Nghiên cứu của Đại học Stanford: Để khích lệ trẻ hãy dụng 10 câu này khi khen ngợi con bạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khen ngợi và khuyến khích là một trong những cách hiệu quả nhất để thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ. Đứa trẻ nào cũng có tâm lý muốn được cha mẹ, thầy cô coi trọng, việc khuyến khích đúng ưu điểm, thành tích của trẻ sẽ thỏa mãn tâm lý của trẻ, khiến trẻ có cảm giác vinh dự, tự hào. Khi được đánh giá cao, khuyến khích, trẻ sẽ chăm chỉ, nỗ lực hơn trong học tập và làm mọi việc tốt hơn.

Carol S.Dweck, nữ, hiện là giáo sư tâm lý học Lewis và Virginia Eaton của Đại học Stanford. Được trao giải thưởng Yidan Education Research Award 2017 vì là người đầu tiên đưa ra lý thuyết "tư duy phát triển", lý thuyết này khuyến khích học sinh tích cực đánh giá và phát triển tiềm năng của mình, có ảnh hưởng sâu sắc trong cộng đồng giáo dục.

Là cha mẹ xuất sắc, bạn phải nhận ra sự khác biệt lớn như thế nào giữa "khen con" và "khích lệ con"! Có quá nhiều bậc cha mẹ thường nhầm lẫn giữa “khen ngợi” và “khích lệ”, cho rằng chúng là động lực tinh thần thúc đẩy con người ta tích cực và không ngừng tiến về phía trước. Nhưng một bài kiểm tra từ Đại học Stanford cho kết quả đáng ngạc nhiên. Kết quả của "khen ngợi" và "khuyến khích" rất khác nhau, và điều rất quan trọng là phải phân biệt giữa hai điều này.

1. Nghiên cứu tâm lý của Đại học Stanford về tác động của lời khen đối với trẻ em

Carol S.Dweck, nhà tâm lý học phát triển nổi tiếng tại Đại học Stanford, nhóm của bà đã nghiên cứu về "tác động của lời khen đối với trẻ em" trong 10 năm qua. Họ đã thực hiện một nghiên cứu dài hạn trên 400 học sinh lớp 5, ở 20 trường học ở New York, kết quả của nghiên cứu này đã gây chấn động giới học thuật.

Trong thí nghiệm, họ yêu cầu trẻ độc lập hoàn thành một loạt các nhiệm vụ giải đố trí tuệ. Đầu tiên, các nhà nghiên cứu gọi từng trẻ ra khỏi lớp để thực hiện vòng kiểm tra IQ đầu tiên. Các mục kiểm tra là những câu đố rất đơn giản mà hầu như tất cả trẻ em đều có thể làm khá tốt. Sau khi mỗi em hoàn thành bài kiểm tra, các nhà nghiên cứu sẽ cho em biết điểm và kèm theo lời động viên hoặc khen ngợi.

Khen ngợi trẻ cũng cần sự tinh tế. (Pexels/Luna Lovegood)

Các nhà nghiên cứu chia ngẫu nhiên những đứa trẻ thành hai nhóm, một nhóm nhận được lời khen về chỉ số IQ, tức là lời khen ngợi, chẳng hạn như "Con rất giỏi giải đố, con rất thông minh". Một nhóm khác nhận được một lời khen ngợi về nỗ lực, tức là khuyến khích, chẳng hạn như, "Con vừa làm việc rất chăm chỉ, vì vậy hãy làm thật tốt".

Tại sao chỉ đưa ra một lời khen ngợi? "Chúng tôi muốn xem trẻ em nhạy cảm như thế nào với lời khen ngợi hoặc khuyến khích", Dweck giải thích. Tôi có một trực giác vào thời điểm đó: một lời khen ngợi là đủ để thấy kết quả.

2. Khen ngợi nỗ lực và khen ngợi sự thông minh có sự khác biệt lớn đối với trẻ

Sau đó, các em tham gia vòng thử thách xếp hình thứ hai. Có hai bài kiểm tra có độ khó khác nhau và các em được tự do lựa chọn bài kiểm tra nào sẽ thực hiện. Một là khó hơn, nhưng kiến ​​thức mới sẽ được học trong quá trình kiểm tra. Vòng còn lại là một bài kiểm tra đơn giản tương tự như vòng trước.

Kết quả phát hiện, trong số những đứa trẻ được khen ngợi nỗ lực trong vòng đầu tiên, có 90% chọn nhiệm vụ khó khăn hơn. Còn những đứa trẻ được khen là thông minh, phần lớn đều chọn những nhiệm vụ đơn giản. Bởi vậy có thể thấy được, trẻ tự cho là thông minh, không thích đối mặt với thử thách. Tại sao lại như vậy?

