Không cam chịu số phận, chàng trai nghèo đi Tây Thiên hỏi Phật

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không bằng lòng với số phận nghèo khổ của mình, chàng trai nghèo quyết định đi Tây Thiên hỏi Đức Phật. Liệu anh có gặp được Phật Tổ và thay đổi vận mệnh của mình hay không?

Xưa kia có một chàng trai nghèo tên là Phạm Đan. Cha mẹ anh mất sớm, anh chỉ có một thân một mình vất vả mưu sinh. Vì gia cảnh quá khó khăn túng quẫn, rất nhiều lần anh phải ra ngoài khất thực sống qua ngày.

Thời gian trôi qua, Phạm Đan cũng đến tuổi mười tám, đôi mươi. Những chàng trai trong làng đều lần lượt lấy vợ, sinh con, có được một gia đình ấm no, hạnh phúc. Phạm Đan thầm nghĩ anh cũng nên dành dụm, có được một chút vốn liếng mới mong thành gia lập thất. Nghĩ vậy, mỗi ngày anh đều bớt một nắm gạo cất vào trong hũ.

Trong mệnh chỉ có tám phần

Nhưng kỳ lạ thay, cho dù Phạm Đan có cố gắng thế nào, cho dù đã sống tằn tiện và tích cóp ra sao thì hũ gạo vẫn không bao giờ đầy, lúc nào cũng chỉ ở mức lưng chừng. Anh luôn thắc mắc vì sao lại như vậy, bèn quyết định sẽ tìm hiểu bí ẩn sau chuyện này.

Tối hôm ấy, Phạm Đan không đi ngủ mà chỉ nấp vào một góc nhà lặng lẽ quan sát. Quả nhiên đêm ấy có một con chuột bạch chui vào trong hũ gạo và ăn số lương thực mà anh vất vả lắm mới tích cóp được. Phạm Đan vô cùng tức giận, liền lao tới bắt con chuột trong tay. “Ngoài kia thóc lúa đầy đồng ngươi không ăn, sao lại lén lút ăn trộm lương thực của kẻ nghèo kiết xác như ta?”

Chuột bạch mở miệng van xin: “Xin đừng đánh tôi! Tôi không cho anh được đầy hũ gạo là vì trong mệnh của anh chỉ có tám phần, dẫu đi khắp thiên hạ anh cũng không thể kiếm được đầy thăng”.

Phạm Đan ngạc nhiên liền hỏi: “Vì sao vậy? Chẳng lẽ ta cứ nghèo khó như thế này mãi sao?”

Chuột bạch đáp: “Tôi cũng không biết, anh đi hỏi Phật Tổ thì sẽ rõ ngay thôi”.

Phạm Đan nói: “Tôi không tin mình sẽ nghèo cả đời. Hãy chờ xem, tôi sẽ sang Tây Thiên hỏi Phật Tổ, xem xem khi nào vận mệnh của tôi sẽ xoay chuyển”.

Dứt lời, anh liền buông con chuột bạch ra, xỏ đôi dép rơm và sải bước về phía tây. Anh ngày đi đêm nghỉ, gặp nhà dân thì vào xin chút lương thực rồi lại lên đường. Cứ như vậy anh đã đi được một đoạn đường rất xa.

Ba lời hứa

Phạm Đan cứ đi mãi, đi mãi cho đến khi trời tối mới gặp được một hộ gia đình, anh liền bước lên gõ cửa. Người quản gia ra hỏi anh có chuyện gì, Phạm Đan nói anh chỉ muốn xin ít cơm ăn rồi sẽ lập tức lên đường. Đúng lúc ấy, Thái viên ngoại chạy ra thấy người ăn xin, liền hỏi anh vì sao đã muộn thế này rồi mà vẫn còn lang thang bên ngoài? Phạm Đan liền kể về vận mệnh của mình, và nói rằng anh muốn đi hỏi Phật Tổ cho rõ ngọn ngành. Thái viên ngoại vội mời anh vào trong nhà, sau đó mang đến cho anh rất nhiều lương khô và một số ngân lượng.

Phạm Đan hỏi: “Chuyện này là vì sao vậy?”

Thái viên ngoại bèn kể rõ duyên cớ. Ông nói: “Con gái tôi nay đã 18 tuổi rồi mà vẫn chưa chịu mở miệng nói. Khi anh đến Tây Thiên thì hãy hỏi Phật Tổ giúp tôi là nguyên nhân gì?”

Phạm Đan thầm nghĩ: Dù sao mình cũng đi Tây Thiên, vậy thì thuận tiện giúp ông ấy hỏi một chút cũng được. Vậy là anh liền vui vẻ nhận lời.

Phạm Đan từ biệt Thái viên ngoại rồi lại tiếp tục đi về phía tây. Anh đi qua nhiều con đường gập ghềnh, cuối cùng đến một tòa núi cao, trên núi có một ngôi chùa cổ kính. Phạm Đan liền vào chùa xin nước uống. Người tiếp đón anh là một lão hòa thượng đã già, tay cầm cây tích trượng, trông rất có phong thái. Lão hòa thượng mang nước cho anh và bảo anh hãy nghỉ một lát, sau đó ông hỏi anh muốn đi đâu.

