Người kể chuyện tai nghe mắt thấy dưới Âm phủ - có tồn tại sổ sinh tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những câu chuyện siêu nhiên cổ kim Đông Tây chưa bao giờ dừng lại. Con người luôn tò mò, sợ hãi và muốn tìm hiểu những bí ẩn chưa được giải đáp. Vậy thế giới tâm linh có thực sự tồn tại? Phải chăng Địa ngục, Diêm Vương và Sổ sinh tử trong truyền thuyết dân gian đều có thật?

Câu chuyện sau đây là một sự việc kỳ lạ xảy ra trong hai năm qua. Sự xuất hiện của vấn đề này có thể là Ông Trời cố ý sắp xếp, giúp con người có thêm manh mối để khám phá thế giới chưa biết.

Con cá không thể bắt được

Từ ngày 18 đến ngày 21 tháng 7 năm 2021, Trịnh Châu, Hà Nam và các nơi khác ở Trung Quốc gặp phải lượng mưa lớn. Mưa lớn và xả lũ gây ngập úng nghiêm trọng ở thành phố Trịnh Châu. Đường sắt, đường cao tốc và vận tải hàng không dân dụng ở Trịnh Châu đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đường phố biến thành sông, nước đã tràn vào một số đoạn tàu điện ngầm, một phần nước đã tràn vào các toa tàu, một số lượng lớn người dân bị mắc kẹt. Sự việc chúng ta sắp nói đến có liên quan đến trận lũ lụt này ở Trịnh Châu.

Nhân vật chính của câu chuyện hãy tạm gọi là Ba Tể, sinh vào những năm 1990 ở một vùng nông thôn, lớn lên bên sông, rất thích bơi lội, và có kỹ năng bơi lặn khá tốt.

Một ngày mùa hè năm 2022, vì thời tiết nắng nóng, Ba Tể rủ ba người bạn đi bơi trong một hồ nước ở quận phía đông Trịnh Châu. Nào ngờ, trời lại bắt đầu mưa nhẹ. Một người bạn nói rằng, đã đến đây rồi thì vẫn cứ xuống nước bơi hai vòng đi. Bốn người nghe có lý, liền cởi quần áo, mặc quần bơi rồi xuống nước.

Lúc đầu mọi thứ đều bình thường, nhưng khi bơi, Ba Tể cảm thấy có gì đó kỳ lạ. Anh cảm thấy như có thứ gì đó chạm vào đùi mình, và nước bắn tung tóe xung quanh anh. Ba Tể tưởng đó là một con cá nên nói với bạn bè rằng, ở dưới nước có một con cá lớn, nếu bắt được thì buổi tối có thể được ăn món cá nướng.

Điều kỳ lạ là ba người còn lại đều nói rằng, họ không nhìn thấy con cá nào, và họ cũng nói rằng, họ không mang theo dụng cụ bắt cá, nên có thể sẽ không bắt được cá lớn.

Tuy nhiên, Ba Tể cảm thấy con cá lớn đang quay xung quanh mình, nhưng anh không thể nào bắt được. Thế là anh bơi theo cảm giác với hy vọng bắt được con cá này. Thế rồi bất tri bất giác, Ba Tể đã bơi ra giữa hồ.

Một người bạn gọi anh hãy mau quay lại, nói rằng nước ở giữa hồ rất sâu. Lúc này, chấp niệm bắt cá trong đầu của Ba Tể đột nhiên biến mất, anh cũng nhận ra nguy hiểm nên quay người bơi vào bờ.

Chuyện lạ xảy ra, Ba Tể phát hiện sức cản khi bơi trở về đã tăng lên gấp mấy chục lần, dù anh có bơi thế nào cũng không tiến lên được, đạp nước cũng rất tốn sức. Đột nhiên, có thứ gì đó giống như cỏ nước quấn quanh cổ chân anh, và kéo chân anh về phía giữa hồ.

Ba Tể kinh sợ hét lên gọi bạn bè đến cứu.

