước mà chỉ mặc một cái áo mỏng, hoặc có khi để mình trần mà không hề hấn gì thì quả là sự lạ.

Nhưng đa số các đạo sĩ Tây Tạng đều làm như vậy một cách hết sức tự nhiên, năm này qua năm khác, bất kể thời tiết giá lạnh vì họ biết phương pháp chuyển nhiệt, hay luyện lửa tam muội. Lửa tam muội ở đây là một ngọn lửa huyền bí, hay một năng lực bên trong mà chỉ những người luyện đạo đặc biệt mới biết đến công dụng của nó. Người Trung Hoa thường gọi nó là hỏa hầu, và người Ấn Độ gọi nó là con rắn Kundalini hay hỏa xà.

Lửa tam muội

Thật ra, người Tây Tạng nghiên cứu rất thấu đáo phương pháp này, và có khá nhiều sách ghi chép rất rõ về tính chất, công dụng, cũng như sự linh nghiệm của cách luyện nó. Đại khái như sau: Một người biết cách thở hít theo một phương pháp nhất định để khai mở các bí huyệt trong thân thể thì lúc nào cũng cảm thấy ấm áp như được khoác một bộ áo dầy, mà người Tây Tạng gọi là “được mặc áo Tiên”. Tuy nhiên, ngoài việc hô hấp, nếu còn biết cách nhập định, tĩnh tâm hay hướng dẫn tâm thức thì người đó còn cảm thấy tâm thân dễ chịu, an lạc, thoải mái. Trình độ này được gọi là “sống trong Tiên cảnh”.

Truyền thống môn phái còn đặt ra những cuộc thi về nhiệt công như sau: Vào hôm trời thật lạnh, các môn đồ phái này tụ tập trước một bờ sông, nhúng các tấm chăn bằng nỉ xuống nước lạnh rồi khoác lên mình. Gió lạnh khiến nước đông thành băng ngay. Người luyện phải chuyển nhiệt làm sao cho cái chăn bị đông thành đá đó trở nên khô ráo, ấm áp, bao nhiêu băng phải tan ra nước hết. Khi tấm chăn đã khô, người ta lại nhúng xuống nước rồi đắp lên mình, cứ như thế cho đến sáng sớm. Người nào làm khô nhiều tấm chăn nhất được coi như thắng cuộc.

2 hành giả luyện lửa tam muội trong thời tiết có tuyết và phủ tấm vải ướt lên người. (Chụp video)

Có 1 câu chuyện về 1 người đến xin gia nhập môn phái này, vị trưởng lão nhắc lại điều kiện rằng chỉ cần ngồi trong phòng đó đủ một ngày là được. Rồi lấy ra một cái thúng chứa ba con rắn hổ mang to lớn quăng vào, và bảo người này cứ vào đó mà nhập định. Vị này không hề sợ hãi và tọa thiền trọn ngày.

Hôm sau, khi đã hoàn tất cuộc trắc nghiệm, lúc đó vị trưởng lão lại lắc đầu từ chối và giải thích: “Làm sao một người như anh có thể đi xa hơn nữa được! Có rắn độc trong phòng lại không chịu đuổi chúng ra mà cứ ngu si đâm đầu vào đó để nhập định. Anh luyện khí công thật giỏi nhưng chẳng hề quan tâm đến việc trừ khử các vọng niệm, dứt tuyệt tham sân si, tu hành như thế thì được ích gì?”.

Cách luyện lửa tam muội là một phương pháp bí truyền, phải có thầy chỉ dẫn rõ rệt chứ không thể học theo sách vở được. Quả là đằng sau những điều lạ lùng, khó tin này vẫn ẩn dấu một điều gì đó, mà người ta phải biết cách gạn lọc để tìm ra những tinh hoa ở bên trong.

Theo học giả David Néel ghi nhận, những vị luyện môn này thường chuyên tâm thiền định. Sau một thời gian, họ có thể cởi trần ngồi giữa tuyết lạnh mà vẫn không hề hấn gì. Đây không phải là trường hợp đặc biệt, nhiều nhà thám hiểm Âu Mỹ cũng ghi nhận đã thấy nhiều đạo sĩ mình trần ngồi giữa tuyết lạnh mà vẫn không hề chi.

