Nhà thư pháp số 1 về chữ Khải và “Chính thư đệ nhất bi”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thư pháp chữ Khải (Khải thư), còn được gọi là Chính thư, Chân thư, Chính Khải, là loại thư pháp cơ bản dành cho những người người mới bắt đầu học thư pháp. Hầu hết người học sau này đều bắt đầu từ thư pháp chữ Khải đời nhà Đường. Nhà Đường là thời đại hội tụ rất nhiều bậc thầy thư pháp chữ Khải. Các bia đá thư pháp chữ Khải đời nhà Đường là tiêu chuẩn của thư pháp Khải. Trong số những bậc thầy nổi tiếng ấy, ai là người được vinh danh "Nhà thư pháp số 1 về chữ Khải"; “Chính thư đệ nhất bi” (Tấm bia đứng đầu về chữ Khải).

Nhà thư pháp số 1 về chữ Khải và “Chính thư đệ nhất bi”

Sách "Tuyên Hòa thư phổ" ca ngợi nhà thư pháp Âu Dương Tuân đời Đường không chỉ giỏi về nhiều thể chữ, mà còn được mệnh danh là "Nhà thư pháp số 1 về chữ Khải", "thành danh nhờ thư pháp chữ Khải", và "người học tuy cố gắng cũng không thể đạt đến".

Đến đời Tống, nhà thư pháp và họa sĩ nổi tiếng Triệu Mạnh Phủ đã khen ngợi: "Hóa độ, lễ tuyền là thư pháp chữ Khải số 1".

Lễ tuyền ở đây chính là chỉ bài “Cửu Thành cung lễ tuyền minh” của Âu Dương Tuân.

Đến đời nhà Minh, nhà nghiên cứu thư pháp Triệu Hàm trong sách "Thạch mặc tuyên hoa" nhận xét: "Bia đá 'Cửu Thành cung lễ tuyền minh” đời Đường khéo léo trau chuốt, xứng đáng là bia đá chữ Khải số 1. Hiện giờ bia đá đã sứt mẻ".

Nhà thư pháp số 1 về chữ Khải và “Chính thư đệ nhất bia” là những danh hiệu của Âu Dương Tuân và bản khắc chữ “Cửu Thành cung lễ tuyền minh” của ông.

Bia đá "Cửu Thành cung lễ tuyền minh" được xem là khuôn mẫu của thư pháp chữ Khải. Mẫu chữ trên bia đá khéo léo kết hợp bút pháp và bút ý của chữ Lệ, tạo nên một tác phẩm vừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc, vừa toát lên vẻ mạnh mẽ, có khí vị sinh động, tinh thần phong phú, vừa thanh tao và sâu lắng. Do đó, tấm bia đá này được nhiều người học thư pháp chữ Khải sau này xem là tiêu chuẩn.

Quách Thượng Tiên, nhà thư pháp đời Thanh nhận xét về bia đá "Cửu Thành cung lễ tuyền minh" như sau: "Bia đá 'Cửu Thành cung lễ tuyền minh' cao quý, giản dị, vuông vắn, tròn trịa. Đây là sự kết hợp giữa Lệ thư của nhà Hán và Khải thư của nhà Ngụy Tấn. Ngoài Bá Thi (Ngu Thế Nam) ai có thể sánh bằng?" (Phương kiên quán đề bạt)

Một phần trong bản dập “Chính thư đệ nhất bia” - “Cửu Thành cung lễ tuyền minh” của Âu Dương Tuân. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Âu Dương Tuân đã làm thế nào để trở thành bậc thầy thư pháp

Âu Dương Tuân (557-641) cùng với Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương và Tiết Tắc được mệnh danh là "Tứ đại thư pháp gia" thời Sơ Đường. Sách "Cựu Đường thư" chép rằng: Âu Dương Tuân (tự là Tín Bản), quê ở Lâm Tương, Đàm Châu. Ông nội và cha của Âu Dương Tuân từng lập nhiều chiến công hiển hách vào thời Nam triều, vang danh khắp vùng đất Bách Việt ở phía nam. Cha của Âu Dương Tuân qua đời khi ông còn nhỏ, quan Thượng thư lệnh nhà Trần (Trung Quốc) là Giang Tổng nhận nuôi và dạy dỗ ông học hành.

