Sự tích và một số câu chuyện về Táo Quân ở Việt Nam và Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nước Á Đông như Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho gia và Đạo gia, nên văn hóa có nhiều nét tương đồng, xưa được gọi là các nước đồng văn. Sách Lễ Ký, một trong Ngũ Kinh của Nho gia, có viết: Người dân thường làm lễ thờ cúng Thần Cổng (Môn Thần) và Thần Bếp (Táo Thần, tức Táo Quân).

Do đó phong tục và lễ nghi thờ cúng Thần Bếp phổ biến ở các nước Á Đông, tuy nhiên đến ngày nay chỉ còn Việt Nam, Nhật Bản, và Trung Quốc còn duy trì truyền thống này. Tuy nhiên về sự tích Táo Quân thì Nhật Bản không có, chỉ Việt Nam và Trung Quốc có sự tích này.

Truyền thuyết Táo Quân ở Việt Nam

Táo Quân là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi gia đình, được người Việt Nam thờ cúng từ lâu đời. Việt Nam phổ biến 2 truyền thuyết về Táo Quân như sau:

Sự tích phổ biến nhất: sự tích Trọng Cao - Thị Nhi - Phạm Lang

Sự tích phổ biến nhất về Táo Quân ở Việt Nam là sự tích Trọng Cao - Thị Nhi - Phạm Lang. Trong sự tích này, Trọng Cao và Thị Nhi là vợ chồng nhưng không có con. Một hôm, Trọng Cao giận vợ nên đánh đập. Thị Nhi bỏ nhà ra đi và lấy Phạm Lang làm chồng. Sau đó, Trọng Cao ăn năn và đi tìm vợ.

Trên đường đi, Trọng Cao gặp nạn và bị ăn xin. Thị Nhi nhận ra chồng cũ nhưng vì sợ Phạm Lang biết nên đã giấu Trọng Cao trong đống rơm. Phạm Lang về nhà thấy đống rơm đang cháy nên đã đốt. Trọng Cao không kịp chui ra nên bị chết cháy. Thị Nhi thấy vậy cũng nhảy vào đống lửa để chết theo. Phạm Lang thương vợ nên cũng nhảy vào lửa chết theo.

Thượng đế thương xót ba người nên đã phong cho họ làm Táo Quân. Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp núc; Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa; Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa.

Sự tích hai ông một bà Đầu Rau

Ngoài sự tích Trọng Cao - Thị Nhi - Phạm Lang, còn có một dị bản khác về Táo Quân là sự tích hai ông một bà Đầu Rau. Trong sự tích này, có hai vợ chồng nghèo, chồng làm nghề buôn hương, vợ làm ruộng. Sau khi chồng đi buôn hương biệt tích, người vợ đã lấy một người khác làm chồng.

Một ngày nọ, người chồng cũ trở về. Người vợ giấu chồng cũ trong đống rơm để tránh chồng mới biết. Trong lúc người vợ đi vắng, người chồng mới và người đầy tớ đã đốt đống rơm để thui con cầy. Lửa vô tình đã đốt chết người chồng cũ. Người vợ thấy vậy đã nhảy vào đống lửa chết theo. Người chồng mới và người đầy tớ cũng chết theo.

Thượng đế thương xót ba vợ chồng nên đã cho họ hóa thành ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa thành cái dùng để chặn đống nhấm, người ta gọi là thằng Lốc.

2 Ông Táo và 1 Bà Táo của Việt Nam. (Tranh Đoàn Thành Lộc - SA-4.0)

Truyền thuyết Táo Quân ở Trung Quốc

Táo Quân là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi gia đình, được người Trung Quốc thờ cúng từ lâu đời. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, có rất nhiều thuyết về Táo Quân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là một số truyền thuyết như sau:

1. Hoàng Đế

Theo sách Vật Sự Nguyên Hội, Hoàng Đế phát minh ra bếp, sau khi chết làm Táo Thần.

2. Viêm Đế

Theo sách Hoài Nam Tử, Viêm Đế tạo ra lửa, sau khi chết làm Táo.

3. Chúc Dung

Theo sách Chu Lễ Thuyết, Chuyên Hiệt có cháu trai là Lê, là Thần lửa Chúc Dung, được thờ làm Táo Thần.

Táo Thần của Trung Quốc. (Miền công cộng)

4. Bà lão Tiên Xuy

Theo sách Nghi Lễ của Khổng Dĩnh Đạt, Táo Thần không phải Thần lửa, cũng không phải người phát minh ra bếp, mà là một bà lão cai quản bếp núc tên là Tiên Xuy.

