Lỗ Trí Thâm - Lỗ mãng và thông đạt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuy rằng, những thứ như tên tuổi, tước hiệu, thân phận đối với người tu hành mà nói, vốn chỉ là điều hư không. Nhưng cuộc đời đặc biệt của Lỗ Trí Thâm lại được thể hiện rõ trong chính cái tên của ông: Lỗ Đạt và Trí Thâm. Tại sao ông lại có cái tên này? Là do duyên phận? Hay do số mệnh? Hay là do thâm ý và thiền tâm của tác giả?

Khi làm Đề hạt Lỗ Đạt, ông chính là ông. Khi làm hòa thượng Lỗ Trí Thâm, ông vẫn chính là ông; ngay cả khi làm thống lĩnh bộ binh Lương Sơn, ông vẫn chính là ông. Trải qua một cuộc đời với vô số thăng trầm, nhiều lần vào sinh ra tử, nhiều lần gặp dữ hóa lành, Lỗ Trí Thâm đã rời bỏ trần thế đến nương nhờ nơi cửa Phật. Ông vẫn luôn ngao du giữa trần thế và Phật môn, cuối cùng rủ bỏ hết thảy chấp niệm và phiền não mà ngộ được chân lý đại đạo. "Hôm nay mới biết ta là ta". Đó chính là những lời cuối cùng của Lỗ Trí Thâm trước khi viên tịch.

Hành động thẳng thắn cương trực, không mất đi bản tính

Từ “Lỗ” vốn có nghĩa là lỗ mãng tùy hứng, còn “Đạt” lại có nghĩa là thông tình đạt lý. Sau này, khi trở thành "Hoa hòa thượng" Lỗ Trí Thâm, thì tên gọi mới này vẫn thể hiện được những đặc điểm của ông.

Trong “Thủy Hử truyện”, Lỗ Trí Thâm xuất hiện lần đầu ở hồi thứ 3 trong vai trò là quan Đề hạt ở phủ Kinh Lược, Vị Châu. Lúc đó, "Cửu Văn Long" Sử Tiến đến quán trà tìm người, vừa hay gặp được một người nam nhân có dáng người cao lớn lực lưỡng như quan võ, sồng sộc bước vào. Người này trên đầu đội khăn hình chữ vạn, đeo thêm hai chiếc vòng vàng ở sau, trên người mặc một bộ chiến bào và đai xanh, chân mang đôi giày màu vàng, mặt tròn tai lớn, mũi thẳng mồm vuông, hai bên mép có một hàm râu xoăn xoắn, là một nam nhân mình cao tám thước, vai rộng, eo to mạnh khỏe.

Ngay từ lần đầu tiên xuất hiện, tướng mạo uy vũ đủ của Lỗ Đề hạt đã đủ để chấn áp người khác. Người dân bình thường gặp ông nhất định sẽ muốn tránh sang một bên. Nhưng Sử Tiến cũng là một bậc anh hùng hào kiệt, nên đã tiến đến bắt chuyện với Lỗ Đạt. Trong mắt Lỗ Đạt, Sử Tiến cũng là một trang anh hùng hảo hán nên hai người vừa gặp đã có cảm giác thân quen. Người trong giang hồ gặp mặt, không thể không cùng nhau uống rượu, có thể nói là “gặp được tri kỷ ngàn chén vẫn còn ít”.

Bởi vậy trong "Thủy Hử truyện", ở chỗ nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của rượu. Sau nói rõ thân phận tên tuổi, Lỗ Đạt phát hiện ra rằng hai người rất hợp nhau, liền kéo Sử Tiến đến quán rượu. Trên đường đi, không ngờ lại gặp được một người bán thuốc dạo trên giang hồ tên là Lý Trung, vốn là người quen của Sử Tiến. Thấy Lý Trung lần lữa không chịu đi uống rượu, muốn ở lại bán thuốc, Lỗ Đạt thấy nóng ruột không chịu được, liền khiến việc buôn bán của Lý Trung ngưng lại rồi kéo hai người đến quán rượu.

Cửu Văn Long Sử Tiến trong "Thủy Hử truyện" (Tranh Utagawa Kuniyoshi)

Khi ngồi trong quán rượu, bỗng nhiên nghe có tiếng người người khóc lóc không ngừng, Lỗ Đạt liền tức giận, ném vỡ chén rượu đang uống. Những tình tiết diễn ra trong thời gian chưa đến nửa ngày đã thể hiện rõ phần tính cách "Lỗ” của Đề hạt. Khi hỏi ra mới biết, tiếng khóc kia là của hai cha con họ Kim. Lỗ Đạt vốn là quan nên ông cũng rất quan tâm đến nỗi khổ của dân chúng. Đến đây mặt "Đạt" của ông cũng dần dần được bộc lộ. Sau khi nghe được câu chuyện của hai cho con họ Kim, cơn giận do bị quấy rầy khi đang uống rượu của ông đã chuyển thành một cơn thịnh nộ đối với kẻ thủ ác.