Trong báo cáo nghiên cứu, Dweck đã viết: “Khi chúng ta khen con mình thông minh, tức là nói với chúng rằng, để giữ được thông minh, không nên mạo hiểm có thể phạm sai lầm”. Đó là những gì những đứa trẻ thông minh đã làm: để trông thông minh và tránh những rủi ro mất thể diện.

3. Khích lệ nhiều, khen ngợi ít, mô tả nhiều, đánh giá ít

Sau đó là vòng thử nghiệm thứ ba. Lần này, tất cả trẻ em đều làm bài kiểm tra giống nhau và không có lựa chọn nào khác. Đề thi này khó, là đề thi vào lớp 1 cấp THCS (tương đương lớp 6). Như bạn có thể tưởng tượng, tất cả bọn trẻ đều thất bại.

Khích lệ nhiều, khen ngợi ít đối với trẻ. (Pexels/Hiếu Hoàng)

Những đứa trẻ trước đó nhận những lời khen ngợi khác nhau, có những phản ứng rất khác nhau đối với thất bại. Những đứa trẻ được khen ngợi vì sự nỗ lực của chúng nghĩ rằng chúng thất bại vì chúng không đủ cố gắng. “Những đứa trẻ này rất say mê với bài kiểm tra và cố gắng giải nó theo nhiều cách khác nhau,” Dweck nhớ lại, vài đứa trẻ nói với tôi, “Đây là bài kiểm tra yêu thích của con”. Trong khi những đứa trẻ được khen là thông minh tin rằng thất bại là do chúng không đủ thông minh. Các em thường xuyên lo lắng trong suốt quá trình kiểm tra, vò đầu bứt tai và cảm thấy thất vọng khi không làm được câu hỏi.

Trong vòng thử nghiệm thứ ba, nhóm của Dweck cố tình làm lũ trẻ thất vọng. Tiếp theo, họ cho các em làm bài kiểm tra vòng thứ tư, lần này cũng với những câu hỏi dễ như vòng đầu tiên. Những đứa trẻ được khen ngợi vì nỗ lực đạt điểm cao hơn khoảng 30% trong bài kiểm tra này so với lần đầu tiên. Tuy nhiên, những đứa trẻ được khen thông minh lại bị giảm điểm khoảng 20% ​​so với lần đầu.

Dweck luôn nghi ngờ khen ngợi chưa chắc đã có tác dụng tốt đối với trẻ, nhưng kết quả của thí nghiệm này vẫn nằm ngoài dự liệu của bà. Dweck giải thích, sự khích lệ có nghĩa là khen ngợi một đứa trẻ vì đã làm việc chăm chỉ, mang lại cho đứa trẻ cảm giác được là chính mình, tự chủ kiểm soát. Trẻ sẽ cảm thấy rằng thành công nằm trong tay của chính chúng. Ngược lại, khen trẻ thông minh chẳng khác nào nói với chúng rằng thành công nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng. Theo cách này, khi đối mặt với thất bại, trẻ thường bất lực.

Trong các cuộc phỏng vấn tiếp theo với trẻ em, Dweck nhận thấy rằng những đứa trẻ tin rằng tài năng là chìa khóa thành công, đã đánh giá thấp tầm quan trọng của sự chăm chỉ một cách vô thức. Những đứa trẻ này lý luận như thế này: Tôi thông minh nên tôi không phải làm việc quá sức. Chúng thậm chí còn nghĩ rằng nỗ lực là ngu ngốc, tương đương với việc thừa nhận rằng chúng không đủ thông minh.

Thí nghiệm của Dweck được lặp đi lặp lại nhiều lần. Bà phát hiện ra rằng bất kể đứa trẻ có hoàn cảnh gia đình như thế nào, chúng không thể chịu đựng được cảm giác thất bại sau khi được khen thông minh và sau đó thất bại. Các em trai cũng như các em gái, đặc biệt là các em gái có thành tích cao, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngay cả trẻ mẫu giáo cũng có thể bị tổn thương bởi những lời khen ngợi như vậy.

Khen ngợi khác với khuyến khích. (Pexels/Rene Asmussen)

Vì vậy, chúng ta không thể khen ngợi trẻ một cách mù quáng, có thể dùng khích lệ thay cho khen ngợi, thay "con thật thông minh" bằng "con đã cố gắng". Khuyến khích là cổ vũ ủng hộ, khen ngợi là biểu dương, tuyên dương đối với một việc hoặc phẩm hạnh. Lời động viên thường nhắm vào quá trình và thái độ, "Bố thấy con học hành chăm chỉ trong học kỳ này, và rất tự hào về con!". Khen ngợi thường hướng đến kết quả và hiệu quả, "Bố thấy điểm số của con được cải thiện và mừng cho con!". Khuyến khích nhiều, khen ngợi ít, mô tả nhiều và đánh giá ít hơn có thể tránh cho trẻ em bị khen ngợi bắt cóc, hoặc không chịu thua, không đạt được mục đích dùng bất cứ thủ đoạn.

