Nguy hiểm khi Nga, Ukraine cáo buộc nhau tấn công nhà máy điện hạt nhân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 4/7, cả Nga và Ukraine đã cáo buộc lẫn nhau âm mưu tiến hành một cuộc tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện do Nga nắm giữ. Đây là vấn đề đã gây tranh cãi, hoài nghi từ đầu cuộc chiến đến nay.

Reuters đưa tin, hôm 4/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về "những hành động khiêu khích nguy hiểm" của Nga tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm ở phía đông nam Ukraine.

"Tôi đã cảnh báo Tổng thống Macron rằng lực lượng chiếm đóng đang chuẩn bị những hành động khiêu khích nguy hiểm tại nhà máy Zaporizhzhia", ông Zelensky cho biết sau cuộc điện đàm với lãnh đạo Pháp. Tổng thống Ukraine khẳng định sẽ cùng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) "kiểm soát tối đa tình hình".

Trong tin nhắn video hàng đêm của mình, ông Zelensky cho biết Nga đang lên kế hoạch "mô phỏng một cuộc tấn công vào nhà máy. Hoặc họ có thể có một số loại kịch bản khác".

"Nhưng trong mọi trường hợp, thế giới sẽ thấy rằng sự đe doạ nguy hiểm duy nhất đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia chính là Nga chứ không ai khác".

Lực lượng cứu hộ của Bộ Tình trạng khẩn cấp Ukraine tham gia một cuộc diễn tập ở thành phố Zaporizhzhia vào ngày 17 tháng 8 năm 2022, trong trường hợp có thể xảy ra sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm gần thành phố. (Ảnh: DIMITAR DILKOFF/AFP via Getty Images)

Trong khi đó, tuyên bố của lực lượng vũ trang Ukraine nói rằng "các thiết bị nổ" đã được đặt trên nóc lò phản ứng thứ ba và thứ tư của nhà máy vào hôm 4/7. Phía Ukraine cảnh báo một cuộc tấn công có thể xảy ra "trong tương lai gần".

"Nếu được kích nổ, chúng sẽ không làm hỏng các lò phản ứng nhưng sẽ tạo ra hình ảnh như vừa trúng pháo kích từ phía Ukraine", thông báo của quân đội Ukraine trên Telegram cho biết. Thông báo này khẳng định quân đội Ukraine "sẵn sàng hành động trong mọi tình huống".

Tuy nhiên, cả Tổng thống Zelensky và quân đội Ukraine đều không đưa ra bằng chứng cho các cáo buộc của mình.

Hiện tại, tất cả các lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy đều đang ngừng sản xuất điện vì lý do an toàn.

Trong khi đó, ông Renat Karchaa, cố vấn của người đứng đầu công ty điều hành mạng lưới hạt nhân Nga Rosenergoatom, cáo buộc Ukraine muốn thả đạn có tẩm chất thải hạt nhân, được vận chuyển từ một trong số 5 cơ sở hạt nhân của nước này, xuống nhà máy Zaporizhzhia.

"Trong màn đêm hôm 5/7, quân đội Ukraine sẽ cố gắng tấn công nhà máy Zaporizhzhia bằng cách sử dụng thiết bị chính xác tầm xa và máy bay không người lái cảm tử", các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Karchaa nói với truyền hình Nga. Ông này cũng không đưa ra bằng chứng nào cho cáo buộc của mình.

Trong hơn 1 năm qua, IAEA cố gắng dàn xếp một thoả thuận giữa Nga và Ukraine để lập một khu phi quân sự quanh nhà máy, nhằm giảm rủi ro xảy ra sự cố hạt nhân. Giám đốc IAEA Rafael Grossi đã thăm nhà máy 3 lần kể từ khi Nga tiếp quản, nhưng không thể thuyết phục hai bên đồng ý giữ nhà máy an toàn khỏi các cuộc pháo kích.

Trong khi đó, cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak nói trên truyền hình nước này rằng ông Grossi thể hiện không hiệu quả trong nỗ lực bảo vệ an toàn cho nhà máy.

Quân đội Nga đã chiếm đóng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cơ sở hạt nhân lớn nhất châu Âu với 6 lò phản ứng, trong những ngày đầu của cuộc chiến Ukraine vào tháng 2/2022. Kể từ đó, cả Nga lẫn Ukraine thường xuyên cáo buộc lẫn nhau pháo kích xung quanh nhà máy, tăng nguy cơ xảy ra rủi ro hạt nhân lớn.

Viên Minh (Tổng hợp)

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Nguy hiểm khi Nga, Ukraine cáo buộc nhau tấn công nhà máy điện hạt nhân