5. Trương Đan

Trong dân gian dân tộc Hán có lưu truyền Trương Đan lấy vợ là Đinh Hương, nàng rất hiếu kính với cha mẹ chồng. Sau này Trương Đan đi xa kinh doanh phát tài, phải lòng cô kỹ nữ Hải Đường nên trở về nhà ly hôn Đinh Hương. Đinh Hương lấy con trai bà cụ đốn củi nghèo khó.

Hải Đường thích ăn ngon mặc đẹp, lười lao động, lỡ tay để lửa cháy hết cả gia sản, thế là vứt bỏ Trương Đan để tái giá.

Trương Đan đành phải lưu lạc xin ăn. Ngày 23 tháng Chạp, ông đến nhà Đinh Hương xin cơm, sau khi bị vợ cũ nhận ra, ông xấu hổ quá chui vào bếp lò và chết ngạt trong đó.

Do ông và Ngọc Hoàng Đại Đế là người có duyên, vốn người cùng họ Trương, nên được Ngọc Hoàng Đại Đế phong làm Táo Vương.

6. Trương Khuê và Cao Lan Anh

Bình nguyên Ký Châu (Hà Nam Hà Bắc ngày nay), nhà nhà đều thờ Táo Vương, dán tranh chân dung Táo Vương gồm Táo Vương Gia (Ông Táo) và Táo Vương Nãi (Bà Táo). Tương truyền Táo Vương Gia và Táo Vương Nãi chính là Trương Khuê và phu nhân Cao Lan Anh được Khương Tử Nha phong làm Thần trong "Phong Thần diễn nghĩa".

Như vậy, Táo Quân Việt Nam luôn là hình tượng 2 Ông Táo và 1 Bà Táo. Còn hình tượng Táo Quân Trung Quốc có khi chỉ là 1 Ông Táo, có khi chỉ là 1 Bà Táo, và chỉ vùng Ký Châu là có hình tượng 1 Ông Táo và 1 Bà Táo.

1 Ông Táo và 1 Bà Táo của Trung Quốc. (Miền công cộng)

Những câu chuyện về Táo Quân trong thư tịch cổ

Ấm Tử Phương dùng dê vàng cúng Táo Thần mà gia tộc hưng thịnh

Theo sách "Yên Kinh tuế thời ký", và “Hậu Hán thư” ghi chép thì vào thời nhà Hán ở Trung Quốc có một gia đình là hậu duệ của Quản Trọng. Thời Hán Tuyên Đế, gia đình này sinh ra một người đại thiện là Âm Tử Phương. Tử Phương thờ phụng cha mẹ cực kỳ hiếu kính. Ông là người thiện lương nhân từ, vui thích làm việc thiện, bố thí.

Vào một buổi sáng sớm ngày đại tế cuối năm, khi ông đang làm lễ cúng tế Táo Thần thì Táo Thần hiển hiện hình tướng.

Âm Tử Phương vốn trong lòng luôn cảm tạ Thần ban phước nên lập tức vui mừng quỳ xuống bái tạ. Lúc đó trong nhà ông có con dê vàng, ông liền dùng dê vàng để cúng Táo Thần.

Từ đó trở đi, của cải trong nhà Âm Tử Phương nhanh chóng sinh sôi nảy nở, ông trở thành người giàu nhất nước, "có hơn 700 khoảnh ruộng (1 khoảnh bằng 100 mẫu), xe, ngựa, người hầu sánh ngang với vua".

Con cháu đời sau nhà họ Âm đều được phúc ấm, hưng thịnh 3 đời. Đời cháu được phong hầu, phong hậu. Cháu gái là Âm Lệ Hoa là Quang Liệt Hoàng Hậu của Hán Quang Vũ Đế.

Câu chuyện Âm Tử Phương dùng "dê vàng cúng Táo Thần" cũng vì thế được lan truyền thành phong tục. Thậm chí cho đến tận cung đình nhà Thanh sau này vẫn dùng "dê vàng cúng Táo Thần".

Việc Âm Tử Phương cúng Táo Thần từ đó lan truyền ra dân gian. (Hình minh họa: baidu)

Du Đô được Táo Quân chỉ bảo, tu thiện chân chính được phúc báo

Trong “Đức dục cổ giám” có ghi chép câu chuyện rằng:

Du Đô, một người đàn ông sống vào thời Gia Tĩnh của nhà Minh, tại Giang Tây. Du Đô từng là thành viên của hội “Văn Xương xã”, nơi các thành viên nguyện thề trân trọng văn tự và hành thiện.