Sau khi nhìn thấy những người bạn bơi về phía mình, Ba Tể đã ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, anh đã nằm trong bệnh viện.

Sau đó, Ba Tể nói với gia đình và bạn bè rằng, hóa ra thế giới này thực sự có âm tào địa phủ, và anh vừa mới đến thăm nơi đó một chuyến.

Âm phủ du ký

Ba Tể kể rằng sau khi bất tỉnh, anh đột nhiên đi đến một nơi có bầu trời đỏ sẫm, dưới chân có một con đường đất, thỉnh thoảng có xe ngựa đi qua, phần lớn đều là những người già với nét mặt mơ hồ, và quần áo của họ không phải là thứ mà người hiện đại mặc.

Ba Tể tưởng mình đang mơ, nhưng khi nhìn thấy bọn họ ngồi trên xe ngựa tiến về phía trước, anh không khỏi tò mò, hỏi họ đi đâu, có thể đưa anh đi cùng không. Có người ngồi trong xe kéo anh ngồi ở phía sau. Sau khi lên xe, Ba Tể hỏi bọn họ đi đâu, là người ở đâu, nhưng không ai lên tiếng.

Sau một khoảng thời gian không xác định, họ đến một nơi tương tự như nha phủ cổ xưa, và mọi người xuống xe. Sau đó họ lần lượt bước vào đại sảnh của nha phủ. Cách bố trí của đại sảnh tương tự như công đường, nơi các tù nhân bị thẩm vấn trong các bộ phim cổ trang. Bên trên có một viên quan có bộ râu lớn, trông rất đáng sợ, đang ngồi.

Trước mặt Ba Tể là một bà cô già, và một ông già khoảng sáu mươi tuổi đang quỳ dưới đất. Vị quan râu rậm đang lật giở cuốn sách nhỏ trên tay. Đọc được khoảng hai phút, viên quan mới nói với ông già đang quỳ rằng: “Khi ông 35 tuổi, ông đã bán hai đứa trẻ, khiến hai gia đình không bao giờ được đoàn tụ. Ông bình thường toàn làm những điều xấu, nên sẽ bị trừng phạt ông làm một linh hồn lang thang trong 60 năm, sau đó đầu thai thành một con ruồi".

Sau khi nghe điều này, ông già vội vàng nói: "Tôi sai rồi, tôi sai rồi”.

Sau đó ông già đã bị quân lính kéo đi.

Lúc này, Ba Tể có chút bối rối và nhận ra có điều gì đó không ổn: “Chẳng lẽ mình đã chết rồi sao?”

Đúng lúc anh đang bối rối không biết làm gì thì vị quan râu rậm, cũng chính là Diêm Vương, nói lớn: "Tiếp theo".

Bà cô già trước mặt Ba Tể bước đến giữa công đường và quỳ xuống. Diêm Vương lật thêm vài trang sách rồi nói: "Trong đời bà chưa bao giờ làm điều gì xấu, cũng chưa làm điều gì tốt. Bà có thể đầu thai làm một người bình thường".

Sau khi bà cô già được đưa đi, đến lượt Ba Tể. Ba Tể nhanh chóng bước hai bước và quỳ xuống, hỏi Diêm Vương xem anh ở đâu và đã chết chưa. Anh cũng nói rằng anh chưa làm điều gì xấu, và đã cứu được nhiều người. Diêm Vương trừng mắt nhìn anh, bảo anh không được nói. Sau đó, Diêm Vương tra sổ sách.

Câu chuyện về 'lục đạo luân hồi': Chó trắng sủa Đức Phật, kiếp trước là người
Một trong Thập điện Diêm Vương và lục đạo luân hồi. (Một phần bức tranh do họa sĩ Gao Li vẽ năm 918-1392 / Public Domain)

Một lúc sau, Diêm Vương ngẩng đầu nhìn Ba Tể, và nhờ một viên thư lại bên cạnh kiểm tra xem có nhầm lẫn hay không, bởi vì Ba Tể vẫn còn thọ mệnh năm mươi năm nữa.

