Tại sao năm 2024 người Trung Quốc không được nghỉ vào ngày 30 Tết?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 25 tháng 10 năm 2023, Quốc vụ viện Trung Quốc ra thông báo ban hành các ngày nghỉ lễ năm 2024, người dân bất ngờ khi những ngày nghỉ Tết Nguyên đán được bố trí từ ngày mùng 1 đến mùng 8 tháng Giêng Âm lịch, tức từ ngày 10/2 đến 17/2 Dương lịch. Như vậy ngày 30 Tết, ngày Giao thừa, Trừ tịch năm nay, người Trung Quốc không được nghỉ.

Quốc vụ viện Trung Quốc thông báo lịch nghỉ lễ: Ngày 30 Tết (Trừ tịch) là ngày làm việc

Sự việc này khiến rất nhiều người Trung Quốc ngạc nhiên và bất mãn. Mặc dù trong lịch nghỉ Tết của Quốc vụ viện có ghi chú: “Khuyến khích các đơn vị kết hợp việc thực hiện chế độ nghỉ Tết được hưởng lương, sắp xếp nhân viên nghỉ ngày Giao thừa (Trừ tịch) (ngày 9 tháng 2)”, nhưng vẫn khiến người dân bất bình và bàn tán xôn xao trên mạng.

Thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc về những ngày nghỉ lễ 2024. (Chụp màn hình)
Lịch nghỉ Tết 2024 theo Thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc. (Chụp màn hình)

Rất nhiều người cho rằng, nguyên nhân ngày 30 Tết không được nghỉ, vì ngày Trừ Tịch (Chu Xi), đồng âm với từ Trừ Tập (Chu Xi) trong tiếng Trung. Rất có thể người lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ sợ điềm không lành này, nên năm nay mới có sự sắp xếp lịch ăn Tết lạ lùng như vậy.

Tuy nhiên, rất nhiều người lại coi là bình thường, bởi năm 2013, tức là từ sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước, thì ngày 30 Tết (Trừ tịch) đã bị loại khỏi ngày nghỉ Tết. Năm 2014 cũng như vậy, nhưng từ năm 2015 việc nghỉ Tết vào ngày 30 đã được khôi phục lại và kéo dài đến năm 2023.

Phản ứng của người dân Trung Quốc

Có dân mạng bực tức bình luận: “Trừ tịch (30 Tết) mà không nghỉ thì những ngày nghỉ lễ khác cũng khỏi cần nghỉ đi”.

Có dân mạng nói rằng: “Nhận được thông báo của cấp trên, ngày 9 tháng 2 năm 2024, nghiêm cấm các cơ quan truyền thông, các nền tảng mạng sử dụng từ “Trừ tịch” để chúc Tết hay bình luận. Các năm sau này cũng sẽ bãi bỏ ngày nghỉ “Trừ tịch”, mà đổi sang sử dụng từ “30 Tết”.

Khá nhiều dân mạng thử dùng chữ “Trừ tịch” để bình luận hoặc đăng bài, nhưng đều bị chặn.

Nick “Chuyến xe cuối mùa đông” viết: “Đã thử rồi, trả lời bình luận trên Netease, không sử dụng được chữ Trừ Tịch này”.

Nick KKW viết: “Vừa thử Wechat, đăng câu: ‘Trừ tịch vui vẻ’, liền bị xóa ngay”.

Nick A Dục viết: “Đã thử rồi, ở Tik-tok bình luận có chữ Trừ tịch, thì người khác sẽ không trông thấy bình luận”.

Dân mạng Trung Quốc bình luận về việc ngày Trừ Tịch không được nghỉ. (Chụp màn hình)

Tiền lệ lịch sử

Những tình huống tương tự cũng từng xảy ra trong lịch sử. Sau Cách mạng Tân Hợi, Tôn Trung Sơn được vì để được Viên Thế Khải, người nắm binh quyền nhà Thanh ủng hộ, đã từ chức và nhường chức Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc cho Viên Thế Khải.

