Nguồn gốc lễ Vu lan: Tại sao xá tội vong nhân lại vào ngày Rằm tháng bảy?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dân gian có câu thơ rằng: “Tháng bảy ngày lễ Vu Lan; Diêm Vương xá tội, âm gian thả hồn”... Vậy ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ đâu, và vì sao ngày rằm tháng bảy hàng năm lại được gọi là ngày ‘Xá tội vong nhân’?...

Câu chuyện về bà Thanh Đề - Thân mẫu của Mục Kiền Liên tạo nghiệp

Trong Kinh “Mục Liên Sám Pháp” có kể lại rằng: Khi Đức Phật còn tại thế, ở thành Vương Xá có người trưởng giả tên Phó Tướng, vợ là bà Thanh Đề, sinh một con trai tên là La Bốc. Nhà cửa giàu có, của đầy kho, voi, ngựa, trâu, dê có nhiều vô số. Ông trưởng giả ấy chuyên tu Lục Độ, nhưng trái lại vợ ông lại làm 10 điều ác.

Sau khi cha qua đời, La Bốc ba năm thọ tang báo hiếu. Mãn kỳ, La Bốc thưa mẹ, mở hết các kho, xem của cải còn lại bao nhiêu và chia làm ba phần. Một phần dâng mẹ, một phần cúng Tam Bảo cầu đức cho cha, còn phần thứ ba La Bốc xin mẹ đi ra nước ngoài làm vốn kinh doanh.

Khi La Bốc đi rồi, bấy giờ bà mẹ mới gọi tất cả người ăn kẻ làm bảo họ rằng:

– Con ta ra đi, có dặn ta rằng, cúng dường chư tăng nhưng tội tình chi làm việc nhảm nhí đó, ích lợi gì đâu. Nếu các ông ấy đến đây khất thực, chúng bay lấy cây gậy đánh đuổi cho ta, còn đứa nào lén nhịn thức ăn để cúng dường, thì chớ trách ta độc ác. Còn số tiền trai tăng ta sẽ mua heo, gà vịt, trâu dê… cúng tế chư Thiên, rồi ngả ra giết thịt ăn cho sướng miệng, lợi cho ta mà cũng lợi cho tụi bay nữa, chư Thần sẽ ban phước lành cho chúng ta. Khi La Bốc trở về đứa nào bép xép thì đừng bảo sao cây roi ta vô tình.

Từ đó bà Thanh Đề càng ngày đi sâu vào tội lỗi, bà không làm bất kỳ việc thiện nhỏ nào, nhưng lại không từ bất kỳ một việc ác lớn nào. Bà thích thú khi nghe những tiếng kêu rống thảm thiết của những con vật trong lúc tế Thần, vui vẻ trên sự đau khổ của người khác.

Thời gian thấm thoát trôi qua, La Bốc buôn bán thành đạt của tiền khấm khá, liền trở về quê nhà. Đường xa mệt mỏi, nên La Bốc tạm nghỉ ngoài thành, lại bảo người hầu tên là Ích Lợi về báo tin cho mẹ hay trước. Nghe con sắp về, bà Thanh Đề vừa mừng vừa lo, vội bảo gia nhân treo phan trướng tại phòng ăn, giả làm trai đường cúng dường chư tăng.

Khi người hầu Ích Lợi bước vào bà Thanh Đề hỏi rằng: Con ta hiện ở đâu ?

Ích Lợi trả lời: Dạ, Ở phía tây thành.

Thanh Đề nói với Ích Lợi rằng: Sau khi La Bốc và ngươi đi rồi ta liền thiết trai cúng dường chư Tăng hơn năm trăm vị, như vậy chủ ngươi hẳn bằng lòng chứ?

Ích Lợi nghe nói lòng sinh vui mừng, khi vào nhà trong lại thấy phan trướng, bàn ghế, chén bát, tiệc chay ngổn ngang chưa được dọn dẹp. Ích Lợi hoan hỷ trở ra báo cho La Bốc biết những việc mắt thấy tai nghe. La Bốc mừng rỡ vô cùng, nên dù mệt mỏi vẫn hối gia nhân thu xếp hành lý trở về nhà ngay.