Phạm Đan lại kể rõ mọi chuyện. Lão hòa thượng nghe xong vội kéo lấy tay anh và nói: “Cậu đi Tây Thiên gặp Phật Tổ thì phiền cậu hỏi giúp bần tăng câu này: Bần tăng đã tu hành ở núi này 500 năm, theo lý thì đáng lẽ đã thăng thiên từ lâu rồi, vậy vì sao đến nay vẫn không bay lên được?”

Phạm Đan lại vui vẻ nhận lời.

Sau đó anh từ biệt lão hòa thượng và lại cất bước sang tây. Anh đi qua rất nhiều con kênh và vùng đất trũng, cuối cùng đến bên một con sông lớn. Sóng nước mênh mông, trên sông lại không có thuyền bè qua lại. Phạm Đan rầu rĩ ngồi xuống bên bờ sông tự nhủ: “Ta phải làm sao đây? Làm thế nào qua sông được? Lẽ nào mệnh của ta cứ khổ mãi thế này hay sao?”

Đột nhiên, một con rùa già nổi lên khỏi mặt nước. Phạm Đan liền cất tiếng hỏi: “Này chú rùa lớn, chú có thể chở ta qua sông được không?”

Rùa già bơi về phía anh và hỏi: “Anh là ai? Muốn đi đâu mà phải qua sông?”

Phạm Đan liền kể lại một lượt mọi chuyện vừa trải qua. Rùa già nói với anh: “Nếu như anh đi Tây Thiên thì hãy hỏi Phật Tổ giúp tôi: Tôi đã tu hành hơn một ngàn năm, theo lý mà nói thì nên trở thành rồng bay đi từ lâu rồi, vì sao đến nay vẫn chỉ là một con rùa già? Nếu anh nhận lời, tôi sẽ cõng anh sang bờ bên kia”.

Phạm Đan rất vui liền nhận lời rùa già.

Đức Phật trả lời

Phạm Đan tạm biệt rùa già và tiếp tục cuộc hành trình. Anh không nhớ mình đã đi qua bao nhiêu dòng sông, trèo qua bao nhiêu ngọn núi, lội qua bao nhiêu con suối… vậy mà vẫn không cách nào gặp được Phật Tổ. Anh bối rối, trong tâm thầm nghĩ: “Ta đã đến Tây Thiên từ lâu rồi, vậy mà sao không thể diện kiến Đức Phật? Rốt cuộc Phật Tổ ở nơi nào?”

Phạm Đan càng nghĩ càng cảm thấy thương tâm, trong lúc mơ mơ màng màng anh dựa vào gốc cây rồi ngủ thiếp đi từ lúc nào chẳng biết. Đột nhiên Phật Tổ xuất hiện trước mặt anh. Ngài ngự trên đài sen rực rỡ sắc vàng, hào quang tỏa ra sáng rực một góc trời. Phật Tổ hỏi: “Con đã lặn lội xa xôi như vậy để đến đây tìm ta, nhất định là có chuyện rất quan trọng. Hãy cho ta biết đó là chuyện gì?”

Phạm Đan quỳ xuống thưa: “Con có vài câu hỏi, hy vọng Phật Tổ có thể giúp con giải thích rõ ràng”.

Phật Tổ đáp: “Được, nhưng ta có một điều kiện: Trước nay chưa từng có ai hỏi ta quá ba câu, vậy nên con chỉ có thể hỏi nhiều nhất ba câu mà thôi”.

Phạm Đan thầm nghĩ: Ta nên hỏi Phật Tổ những câu hỏi nào nhỉ? Con rùa già đã tu hành hơn một ngàn năm thật không hề dễ dàng, ta nên giúp nó. Vị hòa thượng trên núi đã tu hành 500 năm cũng rất khổ cực, ta cũng nên hỏi giúp ông ấy. Còn tiểu thư nhà Thái viên ngoại cũng thật đáng thương, đã đến tuổi cập kê mà không thể nói chuyện thì làm sao gả cho người ta được? Ta cũng cần phải hỏi giúp cô ấy.

Phạm Đan không chút do dự hỏi câu thứ nhất: “Thưa Đức Phật, trên sông có một con rùa già đã tu luyện trên một ngàn năm, vì sao vẫn chưa thành rồng?”

Phật Tổ đáp: “Là vì con rùa ấy không chịu buông bỏ chiếc mai trên lưng nên không thể biến thành rồng. Trong mai rùa có 24 viên dạ minh châu ngăn chặn tiên khí của nó, nếu gỡ bỏ mai rùa, lấy 24 viên dạ minh châu ấy ra thì rùa già sẽ có thể hóa thành rồng”.