Sách "Cựu Đường thư" mô tả Âu Dương Tuân có "ngoại hình xấu xí nhưng thông minh tuyệt đỉnh". Tuy vẻ ngoài không đẹp, thậm chí còn bị nhiều người cười nhạo nhưng Âu Dương Tuân lại thông minh hơn người, đọc sách một lần đã thuộc, am hiểu kinh sử, tài hoa uyên bác. Dưới thời nhà Tùy, ông từng giữ chức Thái thường bác sĩ. Trước khi lên ngôi, Đường Cao Tổ Lý Uyên đã rất coi trọng Âu Dương Tuân, thường xem ông là khách quý. Sau khi lên ngôi, Đường Cao Tổ vô cùng tin tưởng và trọng dụng Âu Dương Tuân, liên tục thăng chức cho ông. Về sau, Âu Dương Tuân được phong chức "Cấp sự trung", có quyền ra vào cung cấm, thường hầu cận bên hoàng đế, phụ trách việc can gián. Cuối cùng, ông được thăng chức "Thái tử Suất canh lệnh", vì vậy mọi người thường kính trọng gọi Âu Dương Tuân là "Suất canh".

Ban đầu, Âu Dương Tuân học thư pháp bằng cách phỏng theo chữ của Vương Hi Chi. Về sau, ông dần dung hợp những nét đặc sắc của chữ Lệ thời nhà Hán, thay đổi kết cấu chữ, tạo ra phong cách riêng.

Sách "Tuyên Hòa thư phổ" nhận xét về Âu Dương Tuân: "Học theo chữ của Vương Hi Chi, sau đó biến thành phong cách mạnh mẽ, cứng cáp, tự tạo một thể chữ riêng. Các nhà bình luận cho rằng chữ Chân Hành (chữ hành thư có bút pháp Khải thư) của ông có bút pháp của Vương Hiến Chi".

Sách "Cựu Đường thư" chép rằng: "Nét bút của Âu Dương Tuân mạnh mẽ, hiểm hóc, là tuyệt đỉnh của thời đại". Người khác khi nhận được thư từ có chữ của ông đều xem là mẫu mực, trân quý như bảo vật. Danh tiếng thư pháp của Âu Dương Tuân không chỉ vang dội trong nước mà còn vang danh đến các nước xung quanh. Khi đó, nước Cao Ly rất sùng bái thư pháp của Âu Dương Tuân, từng sai sứ giả sang nhà Đường để xin chữ. Đường Cao Tổ than thở: "Không ngờ danh tiếng thư pháp của Âu Dương Tuân lại vang xa đến tận nơi vùng man di! Người nơi đó khi nhìn thấy thư pháp này hẳn sẽ liên tưởng đến một người vô cùng khôi ngô!"

Sách "Tân Đường thư" có ghi lại một giai thoại về quá trình học tập thư pháp, thể hiện tinh thần ham học hỏi, say mê đến mức khiến nhiều người đời sau phải kính nể của Âu Dương Tuân. Trong một lần cưỡi ngựa đi dạo, Âu Dương Tuân đi ngang qua bia đá có chữ của nhà thư pháp nổi tiếng thời Tây Tấn tên là Sách Tĩnh. Ông dừng lại xem lướt qua rồi rời đi, thế nhưng chỉ một chốc lát như vậy chưa thể lĩnh hội được chỗ ảo diệu của bút pháp trong đó.

Tuy bước đi nhưng trong tâm trí của Âu Dương Tuân vẫn cứ vương vấn hình ảnh của bia đá. Thế nên mới đi được vài bước, ông đã quay trở lại, cẩn thận nghiên cứu, suy ngẫm về thư pháp trên bia đá. Không biết Âu Dương Tuân đã xem bao lâu, chỉ biết rằng đến khi cảm thấy cơ thể mệt mỏi, ông vẫn không muốn ngừng lại, bèn trải chiếu ngồi bên bia đá tiếp tục tìm tòi. Khi ông tập trung toàn bộ tâm trí, dồn hết tâm huyết vào nghiên cứu thì những điều tuyệt diệu trong thư pháp của Sách Tĩnh từ trong bia đá trào ra, lay động và khơi gợi cảm hứng cho ông. Cứ như vậy, Âu Dương Tuân ở chỗ bia đá của Sách Tĩnh suốt ba ngày mới chịu rời đi. Nhờ sự miệt mài, dốc hết sức lực tìm tòi nghiên cứu, ông đã có thể tinh thông nhiều loại thư pháp.