10 lời khen dành cho con

Giáo viên tiểu học ở Mỹ đã lập ra một "bảng thuật ngữ" chuyên môn, khi gặp phải học sinh biểu hiện nổi bật, liền dùng 10 câu này để thay thế. Đối với phụ huynh và giáo viên khác có thể tham khảo một chút.

1. Con làm việc chăm chỉ

Khi trẻ cho bạn xem thành quả lao động của mình, ngoài việc bày tỏ sự công nhận thành quả đó, cha mẹ còn phải bày tỏ sự công nhận mồ hôi công sức của trẻ.

2. Dù khó khăn nhưng con không bao giờ bỏ cuộc

Khi trẻ hoàn thành một việc gì đó đối với bản thân rất khó để hoàn thành được, cha mẹ phải khẳng định tính kiên trì không bao giờ bỏ cuộc của trẻ.

3. Thái độ làm việc của con rất tốt

Đôi khi, đánh mất thành công không đáng sợ, điều đáng sợ là đánh mất thái độ đúng đắn, vì vậy chúng ta phải khuyến khích trẻ duy trì thái độ đúng đắn.

4. Con đã tiến bộ trở lại

Khi khả năng của trẻ đã được cải thiện, cha mẹ nên khen ngợi sự tiến bộ của trẻ từ những việc cụ thể, để trẻ hình thành thói quen chú ý đến chi tiết.

5. Phương pháp này rất sáng tạo

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng ý tưởng của trẻ là vớ vẩn, thực tế, suy nghĩ không gò bó mới là ưu điểm của trẻ, cha mẹ nên bảo vệ sự sáng tạo của trẻ thay vì bóp nghẹt nó.

Khích lệ trẻ sáng tạo thay vì cấm cản. (Pexels/Cristian Pantoja)

6. Sự hợp tác của con với bạn bè rất tốt

Tương lai xã hội nhất định không thể tách rời sự hợp tác giữa người với người. Hợp tác thực chất là một biểu hiện của kỹ năng giao tiếp, đánh giá cao kỹ năng hợp tác cũng là một cách quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh trong tương lai của trẻ.

7. Con cần chịu trách nhiệm về vấn đề này

Nếu chúng ta muốn con mình trở thành nhà lãnh đạo, chúng ta phải khuyến khích tinh thần trách nhiệm và khả năng lãnh đạo của trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Hãy để con trẻ nhận ra việc lãnh đạo một thứ thú vị như thế nào.

8. Con giúp các bạn cùng lớp hoàn thành nhiệm vụ, thật tuyệt!

Giúp đỡ người khác là một đức tính đáng quý của con người, giúp đỡ người khác thực chất là một cách để nâng cao bản thân. Vì vậy, cha mẹ nên khuyến khích con giúp đỡ các bạn cùng lớp làm những gì chúng có thể.

9. Con coi trọng ý kiến ​​của người khác, điều này rất tốt

Người trong cuộc thường thiếu tỉnh táo, người ngoài cuộc nhìn rõ mọi chuyện. Đôi khi ý kiến của người khác sẽ giúp ích rất nhiều cho quyết định của mình, khen ngợi con coi trọng ý kiến của người khác, thật ra cũng có thể giúp con có tấm lòng rộng lớn hơn.

10. Cha/mẹ rất vui vì con đã lựa chọn như vậy

Có thể hoàn thành xuất sắc một việc, đôi khi là bởi vì nỗ lực và tỉ mỉ của một người, đôi khi lại do người đó đưa ra quyết định chính xác. Chiến lược khen ngợi, thực chất chính là khen ngợi sự thông minh, nhưng hiệu quả rất khác nhau.

(Pexels/Mart Production)

Tóm lại, khen hay động viên đều là một cách để khen trẻ, nhưng nhìn chung, các chuyên gia khuyên cha mẹ: động viên nhiều, khen ít, mô tả nhiều, đánh giá ít. Khẳng định phẩm chất tốt và sự chăm chỉ của trẻ quan trọng hơn là khen ngợi tài năng của chúng. Đứa trẻ nào cũng mong cha mẹ quan tâm nhìn nhận về mặt tinh thần, để chúng cũng nhìn thấy tấm lòng nhân hậu từ cha mẹ, từ đó tự tin hơn.

Theo Vương Hoà - Aboluowang - Nguồn: President Media Reprint
Nguyên Anh biên dịch

Văn hoá Giáo dục


BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu của Đại học Stanford: Để khích lệ trẻ hãy dụng 10 câu này khi khen ngợi con bạn