Nhiều người bỗng liệt nửa người khi đang nấu ăn, dùng bữa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều người ở TP HCM đang nấu ăn, dùng bữa trưa, đột ngột ngã gục, liệt một bên cơ thể, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy hiểm tính mạng.

Nhiều người bỗng liệt nửa người

Bà Đ.T.H. (64 tuổi), khi đang nấu ăn, khoảng 10h30 sáng, đột ngột ngã xuống, liệt nửa người bên trái. Phát hiện sự việc, người nhà đã đưa bệnh nhân đi cấp cứu lập tức. Sau khi được bác sĩ thăm khám, chụp Nội thần kinh, chụp CT scan não và nhận định bệnh nhân bị đột quỵ cấp, liệt nửa người, không xuất huyết nhu mô não.

Ông tên T.V.V. (47 tuổi). Trước khi nhập viện khoảng 1 tiếng, bệnh nhân đang ăn trưa đột ngột đổ gục xuống. Tại Bệnh viện Thống Nhất, ekip trực cấp cứu phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ cấp, liệt nửa người bên phải, mất ngôn ngữ…

Ông T.P. (54 tuổi), nhập viện vào 19h tối, với bệnh sử bất ngờ yếu nửa người bên trái vào 5 giờ trước.

Ông D.T.M. (54 tuổi), bị chóng mặt, nôn ói 30 phút rồi đột ngột mê, liệt nửa người, rối loạn vận ngôn. Bệnh nhân cũng được nong bóng, đặt stent và can thiệp nội mạch tái thông để điều trị đột quỵ nhồi máu não.

Những trường hợp trên trước đó đều không có biểu hiện của suy giảm sức khỏe, sau khi khám và nhận định đều là đột quỵ cấp và cần phải can thiệp nội mạch tái thông, sau đó bệnh nhân cần được đặt stent vào mạch máu, sau một thời gian cơ thể sẽ dần hồi phục.

Đột quỵ được đánh giá là "căn bệnh tử thần thời đại 4.0" vì có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng có nguy cơ tiềm ẩn khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường.

Cụ thể, có 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ. Đó là nhóm yếu tố có thể thay đổi được (hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, rung nhĩ...) và nhóm yếu tố không thể thay đổi được (tuổi tác, giới tính, gen di truyền). Trong đó, rung nhĩ là yếu tố nguy cơ quan trọng, có thể làm tăng khả năng đột quỵ lên gấp 5 lần.

Nhận biết và xử trí qua các dấu hiệu được viết tắt trong từ FAST.

Thứ nhất, người bệnh có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi cười, nhe răng (F - Face).

Thứ hai, người bệnh có dấu hiệu yếu liệt tay chân (A - Arm).

Thứ ba, người bệnh có ngôn ngữ bất thường, nói khó, nói đớ hoặc câm lặng (S - Speech).

Khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng trên một cách đột ngột, hãy nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa người bệnh đến nơi điều trị đột quỵ gần nhất (T - Time).

Cần ghi nhớ chính xác thời điểm khởi phát triệu chứng để thông báo cho nhân viên y tế nhằm tranh thủ tối đa thời gian vàng điều trị.

Thống kê cho thấy, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ. Tuy nhiên, số bệnh nhân đến viện trong thời gian vàng 6 giờ đầu vẫn còn hạn chế.

Lý Ngọc tổng hợp

Việt Nam Xã hội

Nhiều người bỗng liệt nửa người khi đang nấu ăn, dùng bữa