Ngu Thế Nam, một trong Tứ đại gia thư pháp đời Đường cùng thời với Âu Dương Tuân từng nói: "Âu Dương Tuân không cần lựa chọn giấy bút mà vẫn có thể đạt được như ý". Điều này cho thấy mức độ chuyên tâm của Âu Dương Tuân đã đạt đến cảnh giới ung dung tự tại, không bị giới hạn bởi giấy bút. Chẳng phải thư pháp của ông đã đến mức bút pháp thần diệu hay sao?

Phong cách thư pháp của Âu Dương Tuân còn được gọi là "Âu thể", "Suất canh thể". Ông nghiên cứu kỹ lưỡng cấu trúc chữ, bố cục, kỹ thuật sử dụng bút và mực trong thư pháp chính thống, có "Tam thập lục pháp" (36 kỹ thuật) lưu truyền cho đời sau, để lại cho hậu thế tinh hoa của "người đứng đầu về chữ Khải".

Nguồn gốc của "Cửu Thành cung lễ tuyền minh"

Một phần trong bản dập “Chính thư đệ nhất bia” - “Cửu Thành cung lễ tuyền minh” của Âu Dương Tuân. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Cung Cửu Thành thời nhà Đường vốn là cung Nhân Thọ thời nhà Tùy. Đại Đường rộng lớn, một vị minh quân như Đường Thái Tông, tại sao lại sử dụng cung điện của triều đại trước?

Từ khi còn trẻ, Đường Thái Tông đã cùng cha là Đường Cao Tổ dẹp loạn. Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông luôn ra sức dùng văn đức để giáo hóa thiên hạ, lấy người dân làm trung tâm, xem thiên hạ làm trọng, dãi gió dầm mưa, lo nghĩ đến nỗi sinh bệnh. Cứ mỗi đến mùa hè nóng bức, cơ thể của Thái Tông lại càng thêm trì trệ. Quần thần cảm động trước tấm lòng lo lắng cho xã tắc của Thái Tông nên dâng tấu xin xây dựng cung điện để hoàng đế nghỉ ngơi, an dưỡng.

Đường Thái Tông vốn có tấm lòng nhân ái thương dân, quý sức lao động, trân trọng tài sản của nhân dân. Khi ấy, Thái Tông nhớ đến cung Nhân Thọ của nhà Tùy ở ngoại ô Tây An, cảm thấy "bỏ đi thì đáng tiếc, phá hủy thì lại tốn công sức, việc gì cũng nên thuận theo lẽ tự nhiên, không nhất thiết phải thay đổi". Vì vậy Thái Tông chỉ cho sửa lại đơn giản và sử dụng làm nơi nghỉ mát cho hoàng đế và các triều thần.

Cung Nhân Thọ được xây dựng giữa nhiều ngọn núi, nhìn lên cao chót vót, nhìn xuống cheo leo nhưng trong cung lại thiếu nguồn nước. Tháng tư năm Trinh Quán thứ sáu, Thái Tông đến nghỉ mát tại đây. Khi thong dong bước đi dạo trong cung điện dọc theo sườn núi phía tây, dừng lại dưới lầu cao, Thái Tông vô tình cúi xuống quan sát, phát hiện trên mặt đất có dấu vết ẩm ướt, liền dùng gậy để thăm dò lòng đất, lập tức có nước suối chảy ra, tuôn trào không ngừng, "nước trong như gương, vị ngọt như rượu ngọt". Đây là nguồn nước ngọt rất quý giá.