Tuy nhiên sau khi làm Tổng thống, Viên Thế Khải tìm mọi cách nắm quyền, và đưa Quốc Dân Đảng ra ngoài vòng pháp luật. Sau đó Viên Thế Khải tự lên ngôi hoàng đế vào tháng 12 năm 1915, xưng là Hoàng đế Hồng Hiến. Cũng trong năm đó, Viên Thế Khải đã đổi tên Tết Nguyên Tiêu thành Tết Thượng Nguyên. Bởi vì từ Nguyên Tiêu (Yuan Xiao) tiếng Trung phát âm giống từ Viên Tiêu (Yuan Xiao) - chỉ Viên Thể Khải tiêu vong.

Mặc dù đã tránh ‘vận đen’ bằng cách đổi tên một ngày lễ truyền thống, nhưng Viên Thế Khải cũng chỉ tại vị được 82 ngày rồi thoái vị vào tháng 3 năm 1916, trả lại quyền lực cho nền Cộng hòa. Viên Thế Khải chết vì bị bệnh vào tháng 6 năm 1916, ở tuổi 56.

Lãnh đạo ĐCSTQ mê tín?

Một số người nói, Viên Thế Khải dù sao cũng xuất thân từ quan đại thần triều Thanh, là người của thời phong kiến, do đó ông ta mê tín, mới đổi tên ngày lễ để tránh vận đen, còn ông Tập Cận Bình và các lãnh đạo ĐCSTQ là người vô sản, vô Thần, sao cũng mê tín như thế? Đúng là như vậy.

Mao Trạch Đông sợ các điềm xấu

Không chỉ ông Tập, mà Mao Trạch Đông cũng rất tin vào những điềm xấu.

3 giờ chiều ngày 8/3/1976, người dân gần vùng ngoại ô phía bắc thành phố Cát Lâm, Trung Quốc bất ngờ giật mình trước một tiếng động lớn, dừng tay đang làm việc, lúc này, trên bầu trời xuất hiện ba quả cầu lửa và rơi xuống đất lúc 3 giờ chiều với tốc độ cực nhanh. Sau này, người ta biết được rằng một thiên thạch nặng khoảng 4 tấn đã rơi xuống Trái Đất.

Sau đó 1 tháng, Mao Trạch Đông có yêu cầu y tá riêng Mạnh Cẩm Vân đọc tin cho ông ta nghe. Mao Trạch Đông nói với y tá Mạnh: “Sự tình này không phải là hiếm trong lịch sử, trong sử ghi lại không ít, dã sử thậm chí còn nhiều hơn.”

Y tá Mạnh, người được giáo dục vô Thần, nói rằng bản thân chưa đọc những ghi chép này và không tin những chuyện này. Cô thậm chí còn hỏi Mao Trạch Đông: “Chủ tịch có thể tin ư?”

Không ngờ Mao Trạch Đông lại trực tiếp trả lời: “Tôi tin, ở Trung Quốc nó được gọi là ‘thiên nhân cảm ứng’, nghĩa là nói, nếu nhân gian có biến hóa lớn, đại tự nhiên sẽ có biểu thị, dự báo trước cho con người, cát có điềm cát, hung có điềm hung.”

Sau một lúc dừng lại, Mao Trạch Đông buồn bã nói thêm: “Trời rung đất động, những tảng đá lớn từ trên trời rơi xuống, chính là muốn người chết. Khi Gia Cát Lượng và Triệu Vân trong Tam Quốc Diễn Nghĩa chết, đều rơi đá, gãy cả cột cờ. Những nhân vật, danh nhân lớn, thực sự khác với quần chúng…”

Quả nhiên, vào năm 1976, ba người đứng đầu của ĐCSTQ là Chu Ân Lai, Chu Đức và Mao Trạch Đông lần lượt qua đời.

Ngày 28/7/1976, một trận động đất lớn 7,8 độ Richter đã xảy ra ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, sức mạnh tương đương 400 quả bom nguyên tử ở Hiroshima, phát nổ trong vỏ Trái đất cách mặt đất 16 km. Thành phố Đường Sơn với một triệu nhân khẩu trong chớp mắt đã bị tiêu hủy, khiến 24 vạn người thiệt mạng, và 16 vạn người bị thương nặng.

Tập Cận Bình sợ lời tiên tri

Ông Tập cũng như nhiều lãnh đạo khác của ĐCSTQ, tuy vẫn rao giảng về thuyết vô Thần, nhưng WikiLeaks từng công bố một tài liệu mật tiết lộ rằng ông Tập Cận Bình tin vào khí công Phật gia và các lực lượng siêu nhiên.

