Huyền Trang thỉnh kinh (3): Vượt muôn trùng hiểm nguy, cuối cùng đến được Ấn Độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết nghĩa anh em với vua nước Cao Xương

Hai ngày sau, ngài Huyền Trang đến nước Y Ngô. Trong ngôi chùa ở Y Ngô có một vị sư già nghe tin ngài Huyền Trang đến, không kịp sửa soạn quần áo hay mang giày, liền chạy ra ngoài để nghênh đón ngài. Vị sư già ôm lấy ngài Huyền Trang, không ngừng khóc lớn và nói rằng: "Không ngờ có ngày có thể gặp lại đồng hương!".

Vua nước Cao Xương là Khúc Văn Thái nghe tin ngài Huyền Trang đến, liền lập tức phái sứ giả đến mời, còn ra lệnh cho vua nước Y Ngô đưa ngài Huyền Trang đến gặp, và sai quan đại thần đến giữa đường nghênh đón. Nước Cao Xương nằm ở chân núi Hỏa Diệm Sơn, là khu vực Thổ Lỗ Phiên ngày nay (Turfan, Tân Cương), vốn không nằm trên đường đi của ngài Huyền Trang. Thế nhưng ngài Huyền Trang không thể từ chối sự tiếp đãi thịnh tình của vua Cao Xương. Sau sáu ngày đường, ngài đến được nước Cao Xương.

Vua nước Cao Xương vô cùng vui mừng. Vợ và con cái của vua cũng không ngủ, cung kính tụng kinh. Đến nửa đêm, vua Cao Xương và người hầu cầm theo đuốc, tự mình ra khỏi cung điện đến đón tiếp, ân cần thăm hỏi ngài Huyền Trang.

Vua nước Cao Xương xin ngài Huyền Trang ở lại, giúp nước Cao Xương được quốc thái dân an. Ngài Huyền Trang khéo léo từ chối rằng, chuyến đi này của ngài không phải để nhận sự cúng dường, chí hướng tìm cầu Phật Pháp của ngài không bỏ dở giữa chừng.

Thế nhưng vua nước Cao Xương không chịu từ bỏ, nhất định muốn giữ ngài Huyền Trang lại. Sau đó vua lấy lý do phải đưa ngài Huyền Trang về nước, ép ngài phải nghe theo yêu cầu. Mỗi ngày đến giờ cơm, vua nước Cao Xương đều tự mình dâng thức ăn lên cho ngài Huyền Trang.

Để cảm hóa vua nước Cao Xương, ngài Huyền Trang đã phát lời thề sẽ tuyệt thực. Ngài ngồi ngay ngắn ba ngày, không ăn không uống. Đến ngày thứ tư, hơi thở của ngài yếu dần. Vua nước Cao Xương thấy vậy, cảm thấy vừa xấu hổ vừa lo lắng, liền cúi đầu nhận lỗi với ngài Huyền Trang, đồng ý cho ngài tiếp tục đi về phía tây tìm cầu Phật Pháp, kết nghĩa anh em với ngài Huyền Trang trước mặt Phật Tổ.

File:高昌古城.jpg
Di chỉ thành cổ Cao Xương (Wikipedia/ SA-3.0)

Trước khi đi, vua nước Cao Xương mời ngài Huyền Trang đăng đàn thuyết pháp. Mỗi lần thuyết pháp, vua nước Cao Xương đều đích thân cầm lư hương, kính cẩn nghênh rước ngài Huyền Trang. Khi ngài Huyền Trang đăng tọa, vua nước Cao Xương quỳ phục trên mặt đất, lấy lưng làm bệ đỡ chân để mời ngài Huyền Trang ngồi lên pháp tọa.

Sau khi ngài Huyền Trang giảng pháp xong, vua nước Cao Xương chuẩn bị cho ngài ba mươi bộ Pháp phục, cho may các loại găng tay, mặt nạ bảo vệ, giày để chống bão cát và lạnh rét, ngoài ra còn tặng ngài 100 lượng vàng, 30.000 ngân tiền, 500 cuộn vải lụa, đủ để ngài Huyền Trang đi trong vòng 20 năm. Vua còn chuẩn bị quà cho 24 vị vua trên đường ngài Huyền Trang sẽ đi qua, nhờ họ chăm sóc ngài Huyền Trang.