Ba Tể trong lòng lo lắng hỏi Diêm Vương rằng anh đang ở đâu? Có phải anh đã chết rồi không? Diêm Vương lần này trả lời, nói cho anh biết hiện tại anh quả thực đã chết, đang ở Âm phủ, nhưng vì năm ngoái (2021) cứu được năm người, nên anh có thêm năm mươi năm tuổi thọ.

Đang nói chuyện, viên thư lại Âm phủ được cử đi điều tra cũng quay lại nói quả thực đã phạm sai lầm, Ba Tể quả thực còn năm mươi năm thọ mệnh, nhưng lại bị thứ gì đó dưới nước làm hại. Diêm Vương nghe được điều này, liền yêu cầu viên thư lại xóa trí nhớ của anh, và đưa anh trở lại dương gian, vì thời gian cũng đã lâu rồi, lâu thêm nữa thì anh sẽ không thể quay trở lại được.

Viên thư lại vâng dạ và dẫn Ba Tể rời khỏi Âm phủ.

Khi họ đến cổng nha phủ, viên thư lại mang đến một chiếc xe ngựa, để Ba Tể ngồi lên rồi chở anh về nơi anh đã đến. Viên thư lại cũng bảo Ba Tể lát nữa hãy uống một ít nước trong hồ lô của ông ta, sau khi xuống xe thì đi thẳng về phía trước, chớ quay đầu lại, thì có thể quay trở lại dương gian.

Đến con đường đất, viên thư lại nói "Đến rồi", và bảo Ba Tể xuống xe, rồi lấy một hồ lô từ thắt lưng, và không biết từ đâu, ông ta lấy một cái bát rồi rót nước đưa cho Ba Tể.

Không ngờ sau khi nghe thấy hai chữ “Đến rồi”, Ba Tể nhanh chóng nhảy xuống xe và chạy về phía trước, cũng không quay đầu lại, mặc kệ những người phía sau hét lên như thế nào.

Như thế, Ba Tể trở lại dương gian, khi mở mắt ra đã thấy mình đang ở trong phòng cấp cứu, xung quanh có vài bác sĩ đi lại. Một bác sĩ nhìn thấy Ba Tể mở mắt liền nói: "Cuối cùng cũng tỉnh lại rồi".

Tuy nhiên, lúc đó Ba Tể không thể cử động toàn bộ cơ thể, thứ duy nhất anh có thể cử động là đôi mắt. Chẳng mấy chốc anh lại chìm vào giấc ngủ.

Khi Ba Tể tỉnh dậy lần nữa, anh đã nhìn thấy vợ mình. Vợ anh kể rằng anh suýt chết đuối, khi được bạn bè cứu thì bụng anh đầy nước, phải nằm viện cả ngày mới cứu được.

Ba Tể kể cho gia đình nghe về trải nghiệm của anh ở Âm phủ, nhưng không ai tin anh, họ đều nói rằng anh có một giấc mơ. Nhưng Ba Tể biết đây không phải là một giấc mơ, bởi vì trong trận lũ lụt ở Trịnh Châu vào tháng 7 năm 2021, anh đã cứu được đúng 5 người, 3 em bé, một học sinh cấp hai và một chị trên tàu điện ngầm.

Câu chuyện sau đây là trải nghiệm cá nhân của Chương Thái Viêm, một bậc đại sư về văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trong suốt cuộc đời của mình, ông không chỉ đến Âm phủ, mà còn làm phán quan ở đó.