Nhà bình luận thời sự Đường Tịnh Viễn cho rằng ông Tập Cận Bình tin vào những lời tiên tri lịch sử. Tượng 46 “Thôi bối đồ” viết:

Hữu nhất quân nhân thân đới cung
Chỉ ngôn ngã thị bạch đầu ông
Đông biên môn lý phục kim kiếm
Dũng sĩ hậu môn nhập Đế cung

Tạm dịch:

Có một quân nhân đeo cung bên mình
Chỉ nói rằng ta là ông đầu trắng
Cửa ngõ phía Đông mai phục kiếm vàng
Dũng sĩ nhập Đế cung từ cổng sau

dự ngôn của thôi bối đồ
Tượng 46 Thôi Bối Đồ. (Ảnh qua lihkg.com)

Ông Đường Tịnh Viễn giải thích: Ba chữ ‘nhất’ (一), ‘nhân’ (人), ‘cung’ (弓) trong câu đầu tiên ghép lại thành chữ ‘Di’ (夷)". Trong tiếng Hán cổ, chữ ‘Di’ và chữ ‘Bình’ (chữ Bình trong tên Tập Cận Bình) mang nghĩa giống nhau (đều là bình yên). Còn trong câu hai, chữ ‘ông’ (翁) do chữ ‘công’ (公) và ‘vũ’ (羽) ghép thành, chữ ‘bạch’ ở phía trước mà ghép với chữ ‘vũ’ (羽) này thì sẽ ra chữ ‘Tập’ (習 - họ của ông Tập), tóm lại sẽ được hai chữ ‘Tập công’ (tức ông Tập). Hai câu cuối chắc chắn đang miêu tả một cuộc đảo chính bất ngờ.

Ông Đường Tịnh Viễn cho rằng, ông Tập chắc chắn đã đọc được những thứ này và rất tin vào những lời tiên tri đó. Gần đây, ông Tập Cận Bình bất ngờ phát động cuộc thanh trừng lớn trong Lực lượng Tên lửa, cũng có thể một phần liên quan đến lời dự ngôn này: Khả năng ‘quân nhân đeo cung tên’ đảo chính, mà cung tên thời nay chính là tên lửa.

Hai chuyến công tác nước ngoài của ông Tập trong năm 2023, chuyến thứ nhất ở Nam Phi, khi về ông không bay thẳng về Bắc Kinh mà hạ cánh xuống Tân Cương, sau đó đi tàu hỏa chuyên dụng về Bắc Kinh. Chuyến thứ 2 là thăm Việt Nam, ông cũng hạ cánh ở Quảng Châu rồi đi tàu hỏa về Bắc Kinh. Điều này có thể thấy, ông đang tránh tối đa khả năng bị tên lửa của chính những người nắm quyền trong quân đội tên lửa của ông bắn hạ.

Người Trung Quốc nói gì

Tuy nhiên trên mạng, mọi người lại đua nhau dùng từ Trừ Tịch (Trừ Tập) để ngụ ý sự bất bình, từ lời chúc, lời bình luận, văn thơ, muôn màu muôn vẻ.

Ví như Câu đối Tết của Lâm Hải - một giáo sư già và đã nghỉ hưu của Thanh Hoa viết, đã được đăng tải trên mạng xã hội:

Vế đối trước: Khứ mao bệnh phổ thiên đồng khánh
Vế đối sau: Trừ ác tập đại địa hồi xuân
Hoành phi: Quốc thái dân an.

Tạm dịch:

Vế đối trước: Chữa bệnh hoạn cả trời chung vui
Vế đối sau: Trừ thói xấu khắp đất hồi xuân

Đáng chú ý là vế đối sau có chữ “Trừ ác tập” vừa có nghĩa “trừ thói xấu” lại vừa có nghĩa “Trừ Tập ác” (Loại bỏ ông Tập tàn ác) thì trái đất hồi xuân. Có lẽ đây là tâm nguyện của vị giáo sư già dũng cảm, cũng nói nên tâm nguyện của nhiều người dân.