Khi ngài Huyền Trang lên đường, vua nước Cao Xương dẫn theo các cao tăng, đại thần và người dân cả thành tiễn ngài ra khỏi thành. Vua nước Cao Xương ôm ngài Huyền Trang khóc lóc thảm thiết.

Gần một đoàn nửa người ngựa bị chôn vùi ở Lăng Sơn

Từ đó, một đoàn người ngựa đi theo ngài Huyền Trang gồm có 30 con ngựa, 25 người tùy tùng, bốn đệ tử và một vị quan của nước Cao Xương. Đoàn người đi 300 dặm về phía tây bắc, đi qua núi đá, đến núi Lăng Sơn cao vút trong mây.

Trên núi Lăng Sơn, có những tảng băng quanh năm không tan. Đường đi có thể có băng tuyết sạt lở ngăn trở, trèo lên vô cùng nguy hiểm. Gió tuyết khắp nơi, dù có mặc quần áo dày và nặng, cũng vẫn lạnh thấu xương. Trên mặt đất không có nơi nào khô ráo, muốn nấu ăn thì phải treo nồi lủng lẳng giữa không trung, muốn nằm ngủ thì phải trải chiếu trên băng tuyết.

Bảy ngày sau, đoàn người ra khỏi Lăng Sơn. Trong những số những người đi theo ngài, có đến mười mấy người mất mạng, trong đó có cả hai đệ tử của ngài. Trâu và ngựa cũng chết hết một nửa.

Sau đó, đoàn người tiếp tục trèo lên ngọn núi Đại Tuyết Sơn. Dãy núi này còn khó đi hơn cả Lăng Sơn. Cuối cùng sau khi rời khỏi thành Trường An một năm, ngài Huyền Trang đã đến được phía bắc Thiên Trúc.

Kiếp nạn trên sông Hằng

Đoàn người của Huyền Trang ngồi thuyền xuôi theo dòng sông Hằng. Khi thuyền đi được nửa đường, trong rừng cây hai bên bờ đột nhiên xuất hiện hơn mười con thuyền của bọn cướp.

Nhìn thấy bọn cướp xông đến, mọi người đều sợ hãi, có vài người nhảy xuống sông để giữ mạng. Thuyền của bọn cướp vây xung quanh thuyền chở ngài Huyền Trang, ép thuyền cập bờ. Sau đó, bọn cướp lục tìm tài sản, yêu cầu mọi người cởi bỏ quần áo.

Ngài Huyền Trang là một tăng nhân, trên người không có tiền tài. Thế nhưng khi thấy ngài, bon cướp lại vô cùng vui mừng. Những tên cướp này tin theo một tà giáo, mùa thu hằng năm sẽ giết một người nam, dùng cơ thể hiến tế cho tà thần. Vẻ ngoài khôi ngô, phong thái hơn người của ngài Huyền Trang khiến bọn cướp nhắm trúng.

Ngài nói với bọn cướp rằng: "Lấy thân thể dơ bẩn xấu xí của tôi để hiến tế cho chư Thần, tôi cũng không tiếc gì. Nhưng tôi là người đang tìm cầu Phật Pháp, tâm nguyện chưa được hoàn thành, nếu giết chết tôi, sợ rằng sẽ không may mắn".

Người trên thuyền cũng cùng nhau cầu xin, có người còn tình nguyện được hiến tế thay cho ngài Huyền Trang, thế nhưng bọn cướp không đồng ý. Sau khi dựng đàn hiến tế, có hai tên cướp tiến đến, rút đao ép ngài đi lên tế đàn, chuẩn bị ra tay giết ngài.

Sắc mặt ngài không hề thay đổi, ngài nói với bọn cướp rằng: "Hy vọng các ông cho tôi chút thời gian, không cần bức ép tôi, để tôi yên tâm, hoan hỉ viên tịch".

