Một nụ cười cứu mạng người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên hành trình nhân sinh đầy khúc quanh, ngã rẽ. Làm sao một nụ cười có thể thay đổi cả cuộc đời?

Một cụ bà 83 tuổi bị tức ngực, hồi hộp, váng đầu từ khi còn trẻ. Dùng thuốc trị lúc tốt lúc xấu nhưng không thể trị tận gốc được. Khi bà xuất hiện trong phòng khám, gầy gò xương xẩu, gương mặt đầy những nếp nhăn nhuốm gió sương, bàn tay hằn những nếp nhăn sâu, từng nếp nhăn đều phản ánh những thăng trầm của cuộc sống, nhưng đôi mắt bà lại toát lên sự kiên nghị và nhân hậu.

Khi người ta già đi, nhiều cơ quan suy thoái, mặc dù bà kêu khó chịu ở tim, nhưng ở độ tuổi này bà vẫn có thể đi lại nhanh nhẹn, điều này rất hiếm.

Châm cứu điều trị

Đầu tiên, bổ sung năng lượng dương cho người già, châm cứu huyệt Bách Hội. Đối với tình trạng hồi hộp, nhịp tim không đều và tức ngực, châm huyệt Nội Quan và Gián Sử. Chóng mặt, mờ mắt, thường xuyên chảy nước mắt, châm cứu các huyệt Tinh Minh, Thái Dương, Dưỡng Lão. Bụng dễ chướng sau khi ăn, do tâm khí không đủ, bài tiết mật không đủ, châm các huyệt Trung Oản, Túc Tam Lý , Dương Lăng Tuyền. Đối với người cao tuổi, trọng tâm cơ bản là chăm sóc tốt cho đường ruột, dạ dày và tăng cường sức khỏe cho tim.

Thấy bà cụ sợ châm cứu, rên rỉ, tôi dừng lại. Nhưng bà nói, chỉ cần điều đó giúp ích cho sức khỏe của bà, thì bà sẵn sàng cắn răng chấp nhận, vì bà không muốn trở thành gánh nặng cho các con. Nghe được điều đó, tôi thật sự cảm động, tình mẫu tử thật lớn lao!

Tiếp tục châm cứu dưỡng thận, tim thận giao nhau, trì hoãn suy lão thoái hóa, châm cứu các huyệt Khí Hải, Quan Nguyên. Tăng cường gân cốt, khai thông các khớp chi, châm cứu các huyệt Hợp Cốc, Thái Xung, Dương Lăng Tuyền. Sắc mặt bà hơi tái nhợt, cần bổ sung khí huyết, châm cứu các huyệt Tam Âm Giao, Túc Tam Lý. Để điều hòa hệ thống miễn dịch, châm cứu các huyệt Bách Hội, Phong Trì, Khúc Trì, Hợp Cốc, Túc Tam Lý, Tam Âm Giao.

Sau khi châm cứu, mặt bà lập tức tươi nhuận, mắt sáng lên. Sau mỗi buổi châm cứu, bà ăn được nhiều hơn. Sau đó, mắt vẫn vẫn mờ nhưng tim hồi hộp thì dần giảm bớt.

Thầy thuốc Đông y Ôn Tần Dung và cuốn sách "Cửu cửu quy chân - Thượng thiện nhược thủy" của bà. (Tổng hợp)

Theo thời gian, chúng tôi thân nhau hơn, tôi nói với bà: “Tim của mẹ có thể giữ được như thế này từ trẻ đến già, nhưng nếu vẫn tức ngực, hồi hộp thì có lẽ không phải tim có vấn đề, mà là tâm trạng có vấn đề. Mẹ à, mẹ ổn chứ?”

Vừa hỏi câu này, mắt bà lập tức đỏ hoe, nước mắt trào ra, bà không biết phải bắt đầu từ đâu. Những vết thương lòng dường như bị vỡ tung, tôi nắm tay bà và nói: "Không sao đâu mẹ! Mọi chuyện đã qua rồi!"

Bà cảm thấy thầy thuốc thật lòng quan tâm đến bà, nên mỗi lần châm cứu, lại tiết lộ một chút chuyện xưa.

Cứ như vậy, sau hơn một năm lắng nghe, cuối cùng tôi cũng phác họa được bức tranh mà Thượng Đế đã ban cho bà với bao thăng trầm của cuộc đời qua những nét vẽ.

Trong khung cảnh núi sông tươi đẹp, một cô gái hồn nhiên, hoạt bát, thông minh, lớn lên trong một gia đình giàu có. Khi cô bé đang học tiểu học, chưa kịp lớn thì người cha qua đời, mẹ lâm bệnh nặng vì quá đau buồn. Vì hạnh phúc của con gái, người mẹ bỏ ra rất nhiều tiền để đưa con đến nhà họ hàng chăm sóc, mọi chi phí học hành, sinh hoạt, của hồi môn của con gái đều được đưa cho mẹ nuôi.