Lòng tôn kính mẹ càng tăng lên bội phần khi biết ở nhà mẹ chuyên tu nên gần đến nơi La Bốc xuống kiệu, một bước đi một bước lễ lạy.

Họ hàng nghe La Bốc trở về nên mới ra đón tiếp, họ thấy La Bốc vừa đi vừa lạy nên kinh ngạc hỏi: La Bốc ơi vì sao người làm thế, Phật chẳng có mà tăng cũng không kia mà!

La Bốc mặt mày rạng rỡ cao giọng trả lời: Tôi lễ lạy đây chính là lễ lạy mẹ tôi. Khi tôi đi rồi, mẹ tôi ở nhà tu hành tinh tấn, làm phước tạo duyên, ăn chay niệm Phật, mới đây mẹ tôi thiết trai cúng dường 500 vị.

Họ hàng nghe thế liền nói: Khi ông đi rồi mẹ ông ở nhà chỉ tạo ác nghiệp, đánh đuổi chúng tăng. Còn tiền ông dặn thiết trai cúng dường mẹ ông mua heo dê, gà chó, trâu bò, cắt tiết tế Thần, ông về nhà từ từ tìm hiểu sẽ rõ đừng vội tin lời ai cả.

La Bốc nghe nói như sét bên tai, té xỉu xuống đất hồi lâu mới tỉnh, bà Thanh Đề thấy thế liền vội chạy đến bên cầm lấy tay con mà cả quyết thề rằng: Con ơi, trời kia cao lồng lộng, đất nọ rộng mênh mông, mẹ xin thề trước chư Thánh, chư Thần, nếu lúc con đi rồi mẹ ở nhà không cúng dường chư tăng thì đời đời mẹ chịu ác báo chốn địa ngục A Tỳ, họ hàng vì ghét mẹ không chu cấp mà chỉ lo cúng dường chư tăng, nên xúc xiểm với con đó thôi.

La Bốc nửa tin nửa ngờ, cố đổi buồn thành vui chuyện trò cùng mẹ. Một tháng sau, bà Thanh Đề cảm thấy khó chịu trong người, ngũ tạng nhức nhối vô cùng. Mụn nhọt nổi lên khắp mình, máu mủ chảy ra hôi thối, ăn bất kỳ loại thức ăn nào vào cũng ói mửa ra dù là rất khát nước và muốn ăn. La Bốc lòng đau như cắt khi thấy mẹ lăn lộn rên la như vậy. Các danh y mời đến cũng đều bó tay. Sau bảy ngày quằn quại đói khát bà đã trút hơi thở cuối cùng. La Bốc mai táng mẹ trong một khu rừng, rồi dựng lều cỏ bên cạnh hàng ngày thắp hương lễ bái, tụng kinh hồi hướng cho vong linh của mẹ.

Nhưng La Bốc tự nghĩ muốn báo thâm ân, cần phải xuất gia tu hành học đạo, cho nên chàng đã đến tìm người bạn thân là Xá Lợi Phất, nghe Xá Lợi Phất đọc bốn câu kệ tóm tắt phần giáo lý cao siêu của Đức Phật về luật nhân quả. (Xá Lợi Phất biết được bốn câu kệ này là do Tỳ Kheo Mã Thắng dạy)

“Chư pháp tùng duyên sinh
Diệc phục tùng duyên diệt
Ngã Phật đại Sa môn
Thường tác như thị thuyết”

Tạm dịch:

“Các pháp tùy duyên sinh
Cũng lại theo duyên diệt
Đức Phật - Đại Sa môn
Thường hay dạy như thế”...

Nghe bài kệ song, La Bốc đắc ngay sơ quả Tu Đà Hoàn. Hai người vô cùng hân hoan liền đi đến chỗ Phật. La Bốc đến Trúc Lâm tịnh xá đảnh lễ trước Đức Phật và thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn, cha mẹ con đều đã qua đời, nay con muốn xuất gia thì được lợi ích gì cho cha mẹ không?

Đức Phật bảo rằng: Này thiện nam tử trong cõi Diêm Phù, nếu có người nào khiến cho một người, hoặc trai hay gái xuất gia tu đạo, thì công đức ấy còn hơn xây cất tám vạn bốn ngàn ngôi tháp quý báu. bậc cha mẹ hiện tiền nhờ công đức ấy được thêm phước huệ, còn cha mẹ quá khứ được siêu sinh tịnh độ.

