Sau cái chết của Lý Khắc Cường, ai sẽ là người kế vị Tập Cận Bình?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời, mối đe dọa đối với lãnh đạo Tập Cận Bình đã hoàn toàn biến mất, đối tượng chính với những phát biểu chống đối đã không còn nữa. Song những màn “long tranh hổ đấu” trong “Tập gia quân” dự kiến ​​sẽ sớm xuất hiện, đặc biệt là những nhân vật trong vòng tròn hạch tâm của ông Tập chắc chắn sẽ bắt đầu tranh đoạt vị trí kế nhiệm ông.

Trước tiên chúng ta cần làm rõ khái niệm “Tập Gia quân” là gì? Đó là những người hiện được coi là thành viên cốt lõi xung quanh ông Tập Cận Bình, ít nhất bao gồm: Các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị gồm ông Lý Cường, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, Lý Hy. Các ủy viên Bộ Chính trị gồm ông Lý Can Kiệt, Lý Thư Lỗi, Hà Lập Phong, Trần Văn Thanh. Phó Chủ tịch Quân ủy gồm ông Hà Vệ Đông, Trương Hựu Hiệp. Bộ trưởng Bộ Công an gồm ông Vương Hiểu Hồng và Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Trần Nhất Tân. Ngoài ra còn có Chủ nhiệm Văn phòng Tổng hợp Quân ủy Trung ương Chung Thiệu Quân.

Những người này phục vụ trong các cơ quan chủ chốt của Ủy ban Trung ương, Quốc Vụ viện và quân đội, đồng thời là những nhân vật không thể thiếu xung quanh ông Tập. Các thành viên khác của Bộ Chính trị cũng như lãnh đạo cao nhất của các bộ, ủy ban Trung ương và chính quyền địa phương về cơ bản đều là những người được ông Tập chỉ định, nhưng không được tính là thành viên cốt lõi. Những người này cũng muốn tranh nhau các chức vụ cao hơn, nhưng tạm thời lực bất tòng tâm, thậm chí còn phải đưa ra những lựa chọn mang tính cơ hội trong cuộc đấu tranh giữa các nhân vật cốt lõi của “Tập Gia quân”.

Sau cái chết của ông Lý Khắc Cường, phe Đoàn Thanh niên bằng như đã bị xóa sổ. Trong vòng tròn chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không có ai có thể thay thế ông Tập. Nhóm người như ông Triệu Lạc Tế, Vương Hỗ Ninh, Hàn Chính đều không có thực quyền, họ cũng đang là mục tiêu theo dõi sát sao của “Tập Gia quân”, cho nên hiện giờ cả ba ông Triệu - Vương - Hàn chỉ muốn kết thúc nhiệm kỳ trong bình yên, chứ không muốn trở thành một Lý Khắc Cường thứ hai.

Nếu “Tập Gia quân” mất đi đối thủ nặng ký, những màn đấu đá nội bộ cũng sẽ nhanh chóng leo thang, đặc biệt là giữa các thành viên cốt lõi của “Tập Gia quân” với nhau.

Những ứng cử viên tiềm năng thay thế ông Tập Cận Bình

Theo logic thông thường, chỉ có các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị mới có cơ hội thay thế vị trí của ông Tập, những người như thế gồm có Lý Cường, Thái Kỳ, Đinh Tiết Tường, Lý Hy. Các ủy viên Bộ Chính trị khác vẫn không đủ cấp bậc, và cũng thiếu thực lực.

Ông Thái Kỳ hiện là một trong những người được ông Tập tín nhiệm nhất, ông hiện là Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, đồng thời còn phụ trách công tác tuyên truyền và có hàng loạt chức danh cấp phó khác như Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Ủy ban An toàn Quốc gia Trung Quốc,...

Ông Thái Kỳ từng làm việc chung với ông Tập ở trong thời gian ở Phúc Kiến và Chiết Giang. Ông Thái Kỳ từng giữ chức vụ Bí thư Bí thư Tỉnh ủy Phúc Kiến, đồng thời giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Tỉnh ủy. Sau khi ông Thái được điều đến Chiết Giang, ông đi theo ông Tập Cận Bình, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang, và cứ thế một đường thăng tiến cho đến vị trí hiện tại.