Còn có rất nhiều huyền thuật khác, như người hành giả này đang treo mình trên cây, các phóng viên đã theo dõi hơn 10 phút rồi, không biết anh ta sẽ tiếp tục treo như thế này trong bao lâu. Cứ như thể anh không cảm thấy đau tay. Nếu một người bình thường có thể treo như thế này trong một, hai phút, điều đó sẽ được coi là tuyệt vời. Rõ ràng là nó đã vượt quá giới hạn vật chất của con người. Có lẽ đây là sức mạnh của tâm linh.

Đây là bộ phim tài liệu từ thế kỷ trước, ghi lại mối quan hệ đặc biệt giữa một ông già và một con đại bàng, ông sống một mình trên núi và nuôi đại bàng không phải là một nhu cầu sinh tồn. Nó còn chứa đựng một loại tự do về tinh thần, một cuộc đối thoại và thực hành tâm linh. Bộ phim tài liệu này không tính là huyền thuật, mà bộc lộ những liên hệ về thiên nhiên, cuộc sống và sự sâu sắc về nội tâm.

Thuật truyền cảm tư duy

Ngoài nhiệt công và khinh công, một bộ môn huyền thuật khác cũng được nhắc đến rất nhiều là nghệ thuật truyền cảm tư duy hay thần giao cách cảm. Phần lớn các danh sư huyền thuật đều ít nói. Khi thu nhận đệ tử, họ dạy dỗ rất ít bằng ngôn từ. Bà David-Néel thấy rằng các môn sinh chỉ sống với thầy trong một thời gian, rồi tìm vào những chốn hoang vu hẻo lánh để thực hành. Tuy thế, họ vẫn có thể liên lạc với thầy bằng suy nghĩ.

Quy tắc của phép truyền cảm tư duy cũng giống như các quy luật về vô tuyến truyền thanh, nghĩa là có hai phần: một phần phát ra và một phần nhận vào. Tuy nhiên, ở máy vô tuyến thì hai bên chỉ hiểu nhau qua lời nói, còn ở phép thần giao cách cảm thì hai bên hiểu nhau bằng suy nghĩ.

Sự truyền cảm tư duy hay thần giao cách cảm đã được đề cập trong các tài liệu của châu Âu nhưng đa số đều diễn ra một cách tình cờ, bất ngờ và chỉ một lần rồi thôi. Tại Tây Tạng, sự kiện này xảy ra rất thường xuyên, rõ rệt và có thể lặp đi lặp lại nhiều lần. Người Tây Tạng xem đây là một huyền thuật, hay một bộ môn mà người ta có thể tập luyện được. Muốn tập, người ta cần huấn luyện khả năng tập trung để phát ra những luồng suy nghĩ, và biết giữ sao cho đầu óc trở nên tinh nhạy để có thể đón nhận các luồng suy nghĩ tinh tế.

Nếu giải thích theo khoa học thì suy nghĩ của con người chỉ là những làn sóng tâm thức phát ra với một cường độ rất yếu. Khi suy nghĩ được tập trung, làn sóng này được khuếch đại lên. Truyền cảm tư duy chỉ là một phương pháp khiến làn sóng đã được khuếch đại này rung động trên một “băng tần” nhất định để người khác có thể đón nhận được.

Làm sao hai người có thể bắt được suy nghĩ của nhau? Làm sao họ biết “băng tần” nào để truyền cảm tư duy?

Bí quyết của nó nằm ở những bài chú khẩu truyền hay những rung động âm thanh mà cả hai đều hết lòng trì tụng. Sự tương giao giữa những âm thanh này chính là cái mà khoa học ngày nay gọi là “băng tần”, những chu kỳ rung động của suy nghĩ. Nói cách khác, nguyên tắc của phép truyền cảm tư duy không khác với nguyên tắc hoạt động của vô tuyến truyền thanh ngày nay là bao nhiêu, thay vì sử dụng máy móc thì các đạo sĩ Tây Tạng đã sử dụng năng lực tâm linh của chính mình.

