Sức mạnh chữa lành của vẻ đẹp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong lời tựa cho cuốn sách “Luận về sự an ủi: Tìm kiếm sự xoa dịu trong thời kỳ đen tối” (On Consolation: Finding Solace in Dark Times), tác giả Michael Ignatieff đã mang đến cho độc giả một lời nhắc nhở sống động về sức mạnh xoa dịu của nghệ thuật.

Mở đầu “Thánh vịnh 130” (theo hệ thống đánh số cũ là “Thánh vịnh 129”) là câu: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa” (“De profundis clamavi ad te, Domine”).

Dù có đi theo một đức tin tôn giáo nào hay không, chúng ta vẫn có thể hiểu được ý nghĩa câu nói trên. Bởi vì, tuy ở những lứa tuổi khác nhau, đến từ những dân tộc và tín ngưỡng khác nhau, nhưng dường như ai ai trong đời cũng sẽ trải qua những điều tương tự: Bị kéo xuống vực sâu khủng khiếp bởi hàng tấn bi kịch cá nhân, và thường thì có liên quan đến cái chết của người mình thân yêu.

Trong cơn đau buồn, một số người tìm đến Thần Phật hoặc Chúa để khẩn cầu sự an ủi vỗ về; một số tâm hồn đau khổ tìm thấy niềm an ủi bên bạn bè và gia đình; một số khác lại tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tư vấn, hoặc nhóm hỗ trợ vượt qua đau buồn; những người cô đơn và tuyệt vọng có thể sẽ tìm đến rượu, thậm chí ma túy để giảm bớt nỗi thống khổ.

Hay như chính khách, nhà văn người La Mã tên là Boethius sống vào khoảng năm 477 - 524. Ông đã bị bỏ tù và sau đó bị hành quyết. Trong thời gian bị giam cầm, ông đã dành tâm sức để nghiên cứu tư tưởng triết học Hy Lạp, qua đó xoa dịu áp lực tinh thần cho chính mình và để lại kiệt tác “Sự an ủi của Triết học” (The Consolation of Philosophy) cho các thế hệ sau.

Và cũng có những người tìm thấy niềm an ủi và hy vọng trong nghệ thuật.

Khi chúng ta mất đi một người thân yêu, vẻ đẹp của nghệ thuật có thể xoa dịu tâm hồn ta. Bức tranh "Mrs. James Guthrie” (Bà James Guthrie) do Sir Frederic Leighton sáng tác vào khoảng năm 1864-1865. Tranh sơn dầu trên vải, có kích thước 83 inch x 54,5 inch. Bộ sưu tập của Trung tâm Nghệ thuật Anh Yale, New Haven, Connecticut. (Public Domain)

Vẻ đẹp và sự cứu rỗi

Một số nhạc sĩ như Bach, Handel, Mozart, Leonard Bernstein, v.v., đã phổ nhạc cho bài “Thánh vịnh 130”. Tuy tác phẩm của họ chỉ chạm đến tầng nghệ thuật bề mặt, nhưng đã mang lại sự an ủi cho những người đang trong đau khổ. Ba nghìn năm qua, các nhà văn, họa sĩ, nhà điêu khắc và nhạc sĩ đã mang đến cho thế giới vô số tác phẩm về cái chết và sự mất mát, mang lại hy vọng chữa lành cho vô số người đang chìm đắm trong nỗi bi thương.

Trong lời tựa cho cuốn sách “Luận về sự an ủi: Tìm kiếm sự xoa dịu trong thời kỳ đen tối” (On Consolation: Finding Solace in Dark Times), tác giả Michael Ignatieff đã mang đến cho độc giả một lời nhắc nhở sống động về sức mạnh xoa dịu của nghệ thuật.

Đó là khi ông hồi tưởng lại vụ phong tỏa vì dịch bệnh bắt đầu vào tháng 3 năm 2020. Trong những tháng ngày sợ hãi, bị cách ly và cô độc, cùng với số người chết ngày càng tăng vì đại dịch COVID, tất cả các nghệ sĩ đã bước lên phía trước để mang đến cho chúng ta sự động viên và hy vọng.

