Rubens (1): Bậc thầy Baroque có cuộc đời viên mãn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đây là một họa sĩ bậc thầy có tước vị quý tộc, một họa sĩ tài hoa xuất chúng, được mệnh danh là "họa sĩ của nhà vua và vua của các họa sĩ"! Cuộc đời viên mãn của ông khiến tất cả nghệ sĩ đều ghen tị!

Hạnh phúc của mọi người đều giống nhau nhưng bất hạnh thì mỗi người có một nỗi bất hạnh riêng! Nếu nói Rembrandt đại diện cho nghệ sĩ bi kịch nhất, thì Rubens đại diện cho nghệ sĩ hạnh phúc nhất trong lịch sử nghệ thuật!

Hai nghệ sĩ này là những người cùng thời. Họ đều là những nghệ sĩ vĩ đại nhất của thời kỳ Baroque. Hai người sống rất gần nhau: Rembrandt là người Hà Lan, trong khi đó quê hương của Rubens là Bỉ, giáp với phía nam của Hà Lan. Khi ấy, Bỉ được gọi là Flanders.

Cuộc đời của Rubens khiến tôi nhớ đến nhân vật Yến Thù thời Bắc Tống. So sánh Yến Thù với Rubens là điều hoàn toàn phù hợp. Cuộc đời của vị quan tể tướng này quá hoàn hảo. Yến Thù thông minh từ nhỏ, nổi tiếng là thần đồng tuổi thiếu niên, thành danh từ khi còn trẻ, lại sinh ra đúng vào thời kỳ thịnh thế phồn vinh, con đường làm quan hanh thông, thăng tiến nhanh chóng, địa vị cao quý, làm đến chức tể tướng. Yến Thù là nhà trí thức uyên thâm nổi tiếng, một nhà thơ lớn lừng lẫy của triều đại nhà Tống, sống một đời giàu sang phú quý, vợ đẹp con ngoan, con cháu đầy đàn, sau khi chết còn được hưởng vinh quang tột bậc, tiếng thơm để đời!

Sau khi Yến Thù qua đời, Âu Dương Tu, học trò cưng của Yến Thù, đã viết một bài thơ tưởng nhớ thầy, trong đó có hai câu: “Phú quý nhàn nhã năm mươi năm, trước sau luôn minh triết giữ mình”.

Cuộc đời của Rubens và Yến Thù gần như giống nhau, chỉ có hai chữ: hạnh phúc!

Nấc thang đầu tiên trong cuộc đời: Làm người giúp việc trong nhà của nữ bá tước

Cha mẹ của Rubens là những tín đồ Công giáo rất ngoan đạo. Chúng ta thể thấy điều ấy qua tên của vị họa sĩ: Peter Paul Rubens. Peter và Paul là hai trong số mười hai môn đồ của Chúa Giêsu. Đặt tên con như vậy không chỉ thể hiện lòng thành kính mà còn thể hiện sự kỳ vọng với đứa con của mình. Nhờ vậy, trong suốt cuộc đời, Rubens cũng là một người có đức tin ngoan đạo, biết cách kiềm chế bản thân. Ông từng nói: “Nhiệt huyết của tôi đến từ Thiên đường, chứ không phải đến từ những suy nghĩ trần thế”!

Cha của Rubens là một nhà luật học xuất sắc, từng làm cố vấn luật pháp cho hoàng gia. Cha ông rất coi trọng việc giáo dục ngôn ngữ cho con. Từ nhỏ Rubens đã được học tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Latinh, tiếng Ý. Mẹ Maria của ông có xuất thân danh giá, vừa có học thức, vừa hiểu lễ nghĩa. Nhờ khả năng biểu đạt và những hành vi tốt của mẹ, Rubens đã học được cách ăn nói thanh tao và khả năng giao tiếp tuyệt vời.

Sau khi cha Rubens qua đời vào năm ông 12 tuổi, Rubens theo mẹ trở về quê hương Antwerp ở Bỉ để định cư. Rất nhanh sau đó, qua sự giới thiệu của người quen, Rubens đã trở thành người giúp việc trong nhà của nữ bá tước.