Từ xưa đã có chép rằng, cung điện xuất hiện suối ngọt (lễ tuyền) là điềm lành ứng với bậc Thánh nhân cảm hóa thiên hạ. Văn Tử nói: "Suối ngọt xuất hiện, đây là dấu hiệu Thánh nhân thuận theo đạo Trời." ("Ý lâm. Văn Tử quyển thứ 12). “Thụy ứng đồ” chép rằng: "Thánh nhân có thể thuận theo trời đất, thì Trời sẽ giáng xuống sương đặc, đất sẽ sinh ra suối ngọt". "Bạch hổ thông đức luận. Phong thiện" có chép: "Đức đến tận suối sâu thì gặp được rồng vàng, suối ngọt thông suốt".

Suối ngọt chính là ứng với nhân đức của vị vua Thánh minh. Suối ngọt xuất hiện sao có thể không vui mừng?

Bởi vậy tấm bia "Cửu Thành cung lễ tuyền minh" được dựng để ghi lại sự kiện này. Chữ khắc trên bia do Ngụy Trưng, vị tể tướng nổi tiếng với lời những can gián thẳng thắn biên soạn với văn phong tao nhã, ý nghĩa sâu xa. Bia được viết bằng chữ Khải của Âu Dương Tuân, người được mệnh danh là "người hàng đầu về chữ Khải".

Tấm bia đá này là sự kết hợp hoàn hảo giữa bậc Thánh quân, hiền thần và nhà thư pháp thời nhà Đường nên được mệnh danh là "Bia đá tam tuyệt". Bia cao 2,7 mét, rộng gần 1 mét, được dựng vào năm Trinh Quán thứ 6 (năm 632) tại cung Cửu Thành, phía tây bắc thành Trường An (nay là huyện Lân Du, Bửu Kê, tỉnh Thiểm Tây). Trong lịch sử, tấm bia đá này nhiều lần bị đục phá, đến nay đã không còn giữ được nguyên vẹn. Bản dập lưu truyền cho đời sau được đánh giá cao nhất là bản dập của Lý Kỳ đời nhà Minh.

Vẻ đẹp của "Cửu Thành cung lễ tuyền minh"

Một phần trong bản dập “Chính thư đệ nhất bia” - “Cửu Thành cung lễ tuyền minh” của Âu Dương Tuân. (Ảnh thuộc miền công cộng)

"Cửu Thành cung lễ tuyền minh" là tác phẩm của Âu Dương Tuân khi ông đã 75 tuổi. Cả cuộc đời luyện tập thư pháp, cảm ngộ và tinh thần ý cảnh của ông đã được thể hiện một cách hoàn hảo trong bài khắc này. Thư pháp trên bia đá có nét bút mạnh mẽ, ẩn chứa khí khái thanh tú, bút pháp đều đặn nghiêm chỉnh, toát ra sự trong trẻo, hài hòa. Người ta nói rằng bia đá này là đỉnh cao của thư pháp chữ Khải của Âu Dương Tuân. Nhà thư pháp thời Minh - Thanh là Quách Tông Xương nói: "Chữ khải của Suất Canh bắt nguồn từ chữ Lệ cổ, có khí khái thông suốt, cấu tạo nét độc đáo khác lạ, chính là đệ nhất về chữ Khải thời nhà Đường" (Kim thạch sử).

Một phần trong bản dập “Chính thư đệ nhất bia” - “Cửu Thành cung lễ tuyền minh” của Âu Dương Tuân. (Ảnh thuộc miền công cộng/ Epoch Times chỉnh sửa)

Người xưa nhận xét về "Cửu Thành cung lễ tuyền minh", "Thiên tự văn" của Âu Dương Tuân và "Hoàng Đình kinh", "Lạc Nghị luận" của Vương Hi Chi là những tác phẩm chuẩn mực nhất về Cửu cung, đồng thời ca ngợi kết cấu của những tác phẩm này vô cùng vững vàng và cân bằng ("Lâm trì quan kiến" của Chu Tinh Liên). Từng chữ từng chữ của "Cửu Thành cung lễ tuyền minh" đều tỉ mỉ, cân đối, mạnh mẽ, bố cục chia dòng khéo léo, phóng khoáng tự nhiên, vừa trung chính bình hòa, vừa ẩn chứa sự kỳ ảo. Những đặc điểm này không chỉ xuất phát từ quy tắc Cửu cung mà còn dung hợp tinh thần đặc sắc của thư pháp cổ đại. Nhà thư pháp đời Thanh, Quách Thượng Tiên nhận định: "Bia đá 'Cửu Thành cung lễ tuyền minh' cao quý, giản dị, vuông vắn, tròn trịa. Đây là sự kết hợp giữa Lệ thư của nhà Hán và Khải thư của nhà Ngụy Tấn. Ngoài Bá Thi (Ngu Thế Nam) ai có thể sánh bằng?". (Phương kiên quán đề bạt)