Ví dụ, dàn nhạc giao hưởng Rotterdam đã chơi bài "Ode to Joy" của Beethoven trên Zoom; một nghệ sĩ dương cầm người Berlin chơi các bản sonata qua Internet mỗi đêm; và các nhà thơ, nhà văn từ nhiều quốc gia đã chia sẻ tác phẩm của họ ngay trong nhà bếp và phòng khách của mình.

Tất cả những hành động tử tế này đều là minh chứng cho điều mà nhà triết học Roger Scruton từng nói: “Nghệ thuật và âm nhạc mang lại ánh sáng và ý nghĩa cho những con người bình thường. Thông qua nghệ thuật, chúng ta có thể đương đầu với những điều gây khó khăn cho chúng ta, và tìm thấy sự an ủi và bình yên trong đó”.

Tương tự như vậy, trong cuốn tiểu thuyết “Một người lính trong cuộc Đại chiến” (A Soldier of the Great War) của Mark Helprin, nhân vật Alessandro Giuliani – một giáo sư lớn tuổi về nghệ thuật và mỹ học – cũng đưa ra mối liên hệ này: “Nếu bạn muốn nhìn thấy vẻ đẹp của thế giới, bạn phải đặt tay lên những sợi dây chạy xuyên suốt giữa sự sống và cái chết. Việc chạm vào chúng thực sự là hành động của hy vọng, bởi vì có thể ai đó ở phía bên kia, nếu [thực sự] có phía bên kia, cũng đang chạm vào chúng”.

Tác phẩm “Pietà” do William-Adolphe Bouguereau sáng tác vào khoảng năm 1876. Tranh sơn dầu trên vải, có kích thước 87,7 inch x 58,7 inch. Bộ sưu tập riêng. (Public Domain)

Điều bất ngờ

Thông thường, khi người ta vô tình nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật, rất có thể sẽ bộc phát một cảm xúc nào đó. Phản ứng này có thể khiến những người xung quanh giật mình kinh ngạc, nhưng với họ đó là khoảnh khắc khi được chạm tới tâm hồn.

Ví dụ, hãy tưởng tượng một người mẹ trẻ vừa mất đứa con của mình. Vài tháng sau, khi đang ngồi trong thư viện công cộng và đọc trang The Epoch Times, cô lật đến mục "Văn hóa và Nghệ thuật", và bị cuốn hút bởi bức ảnh chụp bức tượng “Pietà” của Michelangelo. Trong ảnh là Đức Mẹ đồng trinh Maria ngồi trên đồi Golgotha ​​(nơi Chúa Jesus bị đóng đinh) và ôm xác con trai vào lòng. Đôi mắt và gương mặt của Đức Mẹ u buồn nhưng trang nghiêm. Khung cảnh và ý nghĩa của bức tranh đã chạm tới tâm can người mẹ trẻ, và cô bật khóc nức nở. Sau chuỗi ngày dài tăm tối, cuối cùng tảng đá lạnh lẽo trong tim cô cũng được những giọt nước mắt nóng ấm làm cho tan chảy.

Biểu hiện của cô có thể khiến những người khác trong thư viện cảm thấy kỳ lạ và bối rối, nhưng đối với người mẹ trẻ, những giọt nước mắt và tiếng khóc đó không chỉ thể hiện nỗi đau trong lòng, mà còn là sự giải thoát khỏi nỗi thống khổ đã giam giữ cô bấy lâu nay.

Tôi không cảm thấy lạ trước phản ứng của bà mẹ trẻ ấy. Trong quãng thời gian dạy học, tôi thường đọc cho học trò nghe các đoạn thơ, đoạn văn. Nhưng sau cái chết của vợ tôi vào năm 2004, tôi thấy mình không thể bình tĩnh khi đọc một số tác phẩm. Tôi thường khóc nghẹn và phải nhờ học sinh đọc thay.