Vào thời điểm đó, giới quý tộc châu Âu thường tìm những đứa trẻ nhà thường dân để làm người giúp việc. Những đứa trẻ giúp việc này ngoài việc phải làm một số việc nhà và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình chủ, thì còn được học nhiều kiến thức và kỹ năng. Với những đứa trẻ xuất thân từ tầng lớp bình dân, đây là một cơ hội tuyệt vời để học tập văn hóa và rèn luyện kỹ năng.

Cậu bé Rubens thông minh, lanh lợi, lại rất hiểu chuyện nên được nữ bá tước quý mến, xem như con ruột. Nhờ vậy, Rubens có cơ hội được học tập theo kiểu quý tộc chính thống. Sau đó, nhờ sự sắp xếp của mẹ, Rubens được theo học vẽ tranh với một số họa sĩ cung đình. Chẳng mấy chốc, tài năng hội họa của ông đã được nữ bá tước chú ý. Vị nữ bá tước quyết định sẽ tập trung bồi dưỡng cho Rubens về lĩnh vực này. Khi Rubens 21 tuổi, ông được Hội họa sĩ Antwerp công nhận và chính thức trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp.

Vào thời đó, ngoài việc nhận các đơn đặt hàng, hầu như họa sĩ không có cách nào khác để kiếm sống. Tuy nhiên, Rubens lại vô cùng may mắn. Nhờ sự tài trợ của nữ bá tước, ông đã có cơ hội nâng cao trình độ nghệ thuật và kỹ thuật vẽ của mình.

undefined
Chân dung tự họa, Rubens với anh trai Philip, Justus Lipsius và Johannes Woverius, vẽ năm1597. (Miền công cộng)

Vậy làm thế nào để nâng cao trình độ nghệ thuật? Đó chính là đến Ý!

Vào thế kỷ 17, mặc dù Ý không còn là trung tâm văn hóa nghệ thuật của châu Âu nhưng với vai trò là nơi khởi nguồn của phong trào Phục hưng, Ý vẫn thu hút con cháu của giới quý tộc các nước đến mở rộng tầm mắt. Ở thời điểm đó, trong giới thượng lưu châu Âu thịnh hành một hoạt động gọi là "Du lịch Grand Tour" - gửi con đến Ý du học.

Rubens cũng rất muốn đi nhưng nhà không có tiền. Sau khi biết được nguyện vọng này của anh, nữ bá tước đã quyết định tài trợ cho Rubens du lịch đến Ý. Và như vậy, vào năm 1600, Rubens 23 tuổi đã đến thánh địa nghệ thuật Ý!

Phải nói rằng, trong những thời điểm mấu chốt, mỗi người đều sẽ cần có quý nhân hỗ trợ. Rubens cũng vậy, nữ bá tước chính là quý nhân đầu tiên trong cuộc đời của ông. Rất nhanh sau đó, Rubens sẽ gặp được quý nhân thứ hai trong cuộc đời mình.

Quý nhân thứ hai trong cuộc đời: Công tước Ý

Năm đó, trong số những giáo viên dạy vẽ cho Rubens có một giáo viên có quan hệ thân thiết với Công tước Vincenzo I của Mantua, Ý. Được thầy giới thiệu nên không lâu sau khi đến Ý, Rubens đã đến thăm Công tước xứ Mantua. Vị Công tước là một người hòa đồng, cởi mở và vô cùng yêu thích nghệ thuật.

Lúc này, Rubens không chỉ có kỹ năng vẽ tranh điêu luyện mà còn là người hài hòa, tính tình ôn hòa, cử chỉ tao nhã, lời nói đĩnh đạc. Công tước rất quý mến Rubens nên đã trực tiếp giữ Rubens lại để làm họa sĩ cung đình cho mình.

Rubens ở Rome trong ba năm. Trong thời gian ba năm này, ông không ngừng nghiên cứu và phỏng theo tác phẩm của các bậc thầy. Những đường nét phóng khoáng và nét vẽ mạnh mẽ của Michelangelo, màu sắc tươi sáng và phong phú cùng phong cách hội họa rực rỡ của Titian, sự tương phản sáng tối mạnh mẽ của Caravaggio, tất cả đều in sâu vào tâm trí của Rubens và ảnh hưởng rất lớn đến phong cách nghệ thuật của ông.