Cứ mỗi khi ông Tập Cận Bình ra ngoài, ông Thái Kỳ thường ở bên cạnh và chịu trách nhiệm về một loạt vấn đề như an ninh và phục vụ. Ông Tập hẳn rất tín nhiệm ông Thái Kỳ. Tuy nhiên, nếu ông Thái Kỳ có bụng dạ khác, thì ông ta cũng sẽ là người nguy hiểm nhất xung quanh ông Tập Cận Bình. Ông Thái Kỳ hoàn toàn có thể sắp xếp “một thanh kiếm vàng giấu ở cổng phía đông, dũng sĩ tiến vào cung vua từ cửa sau” theo như lời dự ngôn nổi tiếng Thôi Bối Đồ.

Trong khi đó, thủ tướng đương nhiệm Lý Cường, người trên danh nghĩa đứng thứ hai trong Thường vụ Bộ Chính trị, khả năng sẽ bị ông Thái Kỳ coi là đối thủ lớn nhất của mình. Giới quan sát bên ngoài cũng đã có tin đồn về một cuộc “tranh hùng hổ đấu" giữa hai ông này.

Ông Lý Cường có vẻ nhất nhất nghe lời ông Tập, nhưng ông ta có thể không thật sự muốn lép vế, nếu nói ông ta không có tham vọng gì cả, điều này gần như không thể nào. Có lẽ chính vì điều này mà ông Tập Cận Bình đã nhiều lần hạ thấp địa vị của ông Lý Cường, thậm chí còn không bố trí chuyên cơ cho ông ta trong các chuyến thăm nước ngoài.

Ông Lý Cường công tác tại Chiết Giang, giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Chính quyền tỉnh Chiết Giang năm 1998, rồi Giám đốc Sở Công thương tỉnh Chiết Giang năm 2000. Năm 2004, ông được điều về Tỉnh ủy làm Thư ký trưởng Tỉnh ủy Chiết Giang và được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy từ 2005. Giai đoạn này, lãnh đạo tỉnh Chiết Giang là ông Tập Cận Bình, ông Lý Cường có vai trò phụ tá và thực thi các chính sách cải cách Chiết Giang.

Tháng 1 năm 2013, ông Lý Cường được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Chiết Giang. Năm 2015, ông tháp tùng ông Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ, thương lượng về các vấn đề kinh tế trong đó có đầu tư vào tỉnh Chiết Giang.

Tháng 10 năm 2017, ông Lý Cường được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, kế nhiệm ông Hàn Chính. Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, ông Lý Cường chịu trách nhiệm về việc phong tỏa thành phố theo chính sách Zero Covid của ông Tập. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách quá cực đoan khiến người dân Thượng Hải vô cùng phẫn nộ.

Mặc dù vậy, nhờ là “người của ông Tập”, nên trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng khóa 20, Lý Cường vẫn được bổ nhiệm vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Ngày 11 tháng 3 năm 2023, tại kỳ họp thứ nhất của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa 14, với sự đề cử của Tập Cận Bình, Lý Cường được bầu làm Thủ tướng Quốc vụ viện thứ 8 trong lịch sử Trung Quốc.

So sánh lý lịch giữa Lý Cường và Thái Kỳ, thì ông Thái Kỳ được thăng chức mạnh mẽ hơn, việc ông Thái Kỳ được bổ nhiệm làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị thậm chí còn khiến cho ngoại giới kinh ngạc. Cả hai ông đều không có bằng cấp học vấn nghiêm túc, chỉ nhờ đi theo ông Tập Cận Bình mà leo lên vị trí Thường vụ Bộ Chính trị, giữa họ có thể đều không phục nhau.

Ông Thái Kỳ có nhiều thực quyền trong tay hơn khi phụ trách Văn phòng Trung ương, hệ thống tuyên truyền, có thể kiểm soát Cục An ninh Trung ương; vậy nên trong cuộc đấu đá nội bộ, ông Thái Kỳ có một số lợi thế hơn ông Lý Cường.