Do đó cũng có thể kết luận rằng huyền thuật và khoa học thực nghiệm đều dựa trên những quy tắc hay định luật không khác nhau, một bên áp dụng những quy tắc này vào kỹ thuật hay dụng cụ bên ngoài, còn một bên thì sử dụng năng lực tâm linh vốn tinh tế và phong phú hơn nhiều, để cùng nhắm vào một mục đích

Cuộc sống con người ngày nay tại những nơi phồn hoa đô hội với hàng triệu làn sóng suy nghĩ hỗn tạp đã tạo ra những rung động lộn xộn, huyên náo, đầy ô nhiễm, làm hao tán khả năng tập trung, phá hoại tâm trí con người. Một khi đã không kiểm soát được suy nghĩ của mình, người ta dễ bị lôi cuốn vào cái đà sống quay cuồng, vào những rung động bất hảo như tham lam, ganh tị, sân hận, si mê và hậu quả là họ dễ mắc phải những căn bệnh thác loạn thần kinh, suy nhược cơ thể và hàng trăm căn bệnh lạ lùng khác.

Bà Neel cho biết, người Tây Tạng đã nói về sự kiện này một cách thản nhiên như không có gì lạ xảy ra. Người châu Âu có thể cho rằng, họ “không biết gì”, không có một chút căn bản nào về khoa học hay những định luật về vật lý, không biết đến những giới hạn của không gian, thời gian nên “tưởng tượng” ra như vậy. Phải chăng đằng sau những vẻ chất phác ấy vẫn ẩn giấu những kiến thức siêu việt lạ lùng mà khoa học ngày nay không hề biết, và biết đâu họ chẳng mỉm cười trước thái độ khinh miệt, ngạo mạn của những nhà bác học thông thái Tây phương?

Chỉ là những điều tự nhiên

Huyền thuật và khả năng thần thông vẫn là một đề tài được bàn cãi rất nhiều. Một số người tu luyện tin rằng, thần thông xảy ra khi người ta đạt đến một trình độ tu hành nào đó. Vì nó chỉ là một sản phẩm tự nhiên, người ta không nên cầu mong, ao ước vì mong cầu là một sự tham lam xuất phát từ bản ngã.

Dĩ nhiên không phải ai cũng nghĩ như thế. Ở Tây Tạng hay 1 số nơi khác trên thế giới, có những người luyện phép thần thông để thỏa mãn các tham vọng riêng, đó là trường hợp của các pháp sư, phù thủy.

Người Tây Tạng tin rằng, nhiều hiện tượng được tạo ra bởi các thực thể vô hình như các sinh vật sống trong sáu nẻo luân hồi: Thiên nhân, A Tu La, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh; mà giác quan thông thường của con người không thể nhận biết. Dù được tạo ra bởi bất cứ nguyên nhân nào thì nó đều là những hiện tượng tự nhiên, nghĩa là chịu sự chi phối của những định luật trong vũ trụ, chứ không hề có tính cách phản tự nhiên.

Alexandra David Neel ở Tây Tạng. (Wikipedia/ SA-2.0)

Sau hành trình 12 năm tiếp xúc, học hỏi và tu tập với các đạo sĩ Tây Tạng, nhà nghiên cứu David Neel đã viết từ Paris vào ngày 8/2/1929 rằng:

“Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng là một đề tài lớn, việc ghi nhận của một cá nhân không thể đầy đủ và chắc chắn có nhiều thiếu sót. Tôi cho xuất bản cuốn sách nhỏ này không ngoài mục đích kêu gọi những bậc học giả, có khả năng chuyên môn vượt xa tác giả, hãy tìm hiểu và nghiên cứu thêm về những hiện tượng được ghi nhận. Theo ý kiến riêng của tôi thì việc khảo sát phải được xem như một ngành khoa học, nghĩa là phải được nghiên cứu một cách thận trọng theo tinh thần khoa học, loại bỏ những điều huyền hoặc, mê tín dị đoan và nhất là các thành kiến cố hữu.

Tôi tin rằng việc tìm hiểu một cách đúng đắn, vô tư về các “hiện tượng lạ lùng” này sẽ mở ra một chân trời mới cho nhân loại vì “phép lạ” chỉ là “phép lạ” khi người ta chưa hiểu biết, chưa thể chứng minh hoặc giải thích rõ rệt. Tôi tin rằng một khi đã nghiên cứu thấu đáo, đã đạt tới một tầm mức hiểu biết đúng đắn, chính xác, và biết cách phát triển các khả năng phong phú sẵn có của con người, thì các hiện tượng vẫn được xem như là “phép lạ” cũng chỉ là một hiện tượng thông thường vẫn hằng hiện diện trong vũ trụ mà thôi.

Phương Lam



BÀI CHỌN LỌC

Huyền thuật của các đạo sĩ Tây Tạng khiến giới khoa học chấn động