Cũng trong thời gian này, ngoài việc tài trợ cho Rubens học vẽ tranh, Công tước còn cho ông tham gia các khóa học dự bị về ngoại giao. Thì ra Công tước phát hiện rằng, Rubens không chỉ thông thạo nhiều loại ngôn ngữ mà còn có chỉ số EQ cao, ăn nói chuẩn mực, là một nhân tài ngoại giao! Vì vậy, Công tước muốn bồi dưỡng Rubens thành một nhà ngoại giao!

Khi ấy, người cai trị Tây Ban Nha là vua Philip III (Felipe III el Piadoso) thuộc dòng họ Habsburg. Biệt danh của vị vua này là "Người mộ đạo". Đúng với tên gọi ấy, vua Philip III là một tín đồ Công giáo ngoan đạo, nhưng lại không quá nổi bật về mặt chính trị. Khu vực Mantua luôn duy trì quan hệ hữu nghị với Tây Ban Nha. Năm 1603, Công tước xứ Mantua đã cử Rubens đến Tây Ban Nha với tư cách là nhà ngoại giao để bày tỏ mong muốn giao hảo với gia tộc Habsburg.

Sau khi đoàn của Rubens đến triều đình Tây Ban Nha, vua Philip III đã lập tức tiếp đón nồng nhiệt. Trò chuyện xong, vua Philip III mới biết Rubens là một họa sĩ vĩ đại. Thế là vua yêu cầu Rubens vẽ tranh, vừa đúng ý của Rubens: "Nếu bảo thần nhảy múa thì thần cũng không biết, thế nhưng vẽ tranh đúng là sở trường của thần"!

Vì vậy, Rubens đã vẽ một bức chân dung cưỡi ngựa cho vị quan được Philip III tin tưởng nhất, Công tước Lerma!

"Chân dung cưỡi ngựa của Công tước Lerma" (Equestrian Portrait of the Duke of Lerma) của Peter Paul Rubens,năm 1603 (Ảnh thuộc miền công cộng).

Sau đó, bức tranh này đã trở thành vật gia truyền của gia tộc Công tước Lerma, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Prado ở Tây Ban Nha.

Hơn nữa, Rubens rất tự tin vào kỹ thuật vẽ tranh của mình! Vị nghệ sĩ gan dạ, tài năng đã giành được sự khen ngợi của triều đình và người dân Tây Ban Nha. Rubens trở thành người nổi tiếng trong triều đình. Sau đó, ông thường được mời đến thăm Tây Ban Nha và còn có quan hệ rất tốt với họa sĩ vĩ đại nhất của Tây Ban Nha sau này là Diego Velázquez. Điều này có nghĩa là, Velázquez đã học được rất nhiều điều từ Rubens!

Hội họa là nghề nghiệp còn ngoại giao mới là sở thích của tôi

Chuyến đi này giúp Rubens gặt hái được rất nhiều thành công, không chỉ về mặt nghệ thuật mà còn về mặt ngoại giao. Chuyến đi đến Tây Ban Nha khiến Rubens khám phá ra tài năng ngoại giao của mình và yêu thích công việc này. Sau này, Rubens từng nói: "Hội họa là nghề nghiệp của tôi, còn ngoại giao mới là sở thích của tôi"!

Từ đó về sau, con đường "ngoại giao họa sĩ" độc đáo của Rubens ngày càng suôn sẻ. Ai có thể từ chối một họa sĩ tao nhã, phong độ và những tác phẩm tinh xảo chứ?

Sau khi trở về từ Tây Ban Nha, những thành công vang dội của bức tranh "Chân dung cưỡi ngựa của Công tước Lerma" (Equestrian Portrait of the Duke of Lerma) đã nhanh chóng lan truyền khắp nước Ý. Giới quý tộc thượng lưu Ý tranh nhau tìm đến Rubens để vẽ chân dung. Công việc nhiều khiến Rubens bỗng trở nên bận rộn, đơn đặt hàng liên tục xuất hiện!

Thế nhưng không phải Rubens đang được Công tước xứ Mantua thuê hay sao? Nếu cả ngày đều chân dung cho người khác, vậy chẳng phải Rubens sẽ không thể thực hiện được những công việc do Công tước giao cho?