Thư pháp chữ Khải của Âu Dương Tuân mượn khí khái mạnh mẽ khỏe khoắn, bố cục trang nhã, cân đối của chữ Lệ thời nhà Hán và sự nghiêm cẩn chắc khỏe của bia đá thời nhà Ngụy, đồng thời khéo léo dung hợp bút pháp của chữ Lệ, ẩn chứa ý tứ bay bổng, uyển chuyển, tạo nên phong cách riêng. Do đó, "Cửu Thành Cung lễ tuyền minh" vừa nghiêm chỉnh, vừa mạnh mẽ, ý tứ tao nhã, phong thái thanh tú.

Âu Dương Tuân nghiên cứu về phương pháp kết tự của chữ Khải, có "Tam thập lục pháp" (36 kỹ thuật) độc đáo lưu truyền cho đời sau (xem Quyển 5: "Kết tự pháp của Âu Dương Tuân" trong "Hán khê thư pháp thông giải" của Qua Thủ Trí đời nhà Thanh), ví dụ như: bộ thủ ở trên đội thì ở dưới gánh, các bộ phận trái và phải ít nhiều phải nhường nhau, tôn lên vẻ đẹp của nhau, sự liên kết chặt chẽ giữa các nét chữ, các nét chữ và chỗ trống bổ khuyết cho nhau v.v., trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ sau. Dưới đây là một số ví dụ về chữ trong bia để giúp bạn hiểu rõ hơn:

Thùy duệ: thùy bên trái, duệ bên phải, "viết bằng một nét" tạo thành vẻ khơi thông phóng khoáng.

36 kỹ thuật viết chữ Khải trong "Cửu Thành cung lễ tuyền minh" của Âu Dương Tuân: vẻ đẹp của Thùy duệ. (Ảnh thuộc miền công công/ Epoch Times chỉnh sửa)

Phúc cái: như chiếc lọng trong cung điện che phủ ở trên, thể hiện ra khí phách to lớn có thể chứa đựng

Nét điểm cần viết thẳng, đầy đặn, bộ phận phía trên rộng, phía dưới hẹp. Bộ ở phía trên bao chọn lấy bộ phía dưới, trên và dưới dung hòa với nhau. Khi viết cần bảo đảm đối xứng trung tâm của trên và dưới, chữ không bị đổ.

Kỹ thuật 36 pháp chữ Khải trong "Cửu Thành cung lễ tuyền minh" của Âu Dương Tuân: vẻ đẹp của kỹ thuật Phúc cái. Nét điểm cần viết thẳng, đầy đặn. (Ảnh thuộc miền công công/ Epoch Times chỉnh sửa)

Xuyên sáp: Các nét chữ hoặc nét chữ và chỗ trống phải đan xen đều nhau. Thể hiện chỗ trống chỗ dày tinh tế, bốn phía đều nhau, tám hướng đầy đặn

36 kỹ thuật viết chữ Khải trong "Cửu Thành cung lễ tuyền minh" của Âu Dương Tuân: vẻ đẹp của kỹ thuật Xuyên sáp. Các nét chữ hoặc nét chữ và chỗ trống phải đan xen đều nhau. (Ảnh thuộc miền công công/ Epoch Times chỉnh sửa)

36 kỹ thuật của Âu Dương Tuân hướng dẫn cách viết thư pháp tốt, trong đó bao gồm kỹ thuật sử dụng bút, mực, cấu tạo chữ và bố cục. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là người viết phải có cơ thể và tâm trí ngay chính. Trước khi đặt bút, người viết cần phải thanh lọc tâm trí, giữ cho tâm hồn tĩnh lặng và nghiêm chỉnh. Cổ nhân có câu "Nét chữ nết người" nghĩa là thư pháp như một tấm gương phản chiếu tinh thần bên trong của người viết. Sau khi tâm trí đã hòa hợp, người viết cần thẩm định chữ, cân nhắc bố cục, hình dung rõ ràng trong suy nghĩ trước khi đặt ngòi "bút.