Chương Thái Viêm làm quan Âm phủ

Chương Thái Viêm là một nhân vật nổi tiếng thời Trung Hoa Dân Quốc, ông là nhà tư tưởng nổi tiếng, đại sư nghiên cứu về Trung Quốc, và là Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y Trung Quốc.

undefined
Chương Thái Viêm. (Miền công cộng)

Năm 1914, Chương Thái Viêm không hài lòng với việc Viên Thế Khải mong muốn làm hoàng đế, nên đã đến Phủ Tổng thống để mắng và đập phá đồ đạc trong Phủ Tổng thống. Kết quả là ông bị Viên Thế Khải bị quản thúc tại chùa Long Tuyền ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, Viên Thế Khải vẫn tôn trọng Chương Thái Viêm, trong thời gian bị quản thúc, ông ta không chỉ cấp cho Chương Thái Viêm khoản trợ cấp sinh hoạt 500 đồng bạc trắng mỗi tháng, mà còn đích thân viết 8 “hướng dẫn bảo vệ” rồi đưa cho những người canh giữ Chương Thái Viêm, bao gồm: “Lượng thức ăn và chi phí hàng ngày không được tính", "Phá hủy đồ vật và nguyền rủa mọi người, thì cứ để ông ấy làm tùy ý, phá hủy đồ thì lại mua, chửi thì cứ nghe", v.v.

Trong thời gian bị quản thúc, Chương Thái Viêm đã gặp phải một số hiện tượng kỳ lạ, hàng đêm ông đều mơ thấy một chiếc xe ngựa sẽ đón và đưa ông đến Âm phủ để giúp Diêm Vương xét xử vụ án, ngoại trừ Chủ nhật.

Chương Thái Viêm đã mô tả chi tiết trải nghiệm này trong bức thư gửi cho người bạn "Báo Tông Ngưỡng Hòa thượng thư". Ông viết rằng, vào một đêm đầu tháng 12 năm 1914, ông mơ thấy có người cầm một tấm danh thiếp cổ mời ông đi ăn trưa. Người mời ông hóa ra là Vương Ngao - vị hiền tướng thời Minh Vũ Tông, người được ca ngợi là “Văn chương đệ nhất, Tể tướng vô song”.

Vì vậy, Chương Thái Viêm ngồi xe ngựa đến một dinh thự lớn, chủ nhân Vương Ngao đã tiếp đãi ông một cách nồng nhiệt. Chương Thái Viêm phát hiện ra rằng, trong số khách có người Ấn Độ, người châu Âu và người Hán, trong số người Hán có Hạ Hầu Huyền, một nhà văn thời Tam Quốc, và Mai Nghiêu Thần, một nhà thơ nổi tiếng thời Bắc Tống.

Chương Thái Viêm rất ngạc nhiên, ông không hề tiếp xúc với những người này, vậy tại sao lại đột nhiên mời ông đến dự tiệc? Vương Ngao giải thích rằng, ông nghe nói Chương Thái Viêm là người ngay thẳng, nên Đông Nhạc Đại Đế đã yêu cầu Vương Ngao mời ông làm phán quan Âm phủ.

Trong số những người có mặt tại bữa tiệc lúc này, Mai Nghiêu Thần là Tổng thẩm phán, những người khác đều là thẩm phán, chín người trong số họ phụ trách các vụ án hình sự ở Ngô Châu, trong khi Chương Thái Viêm và Vương Ngao phụ trách các vụ án hình sự trong Âm phủ của Á Đông.

王鏊
Chân dung Vương Ngao. (Miền công cộng)

Vì vậy, từ ngày hôm sau, Chương Thái Viêm xuống Âm phủ để xét xử các vụ án từ tối thứ Hai đến tối thứ Bảy.

Vậy Âm phủ như thế nào? Chương Thái Viêm cho biết, ở Trung Quốc và nước ngoài đều có Âm phủ, nhưng ngôn ngữ trong Âm phủ được kết nối với nhau, không có rào cản, và điều kiện sống cũng tương tự như thế giới loài người. Nhưng không có mặt trời, bầu trời luôn xám xịt, như thể lúc nào cũng có mây và sương mù.

Bằng cách này, Chương Thái Viêm mỗi đêm đều đi làm ở Âm phủ, những vụ án mà ông xử lý không lớn mà chủ yếu là đánh nhau, giết người và lừa đảo. Khoảng hai mươi ngày sau, Chương Thái Viêm chán công việc này nên viết giấy xin nghỉ rồi đốt đi. Đêm đó quả thật ông ngủ ngon giấc. Nhưng khi ông còn muốn xin nghỉ thêm thì Âm phủ lại nói, có nhiều sự việc ở Âm phủ, nên không cho ông nghỉ nữa.