Thì ra hai cha con nhà họ Kim bị Trấn Quan Tây Trịnh Đồ ức hiếp, đầu tiên là ép cô con gái phải đến làm thiếp ở nhà họ Trịnh, sau đó còn đòi ba nghìn quan tiền chuộc thân. Hai cha con họ Kim đành đến hát xướng trong quán rượu, chỉ mong tích góp đủ tiền để thoát khỏi tên ác nhân kia. Nghe xong, Lỗ Đạt tức giận hét lớn, muốn lập tức đến dạy dỗ Trịnh Đồ một bài học, tỏ rõ chính nghĩa. Nhưng lúc này hai người Sử Tiến và Lý Trung vội vàng khuyên ngăn, Lỗ Đạt mới chịu thôi. Sau đó, Lỗ Đạt mượn thêm tiền của hai người kia để đủ 15 lượng bạc, đưa cho hai cha con họ Kim để làm lộ phí về quê.

Lỗ Đạt có họ Lỗ, nên chữ Lỗ cũng đứng trước, cho nên đầu tiên sẽ là “Lỗ” sau đó mới đến “Đạt”. Cách ông đối xử với Sử Tiến là "Lỗ", lấy chí khí để kết giao, vừa gặp mặt đã biết đây là bạn, nhất định phải cùng nhau vui vẻ uống rượu. Khi cần ngân lượng, ông cũng trực tiếp lên tiếng mượn Sử Tiến, thể hiện rõ hào khí của người trong giang hồ. Cách ông đối xử với Lý Trung cũng là "Lỗ", tính tình phóng khoáng giao lưu rộng rãi, chỉ cần biết Lý Trung là bạn cũ của Sử Tiến, liền mời theo uống rượu; thấy Lý Trung vì ít tiền mà lần lữa không chịu, Lỗ Đạt chỉ với một câu "Ai rảnh đợi ông chứ" liền ngăn cản công việc kinh doanh của người ta.

Lúc cứu giúp hai cha con họ Kim, Lý Trung chỉ lấy hai ra lượng bạc, ông trực tiếp nói rằng "cũng không phải là người hào phóng", rồi đem bạc trả lại cho Lý Trung. Ông ấy đối xử với hai cha con Kim thị cũng là chữ "Lỗ" này, nghe thấy tiếng khóc của họ liền đập chén rượu để thể hiện sự bực mình; thế nhưng sau khi biết được tình cảnh đáng thương của họ, thì liền lập tức ra tay giúp đỡ, bênh vực kẻ yếu.

Mặc dù, những lời nói và hành động của Lỗ Đạt là những hành vi lỗ mãng xung động của nhân sĩ giang hồ có tính tình nóng nảy, bốc đồng, nhưng điều này cũng không làm giảm đi sự nể phục, kính trọng của người đọc đối với ông. Cách đối nhân xử thế của ông mặc dù có biểu hiện tùy tiện lỗ mãng, nhưng thực ra là sự biểu hiện của bản tính chân thật giống một đứa trẻ.

Cách xử lý sự việc của ông nhìn giống như cứ làm theo ý của tự mình, không quan tâm đến những điều khác, thế nhưng nếu không có tấm lòng đại dũng thì sợ rằng cũng sẽ không làm được. Hơn nữa, trong sự “chân thực" này còn ẩn chứa sự thiện lương, đối với những bậc hảo hán, mặc dù chỉ là “bèo nước gặp nhau” nhưng ông cũng đối xử rất chân thành, đối với những người dân gặp phải khổ nạn thì ông cũng thực tâm cứu giúp. Vì vậy, từng lời nói từng hành động của Lỗ Đạt đều khiến cho mọi người kính phục, nể trọng.

