Làm sao khi trẻ nghiện mua sắm? Mẹ thông minh quản 'con nghiện mua sắm' chỉ bằng một chiếc điện thoại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vấn đề nghiện mua sắm không chỉ xuất hiện ngày càng tăng trong giới trẻ mà còn có xu hướng gia tăng ở trẻ em. Khi trẻ cái gì cũng muốn, cũng đòi khi vào siêu thị, thậm chí hễ nhìn thấy đồ vật mới là chúng nằng nặc đòi bố mẹ mua cho bằng được, đây là điều khiến các bậc cha mẹ vô cùng đau đầu.

Có một bà mẹ có cô con gái 4 tuổi, tuy còn nhỏ nhưng có “ham muốn mua sắm” rất mãnh liệt. Đồ chơi đã mua trong sáu tháng qua không thể nhét vừa hai hộp đựng đồ. Nhìn vào những đồ chơi khác nhau ở nhà, người mẹ cảm thấy rằng đã đến lúc đứa trẻ phải từ bỏ thói quen xấu này.

Một hôm, người mẹ dẫn con đi siêu thị mua hàng, lần này đứa trẻ mê mẩn búp bê Barbie, thực tế trong gia đình đã có hơn chục con búp bê. Thay vì tức giận, người mẹ đã bình tĩnh lấy điện thoại di động ra, chụp ảnh búp bê Barbie rồi nói với con: "Con yêu, chúng ta hãy thỏa thuận với nhau. Nếu sau ba ngày con vẫn rất muốn búp bê Barbie này và sẵn sàng đổi một thứ mà con yêu thích cho mẹ, mẹ sẽ mua nó cho con, được không?".

Đến ngày thứ ba, người mẹ lấy điện thoại di động ra, tìm một bức ảnh búp bê Barbie đưa cho đứa trẻ xem và hỏi: "Con yêu, con còn muốn búp bê Barbie này không?" Không ngờ, cô con gái nhẹ giọng nói: "Mẹ ơi, con không muốn cái này nữa, con không muốn cái này nữa, con muốn một chiếc xe đạp màu hồng..." Người mẹ này đã tiết kiệm cho mình rất nhiều tiền bằng cách sử dụng phương pháp này mỗi lần đi siêu thị cùng con.

Cách làm của bà mẹ này tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khôn ngoan. Không thỏa hiệp hay trốn tránh mà hướng dẫn con hiểu biết rõ ràng về nhu cầu và chi tiêu là một cách làm rất thông minh. Lợi ích của việc làm như vậy là gì?

1. Hiểu sở thích thực sự của trẻ

Sự thích thú của trẻ em thường là sự nhiệt tình trong vài phút, sau khoảng thời gian nghỉ ngơi kéo dài 3 ngày, sự thích thú của trẻ em có thể hạ nhiệt và chúng có thể nhìn nhận những gì mình thích một cách bình tĩnh hơn. Nếu sau 3 ngày mà chúng vẫn muốn sử dụng, điều đó có nghĩa là chúng thực sự quan tâm và thực sự thích món đồ đó.

2. Rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ

Trong ba ngày chờ đợi này, đứa trẻ học cách chịu đựng những ham muốn của mình và chờ đến ngày mua đồ chơi. Bằng cách này, đứa trẻ sẽ ngày càng trở nên kiên nhẫn hơn.

3. Đồ vật khó có được sẽ khiến trẻ trân trọng hơn

Có được càng dễ thì càng ít nâng niu, ngược lại, những thứ khó đạt được sẽ khiến người ta cảm thấy trân trọng hơn. Đối với trẻ em cũng vậy. Nếu một đứa trẻ khóc mà có thể lấy được món đồ chơi mình muốn, sau một thời gian dài, chúng sẽ hình thành quan niệm: “Chỉ cần khóc là có thể có được mọi thứ”. Còn nếu như đó là một món đồ có được bằng cách “đổi chác” và chờ đợi, trẻ sẽ càng trân trọng nó hơn sau khi trả tiền.

