Tại sao phượng hoàng tắm lửa tái sinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn có thích nghe tiếng chim hót không? Ngoài tiếng hót êm tai, các loài chim còn có bộ lông rất đẹp. Quả đúng là vừa vui tai vừa đẹp mắt! Thật ra, hệ thống 12 âm giai trong âm nhạc và các nhạc cụ Trung Quốc như sênh, tiêu, sáo đều được sáng tạo dựa trên tiếng hót của một loài chim. Đó chính là chim phượng hoàng!

Trên ngọn núi Côn Luân huyền bí, trong khu vườn của Tây Vương Mẫu, có một vùng đất màu mỡ phì nhiêu gọi là Ốc thổ. Ốc thổ là nơi trù phú nhất thế gian, có thịt tươi ăn không hết, có suối ngọt không cạn, trên cây kết đầy ngọc trai và ngọc bích, và có vô số chim muông quý hiếm sinh sống vui vẻ ở đây. Trong số đó có một loài chim có chiếc cổ thon dài thanh tao, hàm cong cong như chim én đang mỉm cười, phần lưng có màu sắc rực rỡ trang nghiêm, chiếc đuôi dài mảnh mai như cá chép, và bộ lông rực rỡ sắc màu. Đó chính là loài chim phượng hoàng (1).

Phượng hoàng. (Ảnh: "Họa linh thọ vạn niên . Phượng Hoàng tường vân" của Đới Hồng thời nhà Thanh, được lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung Quốc gia)

Trên cơ thể phượng hoàng có khắc những chữ tượng trưng cho đức hạnh: đầu khắc chữ "Đức", lưng khắc chữ "Nghĩa", bụng khắc chữ "Nhân", hai cánh khắc chữ "Thuận". Phượng hoàng không cần nhạc đệm, mà tự mình có thể ca múa, chỉ cần phượng hoàng xuất hiện, cả thiên hạ sẽ thái bình (2).

Trong sách "Trang Tử - Thu Thủy", có một câu chuyện như sau:

Một người bạn của Trang Tử là Huệ Thi làm tể tướng ở nước Lương. Trang Tử đến thăm Huệ Thi, nhưng có người nói với Huệ Thi rằng: "Trang Tử đến cướp chức tể tướng của ngài!".

Huệ Thi vô cùng lo lắng, đã truy tìm Trang Tử suốt ba ngày ba đêm. Cuối cùng, Trang Tử tự mình xuất hiện và nói với Huệ Thi rằng:

"Miền Nam có một loài chim tên là Uyên Sồ, ngài có biết không? Uyên Sồ bay từ biển Nam đến biển Bắc, dọc đường nếu không có cây ngô đồng thì sẽ không nghỉ ngơi, không có quả của cây trúc thì không ăn, không có nước suối ngọt thì không uống.

Có một con cú mèo bắt được con chuột thối. Uyên Sồ bay ngang qua. Nhìn thấy Uyên Sồ, cú mèo kêu lên "chiếp" để dọa Uyên Sồ bay đi.

Giờ đây, ngài muốn dùng nước Lương của ngài để dọa tôi sao?" (3).

Trang Tử (Ảnh: Tranh của Hoa Tổ Lập thời nhà Nguyên)
Trang Tử .(Ảnh: Tranh của Hoa Tổ Lập thời nhà Nguyên)

Uyên Sồ, thực ra chính là một giống phượng hoàng có màu lông hơi vàng (4).

Các bạn hãy thử ngẫm thử xem: phượng hoàng bay từ phương Nam xa xôi đến phương Bắc, trải qua một quãng đường dài như vậy. Dù dọc đường có mệt mỏi, đói khát đến thế nào, phượng hoàng cũng không hạ thấp nguyên tắc của bản thân. Thế nhưng cú mèo lại cho rằng phượng hoàng muốn cướp con chuột thối của mình. Đó chẳng phải là chuyện đáng cười hay sao?

Trang Tử dùng ví dụ này để nói lên chí hướng của mình, ví von chức tể tướng của Huệ Thi như một con chuột thối, đồng thời thể hiện rằng bản thân không coi trọng danh lợi. Qua đó chúng ta cũng có thể thấy phượng hoàng thanh cao và kiêu hãnh đến mức nào.