Dù vậy, ông liên tục thất bại trong các kỳ thi và gặp nhiều bi kịch gia đình khi mất hầu hết con cái, chỉ còn lại một trai và một gái. Con trai ông, một cậu bé thông minh, sau đó bỗng nhiên biến mất không dấu vết, khiến vợ ông mù mắt vì đau khổ.

Khi Du Đô bước vào tuổi 40, ông bắt đầu viết sớ gửi Táo quân hàng năm để tìm lời giải cho những bất hạnh của mình, cứ thế 7 năm liền nhưng không nhận được câu trả lời.

Đến năm ông 47 tuổi, sau khi viết sớ, thờ khấn rồi đốt xong, ông ngồi lặng lẽ trong 4 bức tường lạnh lẽo, thì một ông lão bí ẩn xuất hiện. Ông lão tự xưng là họ Trương, và chỉ ra rằng Du Đô đã phạm phải nhiều sai lầm trong cuộc sống, từ việc lạm dụng văn tự, sát sinh, đến lời nói ác ý và tà dâm.

Ông Trương nói:

Tôi vốn biết chuyện nhà ông từ lâu. Trong đầu ông chứa đầy ý nghĩ tà niệm, truy cầu hư danh. Sớ văn ông gửi cho Táo quân cũng chứa đầy oán hận, lại có ý không tôn kính Ngọc Đế. Chỉ sợ sau này ông còn phải gánh lấy sự trừng phạt nặng nề hơn“.

ông nói là trân quý sách Thánh hiền nhưng lại dùng giấy có văn tự để bọc đồ ăn, để lau bàn ghế, rồi tùy tiện đốt bỏ. Các ông thề nguyện phóng sinh mà trong bếp vẫn không ngừng sát sinh cua, tôm, cá. Còn khẩu nghiệp thì lại càng nặng nề. Lời nói của ông mang đầy giọng trào phúng, châm biếm người khác. Mỗi lời đều như mũi dao sắc làm kích động tới Thần Phật không biết bao nhiêu cho kể.

Ông nói là giới cấm tà dâm, nhưng khi nhìn thấy con gái nhà người ta dung mạo mỹ miều, trong lòng ông vẫn bị rung động, chỉ là không có duyên để kết thành tội. Không những thế, ông lại cho rằng điều mình làm xằng bậy lại không nghiêm trọng.

Ngọc Đế cũng đã từng cử người đi điều tra chuyện của ông nhưng không có một việc thiện nào đáng để ghi chép. Ngược lại, chỉ càng nhìn thấy các loại lòng tham, dâm dục, đố kỵ tràn đầy trong ông. Trong ông chỉ chứa đầy hận thù mà lại đòi phúc báo. Ý nghĩ của ông chứa đầy ác ý như vậy chỉ sợ trốn không thoát khỏi tai họa chứ còn cầu xin gì phúc báo được nữa?”.

Du Đô nghe vậy thì quỳ mọp xuống xin ông Trương dạy bảo.

Ông Trương nói: “Ông nói ông tin Thần, tin Phật nhưng lòng tin đó không sâu sắc, những việc hành thiện cũng không lâu dài, chỉ là làm qua quýt cho xong chuyện. Ông thử nghĩ xem đã làm những việc như vậy mà còn kỳ vọng được phúc báo chẳng phải giống như trồng cây gai lại mong muốn được hưởng quả ngọt hay sao?

Hy vọng từ nay về sau ông có thể vứt bỏ sự tham lam vô độ, trừ bỏ sự phóng túng bừa bãi, không màng danh lợi, không cầu phúc báo, tận sức hành thiện làm việc tốt, kiên trì lâu dài sẽ tự có hiệu nghiệm. Bởi gia đình ông rất thành kính với ta, nên ta đến để điểm hóa, nhắc nhở ông”.

Nói xong, ông lão đi vào bếp và biến mất. Tới lúc này, gia đình ông Đô mới biết đó là Táo quân nhà mình hiển linh tới cứu giúp, đoạn vội vàng thắp hương lễ tạ.

Nhận ra lỗi lầm, Du Đô hứa sẽ thay đổi và hành thiện. Đến năm ông 50 tuổi, ông được tiến cử làm thầy dạy cho con trai của Trương Cư Chính, một học giả nổi tiếng thời ấy. Sau khi được tuyển chọn, ông cùng vợ và con gái tới Nam Kinh sống.