"Bát quyết" trong thư pháp của Âu Dương Tuân

Ngoài "Ba mươi sáu pháp", Âu Dương Tuân còn để lại "Bát quyết" (8 khẩu quyết) chỉ ra rằng từng nét bút, từng điểm, từng móc đều liên hệ với nội hàm sâu thẳm và vô biên của thế giới thư pháp. Quả thực đây là những nét bút thần diệu của ẩn sĩ nơi thâm sơn:

Nét Chấm (点): Như tảng đá từ đỉnh núi cao rơi xuống

Nét Ngang (横): Như mây trắng trải dài ngàn dặm.

Nét Sổ (竖): Như cành cây khô ngàn tuổi.

Nét Mác (捺):giống như ngọn sóng có 3 lần chuyển bút

Nét Sổ cong móc (竖弯钩): Như vầng trăng khuyết trên bầu trời đêm.

Nét Ngang gập móc (横折钩: Như nỏ vạn cân bắn ra.

Nét Hất (撇): Như thanh kiếm sắc bén cắt đứt sừng tê giác và ngà voi.

Nét Nghiêng móc (斜钩): Như cây thông già gãy đổ, sà xuống vách đá.

Lời kết

Thư pháp chữ Khải của Âu Dương Tuân xuất phát từ sự cân bằng và hài hòa, vươn lên tầm thanh tao, sáng tỏ. "Cửu Thành cung lễ tuyền minh" đã trở thành hình mẫu xuất sắc cho thư pháp chữ Khải của Trung Hoa. Tinh thần học tập của bậc thầy thư pháp và những câu chuyện về đức độ của Đường Thái Tông trong bia ký như ánh trăng thanh cao, soi sáng cho hậu thế.

Một phần trong bản dập “Chính thư đệ nhất bia” - “Cửu Thành cung lễ tuyền minh” của Âu Dương Tuân. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Phụ lục:

Nội dung “Cửu Thành cung lễ tuyền minh”:

Bí thư giám Thị trung Cự Lộc Quận công Ngụy Trưng phụng chỉ biên soạn.

Tháng đầu mùa hạ năm Trinh Quán thứ sáu, Hoàng đế đến nghỉ mát tại cung Cửu Thành. Nơi này vốn là cung Nhân Thọ của nhà Tùy. Núi cao vây quanh cung điện, khe núi sâu thẳm được biến thành ao. Cầu bắc qua khe núi, lầu cao chót vót, cổng gác uy nghi. Lầu cao san sát, hành lang dài uốn lượn. Mái ngói đan xen, đài cát chập chùng. Nhìn lên cao thấy mây vờn, nhìn xuống vực sâu thấy muôn trượng cheo leo. Trang trí lộng lẫy, xa hoa, ngọc trai pha lê lấp lánh, vàng son rực rỡ, chói lóa cả mây ráng, che khuất cả mặt trời. Ngắm nhìn cung điện nguy nga tráng lệ, thấy được sự xa hoa tột bậc của nhà Tùy, huy động nhân lực, vật lực để xây dựng công trình này. Việc làm này là điều đáng trách. Tuy nhiên, cung điện tọa lạc ở nơi mát mẻ, không khí trong lành, gió nhẹ thoảng qua mang theo hơi mát, là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng, tốt cho sức khỏe. So với suối nước ngọt Cam Tuyền nhà Hán, nơi đây còn tuyệt vời hơn.