Tại sao Chương Thái Viêm lại viết thư để nói với Hòa thượng Tông Ngưỡng về việc này? Ông chỉ hy vọng Hòa thượng Tông Ngưỡng có thể giúp ông tìm ra biện pháp giải quyết triệt để chuyện này. Sau đó, ông thiền định một giờ mỗi đêm, và sau vài tháng giấc mơ này biến mất.

Sau cái chết của Chương Thái Viêm, con rể của ông là Chu Kính Trụ, cũng là đệ tử của hòa thượng Hư Vân, đã phát hiện ra bức thư này khi sắp xếp đồ đạc của ông, nên đã viết một bài báo có tiêu đề "Viên Thế Khải muốn làm hoàng đế, Chương Thái Viêm sợ làm Diêm Vương", và trải nghiệm kỳ lạ này của Chương Thái Viêm đã được công bố.

Chương Thái Viêm cũng đề cập đến một chủ đề thú vị trong bức thư của mình.

Những cực hình của địa ngục tồn tại vì ai?

Khi Chương Thái Viêm đến Âm phủ lần đầu tiên, ông đã nói với Vương Ngao rằng, các hình phạt khác nhau trong địa ngục quá tàn khốc, và liệu chúng có thể bị bãi bỏ hay không. Vương Ngao nói: “Ở địa ngục không có người đặt ra luật hình sự”. Những công cụ tra tấn này sẽ chỉ được sử dụng đối với những người đã làm nhiều việc ác ở trần thế khi họ bị phán xét sau khi chết.

Sau đó, Chương Thái Viêm một lần nữa yêu cầu giảm hình phạt ở địa ngục, nên Đông Nhạc Đại Đế đã cử một sứ giả đưa ông xuống địa ngục để xem xét. Sứ giả vừa đi vừa chỉ cho Chương Thái Viêm những chiếc giường đồng và cột sắt, và mô tả cho ông cảnh tượng tra tấn khủng khiếp. Tuy nhiên, Chương Thái Viêm mở to mắt nhìn một lúc lâu và không thấy gì cả.

Sau này Chương Thái Viêm suy nghĩ rất lâu, cuối cùng cũng hiểu ra. Sở dĩ ông không nhìn thấy hình phạt nghiêm khắc, nhưng kẻ phạm tội thì có thể nhìn thấy, là vì ông không có nhiều nghiệp lực như vậy. Ông cũng hiểu rằng, việc có hình phạt tàn khốc ở địa ngục không phải do thẩm phán hay vị Thần nào quyết định, cũng không phải là vấn đề nó có tàn ác hay không. Những sự tra tấn đó đều là biểu hiện của nghiệp lực của chính con người, chỉ có những tội ác nghiêm trọng như vậy mới cần những hình phạt tàn khốc như vậy. Vì vậy, nếu muốn tránh đau khổ sau khi chết thì làm nhiều việc thiện khi còn sống là con đường đúng đắn.

Trước kia, Chương Thái Viêm đã từng viết một bài báo "Chủ nghĩa vô Thần", bày tỏ rằng ông không tin vào ma quỷ và Thần Thánh. Tuy nhiên, vào giai đoạn giữa và cuối đời, ông bắt đầu nghiên cứu Phật giáo và trở thành một cư sĩ Phật học. Có người nhận xét về ông: “Đầu tiên ông chuyển từ Nho giáo sang Phật giáo, sau đó ông dùng Phật giáo để chống lại Nho giáo, dùng Phật giáo để giải thích Trang Tử, và cuối cùng là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo bổ sung cho nhau”.

Sự chuyển biến về tư tưởng của ông, không biết có phải có nguồn gốc từ trải nghiệm kỳ lạ này hay không.

Phù Dao - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người kể chuyện tai nghe mắt thấy dưới Âm phủ - có tồn tại sổ sinh tử