Đối mặt với “trẻ nghiện mua sắm”, bố mẹ cũng có thể tham khảo những mẹo sau đây:

1. Giao nhiệm vụ mua hàng cho con

Khi đưa con đi siêu thị, cha mẹ thường là người đóng vai chính, quyết định mua gì và không mua gì. Trẻ chưa có nhiều ý thức tham gia nên sẽ tập trung hơn vào những thứ mình thích.

Cha mẹ có thể thử giao cho con "nhiệm vụ" mua hàng. Lập danh sách và đưa cho trẻ, để trẻ mua hàng theo danh sách. Điều này không chỉ giúp trẻ hiểu rằng việc mua sắm đã được lên kế hoạch và không thể thực hiện theo ý muốn mà còn có thể đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ và giải quyết một số mong muốn mua hàng.

2. Đặt quy tắc khi đi mua sắm

Nếu muốn con cảm thấy vui vẻ và linh hoạt hơn, bạn có thể đặt ra một số quy tắc khi đi mua sắm. Ví dụ: “Đi siêu thị chỉ được mua một thứ mình thích, giá không được vượt quá 30.000 đồng, lần này không mua thì lần sau có thể mua thứ không vượt quá 50.000 đồng”. Từ từ, trẻ sẽ hiểu "mua sau sẽ tốt hơn" và hình thành thói quen tiêu dùng trả chậm.

3. Dạy cho con biết tiền là ‘có hạn’

Sở dĩ trẻ nhìn thấy gì cũng muốn mua là do trẻ chưa hiểu đúng về tiền, chỉ biết có tiền là mua được mà không biết rằng tiền là có hạn. Nếu trẻ muốn mua đồ chơi thì có thể mua nhưng trẻ phải tự bỏ tiền túi ra mua.

Nói với đứa trẻ một cách nghiêm túc: "Khi tiêu hết tiền, sẽ không có tiền, và phải tiêu dùng có kế hoạch". Cha mẹ có thể mỗi tuần cho con 10.000 đồng tiền tiêu vặt, còn việc tiêu như thế nào thì có thể để con tự do kiểm soát. Nếu trẻ tiêu hết tiền một cách bừa bãi, trẻ sẽ không thể mua khi nhìn thấy thứ mình thích một lần nữa. Lúc này trẻ sẽ hiểu: Hóa ra tiền là có hạn.

4. Lợi ích của việc ‘tiết kiệm tiền’

Một số trẻ có khả năng chống lại cám dỗ kém, vừa có tiền là nghĩ ngay đến cách tiêu tiền, hoặc vừa nhìn thấy đã muốn mua thứ mình thích, điều này sẽ hình thành thói quen xấu "tiêu tiền bừa bãi".

Sau khi trẻ đã biết “tiền là có hạn”, cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ cùng mình tiết kiệm tiền tiêu vặt và tính lãi cho trẻ hàng tháng. Ví dụ, tiền tiêu vặt hàng tuần của đứa trẻ là 10.000 đồng và tiền lãi cho khoản tiền gửi hàng tháng là 2.000 đồng.

Thời gian trôi qua, càng tiết kiệm được nhiều tiền, trẻ càng kiếm được nhiều tiền. Dần dần, trẻ sẽ bắt đầu có ý tưởng "quản lý tài chính", và suy nghĩ của trẻ về việc mua hàng sẽ trở nên sâu sắc và hợp lý hơn.

Bốn mẹo trên có thể giúp các bà mẹ đang có con nghiện mua sắm tìm ra giải pháp thay đổi dần dần thói quen xấu và hình thành thói quen tiêu dùng hợp lý.

Lý Ngọc tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Làm sao khi trẻ nghiện mua sắm? Mẹ thông minh quản 'con nghiện mua sắm' chỉ bằng một chiếc điện thoại