Ông Lý Cường tự nguyện giao lại quyền quyết sách của Quốc vụ viện, nên cũng khó có thể tự mình quyết định người đứng đầu các bộ, ủy ban, trong tay căn bản không có thực quyền, đấu tranh nội bộ khá là yếu thế. Tuy nhiên, tên của ông Lý Cường và cựu thủ tướng Lý Khắc Cường đều có chữ "Cường" (强), đều có mang "cung tên" (弓), nhưng họ không phải là quân nhân, không biết cả hai có được tính là người "mang cung" như trong dự ngôn của “Thôi Bối Đồ" hay không. Quốc Vụ viện nằm ở sân phía bắc của Trung Nam Hải, lối vào và lối ra được coi là cửa sau của Trung Nam Hải, trên lý thuyết có thể bố trí “dũng sỹ tiến vào hoàng cung bằng cửa sau” như trong dự ngôn.

Những người khác có thể cạnh tranh vị trí này

Ông Đinh Tiết Tường tuy được thăng chức vào Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng đó chỉ là vì ông ấy từng phục vụ ông Tập, chứ ông không có bản lĩnh về chính trị.

Ông Đinh Tiết Tường rất có thể là ứng cử viên được ông Tập chuẩn bị cho thủ tướng Lý Cường. Bản thân ông Tập cũng muốn tái đắc cử mãi mãi, nhưng dự định chỉ để ông Lý Cường làm việc 5 năm, sau đó sẽ được thay thế bởi ông Đinh Tiết Tường, hoàn toàn biến Quốc Vụ viện thành một văn phòng của ông. Với tư cách là Phó Thủ tướng thứ nhất Quốc vụ viện, ông Đinh lại càng không có thực quyền, tuy có lợi thế về tuổi tác nhưng nếu muốn thay thế ông Tập, e rằng vẫn lực bất tòng tâm.

Trong khi đó, ông Lý Hy miễn cưỡng bước vào vòng tròn nòng cốt của đội quân nhà họ Tập, chứ không phải là cấp dưới cũ của ông Tập ở Phúc Kiến và Chiết Giang. Ông Lý Hy từng giữ chức Bí thư Thành ủy Diên An, tỉnh Thiểm Tây. Thời ông Tập được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Lý Hy cũng tổ chức một phái đoàn đến thăm Thượng Hải, bằng như đứng về phe ông Tập trước, do đó được tuyển vào “Tập Gia quân”. Ông Lý Hy nắm giữ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và có được một số quyền lực, nhưng cũng thiếu thực lực.

Trong số các Ủy viên Bộ Chính trị khác, không loại trừ khả năng cũng có người mơ ước một bước lên trời, nhưng độ khó lớn hơn rất nhiều, e rằng họ sẽ còn khó khăn hơn để nhận được sự ủng hộ của nhiều nhân vật của những người thuộc phe cánh ông Tập.

Nếu ông Thái Kỳ và ông Lý Cường muốn tranh giành vị trí đứng đầu, họ cần phải cố gắng hết sức để lôi kéo những nhân vật khác trong “Tập gia quân”, từ đó hình thành nên hai băng nhóm “Tập gia quân” có nhiều ưu thế nhất.

Băng nhóm Phúc Kiến chiếm lợi thế

Trong số những quan chức được ông Tập nhanh chóng thăng chức, băng nhóm Phúc Kiến chắc chắn là có lợi thế nhất, bao gồm: Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Thái Kỳ; Phó Chủ tịch Quân ủy Hà Vệ Đông; Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Hà Lập Phong; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông Hoàng Khôn Minh; Bộ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng; Chủ nhiệm Ban Công tác Chính trị Miêu Hoa; Chủ nhiệm Văn phòng Công tác Đài Loan Tống Đào; Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Trần Hy; Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trịnh San Khiết; Tư lệnh Chiến khu Đông Lâm Hướng Dương; Chính ủy Lực lượng Cảnh sát vũ trang Trương Hồng Băng, v.v…

Những người này đều đã từng tiếp xúc với ông Tập ở Phúc Kiến, một số đã tiếp xúc với ông ta ở Chiết Giang hoặc những nơi khác, họ không ngừng được đặc cách thăng chức và được gọi là băng nhóm Phúc Kiến. Một số đã bước vào vòng tròn cốt lõi của “Tập gia quân”. Ngoài ra, còn có một số người đã làm việc ở Phúc Kiến sau ông Tập, hoặc sinh ra ở Phúc Kiến, cũng được nạp vào băng nhóm Phúc Kiến theo nghĩa rộng.