Chẳng bao lâu, mẹ cô qua đời, cô gái từ một cô gái nhà giàu trở thành một cô gái nghèo. Mẹ nuôi không cho cô bé đến trường, mà thay vào đó cô bé trở thành người làm công, vất vả ngày đêm.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô gái mới 18 tuổi, đến tuổi yêu, cô lấy chồng và trở thành thiếu phụ. Một năm sau ngày cưới, chồng được điều động sang Đài Loan công tác, lúc đầu có tin tức nhưng sau đó lại bặt tăm. Lúc này, cô gái trẻ đang mang thai, lo lắng cho sự an toàn của chồng, cô quyết định sang bên kia để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Thế giới xa xôi thật rộng lớn tươi sáng. Thế giới trước mặt mình thật nhỏ bé khổ đau!

Trong làng có một gia đình nọ, khi nghe tin cô gái trẻ sắp sang Đài Loan, họ giao cho cô đưa một bé trai chín tháng tuổi về cho bố cậu ở Đài Loan. Vì vậy, người phụ nữ trẻ đã mang theo em bé, vượt hàng ngàn dặm để tìm chồng. Cô vượt biển cả, trải qua bao gian khổ, cuối cùng cũng tìm được cha của đứa bé, rồi đã nhờ anh ta giúp tìm chồng mình.

Sau nhiều khúc mắc, cuối cùng cũng tìm ra tung tích của chồng cô ấy. Kết cục như sau: Người chồng không biết mình đã phạm tội gì, bị áp giải về Đại Lục, khi cô gái trẻ đang gặp sóng dữ trên biển thì chính là lúc người chồng bị xử bắn.

Tin dữ như sét nổ giữa trời xanh! Một cô gái trẻ độc thân, không người thân thích, biết đi đâu về đâu?

Cha của cậu bé làm nhân viên ở một cơ quan nhà nước. Đầu tiên, anh đưa cô về nhà mình làm người giúp việc, nấu ăn, dọn dẹp và làm việc nhà. Cô mang dây chuyền vàng mang theo giao cho anh ta cầm hộ.

Anh viên chức này tốt bụng hào hiệp, chính trực giữ lễ, làm việc cẩn thận chăm chỉ có kiến thức. Anh có nhiều ưu điểm, nhưng có một khuyết điểm chết người: nghiện đánh bạc, thường thua trắng khi đặt cược, khi thua anh tức giận đấm đá cả người thân. Cờ bạc còn có hại hơn hổ, thiếu phụ đang cố gắng sống sót khỏi miệng hổ.

Nhà có tình yêu nhà là bến cảng, không có tình yêu, gia đình chỉ là nhà tù.

Một lần, vợ của anh về Đại Lục thăm người thân, nhưng lâm bệnh và qua đời tại nhà bố mẹ đẻ. Chẳng bao lâu, người phụ nữ trẻ chuyển dạ và sinh được một đứa con trai. Sau một thời gian, cô trở thành một bà nội trợ, chịu bao khổ sở đắng cay nuôi hai cậu con trai, cuộc sống thật nặng nề.

Vật đổi sao dời, số vàng cô gái mang theo đã trở thành tài sản gia đình. Chồng cô đánh bạc hết, cô phải vay mượn gạo, dầu của họ hàng và bạn bè. Hàng ngày làm trâu làm ngựa, khổ cực trăm bề lại còn bị đánh, sầu hận đến bao giờ mới dứt đây!

Người phụ nữ trẻ cuối cùng không thể chịu nổi nỗi đau, bế đứa con trai chín tháng tuổi của mình đến bên sông, lòng lạnh như tro tàn, lệ tuôn rơi ướt áo, toan nhảy xuống sông tự tử cho xong. Ngay trước khi nhảy xuống sông, cô không cầm lòng được, quay lại nhìn con trai bé bỏng.

Lúc này, vận mệnh đã đến kịp lúc. Cậu bé cười với mẹ, một nụ cười thuần chân trong sáng quá! Thật là dễ thương! Thiếu nữ chợt giật mình, run rẩy, nghĩ nếu mình chết đi thì còn ai che chở, liệu quãng đời còn lại của nó có bi thảm không? Nghĩ đến đây, cô dừng lại, lau nước mắt, kiên trì dù có vất vả, khó nhọc đến đâu cũng phải sống, phải đi cho hết đoạn đường này!

Khi bà kể lại cảnh tượng này, bà nói trong nước mắt: “Con trai tôi đã cứu mạng tôi”.

