Lòng trung nghĩa biết tỏ cùng ai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những người có đức dày thường cô độc? Biển có thể lấp, núi có thể dời, nhân nghĩa không để đứt đoạn. Đại nhân đại nghĩa, nghĩa át mây trời, biết tỏ cùng ai?

Ông Trời là nghệ sĩ vĩ đại nhất, trong hàng ngàn năm, Ông đã vẽ trên bầu trời những bức tranh chưa bao giờ lặp lại, biến đổi trong nháy mắt, mỹ diệu vô cùng, dõi theo không kịp. Thế nhân trong dòng đời hối hả, chỉ nhìn đèn xanh đỏ trên đường, đâu có ai ngẩng đầu trong chốc lát, nhìn lên trời xem mây gió tụ tan. Nhưng mỗi người trên trái đất này đều là kiệt tác độc nhất vô nhị của Ông Trời. Đối với những người không có hứng nhìn lên bầu trời, thì xin hãy thưởng thức một kiệt tác khác của Ông, đó là nhân thể. Chúng ta đến đến đi đi trong vội vã, có mấy ai để mắt đến đâu!

Một giáo sư đã nghỉ hưu 70 tuổi, du học ở Mỹ quốc khi còn trẻ và có học vị tiến sĩ. Ông biết nhiều hiểu rộng, sở hữu trí tuệ công nghệ cao, là nhân tài công nghệ hiếm có, được mời tuyển dụng về nước (tức Đài Loan) chủ trì nghiên cứu khoa học công nghệ lớn của quốc gia, hoạch định chiến lược, trí dũng song toàn. Ông cũng giảng dạy tại một trường đại học nổi tiếng, hàng năm có hàng chục sinh viên tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của ông. Họ đều có thành tựu trong các lĩnh vực khác nhau từ hàng không, đường bộ, đường biển. Chỉ riêng những trải nghiệm học tập này thôi cũng đã đáng ngưỡng mộ rồi. Liệu ông có cảm thấy rằng: Ông càng biết nhiều thì người hiểu ông lại càng ít không?

Giáo sư có sức khỏe tốt, sau khi chứng kiến ​​bà vợ được tôi điều trị bệnh ung thư lồng ngực, khuôn mặt và tinh thần của bà ấy ngày càng tốt hơn, ngay cả những người thân và bạn bè xung quanh cũng thấy rõ, nên vị giáo sư cũng muốn đến thử chữa bệnh tê môi xem sao. Tôi thường nghe bà vợ kể về giáo sư và cuối cùng cũng được thấy ‘diện mạo cây đa cây đề’.

Khi giáo sư xuất hiện trong phòng khám, trông như cây ngọc hiên ngang gió rừng thổi, bước đi thần thái uy nghi, nói chuyện nhẹ nhàng tao nhã, thực là một kiệt tác của Ông Trời! Chất liệu nguyên bản này tinh túy Trời cho, trải qua hậu thiên bồi dưỡng và nỗ lực của bản thân, được bổ sung thêm màu sắc, trông Tiên phong Đạo cốt, khác hẳn người thường. Khí chất đặc trưng của một người là một tác phẩm nghệ thuật, nếu có thể cẩn thận thưởng thức, nó có thể làm rung động lòng người.

Hỏi về bệnh án, khi môi bị tê có sinh bệnh gì không? Giáo sư cho biết môi bị tê đã hơn 10 năm, là di chứng do cấy ghép răng. Lúc đó có một sinh viên là nha sĩ và mới học cách cấy ghép răng. Vị giáo sư vui vẻ để học trò của mình làm thí nghiệm. Mấy năm nay ông đã cấy tổng cộng 5 chiếc răng, sau khi cấy ghép toàn bộ môi ông bắt đầu bị tê, dù điều trị bao nhiêu lần cũng không cải thiện, đành để vậy.

Tôi tò mò hỏi: “Ông đã nói với nha sĩ về tình trạng môi bị tê sau khi cấy ghép răng chưa?”

Giáo sư lắc đầu nói: “Tôi không muốn làm tổn thương sinh viên, và khiến anh ta cảm thấy khó xử, hổ thẹn”.

Tôi không cho là vậy: "Thưa giáo sư, ông nên chăng cần nói sự thật cho anh ấy? Để anh ấy có thể nâng cao trình độ y khoa của mình để không còn nạn nhân bị tê môi nữa".

Giáo sư nói rằng, việc đã qua lâu rồi, ông thà chịu đựng còn hơn hơn là để học trò của mình bị tổn thương.

Những người có đức dày thường cô độc? Biển có thể lấp, núi có thể dời, nhân nghĩa không để đứt đoạn. Đại nhân đại nghĩa, nghĩa át mây trời, biết tỏ cùng ai?