Phượng hoàng là vua của muôn loài chim. Chỉ cần tiếng hót của phượng hoàng cất lên, tất cả các loài chim khác đều phải tỏ lòng tôn kính. Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu, phượng hoàng đã có vị trí cao quý như vậy. Theo truyền thuyết dân gian, từ rất rất lâu trước đây, phượng hoàng cũng chỉ là một loài chim nhỏ bình thường, không có bộ lông rực rỡ sắc màu. Thế nhưng, không giống như những loài chim khác chỉ biết ăn no rồi chơi đùa, phượng hoàng bận rộn từ sáng đến tối, nhặt tất cả những quả do các loài chim khác vứt đi rồi cất vào hang để sử dụng trong trường hợp cần thiết.

Có một năm, rừng xảy ra hạn hán lớn. Các loài chim đều không tìm được thức ăn, đến mức sắp đói chết! Lúc ấy, phượng hoàng mở hang, lấy số quả đã tích trữ nhiều năm ra chia cho các loài chim khác, cứu sống tất cả các loài chim. Sau trận hạn hán, để cảm ơn ơn cứu mạng của phượng hoàng, mỗi loài chim đã nhổ một chiếc lông đẹp nhất trên cơ thể mình, làm thành một bộ xiêm y rực rỡ năm màu dâng cho phượng hoàng, và thống nhất tôn phượng hoàng làm vua của loài chim.

Về sau, cứ đến sinh nhật của phượng hoàng, tất cả các loài chim đều bay đến làm lễ và chúc mừng phượng hoàng. Đây chính là nguồn gốc của thành ngữ "Bách điểu triều Phượng" (Muôn loài chim hướng về phượng hoàng).

Bách điểu triều Phượng. (Ảnh: Hàng thêu Quảng Đông, được lưu giữ tại Viện bảo tàng Cố cung)

Với sự cao quý và xinh đẹp đặc biệt như vậy, từ lâu người ta đã dùng hình ảnh phượng hoàng để làm biểu tượng cho những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Người phụ nữ cao quý nhất thời xưa chính là hoàng hậu. Trên quần áo của hoàng hậu luôn có thêu hình phượng hoàng, nên được gọi là phượng bào; trên đầu của hoàng hậu có đeo trang sức hình phượng được gọi phương xoa và phượng quan; xe ngựa chở hoàng hậu cũng được trang trí bằng lông vũ ngũ sắc và khắc hoa văn phượng hoàng được gọi là phượng dư. Điều này thể hiện rằng hoàng hậu phải có tất cả những phẩm chất tốt đẹp của phượng hoàng mới có thể thành bậc mẫu nghi thiên hạ. Khi người dân tổ chức hôn lễ, cô dâu sẽ đội một chiếc mũ phượng và mặc một bộ trang phục lộng lẫy, bởi vì đó là ngày đẹp nhất của cô dâu, xứng đáng được mọi người chú ý và khen ngợi giống như phượng hoàng.

Kim lũy ti phượng điền khẩu (Điền khẩu là mũ của các phi tần thời nhà Thanh. Phi tần thường dùng điền khẩu hình phượng, có những loại như cửu phượng, thất phượng, ngũ phượng (họa tiết chín chim phượng, bảy chim phượng, năm chim phượng). Cửu phượng điền khẩu là dành cho Hoàng thái hậu, Hoàng hậu sử dụng) (Hình ảnh: Bảo tàng Cố cung)

Mọi người còn thích dùng hình ảnh phượng hoàng tắm trong biển lửa để ví von cho sự lột xác, tái sinh từ trong khó khăn. Vậy vì sao phượng hoàng có thể niết bàn sống lại?

Trên mạng Chính Kiến có ghi chép một câu chuyện như sau:

Từ rất lâu rất lâu về trước, từng có một trận chiến chính tà trong vũ trụ, phượng hoàng cùng tộc rồng cùng nhau bảo vệ chính nghĩa. Trong lúc chiến đấu vô cùng nguy cấp, tộc rồng bị thương vong nặng nề, có một con rồng đã bị thương nặng nhưng vẫn cố gắng chiến đấu dũng cảm. Khi ấy, phượng hoàng đã xông vào ứng cứu. Trong khoảnh khắc sống còn đó, phượng hoàng đã không ngần ngại hy sinh bản thân để bảo vệ rồng. Hành động anh dũng này đã chấn động cả Thiên giới.