Ví dụ, khi đọc đoạn văn Chú ngựa da (Skin Horse) giải thích về tình yêu và hàm nghĩa chân thực của tình yêu trong tác phẩm "Chú thỏ nhung" (The Velveteen Rabbit), tôi đã yêu cầu các học sinh lớp bảy của mình viết về chủ đề đó. Nhưng khi ấy, tôi đã ứa nước mắt ngay trước mặt học sinh của mình.

Tôi có một bản sao cuốn kịch bản “Thị trấn của chúng ta” (Our Town) do nhà soạn kịch Thornton Wilder viết, kết thúc tác phẩm là cái chết của người vợ trẻ. Trong lời bạt, cháu trai của nhà viết kịch, cũng là người được chỉ định phụ trách tác phẩm, nói rằng vở kịch đã khiến khán giả rơi nước mắt, ngay cả một người như ông trùm Hollywood Samuel Goldwyn cũng phải rơi lệ. Tại sao vậy? Bởi vì tác giả Wilder đã diễn giải một cách sinh động "sợi dây chạy xuyên suốt giữa sự sống và cái chết".

Một số người có được sự an ủi từ tín ngưỡng. Tác phẩm "The Wish" sáng tác năm 1867 của William-Adolphe Bouguereau. Tranh sơn dầu trên vải; 22,7 inch x 16,4 inch. Bảo tàng nghệ thuật Philadelphia. (Public Domain)

Khúc bi ca

Có không ít những nhà văn, nhà thơ đã chấp bút ra các tác phẩm đong đầy nỗi hoài niệm, và thường để bày tỏ lòng tiếc thương với những người đã khuất. Những sáng tác ấy là cách để tác giả vơi đi nỗi buồn, nhưng cũng là để an ủi người khác.

Trong bài thơ "Thương nhớ đứa con trai đầu lòng" (On My First Son), Ben Jonson bi ai khóc than về sự ra đi của cậu con trai 7 tuổi.

Farewell, thou child of my right hand, and joy;
My sin was too much hope of thee, lov'd boy.
Seven years tho' wert lent to me, and I thee pay,
Exacted by thy fate, on the just day.
O, could I lose all father now! For why
Will man lament the state he should envy?
To have so soon 'scap'd world's and flesh's rage,
And if no other misery, yet age?
Rest in soft peace, and, ask'd, say, "Here doth lie
Ben Jonson his best piece of poetry."
For whose sake henceforth all his vows be such,
As what he loves may never like too much.

Tạm dịch:

Vĩnh biệt, niềm vui của cha, đứa con bé bỏng cha dắt đi bên phải;
Đó là tội lỗi của cha khi đã đặt quá nhiều hy vọng vào con, hỡi con trai yêu quý;
Cha đã mượn con bảy năm, và bây giờ phải trả con trở về;
Số mệnh đã định, chính vào ngày ấy.
Ôi, cha có thể mang tất cả những gì mình có để đổi lại không? Nhưng tại sao…
Con người lại đi than khóc cho cảnh giới mà lẽ ra họ nên ao ước?
Con được giải thoát khỏi những rắc rối trần gian, khỏi những gông cùm của xác thịt sớm tới vậy;
Cho dù không có đau khổ khác, trên đời này chẳng phải vẫn có tuổi già hay sao?
Yên tâm an nghỉ con nhé. Nếu có ai hỏi, hãy trả lời rằng: "Bài thơ đẹp nhất của Ben Johnson
Đang yên nghỉ tại đây."
Vậy nên, từ giờ trở đi, cha xin thề điều này:
Sẽ không bao giờ yêu thích điều gì quá nhiều nữa.