Hoàng đế từ khi còn trẻ đã dốc sức trị vì đất nước, đến tuổi trưởng thành đã cai quản muôn dân. Ban đầu dùng võ công thống nhất thiên hạ, sau dùng văn đức thu phục người xa. Phía đông vượt qua Thanh Khâu, phía nam vượt qua Đan Yêu, tất cả đều dâng cống phẩm, nhiều lần cử sứ thần đến triều kiến. Phía tây đến Luân Đài, phía bắc ngăn chặn Huyền Tuyền, đều đặt thành quận huyện, người dân được biên vào sổ hộ. Thái độ ôn hòa, năm tháng thái bình, gần gũi trong nước, uy nghiêm ngoài biên. Muôn vật đều sinh sôi nảy nở, ơn huệ của trời đất đều đầy đủ. Mặc dù có công lao của trời đất, nhưng rốt cuộc đều do sự lo toan của một người. Hoàng đế hy sinh lợi ích bản thân, chịu gian khổ, lấy dân chúng làm trọng, lo lắng đến mức thành bệnh. Da thịt khô như vua Nghiêu, chân chai như vua Vũ. Nhiều lần phải dùng kim châm nhưng da thịt vẫn ngưng trệ. Hoàng đế ở trong cung điện, thường cảm thấy nóng bức. Quần thần tâu xin xây cung điện mùa hè để Hoàng đế có thể thư giãn tinh thần, bồi dưỡng sức khỏe.

Hoàng đế yêu quý sức lao động của con người, trân trọng tài sản của nhân dân nên nghĩ đến cung điện cũ, không chịu nghe theo lời tâu xin. Hoàng đế cho rằng cung điện cũ của nhà Tùy được xây dựng từ thời trước, bỏ đi thì đáng tiếc, phá hủy thì lại tốn công sức. Việc gì cũng nên thuận theo lẽ tự nhiên, không nhất thiết phải thay đổi. Cung điện được sửa sang lại đơn sơ, giản dị, bỏ những phần xa hoa, sửa những phần hư hỏng. Sân được trộn lẫn sỏi đá, tường vôi được trát bằng bùn đất. Gạch ngọc tiếp giáp với bậc thềm đất, mái tranh nối liền với cung điện nguy nga. Nhìn lên thấy vẻ đẹp tráng lệ, có thể làm gương cho đời sau; nhìn xuống thấy sự giản dị, tiết kiệm, đủ để răn dạy con cháu mai sau. Đây chính là cái gọi là bậc chí nhân không làm gì, bậc đại thánh không tạo tác, họ cạn kiệt sức lực, ta hưởng thành quả.

Hồ ao trong cung điện trước đây đều lấy nước từ khe núi. Trong cung không có nguồn nước, tìm kiếm cũng không có, điều này khiến Hoàng đế trăn trở. Vào ngày mùng 1 tháng 4, ngày Kỷ Hợi, Hoàng đế cùng Hoàng hậu đi dạo trong cung điện dọc theo sườn núi phía tây, dừng lại dưới lầu cao, nhìn xuống thấy đất ẩm ướt, dùng gậy khều thử, có nước chảy ra, dùng đá làm bậc thềm, dẫn nước thành một con mương. Nước suối trong như gương, vị ngọt như rượu, chảy về phía nam bên phải điện Đan Tiêu, chảy về phía đông qua cổng cung điện. Dòng nước chảy qua dãy nhà màu xanh, uốn lượn quanh cung điện màu tím. Nước suối cuộn trào, gột rửa bụi bẩn, có thể thanh lọc tâm hồn, bồi dưỡng tinh thần, phản chiếu vạn vật, nuôi dưỡng muôn loài. Ơn huệ như suối nguồn không bao giờ cạn, như dòng nước huyền bí chảy mãi không ngừng, không chỉ là tinh hoa của trời đất mà còn là báu vật của đất trời.

Theo sách "Lễ Vi", "Vua ban thưởng phải đúng công lao, trừng phạt phải đúng tội lỗi. Khi hợp với lễ nghĩa, suối nước ngọt sẽ tuôn chảy trong sân cung điện".

Sách "Hát quan tử" nói: "Đức độ của bậc thánh nhân cao đến mức thông với Thái Thanh, thấp đến mức hòa hợp với Thái Ninh, lan tỏa đến muôn loài, thì suối nước ngọt sẽ xuất hiện".

Sách "Thụy Ứng Đồ" nói: "Vua thanh liêm, giản dị, ăn uống không cầu kỳ, thì suối nước ngọt sẽ xuất hiện, uống vào sẽ khiến người ta trường thọ".

Sách "Đông Quan Hán Ký" nói: "Năm đầu niên hiệu Trung Nguyên của vua Quang Vũ, suối nước ngọt xuất hiện ở kinh sư, người uống vào đều khỏi bệnh mạn tính".