Ngay từ tháng 1 năm 2020, khi virus Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, lời tiên tri của chùa Quy Nguyên ở Hán Dương đã được lan truyền trên Internet: “Giang thành ôn dịch khởi, Đoan Dương trừ ác tập”, nghĩa đen là: Dịch bệnh khởi đầu ở thành phố bên sông, Tết Đoan Ngọ trừ thói xấu. Tuy nhiên nó cũng ngụ ý rằng: Dịch bệnh khởi đầu ở thành phố bên sông (ám chỉ Vũ Hán), là sự khởi đầu của dương khí (vận số) trừ bỏ ác Tập (ông Tập tàn ác).

Đầu năm 2022, lại có lời tiên tri được lan truyền: “Hổ niên ôn dịch khứ, vạn dân trừ ác tập”, nghĩa đen là: Năm Dần (tức 2022) dịch bệnh đi, muôn dân trừ thói xấu (Ác Tập - ngụ ý ông Tập tàn ác).

Hiện nay, nhiều người Trung Quốc ở Đại lục đang khởi xưởng vào dịp Giao thừa năm mới (đêm Trừ tịch), mọi người chúc nhau: “Trừ tịch vui vẻ”; “Chúc Trừ tịch vui vẻ”.

Còn trên các mạng xã hội của người Hoa hải ngoại, đã lan truyền “Thư đề nghị người Hoa toàn cầu đón xuân mới, cùng nhau đón Tết Trù Tập”, hoan nghênh 1,4 tỷ người Hoa cùng nhau “Trừ ác Tập, đón tân xuân”, cùng nhau vui mừng an khang đón “Tết Trừ Tập”. Hiện nay đã có nhiều người ký tên trên thư đề nghị online này.

Lại Kiến Bình, cựu luật sư Bắc Kinh và Chủ tịch Mặt trận Dân chủ Canada, nói với The Epoch Times rằng, đây là một loại hình nghệ thuật biểu diễn chính trị dân gian, họ muốn bày tỏ sự bất bình bằng cách này, bày tỏ sự không hài lòng với đường lối và chính sách hiện tại của Tập Cận Bình, và thậm chí còn hy vọng tập hợp sức mạnh để lật đổ sự thống trị độc tài của ĐCSTQ.

Ông Lai nói: “Cái gọi là Trừ Tịch là loại bỏ Tập. Tất nhiên, họ không dám nói một cách công khai, nên đã dùng loại nghệ thuật trình diễn chính trị, ám chỉ và ẩn dụ này để bày tỏ và trút giận, mong muốn sẽ có nhiều người dám đứng lên và cùng nhau hành động”.

Ông Lai cho rằng, sự phát triển của bất cứ điều gì luôn có những nguyên tắc và quy luật riêng, khi vượt quá một giới hạn nhất định chắc chắn sẽ gây ra những biến đổi về chất. Nhưng có thể có một số cơ hội gây ra điều gì đó lớn lao mà chúng ta chưa biết.

Ông nói: "Nhưng hiện nay đã có thiên thời địa lợi, chỉ còn thiếu nhân hòa. Nếu ‘nhân hòa’ có thể làm tốt, thì hoàn toàn có khả năng xảy ra một loại đột biến nào đó vào năm 2024".

Xưa Gia Cát Lượng sau khi phóng lửa thiêu cha con Tư Mã Ý bất thành vì trời đột nhiên đổ cơn mưa lớn, ông đã ngửa mặt lên trời than rằng: "Mưu sự do người, thành sự do Trời. Người muốn như thế như thế, nhưng Trời lại không như thế".

Người xưa cũng nói "Trời không tuyệt đường sống con người", người làm việc đại thiện, thuận theo ý Trời thì vận mệnh được thay đổi. Câu chuyện Liễu Phàm Tứ Huấn đã nói rõ việc làm thế nào thay đổi vận mệnh. Ông Tập muốn thay đổi vận mệnh như các tiên tri đã nói, nhưng lại không làm việc thiện, để bảo vệ quyền lực, ông bảo vệ ĐCSTQ, và làm việc ác như tiếp tục cuộc đàn áp Pháp Luân Công, tiếp tục đàn áp người Duy Ngô Nhĩ Tân Tương, và tiếp tục đàn áp tín đồ Phật giáo Tây Tạng, thì e rằng "kiếp nạn khó tránh".

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao năm 2024 người Trung Quốc không được nghỉ vào ngày 30 Tết?