Thế rồi ngài ngồi ngay ngắn, giữ chính niệm, nhập định.

高昌壁画 供养菩萨
Bức tranh tường cung dưỡng Bồ Tát ở di chỉ chùa Hồi Hột Bắc Đình tại huyện Cát Mộc Tát Nhĩ, Tân Cương (Ảnh thuộc miền công cộng)

Sau khi nhập định, ngài Huyền Trang tụng niệm danh hiệu Bồ Tát. Khi ấy ngài phát nguyện rằng: "Nếu lần này đệ tử không thể cầu được Phật Pháp, hy vọng có thể được sinh ở Phật quốc, lên Trời để nghe Pháp. Sau khi đạt được trí huệ sẽ chuyển sinh trở lại nhân gian, độ hóa những tên cướp đã giết chết đệ tử".

Sau đó, ngài gạt bỏ hết tạp niệm, tập trung niệm lực, đạt đến trạng thái nguyên thần ly thể. Nguyên thần của ngài đến núi Tu Di, đi qua từng tầng Trời, gặp được Bồ Tát và Chư Thiên.

Lúc này, những người đi cùng thuyền với ngài khóc lớn, nhưng ngài vẫn không hề nhúc nhích, giống như ngài không biết rằng thân thể của mình đang ở trên tế đàn, không biết rằng bọn cướp sắp giết mình.

Đột nhiên, gió nổi lên, cát bụi đầy trời khiến cả những cây đại thụ cũng bật gốc. Sóng to gió lớn khiến rất nhiều con thuyền bên bờ sông trôi ra xa.

Bọn cướp vô cùng khiếp sợ, cho rằng chư Thần đang tức giận, vội vàng chắp tay nhận tội với ngài Huyền Trang đang ngồi trên tế đàn.

Ngài Huyền Trang không hề hay biết. Khi bọn cướp dùng tay chạm vào ngài, ngài mới từ từ mở mắt, ngài hỏi bọn cướp: "Đã đến lúc rồi sao?"

Bọn cướp trả lời: "Chúng tôi không dám giết ngài, xin sám hối với ngài".

Ngài Huyền Trang nhận sự sám hối của bọn cướp, giảng cho họ nghiệp báo của tội cướp bóc và sát sinh, giúp họ buông bỏ nghề ác và suy nghĩ sai lầm sát sinh để hiến tế, tránh phải chịu nỗi khổ trong địa ngục Vô Gián.

Bọn cướp ném bỏ đao xuống sông Hằng, mang tất cả tài vật cướp bóc được trả lại cho người trên thuyền, sau đó quỳ xuống đất khấu đầu cảm tạ, đồng thời xin thọ năm giới. Khi ấy, sóng gió mới dần giảm dần. Nhóm cướp vui mừng quỳ xuống lạy ngài Huyền Trang, rồi từ biệt rời đi.

Đến chùa Na Lan Đà

Sau khi đi về phía Tây 50.000 dặm, trải qua vô vàn khó khăn khổ nạn, ngài Huyền Trang đi qua rất nhiều đất nước nhỏ ở vùng Trung Nguyên, đến được đất nước Ấn Độ, cuối cùng đến trung tâm nghiên cứu Phật học của Ấn Độ cổ - chùa Na Lan Đà. Đây chính là đích đến sau hành trình bôn ba vạn dặm của ngài.

Tháp Phật ở Ấn Độ cổ (Getty Image)

Ngài Huyền Trang cùng các tăng lữ đi theo đến bái kiến trụ trì chùa Na Lan Đà là pháp sư Giới Hiền. Lúc đó ngài Giới Hiền đã hơn 100 tuổi. Ngài Giới Hiền hỏi rằng: "Các ngài từ đâu tới?"

Ngài Huyền Trang trả lời rằng: "Đệ tử từ Đông Thổ Đại Đường xa xôi đến đây, muốn học "Du Già Sư Địa Luận" với ngài, để hoằng dương Phật Pháp ở Đông Thổ".