Như vậy, sự xuất hiện của vật báu này thực sự là để tôn vinh bậc minh quân. Nước suối có thể chữa khỏi bệnh mạn tính, đồng thời giúp con người sống lâu hơn. Vì vậy, các quan lại trong triều đình đều vui mừng khôn xiết. Hoàng đế vốn dĩ không muốn khoe khoang, muốn giấu đi. Tuy nhiên, việc này không thể giấu được, không chỉ là chuyện của quá khứ. Lấy điềm lành làm điều lo lắng, cần phải lấy hiện tại làm bằng chứng. Đây là ý chỉ của Trời cao, là minh chứng cho đức độ của Hoàng đế. Chứ học thức nông cạn của kẻ thần này sao có thể thể hiện hết được? Chỉ ghi chép lại lời nói, ghi lại sự việc. Không thể để những điều tốt đẹp của đất nước không được ghi chép lại. Xin ghi chép lại sự thật, khắc bia để ghi nhớ. Bài bia viết rằng:

Hoàng đế uy nghi, thống trị cả cõi bờ, trải qua ngàn năm mới có một, muôn vật đều được chứng kiến. Công lao to lớn hơn cả vua Thuấn, đức độ sâu dày hơn cả vua Vũ. Nối tiếp quá khứ, mở ra tương lai, vượt qua ba bậc, tiến lên năm bậc. Nắm giữ quy luật, tuân theo lẽ Trời, là bậc Thánh nhân, là bậc Thần Thánh. Dùng võ công dẹp loạn, dùng văn đức thu phục người xa. Chưa từng ghi chép trong sách vở, khai sáng kỷ nguyên mới. Mũ miện truyền nối, cống phẩm dâng đầy. Đại đạo vô hình, đức cao vô vi. Công lao huyền bí vận hành, ý nghĩa sâu xa khó lường. Đào giếng để uống, cày ruộng để ăn. Không biết ơn Trời, làm sao hiểu sức mạnh của Hoàng đế.

Lòng trời che chở, không mùi vị, không âm thanh. Muôn vật được sinh ra, muôn loài muôn vẻ. Tùy theo cảm ứng mà biến đổi, theo đức độ mà hiển linh. Như tiếng vang, sáng tỏ rạng ngời. Phúc lành đan xen, muôn hoa đua nở. Rồng mây tụ hội, rùa phượng ghi chép. Mặt trời rực rỡ năm sắc, chim quạ ba móng. Lời ca ngợi không ngừng, sử sách ghi chép không dứt. Điều tốt đẹp giáng xuống, bậc trí tuệ vui mừng. Nước chảy êm đềm, trong vắt tinh khiết. Hương vị ngọt ngào, như băng như gương. Dùng mãi không cạn, múc mãi không hết. Đạo theo thời đại mà thịnh vượng, phúc lành tuôn chảy như suối.

Hoàng đế luôn lo lắng, dù vinh hiển không ngừng nghỉ. Sống trong nhà tranh đơn sơ, không thích du ngoạn. Mái ngói vàng không quý, lo cho thiên hạ là điều quan trọng. Người đời ham mê vẻ ngoài, ta lấy cái thực. Trở về với sự giản dị, lấy chất phác thay thế hoa văn. Hoàng đế tuy có công lao to lớn, nhưng không kiêu ngạo, tự mãn, noi gương vua Thuấn, vua Vũ, luôn giữ gìn sự thanh liêm, giản dị. Rèn luyện đạo đức, giữ gìn sự thanh liêm, giản dị, lấy việc lo cho thiên hạ làm trọng, không ham mê hưởng lạc. Triều đại nhà Đường sẽ trường tồn vĩnh cửu, muôn dân sẽ mãi mãi được hưởng thái bình thịnh vượng.

Cùng Thái tử Suất canh lệnh, Bột Hải nam Âu Dương Tuân tuân theo chiếu chỉ.

Một phần trong bản dập “Chính thư đệ nhất bia” - “Cửu Thành cung lễ tuyền minh” của Âu Dương Tuân. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Đạp Tuyết Phi Hồng - Epoch Times
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nhà thư pháp số 1 về chữ Khải và “Chính thư đệ nhất bi”