Sau khi ông Tập lên nắm quyền, vì không còn ai nên những người tiếp xúc với ông ta liên tục được thăng chức, băng nhóm Phúc Kiến trở thành kẻ hưởng lợi lớn nhất, những người khác có quan hệ dây mơ rễ má với băng nhóm Phúc Kiến cũng nhanh chóng được chiêu mộ. Trong 10 năm qua, Băng nhóm Phúc Kiến thực sự đã trở thành băng nhóm lớn nhất trong Tập gia quân, và hiện là băng nhóm lớn nhất bên trong ĐCSTQ.

Ông Thái Kỳ là người quyền lực nhất trong băng nhóm Phúc Kiến, nếu muốn tranh giành quyền lực, ông ta phải dựa vào băng nhóm Phúc Kiến và cố gắng lôi kéo các thành viên khác trong băng nhóm.

Băng nhóm Chiết Giang theo sát phía sau

Do băng nhóm Phúc Kiến không đủ người, thế nên ông Tập cũng không ngừng thăng chức cho những người từng tiếp xúc với ông ta ở Chiết Giang, ông Lý Cường là đại biểu điển hình nhất. Các nhân vật của băng nhóm Chiết Giang hay còn gọi là Quân đội mới Chí Giang, gồm có: Bí thư Thành ủy Thiên Tân Trần Mẫn Nhĩ; Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao Ứng Dũng; Bộ trưởng Bộ An ninh quốc gia Trần Nhất Tân; Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lâu Dương Sinh; Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam Thẩm Hiểu Minh; Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây Triệu Nhất Đức; Bí thư Thường vụ Đại hội Đại biểu Toàn quốc Lưu Kỳ, v.v.

Băng nhóm Chiết Giang có ít quân hơn băng nhóm Phúc Kiến, nhưng một số chiếm giữ các vị trí chủ chốt. Nếu ông Lý Cường muốn tranh giành một vị trí lớn, ông ta cần phải dựa vào băng nhóm Chiết Giang và cố gắng lôi kéo thành viên của các băng nhóm khác, như Tân quân, băng nhóm Công nghiệp quân sự Phố Giang, băng nhóm Thiểm Tây mới, băng nhóm Quảng Đông mới và nhóm bạn cùng lớp của ông Tập.

Hiện vẫn chưa biết liệu Băng nhóm Phúc Kiến có theo ông Thái Kỳ và băng nhóm Chiết Giang có theo ông Lý Cường hay không. Màn đấu đá giữa hai băng nhóm này và việc lôi kéo, đấu đá lẫn nhau của các băng nhóm khác có thể sẽ rơi một cuộc hỗn chiến, từ đó sinh ra những Tần Cương và Lý Thượng Phúc mới.

Vì ông Tập Cận Bình thiếu nhân lực, nên phải chiêu mộ băng nhóm Phúc Kiến và băng nhóm Chiết Giang, nhưng những người này nhìn chung có trình độ học vấn, tư cách và năng lực tầm thường. Nếu ông Tập không tự mình sắp xếp người kế nhiệm, những băng nhóm này sẽ suy nghĩ về người kế nhiệm ông Tập, và thậm chí còn âm mưu chống lại ông Tập, nhưng những người đang chuẩn bị thay thế ông Tập cũng biết rằng bản thân họ cần phải thuyết phục dư luận nhiều hơn.

Bởi thân tín của “quân đội nhà họ Tập” đã không phục nhau, đấu đá giữa họ càng sẽ không tuân theo quy tắc. Sự leo thang mau chóng của xung đột nội bộ trong “Tập gia quân” có thể dẫn đến sự tan rã nhanh chóng của ĐCSTQ.

Theo Epochtimes
Viên Minh (biên dịch)

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Sau cái chết của Lý Khắc Cường, ai sẽ là người kế vị Tập Cận Bình?