Sau khi nghe câu trả lời của ngài Huyền Trang, ngài Giới Hiền rơi lệ. Thì ra, ngài Giới Hiền có bệnh phong thấp, mỗi lần phát bệnh đều đau như lửa đốt dao cắt. Ba năm trước, bệnh tình càng ngày càng nghiêm trọng, đau đến mức ngài Giới Hiền không muốn sống tiếp. Thế rồi ngài quyết định tuyệt thực để chết. Đêm hôm đó, trong mơ, ngài Giới Hiền gặp được Bồ Tát. Bồ Tát nói rằng: "Ta biết con muốn từ bỏ thân thể này nên đến khuyên ngăn. Nếu con truyền bá "Du Già Sư Địa Luận" đến những nơi chưa biết Pháp này, bệnh của con sẽ tự khỏi hẳn. Ba năm sau, sẽ có tăng nhân Trung Quốc đến gặp con để cầu Pháp, con nhất định phải truyền Pháp cho người này, để vị ấy trở vồ Đông Thổ hoằng dương Chính Pháp. Con hãy yên tâm đợi vị ấy đến".

Điều thần kỳ chính là, sau khi tỉnh lại từ trong mơ, bệnh phong thấp của ngài Giới Hiền đã khỏi hoàn toàn.

Giấc mơ này của ngài Giới Hiền xảy ra vào ba năm trước. Lúc ngài Huyền Trang đến chùa Na Lan Đà cũng vừa đúng ba năm. Ngài Huyền Trang nghe lời kể của ngài Giới Hiền, cảm thấy vui buồn lẫn lộn, nhân duyên gặp gỡ này đúng là ý Trời. Hai người gặp được nhau cũng chính là sự an bài của Thần! Thế rồi ngài Huyền Trang liền bái ngài Giới Hiền làm thầy, theo học chùa Na Lan Đà 5 năm, đồng thời cũng học tiếng Ấn Độ ở đây.

Về sau, ngài Huyền Trang đến thăm và tìm hiểu các nước ở tiểu lục địa Ấn Độ, thăm nhiều cao tăng, trở thành một người có uy tín trong Phật giáo Ấn Độ. Trong một hội biện luận trên toàn cõi Ấn Độ do vua Giới Nhật tổ chức, danh tiếng của ngài Huyền Trang đạt đến mức cao nhất. Từ đó về, ngài Huyền Trang nổi tiếng khắp Ấn Độ, không ai có thể sánh bằng. Ngài Huyền Trang cũng có mối quan hệ rất tốt với vua Giới Nhật.

Ở Ấn Độ, ngài Huyền Trang nhận được sự tôn kính, ngay cả giày được ngài mang cũng được tín đồ xem là Thánh vật. Thậm chí có vị quốc vương còn cúng dường cho ngài Huyền Trang một ngôi chùa. Thế nhưng ngài Huyền Trang vẫn không quên nguyện ước ban đầu, ngài tự mình đi về hướng tây để tìm cầu Phật Pháp chính là để chấn hưng Phật giáo ở Trung Thổ. Vào năm 641, ngài Huyền Trang từ biệt vua Giới Nhật, chuẩn bị lên đường trở về Đại Đường.

(Còn tiếp)

Tần Thuận Thiên - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch

Tài liệu tham khảo:

  1. Cựu Đường thư - Liệt truyện thứ 141
  2. "Truyện Tam Tạng Pháp Sư Chùa Đại Từ n Đời Đường" - Tuệ Lập biên soạn bổn văn, Thích Ngạn Tông chú thích biên chép lạ
  3. "Tục cao tăng truyện", "Đại chính tạng" - Đạo Tuyên
  4. "Đại Đường cố Tam tạng Huyền phần pháp sư hành trang", “Đại chính tạng” - Minh Tường
  5. Tân An thị chí (cuốn thứ 7) - Nhân vật chí



BÀI CHỌN LỌC

Huyền Trang thỉnh kinh (3): Vượt muôn trùng hiểm nguy, cuối cùng đến được Ấn Độ