Bấy giờ La Bốc lòng hân hoan vô cùng, liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, quyết một lòng tu tập. Ông được Phật thọ ký và ban cho pháp danh là Đại Mục Kiền Liên. Mục Kiền Liên tinh tấn tu hành, một tuần sau Ngài đắc quả A La Hán, chẳng bao lâu lại chứng đắc lục thông [tức các phép thần thông], trở thành vị đại đệ tử thần thông đệ nhất của Đức Phật.

Đại Mục Kiền Liên: Thần thông đệ nhất. (Wikipedia)

Chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ và nguồn gốc ngày lễ Vu Lan

Vốn là người con chí hiếu, nên sau khi đắc thần thông, Mục Kiền Liên bèn dùng Thiên nhãn tìm xem mẹ đang vui, khổ trong cảnh nào. Mục Kiền Liên tìm khắp 33 tầng trời nhưng không thấy mẹ, Ngài bèn rọi đạo nhãn xuống các tầng địa ngục. Đến ngục cuối cùng, tên là Vô gián, Ngài thấy khắp mình mẹ cắm tua tủa những ngọn đao, đầu tóc rũ rượi, hai hốc mắt sâu hoắm, toàn thân lửa cháy đỏ rực, cổ đeo gông rất nặng nề, máu rịn ra từ các lỗ chân lông, bụng to như cái trống, thân hình gầy ốm trơ xương.

Mục Kiền Liên thấy mẹ như thế, thương cảm vô cùng vội vận thần thông bay xuống gặp mẹ, thưa với mẹ rằng: Mẹ ơi, con cứ ngỡ rằng mẹ có thiết trai, cúng dường Tam Bảo, phước đức vô biên nên tìm mẹ khắp các tầng trời, nào ngờ mẹ thọ khổ chốn này. Mẹ ơi hãy nói cho con nghe vì sao nên nỗi?

Bà Thanh Đề buồn bã đáp lời con: Con ơi, mẹ biết tội mẹ nhiều rồi. Ngày con đi mua bán xứ xa, mẹ nào có thiết lập trai đàn cúng dường Tam Bảo, đã thế lại còn nhục mạ rủa nguyền chúng tăng, giết hại cầm thú để cúng tế Thần linh, nên từng ngỡ đâu mẹ con ta không còn ngày gặp lại. Con ơi, hãy tha thứ cho mẹ, tội mẹ thề dối gạt con cũng quá nặng nề. Khi về đến chốn dương gian con hãy lập công bồi đức thật nhiều mới mong cứu mẹ ra khỏi địa ngục Vô gián này. Nơi đây khổ sở trăm bề, đói ăn sắt nóng, khát uống nước đồng nung chảy…

Bà nói chưa dứt lời chúa ngục đã giục, vì giờ chịu tội đã đến rồi. Thấy vậy, Mục Kiền Liên xót xa khôn tả xin chúa ngục cho mình chịu khổ hình thay mẹ. Chúa ngục trả lời: Mẹ Ngài tạo tội không có bờ bến, dù Ngài là con cũng không thay được. Ngài muốn cứu mẹ phải về lễ Phật xin Đức Phật từ bi chỉ cách cứu mẹ cho.

Ngài Mục Kiền Liên quay về lễ Phật, bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn, con đã nhìn thấy mẹ con thọ khổ, con rất đau lòng, xin Phật từ bi chỉ cách cứu độ mẹ con.

Đức Phật dạy rằng: Mẹ con vì nghiệp quả quá sâu dày, lòng hiếu thảo của con dù có cảm động đến trời, rồng, quỷ, Thần đi nữa, nhưng một mình con cũng không thể cứu được. Chỉ có sức cầu nguyện của mười phương đại đức chúng tăng mới có thể cứu mẹ con ra khỏi cảnh khổ ấy mà thôi. Vậy thì đến ngày rằm tháng bảy là ngày tự tứ của chư tăng sau ba tháng an cư kiết hạ, sách tấn tu hành, các nghiệp được thanh tịnh, công đức được tăng trưởng khiến chư Phật mười phương hoan hỷ, con nên nhân ngày tốt đẹp đó làm Lễ Vu Lan, để cải nghiệp cho mẹ, đánh thức tâm mê muội của bà đã hằng sa kiếp chưa biết tin nhân quả. Con hãy chí thành cúng dường lễ bái chư tăng, xin chư tăng hợp lực dùng sức mạnh của hàng ngàn tâm thanh tịnh và lòng từ bi quảng đại, đưa tư tưởng lành xuống cõi âm, cho mẹ con tiếp thị phép màu, tâm thức khai mở bỏ hết tính tham lam ích kỷ thì mới mong chuyển nghiệp.

Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy, đến ngày rằm tháng bảy liền lập hội Vu Lan thiết trai cúng dường. Lần này, nhờ kết quả sự hợp lực chú nguyện của chư tăng, nên vong hồn mẹ Ngài đã thoát kiếp ngạ quỷ sinh về cõi lành. Không riêng gì bà Thanh Đề mà cha mẹ từ nhiều đời nhiều kiếp của Ngài cũng được sinh lên cõi trời.

Sau khi thấy thân mẫu được thoát khổ, Ngài Mục Kiền Liên hết sức vui mừng, liền bạch với Đức Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Thân mẫu con được nhờ công đức Tam Bảo và oai thần của chư Tăng, nên được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ khổ não. Vậy về sau trong hàng Phật tử, nếu có người muốn làm Lễ Vu Lan Bồn này để cứu độ cha mẹ hiện tại và cả cha mẹ bảy đời thì liệu có thể được chăng ?

Đức Phật dạy: Quý thay! Mục Kiền Liên, nếu các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Quốc vương, Thái tử, v.v… cho đến người dân, muốn báo hiếu cha mẹ hiện tại và cha mẹ bảy đời thì ngày rằm tháng bảy, ngày chư Phật hoan hỷ, ngày chư tăng tự tứ, thiết Lễ Vu Lan này để cúng dường trai tăng. Nhờ công đức của chư tăng thanh tịnh chủ nguyện, cha mẹ hiện tại được tăng thêm phước thọ, tai qua nạn khỏi, nghiệp chướng tiêu trừ, còn đến cha mẹ nhiều đời khác thì thoát khỏi cảnh khổ đau mà sinh cõi lành.

Thế là kể từ đó cho đến ngày nay, chúng đệ tử xuất gia, tại gia của Phật giáo cứ đến ngày rằm tháng bảy, ngày hội Vu Lan đều nô nức làm lễ trai tăng cầu nguyện Tam Bảo cứu độ cửu huyền thất tổ, đa sinh phụ mẫu quá vãng được siêu sinh tịnh độ; cha mẹ còn sinh tiền thì phước thọ tăng trưởng, Bồ đề tâm kiên cố. Tinh thần đó cũng đã được thể hiện rất chân thành trong lời Kinh “Sám Vu Lan”.

Nhân ngày lễ Vu Lan tháng bảy, xin mừng thay cho những ai còn đủ đầy cả cha lẫn mẹ, xin chia buồn cho những ai phải xa mẹ, rời cha. Lại có câu thơ rằng:

“Vu lan, cha mẹ nơi nào
Để con thắt ruột nghẹn ngào nhớ thương!”...

Hãy để cho những giọt lệ nhớ thương lăn dài trên má, cho vơi đi những nỗi niềm xót xa day dứt, vì chưa mấy ai mạnh dạn mà dám nói rằng: mình đã chu toàn bổn phận với mẹ cùng cha.

Cũng nhân ngày lễ Vu Lan báo hiếu, nguyện cầu cho cây “hiếu hạnh” ngày càng mọc lên tươi tốt trong lòng người dân toàn xã hội, để cho “hoa hiếu hạnh” khai nở khắp muôn nơi.

Đường Phong

Các nguồn tài liệu tham khảo: Một vài trích đoạn trong tác phẩm: “Con đường thực hiện chữ hiếu”/ Tác giả Bửu Hữu; Và nhiều nguồn tư liệu khác…



BÀI CHỌN LỌC

Nguồn gốc lễ Vu lan: Tại sao xá tội vong nhân lại vào ngày Rằm tháng bảy?