Phạm Đan lại hỏi câu thứ hai: “Trên núi có vị hòa thượng đã tu hành 500 năm, vì sao đến nay vẫn không thể đắc Đạo thăng thiên?”

Phật Tổ đáp: “Vị hòa thượng ấy cả ngày đều cầm cây tích trượng quý giá của mình, trong tâm chỉ nghĩ đến bảo bối mà không buông xuống được. Cây tích trượng là bảo vật hiếm có trên đời, nếu cắm nó xuống đát thì trên mặt đất sẽ xuất hiện dòng suối trong lành. Năm xưa Đường Tăng phải xả bỏ chiếc bát vàng mới có thể đắc được chân kinh, tu thành chính quả. Nếu vị hòa thượng ấy cũng có thể vứt bỏ cây tích trượng ấy, ông sẽ thăng thiên”.

Phạm Đan rất cao hứng liền hỏi câu thứ ba: “Thái viên ngoại có cô con gái, năm nay đã 18 tuổi mà vẫn chưa biết nói, xin Phật Tổ hãy khải thị vì sao?”

Phật Tổ đáp: “Chỉ cần cô gái ấy gặp được ý trung nhân thì sẽ có thể nói chuyện được”.

Sau đó, Phật Tổ lại nói: “Phạm Đan, ta đã giải đáp cả ba câu hỏi của con rồi, giờ thì con hãy về đi”.

Dứt lời, một luồng sáng lóe lên chói lòa, hình ảnh Phật Tổ cũng biến mất giữa muôn đạo hào quang. Phạm Đan liền quỳ xuống lạy tạ rồi vội vàng lên đường trở về.

Làm việc thiện, được phúc báo

Phạm Đan về đến bên con sông lớn thì thấy rùa già đã đợi sẵn ở đó. Rùa già thấy anh liền vội vàng hỏi Phật Tổ đã trả lời thế nào. Phạm Đan đáp nói: “Chú rùa hãy chở tôi qua sông, tôi sẽ từ từ kể lại lời Phật Tổ cho chú nghe”.

Rùa già vừa nghe xong liền hiểu ra tất cả, nó liền trút bỏ chiếc mai rùa nặng nề và tặng cho Phạm Đan toàn bộ số ngọc. Rùa già nói: “24 viên dạ minh châu này là bảo vật vô giá trên đời, nhưng đối với tôi lại không còn tác dụng gì nữa rồi. Anh đã có công hỏi Phật Tổ giúp tôi, vậy tôi xin tặng tất cả cho anh đó”.

Con rùa già vừa trao những viên dạ minh châu cho Phạm Đan thì gió nổi, mây vần, con rùa hóa thành rồng bay lên trời, đắc Đạo thành Tiên.

Phạm Đan mang theo 24 viên dạ minh châu tiếp tục lên đường. Anh đến ngọn núi cao có ngôi chùa cổ, lão hòa thượng vừa thấy anh liền hỏi Phật Tổ trả lời như thế nào? Phạm Đan kể rõ nguyên do, vị hòa thượng nghe xong thì vô cùng cao hứng, ông liền tặng cây tích trượng quý giá ấy cho anh. Cây tích trượng vừa rời khỏi tay, lão hòa thượng lập tức cưỡi mây bay lên trời.

Phạm Đan cầm cây tích trượng về đến trước cửa nhà Thái viên ngoại. Thái tiểu thư vừa nhìn thấy Phạm Đan liền vui mừng reo lên: “Cha ơi, người đi hỏi Phật Tổ đã quay lại rồi!”

Thái viên ngoại chạy ra, ông vừa ngạc nhiên vừa vui mừng khôn xiết vì cô con gái rượu nay đã nói chuyện được rồi. Thái viên ngoại nghe Phạm Đan kể lại lời Phật Tổ thì vô cùng cao hứng, ông nói: “Tôi từng phát thệ rằng: ai có thể khiến con gái tôi nói được thì tôi sẽ gả con gái cho người ấy. Anh đã làm được điều này, hơn nữa còn là ý trung nhân mà con gái tôi hằng chờ đợi. Đây quả thực là nhân duyên Trời định! Phạm Đan, tôi nguyện gả con gái mình cho anh”.

Câu chuyện đến đây là kết thúc. Phạm Đan dù không hỏi được Đức Phật về nhân sinh của mình, nhưng cuối cùng anh lại có trong tay tất cả, hoàn toàn thay đổi được vận mệnh, sống cuộc sống hạnh phúc đến cuối đời.

Nhân sinh chính là như thế: Trao đi yêu thương sẽ nhận được tình thương, trao đi thiện niệm sẽ nhận về thiện quả. Phúc báo không phải từ tranh giành mới có, mà là do từng việc thiện mà nên. Phó xuất rồi sẽ có được phúc báo, chứ không phải nhận được hồi báo rồi mới phó xuất bạn ơi…

Theo Trạch Lâm - Epoch Times
Minh Hạnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Không cam chịu số phận, chàng trai nghèo đi Tây Thiên hỏi Phật