Trong sự thô lỗ ấy vẫn có nét tinh tế và sự thấu tình đạt lý

Cứu người cần cứu đến nơi đến chốn, đó chính là nguyên tắc làm việc của Lỗ Đạt. Sau khi từ biệt Sử Tiến, Lý Trung và hai cha con họ Kim, tác giả tiếp tục khắc họa câu chuyện hành hiệp trượng nghĩa của ông. Ngày hôm sau, khi trời còn chưa sáng, hai cha con họ Kim vẫn còn đang thu xếp hành lý thì Đề hạt Lỗ Đạt đã đến chỗ quán trọ. Trên bề mặt thì biểu hiện là đến để từ biệt hai cha con họ, mà thực chất chính là muốn bảo vệ hai người thoát đi an toàn.Tiểu nhị trong quán trọ không nhìn ra được tính khí anh hùng của ông, cũng không biết lượng sức mà đến ngăn cản, Lỗ Đạt vừa thấy đã nổi giận đùng đùng, chán ghét những kẻ ức hiếp người yếu thế. Ông cả giận giơ tay tát tiểu nhị một cái hộc máu mồm ra, tát thêm một cái nữa làm anh ta gãy phăng mất hai chiếc răng cửa.

Hành động của Lỗ Đạt nhìn có vẻ giống như lỗ mãng, nhưng thực ra mắt nhìn người lại rất sáng suốt. Trong lòng ông biết rõ, nếu muốn hai cha con họ Kim an toàn thoát thân, chỉ có thể dựa vào hai nắm đấm thép và một thân chính khí của mình. Nhưng ông cũng không có thuật phân thân, không thể lúc nào cũng đi theo để bảo vệ cho hai người người kia, ông lo rằng chủ quán trọ vì sợ Trịnh Đồ mà sẽ không dễ dàng thả người đi, nên từ sáng sớm đã đến quán trọ.

Vì để đề phòng tiểu nhị của quán trọ báo tin cho Trịnh Đồ, Lỗ Đạt liền mang một chiếc ghế ra ngồi trước quán trọ, ông đã ngồi yên ở đó suốt hai canh giờ. Một trang nam tử hán có rượu nhất định phải uống, nổi giận nhất định phải phát tiết ra như Lỗ Đạt, lại có thể ngồi yên suốt hai canh giờ, vững chắc như núi Thái Sơn, yên tĩnh ngồi giữ trước quán trọ. Hành vi này hoàn toàn trái ngược với những việc làm thường ngày, nhưng lại thể hiện ra tấm lòng hành hiệp trượng nghĩa của ông. Trong lúc cần thiết, Lỗ Đạt có thể cất đi dáng vẻ nóng nảy trước đó của mình, mà ngồi yên bất động như kim cương. Ông chỉ nghĩ đến sự an toàn của hai cha con họ Kim, bảo vệ họ lên đường bình an.

Đợi đến lúc hai cha con họ Kim đã đi xa, đám người Trịnh Đồ không còn đuổi kịp nữa, Lỗ Đạt mới rời đi. Thế nhưng trách nhiệm cứu người của ông vẫn chưa hoàn thành, ông phải tiếp tục đảm bảo họ có thể thuận lợi trở về quê, quay trở lại cuộc sống bình thường, như thế mới có thể tính là cứu người đến nơi đến chốn. Bước cuối cùng trong lần cứu người này của ông là đến cửa hàng bán thịt heo của Trịnh Đồ. Khi đến đó, đầu tiên ông gọi 10 cân thịt nạc thái nhỏ, sau đó là 10 cân thịt mỡ thái nhỏ, rồi đến mười cân sườn thái nhỏ.

Mới sáng sớm, cửa hàng của Trịnh Đạt vừa mới mở cửa, đã bị Lỗ Đạt đến quấy nhiễu. Trịnh Đồ có thể ức hiếp những người yếu thế, lấy một tờ giấy bán thân giả để cưỡng đoạt dân nữ, thì làm sao có thể không nhìn ra rằng Lỗ Đạt đang có ý khiêu khích mình? Nhưng vì Lỗ Đạt là quan, đồng thời không muốn để Lỗ Đạt có cớ gây sự, Trịnh Đồ chỉ có thể nuốt giận mà im lặng, làm việc liên tục mấy giờ đồng hồ. Đến lúc không thể nhịn được nữa, Trịnh Đồ mới để lộ ra bộ mặt dữ tợn. Hắn cười lạnh một tiếng, nói Đề Hạt cố ý đến đùa giỡn hắn. Lúc này, Lỗ Đạt lại càng đổ thêm dầu vào lửa, đem số thịt mà Trịnh Đồ khổ sở thái nhỏ ném toẹt vào mặt hắn. Trịnh Đồ nổi giận đùng đùng, rút dao ra đòi liều mạng với Lỗ Đạt.