Rồng vô cùng cảm động, không biết lấy gì đền đáp, nên đã không hề do dự phun ra một ngọn chân hỏa (lửa), một loại thần thông vô cùng đặc biệt và quý giá, giúp phượng hoàng sống lại. Giữa biển lửa sắp trở thành tro tàn, phượng hoàng đã được tái sinh. Từ đó, loại thần thông niết bàn này đã đi cùng phượng hoàng, trở thành một phần của loài chim này. Sau khi cơ thể có thêm loại thần thông này, từng chiếc lông vũ của phượng hoàng giống như ngọn lửa, có năm màu, cháy rực không bao giờ tắt, vô cùng xinh đẹp. Câu chuyện phượng hoàng niết bàn cũng lưu truyền đây (5).

Liệu có phải phượng hoàng là sản phẩm tưởng tượng trong thần thoại hay không?

Thực ra trong lịch sử vẫn luôn có ghi chép về sự xuất hiện của phượng hoàng, ví dụ như đài Phượng Hoàng mà Lý Bạch từng leo lên được đặt tên theo truyền thuyết rằng phượng hoàng từng đậu ở đây. Chỉ là số lần phượng hoàng xuất hiện quá ít ỏi khiến con người dần quên đi loài chim này.

Phượng hoàng là biểu tượng của một thời đại thái bình thịnh vượng. Có lẽ vì thế gian quá nhiều hỗn loạn, lòng người không còn tin vào những điều thần kỳ nên con người sẽ không còn được nhìn thấy loài chim này nữa!

Văn Dật Phi - SOH
Đức Nhân biên dịch

Chú thích:

1, "Sơn hải kinh - Đại hoang tây kinh": "Có nước Ốc, người dân nước Ốc sống ở đó. Ở vùng hoang dã nước Ốc, người dân ăn trứng phượng hoàng, uống nước cam lộ. Bất cứ thứ gì họ muốn, nơi đây đều có đầy đủ. Nơi đây còn có cam hoa, ngọc tuyền, cam tướng, ngọc bích, bạch liễu, thị nhục, cẩm thạch, bạch đan, thanh đan và nhiều bạc, sắt. Chim Loan tự hót, chim Phượng tự múa, nơi đây có trăm loài thú, tập trung ở đó gọi là Ốc Dã".

"Nhĩ nhã - Thích điểu”: Chim phượng hoàng, con mái gọi là hoàng. Chú thích của Quách Phác đời Tấn: "Chim phượng hoàng là chim báo điềm lành, đầu gà, cổ rắn, hàm én, lưng rùa, đuôi cá, lông ngũ sắc, cao chừng sáu thước".

  1. "Sơn Hải Kinh - Hải nội kinh": "Chim loan tự ca hát, chim phượng tự múa. Trên đầu chim phượng có chữ "Đức", trên cánh có chữ "Thuận", trên ngực có chữ "Nhân", trên lưng có chữ "Nghĩa", hễ xuất hiện thì thiên hạ thái bình".
  2. "Trang Tử - Thu Thủy": Huệ Tử làm quan nước Lương, Trang Tử tính qua nước Lương thăm. Nhưng, có kẻ nói với Huệ Tử: “Trang Tử mà qua đây, là để cùng ông tranh ngôi tướng quốc.” Huệ Tử sợ, cho kẻ canh chừng suốt ba ngày ba đêm, đợi Trang Tử đến thì bắt. Trang Tử hay chuyện, không đi. Sau rồi lại đến. Gặp Huệ Tử, Trang Tử bảo: “Phương Nam có con chim tên là Uyên Sồ, ông có biết không? Uyên Sồ từ biển Nam bay qua biển Bắc, nếu không gặp cây ngô đồng thì không chịu đậu; nếu không gặp hột luyện thì không ăn; nếu không gặp nước suối trong thì không uống. Có con chim cú mèo đang rỉa xác chuột chết giữa cánh đồng thấy Uyên Sồ bay ngang, sợ nó giành miếng ăn nên kêu to lên để dọa Uyên Sồ đừng đáp xuống. Nay, vì sợ cái ngôi tướng quốc của ông ở nước Lương nên ông kêu to lên để dọa tôi sao?”.
  3. "Quốc tiểu cam châu" cuốn 10: Có năm loại chim phượng hoàng, năm màu trong đó đỏ là chim phượng hoàng; vàng là Uyên Sồ; xanh là chim loan; tím là chim loan trạc; trắng là chim thiên nga"
  4. Trang Chính Kiến "Bí mật Phượng Hoàng lửa bất tử".



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao phượng hoàng tắm lửa tái sinh