Rubens không cần làm những công việc ấy nữa! Rubens chỉ cần tập trung vào việc vẽ tranh! Lúc ấy Công tước xứ Mantua còn vui mừng khôn xiết! Bạn hãy thử tưởng tượng xem, công việc vẽ tranh cho giới quý tộc của Rubens vừa có thể giúp Rubens kiếm được nhiều tiền vừa có thể tăng cường mối quan hệ hữu nghị với nhiều thế lực khác nhau ở Ý. Đó đúng là là việc trăm điều lợi, không một điều hại!

Cứ như vậy, giới quý tộc Ý đều cảm thấy vinh dự khi có một bức chân dung do chính tay Rubens vẽ. Có thể nói rằng, công việc vẽ chân dung cho giới quý tộc Ý là một bước ngoặt quan trọng giúp Rubens trở thành người chiến thắng trong cuộc đời vàng son của mình. Công việc này không chỉ giúp ông có được khả năng kinh tế nhất định mà còn có thể nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan hệ trong giới thượng lưu.

Chớp mắt tám năm ở Ý trôi qua. Rubens đã có thành công vang dội. Nếu tiếp tục như vậy, có lẽ ông vẫn sẽ trở thành một họa sĩ bậc thầy, nhưng chắc chắn sẽ không thể có được nhiều thành công to lớn và hạnh phúc viên mãn sau này.

Một gia đình hạnh phúc viên mãn

Năm 1608 là một năm bước ngoặt trong cuộc đời của Rubens. Khi mùa xuân đang đến, một bức thư đã phá vỡ cuộc sống yên bình của Rubens, mẹ của ông đang mắc bệnh hiểm nghèo. Rubens vội vã lên đường trở về nhà. Tuy nhiên với điều kiện giao thông thời đó, dù đi cả ngày lẫn đêm, Rubens vẫn không thể gặp mẹ lần cuối. Rubens và mẹ có tình cảm rất sâu đậm, nên đây có lẽ là một trong số ít những điều hối tiếc trong cuộc đời ông. Thế nhưng, được số phận ưu ái, nỗi đau mất mẹ của Rubens không kéo dài bao lâu, người phụ nữ thứ hai đến chăm sóc cuộc đời ông đã xuất hiện.

Đó là một cô gái xinh đẹp động lòng người tên là Isabella Brant, con gái của một vị quan chức lớn ở Antwerp. Năm đó, Isabella 18 tuổi, xinh đẹp, thanh tao, lãng mạn. Theo sự sắp xếp của gia đình, cô đã gặp gỡ chàng họa sĩ Rubens trưởng thành và quyến rũ. Đối với một người vừa mới bước sang tuổi 30 như Rubens, Isabella như một làn gió xuân ngọt ngào khiến ông cảm thấy vô cùng vui vẻ và thoải mái. Trai tài gái sắc, vừa gặp đã yêu. Cuộc hôn nhân viên mãn của hai người kéo dài 16 năm. Ngoại trừ thời gian quá ngắn, đây là một cuộc hôn nhân hoàn hảo không tì vết.

Ở phần đầu, tôi đã dùng hình ảnh của nhân vật Yến Thù để giới thiệu cuộc đời của Rubens. Với cuộc sống hôn nhân, chúng ta có thể sử dụng bài thơ "Hoán khê sa" để minh họa:

Nhất hướng niên quang hữu hạn thân, đẳng nhàn ly biệt dị tiêu hồn. Tửu diên ca tịch mạc từ tần.
Mãn mục sơn hà không niệm viễn, lạc hoa phong vũ cánh thương xuân. Bất như liên thủ nhãn tiền nhân.

