Người đàn ông mắc COVID-19 trong thời gian kỷ lục… 613 ngày, hình thành một ‘chủng siêu đột biến’ trong cơ thể

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thời gian từ lúc bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 (virus gây ra COVID-19) cho đến khi qua đời vào tháng 10/2023 là 613 ngày, với hơn 50 đột biến cho phép virus né tránh hệ thống miễn dịch, từ đó hình thành một “chủng siêu đột biến” trong cơ thể.

Người đàn ông 72 tuổi lập kỷ lục về thời gian nhiễm COVID-19 lâu nhất. Hệ thống miễn dịch của ông bị suy giảm nghiêm trọng do từng mắc các bệnh trước đó. Sau khi nhiễm biến chủng Omicron vào tháng 2/2022, ông đã nhập viện tại thủ đô Amsterdam (Hà Lan) để điều trị.

Trước đó, trường hợp mắc COVID-19 lâu nhất từng được ghi nhận là một người đàn ông ở Vương quốc Anh - tổng thời gian từ khi nhiễm virus đến lúc qua đời là 505 ngày.

Quay lại trường hợp của bệnh nhân nam ở Hà Lan, xét nghiệm cho thấy ông bị rối loạn máu nên cơ thể không có khả năng sản xuất đủ tế bào bạch cầu hoặc kháng thể để chống lại virus, bất chấp việc ông đã tiêm vaccine nhiều lần trước đó.

Đội ngũ y tế đã thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau, nhưng theo thời gian, cơ thể của bệnh nhân bắt đầu kháng lại các phương pháp. Tệ hơn nữa, hệ thống miễn dịch cũng đánh mất khả năng loại bỏ virus. Đến mùa thu năm 2023, người đàn ông qua đời tại bệnh viện do hệ miễn dịch suy kiệt và bệnh về máu tái phát.

Trường hợp nói trên đã gây sửng sốt đối với các nhà nghiên cứu Hà Lan, đặc biệt với khả năng biến đổi cực kỳ linh hoạt và mạnh mẽ của virus. Họ lo ngại rằng sự biến đổi này tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, mà từ đó chúng có thể dễ dàng vượt qua hệ thống miễn dịch của người khoẻ mạnh.

Phân tích vật liệu di truyền của virus từ mẫu phẩm của bệnh nhân, người ta phát hiện hơn 50 đột biến so với biến thể Omicron BA.1 đang lưu hành lúc bấy giờ.

Họ cũng nhận thấy virus có một số đột biến cho phép chúng né tránh hàng rào phòng thủ của hệ thống miễn dịch, cuối cùng hình thành một “chủng siêu đột biến” trong cơ thể. Thật may, không có dấu hiệu nào cho thấy người đàn ông đã lây truyền “chủng siêu đột biến” cho người khác.

Ngoài ra, kết quả phân tích còn cho thấy virus đã phát triển khả năng kháng thuốc sotrovimab (một trong những loại thuốc được phê duyệt để điều trị COVID-19) chỉ trong vài tuần.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Amsterdam dự định sẽ trình bày những phát hiện của mình tại hội nghị của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm Châu Âu tại Barcelona vào ngày 27-30/4.

Magda Vergouwe, nghiên cứu sinh từ Trung tâm Y tế Đại học Amsterdam, cho biết đây là trường hợp cực đoan, phần lớn chỉ xảy ra ở những người bị suy giảm miễn dịch.

Nhìn chung, trường hợp của người đàn ông cho thấy nguy cơ xuất hiện các biến thể virus mới, với khả năng né tránh hệ thống miễn dịch hiệu quả ở những bệnh nhân bị suy giảm sức đề kháng. Ở một bệnh nhân như vậy, sự phát triển mạnh của virus SARS-CoV-2 có khả năng dẫn đến sự hình thành của những biến thể độc nhất, các nhà nghiên cứu cho hay.

Họ cho rằng điều quan trọng là phải theo dõi chặt chẽ sự tiến hóa của virus ở những người bị suy giảm miễn dịch. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng tình trạng mắc bệnh kéo dài có thể khiến virus SARS-CoV-2 tích lũy những thay đổi di truyền, dẫn đến khả năng sinh ra các biến chủng mới đáng lo ngại trong tương lai.

Ngoài ra, trong bốn năm qua, các nhà khoa học đã tổng hợp dữ liệu bộ gene thu thập từ các mẫu nước thải của cộng đồng - nơi có nhiều người mắc COVID-19 nặng. Họ phát hiện nhiều người có thể đã nhiễm các biến chủng nCoV mà không hề biết. Tình trạng nhiễm trùng dai dẳng như vậy đã khiến người bệnh gặp phải triệu chứng COVID-19 kéo dài.

Bảo Vy (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Người đàn ông mắc COVID-19 trong thời gian kỷ lục… 613 ngày, hình thành một ‘chủng siêu đột biến’ trong cơ thể