Lệnh phong toả trong thời kỳ bùng phát COVID-19 có liên quan đến tình trạng suy giảm trí nhớ, nhận thức: Nghiên cứu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu toàn diện của Vương quốc Anh, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được thực hiện trên toàn thế giới trong đại dịch COVID-19 đã có ảnh hưởng đáng kể đến trí nhớ làm việc và chức năng nhận thức của người lớn tuổi, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn.

Các nhà nghiên cứu ở Vương quốc Anh đã nghiên cứu sâu dữ liệu về tâm lý thần kinh của hơn 3.100 cá nhân từ 50 tuổi trở lên, kiểm tra xu hướng sức khỏe nhận thức trước và sau hai giai đoạn (trước phong toả và sau phong toả) vào năm xảy ra đại dịch.

Các phát hiện này, được rút ra từ nghiên cứu PROTECT, một sáng kiến ​​lão hóa theo chiều dọc được thực hiện trực tuyến bởi Đại học Exeter và Kings College London phối hợp với Dịch vụ Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, đã cho thấy những tác động đáng chú ý đến khả năng nhận thức của những người tham gia.

Những người nằm trong diện nghiên cứu bao gồm gần 1.700 phụ nữ và hơn 1.400 nam giới. Độ tuổi trung bình của họ là 67,5 tuổi.

Nghiên cứu kéo dài từ ngày 1 tháng 3 năm 2019 đến ngày 28 tháng 2 năm 2022, khoảng thời gian hỗn loạn được đánh dấu bằng việc thực thi các hạn chế xã hội, bao gồm giãn cách xã hội, các biện pháp cách ly và "phong tỏa" chưa từng có, một giai đoạn được cho là “chưa từng trải nghiệm trong trí nhớ trước đây”.

"Tác động của các biện pháp này vẫn chưa được xác định đầy đủ", các tác giả của nghiên cứu lưu ý.

Các phát hiện từ nghiên cứu cho thấy chức năng điều hành bị suy giảm đáng kể, trong đó đề cập đến các kỹ năng nhận thức cấp cao hơn để điều khiển và phối hợp. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn cho thấy sự suy giảm rõ rệt về trí nhớ làm việc, vốn rất quan trọng đối với việc lưu trữ trí nhớ ngắn hạn và các quá trình nhận thức khác nhau.

Các nhà nghiên cứu viết: "Sự suy giảm đáng kể về chức năng điều hành và trí nhớ ngắn hạn đã được quan sát thấy trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch trên toàn bộ đoàn hệ, ở những người bị suy giảm nhận thức nhẹ và ở những người có tiền sử mắc bệnh COVID-19".

Tác động tiêu cực đến chức năng nhận thức vẫn tiếp tục kéo dài đến năm thứ hai, đặc biệt là liên quan đến chức năng điều hành trên toàn bộ nhóm thuần tập và trí nhớ ngắn hạn trong các phân nhóm cụ thể.

Suy giảm nhận thức

Các yếu tố chính gây ra sự suy giảm nhận thức này đã được xác định thông qua phân tích hồi quy. Những yếu tố đó bao gồm thực tế là, trong bối cảnh giãn cách xã hội, mọi người tập thể dục ít hơn và uống nhiều rượu hơn. Những yếu tố này cũng góp phần khiến nhiều người cảm thấy cô đơn và trầm cảm hơn.

Các tác giả nghiên cứu bày tỏ lo ngại về tác động tâm lý thần kinh của các hạn chế xã hội do đại dịch gây ra, đặc biệt liên quan đến bối cảnh nguy cơ mất trí nhớ có thể gia tăng ở người lớn tuổi.

Tờ Lancet năm 2020 nhấn mạnh rằng, lối sống và sức khỏe tâm thần là những yếu tố chính cho sức khỏe nhận thức, trong đó các yếu tố rủi ro có thể kiểm soát được góp phần gây ra 40% trường hợp sa sút trí tuệ.

"Trong và sau khi phong toả, những yếu tố này liên quan chặt chẽ đến những thay đổi về sức khỏe và lối sống trên toàn dân số, đặt ra câu hỏi quan trọng về tác động của đại dịch đối với sức khỏe nhận thức và rủi ro đối với các nhóm dân cư", tác giả của nghiên cứu đã viết.

Lệnh phong tỏa đã làm thay đổi đáng kể lối sống của hàng triệu người, dẫn đến việc sử dụng rượu ngày càng tăng - theo một đánh giá có hệ thống với 200.000 người tham gia - giảm hoạt động thể chất và gia tăng hành vi ít vận động, theo một đánh giá có hệ thống khác với 86.000 người tham gia.

Tình trạng này kết hợp với những hạn chế xã hội dẫn đến ít tiếp xúc và kết nối xã hội hơn. Nghiên cứu lưu ý rằng "sự cô lập xã hội có liên quan chặt chẽ đến sự cô đơn và những cấu trúc này góp phần gây ra trầm cảm".

Nghiên cứu lưu ý rằng các nghiên cứu khác cho thấy các chỉ số sức khỏe tâm thần kém đang là mối lo ngại ngày càng tăng so với mức độ trước đại dịch. Những yếu tố này có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ mất trí nhớ, khiến các nhà nghiên cứu thúc giục nghiên cứu thêm về "tác động của đại dịch đối với sức khỏe nhận thức" của người lớn tuổi.

Các nhà nghiên cứu viết: "Đại dịch COVID-19 khiến nhận thức của người lớn tuổi trở nên tồi tệ hơn đáng kể, liên quan đến những thay đổi trong các yếu tố nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ đã biết. Tình trạng suy giảm nhận thức kéo dài làm nổi bật sự cần thiết của các biện pháp can thiệp y tế để giảm thiểu nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ - đặc biệt ở những người bị suy giảm nhận thức nhẹ, những người mà việc chuyển sang chứng mất trí nhớ trong vòng 5 năm là một nguy cơ đáng kể".

Theo Caden Pearson - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Caden Pearson là phóng viên chuyên đưa tin về nước Mỹ và thế giới.



BÀI CHỌN LỌC

Lệnh phong toả trong thời kỳ bùng phát COVID-19 có liên quan đến tình trạng suy giảm trí nhớ, nhận thức: Nghiên cứu