Tạm dịch:

Cuộc đời hữu hạn xưa nay
Bình thường ly biệt cũng hay tiêu hồn
Khó từ rượu hát sớm hôm
Giang sơn rộng lớn cũng không lo gì
Gió mưa hoa rụng xuân đi
Trọng người trước mặt cũng vì quý nhau

Vậy chi bằng hãy thương yêu người ở trước mặt. Chàng Rubens sau khi kết hôn rất vui vẻ hạnh phúc. Đồng thời, nhờ những thành công ở Ý, khi vừa trở về Antwerp, Rubens được Công tước xứ Mantua phong làm họa sĩ trưởng cung đình. Sự nghiệp thành công, có người vợ yêu thương bên cạnh, một cuộc sống như vậy, người chồng còn đòi hỏi gì hơn nữa! Lúc lấy, hai vợ chồng tổ chức đám cưới dưới tán cây kim nga, dáng vẻ an nhiên, hai người khoác tay nhau, thể hiện sự hạnh phúc của cả hai vợ chồng. Hai người bầu bạn, nương tựa vào nhau, là cặp đôi luôn thủy chung một lòng.

Bức tranh Rubens vẽ mình và vợ: "Honeysuckle Bower"

Rubens là một họa sĩ có nhiệt huyết và rất sung mãn. Bức tranh "Honeysuckle Bower" được ông vẽ vào năm 1609 khi kết hôn. Đây là một bức tranh sơn dầu có kích thước 178 x 136,5 cm, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Alte Pinakothek ở Munich, Đức. (Ảnh do Bảo tàng Cố cung cung cấp)

Chỉ hai năm sau khi kết hôn, Rubens đã mua một biệt thự sang trọng ở Antwerp và trang trí như một cung điện. Ba đứa con thông minh, khỏe mạnh và đáng yêu của hai vợ chồng lần lượt ra đời tại đây, mang đến một bầu không khí tràn đầy ánh sáng và tiếng cười trong cuộc sống gia đình.

Thật khó để tìm được một người đàn ông hoàn hảo như Rubens: ngoan đạo, chung thủy trong tình yêu và tình bạn, cống hiến cho sự nghiệp, tao nhã, lịch thiệp, làm việc và nghỉ ngơi có quy luật, không có thói quen xấu nào. Bí quyết cho cuộc sống hạnh phúc của ông có thể được tóm tắt trong những điểm sau: ngoan đạo, biết tự chủ và kiềm chế, cần cù chăm chỉ nỗ lực, trung thực và tốt bụng!

Vì vậy, trong những thời điểm khó khăn của cuộc đời, hãy tự hỏi bản thân xem liệu chúng ta đã làm điều được những điều này chưa?

Những tác phẩm của Rubens

Sau khi tìm hiểu về cuộc đời của Rubens, chúng ta hãy đến với những tác phẩm của vị nghệ sĩ vĩ đại này.

Vào thế kỷ 17, trong thời của Rubens, Giáo hội Công giáo đang ra sức phục hưng tôn giáo. Là một người sùng đạo, Rubens đã dành niềm đam mê sáng tạo to lớn để tạo nên các tác phẩm tranh tôn giáo. Kỹ năng xuất chúng và lòng nhiệt huyết của Rubens đã mang lại cho ông vô số đơn đặt hàng, trong đó chủ yếu là từ Giáo hội và Hoàng gia, với giá trị rất cao.

Do đó, Rubens đã thành lập xưởng vẽ của riêng mình tại Antwerp. Vào thời kỳ phồn vinh, xưởng vẽ của ông có tới hàng trăm nghệ sĩ tài năng làm việc để hoàn thành các đơn đặt hàng. Đối với nhiều đơn hàng không quan trọng, Rubens sẽ không trực tiếp vẽ bản thảo mà giao cho các đệ tử xuất sắc của mình như Frans Snyders và Anthony van Dyck thực hiện. Bản thân Rubens chỉ vẽ phác thảo. Điều này dẫn đến nhiều bản phác thảo thậm chí còn có giá trị cao hơn so với tác phẩm hoàn chỉnh. Có tới hơn 3.000 bức tranh được ký tên Rubens hoặc ký tên xưởng vẽ của ông! Tuy nhiên, số lượng tác phẩm thực sự do chính tay ông sáng tác chỉ dưới 600 bức.

Cần lưu ý rằng Anthony van Dyck, một học trò của Rubens được đề cập ở trên, không phải là một người tầm thường. Sau này Dyck cũng trở thành một họa sĩ nổi tiếng trong lịch sử nghệ thuật!