Mạng của bà đã được cứu nhưng, vận của bà thì không. Vận mệnh của bà xưa nay không bao giờ gặp được giúp đỡ trong cơn hoạn nạn, mà thường là cảnh giậu đổ bìm leo điên cuồng.

Chồng cô bên ngoài cư xử như một quý ông khiêm tốn, nhưng ở nhà anh ấy lại cư xử như một bạo chúa, gia trưởng. Chỉ cần anh ta thua bạc, dù vợ đang mang thai đứa thứ 6 thì vẫn bị ăn đòn. Khi vợ sinh con, chồng vẫn đang ở sòng bạc, hò hét trong u tối đam mê.

Cậu bé do vợ cũ sinh ra được nuôi dưỡng đến năm 15 tuổi, cậu căm hận cho rằng, sự xuất hiện của mẹ kế khiến mẹ ruột lâm bệnh qua đời, nên cậu bỏ nhà đi biệt tích. Thiếu phụ đau buồn bơ vơ, bao nhiêu nước lệ sầu lặng lẽ để những cơn gió thu lạnh lùng lau cạn!

Tính cách bộc trực ngang ngạnh của người chồng khiến anh đắc tội với người ta. ‘Quân tử báo thù, ba năm chưa muộn. Tiểu nhân báo thù, một ngày đã muộn’. Người chồng bị vu oan là gián điệp, và bị bỏ tù. Nỗi kinh hoàng bất ngờ ập xuống, cả gia đình đột nhiên mất kế sinh nhai.

Với sáu miệng con đang tuổi ăn tuổi lớn, bà đã làm việc đầu tắt mặt tối để nuôi sống gia đình. Sinh con vào buổi sáng, hôm sau đã địu con đi làm đồng. Thỉnh thoảng lại còn bị va chạm trong mâu thuẫn do bị coi là ‘kẻ ngụ cư’, quả là khổ chồng lên khổ!

Tám tháng sau, người chồng được minh oan trắng án, gia đình chuyển đến một ngôi làng hẻo lánh, sống trong căn nhà lá xoay sở mưu sinh. Người chồng quay đầu hoàn lương, chăm chỉ làm việc cùng nuôi lũ trẻ trưởng thành. Người chồng luôn dặn dò các con phải hiếu thảo với mẹ, may mà có người mẹ vĩ đại mà gia đình này còn tồn tại, còn có ấm êm.

Khi những đứa trẻ lớn lên, đi làm ăn ở nơi khác, chúng đều thầm cho rằng, mẹ dành nhiều yêu thương con trai cả (con trai của vợ trước). Ai biết được đó là do tình thân, thêm vào đó là ân nghĩa sâu nặng.

Hai cụ vốn định sống nhàn nhã dưỡng lão, nhưng mọi chuyện không như ý muốn, người chồng mắc bệnh Alzheimer nặng, đại tiểu tiện khắp nơi, không nhận ra người thân, nóng nảy, suốt ngày chửi bới mọi người, ném bát đĩa, không phân biệt ngày đêm, có khi nửa đêm chạy lên núi, tìm không thấy thì nhờ cảnh sát và dân làng giúp tìm. Hai người già chăm nhau, chịu đựng như vậy suốt 5 năm.

Tôi chân thành nói: “Mẹ ơi, mẹ thật vĩ đại! Chẳng trách mẹ thường xuyên bị tức ngực, hồi hộp. Mẹ đã nếm trải mọi cay đắng trên đời, đã cố gắng hết sức. Bạn đời cũng đã ra đi, mẹ nên buông bỏ đi, quỹ thời gian sắp hết, an nhàn đi nốt chặng cuối cùng!”

Nước trong không có nghĩa là nó không chứa tạp chất, mà là nó biết lắng xuống, lắng xuống, để có được sự trong lành tĩnh lặng vô biên.

Sau một đời ngắn ngủi qua đi, ai còn lo lắng bồn chồn? Ai nơi chân trời góc bể bôn ba xoay vần?

Cuộc đời của bà quả thực còn quanh co chìm nổi hơn trong phim ảnh, khiến người ta phải buông tiếng thở dài.

Sau đó, bà tới châm cứu và uống thuốc sắc đều đặn, tình trạng tim đập nhanh, tức ngực của bà cũng cải thiện nhiều. Các con rất hiếu thảo, thay nhau về nhà ở với mẹ, để mẹ yên tâm an hưởng trọn tuổi Trời.

Tuyển tự “Cửu cửu quy chân - Thượng thiện nhược thủy”/ Nhà xuất bản Bác Đại, Đài Loan.

Ôn Tần Dung - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Một nụ cười cứu mạng người