Nhưng Trịnh Đồ lại không biết, Lỗ Đạt đã có dự tính từ trước. Hai người vốn không quen biết, cũng không có ân oán. Lỗ Đạt cố ý đến làm khó dễ Trịnh Đồ, một là để kéo dài thời gian Trịnh Đồ phát hiện ra hai cha con nhà họ Kim đã chạy thoát, hai là khiến cho Trịnh Đồ mất hết lý trí, để hắn ta động thủ trước, khi đó Lỗ Đạt mới ra tay đánh lại, đó gọi là: "Xuất sư hữu danh" (có lý do chính đáng). Mọi việc vẫn đang tiến triển như dự tính của Lỗ Đạt. Tay phải của ông giữ lại dao, tay trái tóm lấy Trịnh Đồ, nhẹ nhàng, nắm lấy tay trái của hắn, đá một cước vào bụng dưới khiến Trịnh Đồ ngã lăn ra đất.

Nhưng vẫn chưa thỏa cơn giận, Lỗ Đạt nắm chắc quả đấm, dẫm lên Trịnh Đồ đang nằm sõng soài trên đất rồi lớn tiếng mắng hắn ta. Đầu tiên là mắng Trịnh Đồ kiêu căng ngạo mạn, dám tự xưng là "Trấn Quan Tây", hai là mắng hắn ta cưỡng đoạt dân nữ, làm ra việc thương thiên hại lý. Lúc này Lỗ Đạt mày kiếm râu hùm, cơn thịnh nộ kiềm chế hôm qua của ông, trong chớp mắt đã bộc phát toàn bộ, cơn thịnh nộ lôi đình áp đảo vạn cân! Lỗ Đạt đấm lên mặt của Trịnh Đồ ba đấm, một đấm làm cho hắn ta vẹo mũi, máu chảy lênh láng, đấm tiếp theo làm cho hắn vỡ mắt, lòi cả con người ra ngoài, đấm thứ ba khiến cho Trịnh Đồ nằm im trên đất, không còn thở được nữa.

因鲁达拳打镇关西所想到的
Lỗ Đạt đánh Trấn Quan Tây Trịnh Đồ. (Nguồn: zhihu)

Lỗ Đạt vốn chỉ muốn đánh Trịnh Đồ một trận để dạy dỗ hắn ta, không ngờ khi ra tay đã không kiềm chế đúng mức. Lỗ Đạt có mệnh ứng với Thiên tinh, thân thủ phi phàm. Trịnh Đồ dù có một chút khả năng, nhưng cũng chỉ là người thường, làm sao thể chịu được một cú đấm toàn lực của Lỗ Đạt? Đã giương cung thì không thể quay đầu. Sự việc đến mức này, nhưng vì để trừ bạo an dân, Lỗ Đạt cũng chưa từng hối hận. Khi bình tĩnh trở lại, Lỗ Đạt nghĩ đến việc bản thân mình lấy mạng người trước mặt nhiều người như vậy, tất nhiên sẽ bị kiện, nhưng ông một thân một mình, nếu ông bị giam trong tù thì ai sẽ đến đưa cơm nước? Một suy nghĩ chợt lóe lên, trong cái khó ló cái khôn, Lỗ Đạt chỉ vào thân thể của Trịnh Đồ rồi mắng một câu: “Ngươi giả chết, sái gia và người sẽ từ từ giải quyết sau", giả vờ không có việc gì rồi rời đi.

Về đến nhà, Lỗ Đạt không còn giữ vẻ mặt bình tĩnh, vội vàng thu gom quần áo và tiền bạc, cầm theo một cây gậy ngắn để phòng thân. Đến khi mọi người phát hiện ra Trịnh Đồ đã chết, chuẩn bị cáo trạng, thì Lỗ Đạt đã sớm rời đi, không còn thấy tung tích.

Lỗ Đạt dùng ba nắm đấm đánh chết Trịnh Đồ. Hành động này đến từ tinh thần chính nghĩa của ông nên vẫn có thể chấp nhận được. Với hai cha con họ Kim mặc dù không quen không biết nhưng Lỗ Đạt không chỉ trượng nghĩa cứu giúp, còn ra sức bảo vệ, giúp họ bình an trở về. Ông không tiếc từ bỏ cuộc sống làm quan, tiêu diêu tự tại để bước trên con đường phiêu bạt gian khổ. Ông mắng người, đánh người thậm chí giết người, nhưng tất cả những điều không phải ông làm vì bản thân mình. Lỗ Đạt vẫn luôn kiên trì với “Thiên đạo" trong tâm mình. Đó chính là tinh thần dũng cảm, trừ gian diệt ác, bảo vệ chính nghĩa.

Theo Liễu Địch - Epochtimes

Đức Nhân biên dịch

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Lỗ Trí Thâm - Lỗ mãng và thông đạt