Điều trị châm cứu

Môi miệng thuộc về kinh Dương Minh, để thông kinh mạch, châm các huyệt Nghênh Hương, Hợp Cốc, Túc Tam Lý. Môi thuộc về cơ bắp, lá lách (Tỳ) chi phối các cơ. Cần tăng cường sức mạnh cho lá lách, châm huyệt Tam Âm Giao, Túc Tam Lý. Bệnh tê có liên quan đến tuần hoàn máu và dẫn truyền thần kinh. Dùng châm cứu da đầu, ở đường giữa trán, châm huyệt Thần Đình về phía chân tóc. Thúc đẩy tuần hoàn chu vi môi, châm các huyệt Địa Thương, Đại Nghênh, Thừa Tương.

Tình trạng tê môi là do cấy ghép nha khoa, truy tìm nguồn gốc bệnh, cần điều trị nướu, thúc đẩy tuần hoàn nha chu, châm huyệt Giáp Xa thấu sang Đại Nghênh, Nhị Gian, Tam Gian. Việc cấy ghép nha khoa ban đầu gây ra tình trạng tê môi, nhất định có khí huyết ứ đọng, châm huyệt Khúc Trì, Huyết Hải. Châm mỗi tuần một lần. Yêu cầu giáo sư dùng lực nâng tay trong 9 giây, nắm chặt tay trong 9 giây và thực hiện động tác này 5 lần. Dùng ngón cái chụm các đầu ngón tay lại trong 9 giây và thực hiện động tác này 5 lần. Véo nhẹ môi khi có thời gian.

Ôn Tần Dung và cuốn sách 'Lục chỉ y thủ - Vị vô minh điểm đăng' của bà. (Tổng hợp)

Trong một lần khám, giáo sư trông như đang vội, khi được hỏi thì nói rằng ông có năm người già cần chăm sóc, giáo sư vào Nam phát quà Trung thu cho các cụ già, vừa trở về. Tôi tự nhủ, nếu cả cha lẫn mẹ đều còn sống thì chỉ có 4 người, sao có thể có 5 người? Giáo sư kể rằng ông có ba giáo viên tiểu học là những người thầy đầu tiên của ông, vào những ngày nghỉ lễ, ông thường gửi quà, hỏi thăm, đưa họ đi khám bác sĩ hoặc thưởng thức những món ăn ngon.

Chỉ cần các thầy còn sống thì đó là nghĩa vụ phải báo đáp ơn thầy. Tôi rất cảm động sau khi nghe điều này! Có lẽ con trai của những vị thầy đó không hiếu thảo được đến thế. Tôi nghe vợ ông kể rằng, giáo sư cũng rất tốt với bạn bè. Nhưng giáo sư cũng rất ngoan cố đối với những vấn đề then chốt, có những lúc ngoan cố đến mức không ai có thể khuyên nhủ được.

Người như thế nào mới có thể được gọi là trí thức? Đó có phải là các vị giáo sư, bác sĩ, chủ tịch, nhà nghiên cứu, kỹ thuật viên? Một người có thể được coi là trí thức nếu anh ta chỉ sở hữu kiến ​​thức? Ở vị giáo sư này, tôi thấy được nét đặc trưng của một trí thức Trung Quốc chân chính.

Giáo sư mặc trang phục chỉnh tề khi đến khám, trang nghiêm với mình và tôn trọng với người. Đôi khi thời gian chờ đợi lâu, ông không tỏ ra thiếu kiên nhẫn hay phàn nàn. Sau khi châm cứu, ông luôn bày tỏ cảm ơn tôi. Khi dặn dò ông những điều cần lưu ý, ông không dùng cái gậy “khoa học” để công kích Đông y, mà vẫn bao dung tiếp thụ trí tuệ của tổ tiên, không ỷ vào tài năng của mình mà kiêu ngạo. Khi mới bắt đầu châm cứu, uống thuốc nhưng hiệu quả chưa thấy rõ, ông không thắc mắc hay chỉ trích. Sự quan tâm đến thầy cô tiểu học, tình cảm kính trọng thầy cô, biết ơn, nhân cách cao thượng và chính trực thật đáng khâm phục.

Sau 3 tháng châm cứu, chỉ còn bị tê nhẹ ở môi, không thể cắt đứt được, giáo sư không tới khám nữa. Phong thái của ông khiến tôi phải tự nhắc nhở bản thân: Trí tuệ là một loại cảnh giới, tre càng cao thì càng cúi thấp, mặc gió đung đưa, làm quân tử cung khiêm.

Đừng lao về phía trước bằng xác thân phàm tục, mà bỏ lại linh hồn ở phía sau, đừng đánh mất bản sắc can đảm nghĩa nhân của một trí thức chân chính.

Tuyển tự “Lục chỉ y thủ - Vị vô minh điểm đăng”/Nhà xuất bản Bác Đại, Đài Loan.

Ôn Tần Dung - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lòng trung nghĩa biết tỏ cùng ai?