Tác phẩm của Rubens có khí thế hùng vĩ, màu sắc phong phú, bố cục sôi động và đầy cảm xúc. Đây chính là phong cách điển hình của thời kỳ Baroque. Hầu như tất cả các nhà sử học nghệ thuật sau này đều coi Rubens là đại diện xuất sắc nhất của phong cách Baroque và không ai sánh bằng.

Sau khi trở về Antwerp, Rubens được ủy thác vẽ hai bức tranh bàn thờ ở Nhà thờ Đức Bà (Onze-Lieve-Vrouwe Kathedraal) là "Dựng Thập tự giá" (The Elevation of the Cross) và "Hạ Thập tự giá" (The Descent from the Cross). Hai tác phẩm này đã giúp Rubens khẳng định được vị trí là một trong những họa sĩ xuất sắc nhất thời bấy giờ.

Chúng ta hãy cùng quan sát bức tranh "Dựng Thập tự giá". Bức tranh sử dụng bố cục đường chéo rất điển hình của thời kỳ Baroque. Tất cả các nhân vật và cảnh vật trong tranh đều được thể hiện với sự tương phản và chuyển động mạnh mẽ. Lá cây và cành cây trên tảng đá cứng bị gió mạnh thổi bay. Những người đàn ông trong tranh đều vô cùng khỏe mạnh, những múi cơ cuồn cuộn cho thấy họ đang cố gắng hết sức để nâng đỡ cây thánh giá nặng nề. Tuy nhiên, cây thánh giá đóng đinh Chúa Giêsu vô cùng nặng nề và khó dựng lên do tội lỗi vô biên của con người khi bức hại Thần. Lính canh mở to mắt kinh hãi, tỏ ra căng thẳng và bối rối. Ngay cả con chó trên mặt đất cũng há miệng, lông dựng đứng và tru lên. Trong khi đó, Chúa Giêsu ngước nhìn lên bầu trời với nét mặt kiên định và thần thánh.

Bức tranh "Dựng Thập tự giá" (The Elevation of the Cross) (Ảnh thuộc miền công cộng)

Rubens sử dụng cây thánh giá để chia cắt bức tranh theo đường chéo và tập trung toàn bộ nguồn sáng vào Chúa Giêsu. Ánh sáng làm cho thân thể Chúa Giêsu rực rỡ, thể hiện sự tôn quý của Chúa. Máu từ tay Chúa Giêsu chảy xuống. Ngài không thể cử động vì bị đóng đinh trên cây thánh giá, nhưng nét mặt thanh thản thể hiện sự bình yên trong tâm hồn. Tảng đá rắn chắc trong bức tranh như ẩn dụ cho tâm hồn kiên định, bất diệt của Chúa Giêsu.

Ngược với hình ảnh Chúa Giêsu tươi sáng, những cành cây rung rinh trong gió cũng giống như những người lính canh có cơ bắp nảy nở nhưng lòng đầy run sợ, mơ hồ cảm nhận được hậu quả khủng khiếp khi đóng đinh Chúa. Mặc dù hầu hết các nhân vật trong tranh đều ở tư thế nghiêng và đầy chuyển động, nhưng sự chuyển động này lại càng làm nổi bật sự tĩnh lặng với sự hiện diện của những yếu tố tĩnh.

Chúng ta hãy cùng ngắm nhìn một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Rubens: "Vụ bắt cóc các con gái của Leucippus" (The Rape of the Daughters of Leucippus, năm 1617 tại bảo tàng Alte Pinakothek, Munich). Đây được coi là bức tranh nổi tiếng nhất của Rubens, gần như có thể tìm thấy trong bất kỳ cuốn sách nào giới thiệu về hội họa cổ điển phương Tây. Bức tranh có bố cục đường chéo điển hình giống những bức tranh khác. Trong tranh có bốn người và hai con ngựa quấn lấy nhau. Hai con ngựa mạnh mẽ và hai người đàn ông cơ bắp tràn đầy sự nam tính quấn lấy hai người phụ nữ khỏa thân đầy đặn. Sự phản kháng của người nữ và sự cưỡng ép của nam giới càng làm tăng thêm sự căng thẳng và kịch tính của bức tranh. Màu sắc tươi sáng khiến câu chuyện bạo lực này có thêm chút lãng mạn. Động lực mãnh liệt và hình ảnh sống động khiến bức tranh này trở thành bức tranh tiêu biểu của thời kỳ Baroque.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Rubens: "Vụ bắt cóc các con gái của Leucippus" (The Rape of the Daughters of Leucippus). (Ảnh thuộc miền công cộng)