Một ngày nọ, ông Du Đô tới bái kiến Dương Công, một vị thái giám ở trong hoàng cung. Vị thái giám gọi 5 người con nuôi ra chào hỏi. Trong đó có một cậu bé tuổi chừng 16 đã khiến ông Du Đô ấn tượng mạnh mẽ, liền tới hỏi tung tích quê quán.

Cậu bé trả lời: “Con là người Giang Tây, khi còn nhỏ đã đi đến một thuyền chứa lương thực và bị thất lạc gia đình. Bây giờ con chỉ nhớ mang máng về tên họ cũng như làng xóm khi xưa”.

Hỏi tới đây, ông Du Đô có hơi ngạc nhiên, liền bảo cậu bé cởi giầy ra và cho xem bàn chân trái, quả nhiên thấy hai nốt ruồi vẫn còn đó. Ông kêu lên và khóc nấc: “Đội ơn Trời Phật phù hộ hiển linh, đây đúng là con trai con rồi”.

Vị thái giám cũng kinh ngạc không kém, liền đưa cha con ông về nhà. Về đến nhà ông liền kể rõ sự tình cho vợ mình nghe. Vợ ông ôm chặt lấy cậu con trai bị thất lạc bấy lâu mà khóc lóc thảm thiết, tới mức máu và nước mắt hòa làm một. Cậu con trai cũng khóc ròng mừng mừng tủi tủi khi tìm lại được gia đình, tay nâng khuôn mặt tràn đẫm lệ của mẹ, lau khô những giọt lệ trên mắt, trên má mẹ. Đột nhiên, như một phương thuốc thần kỳ, đôi mắt người mẹ bỗng nhiên lại sáng rõ như xưa.

Sau này, con trai ông kết hôn, lại sinh liền cho ông 7 người cháu trai, sau này đều học hành thành tài, kế thừa truyền thống ham học của cha ông.

Con cháu của Du Đô đều kế thừa truyền thống hành thiện tích đức và ham học của ông. (Tranh Leo-BM/ NTDVN)

Ông Du Đô cũng đích thân chép lại câu chuyện gặp Táo quân và việc thay đổi tích đức, hành thiện, lưu lại làm bài học giáo dục cho con cháu noi gương. Ông sống thọ tới 80 tuổi rồi mới qua đời. Mọi người đều nói bởi ông tích đức hành thiện, kịp thời hối cải nên mới nhận phúc báo to lớn, cải biến cả số mệnh.

Lời kết

Thời thượng cổ, con người thờ các Thần tự nhiên như Thần Núi, Thần Sông, Thần Đất, Thần Lửa… Sau khi có nền văn minh, họ thờ các Thần bảo hộ cuộc sống như Thần Cổng, Thần Nhà, Thần Bếp… Chính vì thế tục thờ Táo Quân có sự thay đổi khác nhau theo tiến trình lịch sử, và ở các địa phương khác nhau. Sau này, những người có đức lớn được thờ làm Táo Quân, như các truyền thuyết dân gian các địa phương.

Người Việt có câu “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, ý nghĩa là mỗi vùng, mỗi địa phương khác nhau đều có Thần cai quản, bảo hộ cuộc sống cho con người. Người xưa cũng nói “Trên đầu 3 thước có Thần linh”. Hiện nay khoa học chưa chứng thực được sự tồn tại hay không tồn tại của Thần, vì khoa học chưa đột phá được các không gian khác. Do đó, người có tín ngưỡng, có quan niệm truyền thống thì tin có Thần, còn người theo duy vật thì tin là không có Thần.

Tuy nhiên, từ những câu chuyện, sự tích và tín ngưỡng truyền thống, chúng ta thấy rằng, người mà trong tâm luôn nghĩ “Trên đầu 3 thước có Thần linh”, thì họ tự khắc ước thúc hành vi của bản thân, một lòng hướng thiện, tích đức, như thế tự nhiên cuộc đời sẽ yên ổn, có phúc báo, hoàn cảnh gia đình dần dần tốt đẹp, vì “Tướng do tâm sinh”, “Tâm chuyển thì cảnh chuyển”.

Nếu không có lòng thành kính, không thực sự sửa mình, hướng thiện, làm người tốt, và tốt hơn nữa, thì dẫu lễ to cỗ lớn, thờ cúng linh đình thế nào chăng nữa, thì cũng vô ích, cũng không thể tránh dữ đón lành, có phúc báo được. Câu chuyện của Du Đô nói trên là một ví dụ minh chứng rõ nét.

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Sự tích và một số câu chuyện về Táo Quân ở Việt Nam và Trung Quốc