Cũng có những nhà thơ nhắn nhủ người ở lại hãy tìm niềm vui, niềm an ủi trong cuộc sống. Ví như Mary Elizabeth Frye – một phụ nữ trẻ người Do Thái – đã chạy trốn khỏi Đức Quốc xã, nhưng mẹ của cô lại qua đời trong cuộc đại thảm sát. Những đau khổ từng trải qua đã truyền cảm hứng cho cô viết nên bài thơ “Đừng đứng trước mộ mẹ và khóc” (Do Not Stand at My Grave and Weep). Với cô, những người rời đi trước, bằng một cách nào đó, vẫn luôn tồn tại quanh ta.

Do not stand at my grave and weep,
I am not there; I do not sleep.
I am a thousand winds that blow,
I am the diamond glints on snow,
I am the sun on ripened grain,
I am the gentle autumn rain.
When you awaken in the morning’s hush
I am the swift uplifting rush
Of quiet birds in circling flight.
I am the soft star-shine at night.
Do not stand at my grave and cry,
I am not there; I did not die.

Tạm dịch:

Đừng đứng trước mộ mẹ và khóc,
Mẹ không ở đó, nhưng cũng chẳng chìm vào ngàn thu.
Mẹ hóa thành ngàn gió thong dong tự tại,
Mẹ hòa vào những bông tuyết tinh khôi,
Mẹ là vầng dương trên những bông lúa trĩu hạt,
Mẹ là cơn mưa mùa thu dịu dàng.
Khi con tỉnh giấc trong sự tĩnh lặng của buổi sớm tinh mơ,
Mẹ là chú chim lặng lẽ chao liệng
Đột nhiên vỗ cánh vút lên trời cao.
Mẹ là ánh sao dịu dàng tỏa sáng trời đêm.
Đừng đứng trước mộ mẹ và khóc,
Mẹ không ở đó, nhưng cũng chẳng hề khuất bóng.

Các tác phẩm khác, như bài hát dân gian Mỹ "Will the Circle Be Unbroken?" (Vòng xoay bất tận sẽ không bị phá vỡ?), hay hàng ngàn khúc bi thương khác được viết bởi các nhà soạn nhạc cổ điển, đã đồng hành và dìu đỡ những người đang trong đau khổ đi qua thung lũng chết chóc theo đúng nghĩa đen.

Giống như thần thoại Clytie, mất đi tình yêu cũng có thể khiến con người ta rơi vào tuyệt vọng. Bức tranh “Clytie” vẽ khoảng năm 1895-1896 của Sir Frederic Leighton. Tranh sơn dầu, có kích thước 61,4 inch x 53,9 inch, tại Bảo tàng Leighton House, London. (Public Domain)

Chữa lành

Tất nhiên, liều thuốc tốt nhất cho sự đau buồn là thời gian. Qua hàng tuần, hàng tháng, và thậm chí hàng năm, nỗi đau sẽ vơi dần và dễ chịu đựng hơn. Khi thời gian trôi đi, những vết thương từng khiến chúng ta khổ sở đau đớn sẽ được hàn gắn, dù chúng vẫn sẽ để lại sẹo. Âm nhạc, văn học, hội họa và điêu khắc, có thể giúp chúng ta trong quá trình này. Đó sẽ là những chiếc nạng giúp ta đứng dậy và tiếp thêm sức mạnh để ta tiến về phía trước.

Nhà văn Dostoevsky người Nga sống ở thế kỷ 19 có câu nói nổi tiếng: "Vẻ đẹp sẽ cứu thế giới” (Beauty will save the world). Vẻ đẹp được tìm thấy trong nghệ thuật có thể giúp chúng ta chữa lành những trái tim tan vỡ.

Tác giả Jeff Minick có bốn người con và rất đông các cháu đang ở tuổi trưởng thành. Trong 20 năm qua, ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho các nhóm học sinh tự học tại nhà ở Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết "Amanda Bell" và "Dust on Your Wings", và hai tác phẩm phi hư cấu "Learning As You Walk" và "Films Make People". Hiện ông sống và viết bài ở Front Royal, Virginia. Theo dõi blog của ông tại JeffMinick.com.

Nam Phương
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Sức mạnh chữa lành của vẻ đẹp