Nhờ quá trình làm việc chăm chỉ và những suy nghĩ sáng suốt, trong những năm sau đó, Rubens nổi tiếng và giàu có như một vương hầu. Lúc ấy, Tây Ban Nha đang như hổ rình mồi với chính quyền Hà Lan mới trỗi dậy; Áo, Anh và Pháp có mối quan hệ rất căng thẳng, chiến sắp sắp sửa nổ ra. Vì hòa bình ở Flanders, Rubens đã xếp lại bút vẽ, tham gia vào vũ đài chính trị và những công việc ngoại giao.

Thông qua việc hòa giải thành công, Rubens không những giúp trì hoãn chiến tranh mà cuối cùng còn có được thân phận quý tộc. Vua Charles I của Anh và Vua Philip IV của Tây Ban Nha đã phong tước Hiệp sĩ cho ông. Rubens có lẽ là một trong số ít những họa sĩ bậc thầy được phong tước Hiệp sĩ.

Các nhân vật trong tranh của Rubens có một đặc điểm rất đặc biệt. Đó là cơ thể con người vô cùng sáng sủa nhưng có hình ảnh đầy đặn, đầy đặn đến mức mập mạp, đặc biệt là cơ thể người phụ nữ. Trong những năm cuối đời, các nhân vật nữ trong tranh của Rubens nở nang đến lạ thường, nói thẳng ra thì những nhân vật này đều là những phụ nữ mập. Tiêu biểu nhất chính là bức tranh "Bộ ba nàng tiên duyên dáng" (The Three Graces, 1635). Đây là vị Nữ Thần trong Thần thoại Hy Lạp tượng trưng cho đức hạnh, trí tuệ và hiền lành. Cả ba vị Thần này luôn xuất hiện cùng nhau.

Hình ảnh của ba vị Nữ Thần dưới ngòi bút của Raphael thật thon thả. Thế nhưng trong tranh của Rubens, hình ảnh của Nữ Thần giống như những người phụ nữ béo.

Trong giới mỹ thuật, có thuật ngữ "vỏ cam" để mô tả những phần da thịt béo mập, chảy xệ. Rubens là một trong những họa sĩ đầu tiên nhận ra sự tương đồng giữa vỏ cam và da thịt béo mập. Vậy tại sao Rubens lại thể hiện một thân hình người béo không đẹp như vậy trong tranh? Các nhà viết tiểu sử cho rằng trong Kinh Thánh, "tham ăn" là một trong bảy nguyên tội. Rubens miêu tả ba Nữ Thần béo mập để thể hiện hậu quả của sự lười biếng, tham ăn và phóng túng, qua đó mang ý nghĩa răn đe.

Mặt khác, Rubens lại thể hiện một cách sinh động phần mỡ nhằm khiến người xem cảm thấy chán ghét và phản cảm, đồng thời nêu bật hình phạt xứng đáng dành cho những linh hồn có tội nơi địa ngục. Một nhà phê bình nghệ thuật tên là Roger de Piles từng nói: “Vẻ ngoài mập mạp của những nhân vật này trong tranh của Rubens cũng đủ khiến người xem phải cảnh giác”.

Vì vậy, nếu bạn nhìn thấy một cơ thể người sáng sủa nhưng đầy đặn trong phòng trưng bày tranh thì rất có thể đó là một kiệt tác của Rubens.

Chúng ta đã tìm được một nửa cuộc đời vàng son của Rubens. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ khám phá phần còn lại của cuộc đời ông, bao gồm mối quan hệ với vị tể tướng vĩ đại nhất nước Pháp, vị Vương hậu Pháp thứ hai của nhà Medici và cha của Vua Louis XIV.

Tổ chế tác chương trình “Đại thoại tây du” - Biên tập: Lý Hạo
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Rubens (1): Bậc thầy Baroque có cuộc đời viên mãn