Tần Thủy Hoàng gặp Tiên nhân, khát vọng cầu Tiên học Đạo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ năm đầu xưng đế, Tần Thủy Hoàng đã nhiều lần chứng kiến những câu chuyện kỳ diệu, đồng thời cũng có cơ hội gặp gỡ nhiều bậc Thánh, Tiên, Đạo. Từ đó ông không ngừng tìm Tiên cầu Đạo, khao khát được tu luyện trở về.

Họa sĩ thần kỳ

Thời ấy, thủ phủ Hàm Dương là nơi “phương sĩ vụ tập, kỳ tự di bố” (phương sĩ tụ tập, việc cầu cúng và tế lễ trở nên thịnh hành), không khí tu Đạo tại kinh thành cũng bước vào thời cực thịnh.

Thủy Hoàng năm thứ nhất (năm 221 TCN), một tiểu quốc ở phương xa là nước Khiên Tiêu dâng tặng nhà Tần một bậc thầy hội họa. Vị họa sư này tên là Duệ, không chỉ giỏi vẽ tranh mà còn có sở trường điêu khắc ngọc thạch, ông đã từng biểu diễn những kỹ nghệ xuất thần nhập hóa ngay trước mặt hoàng đế.

Một lần, họa sư Duệ ngậm màu trong miệng rồi phun lên mặt đất, lập tức trên mặt đất xuất hiện đủ mọi hình ảnh kỳ quái lạ lùng. Ông còn khắc ngọc thạch thành các loại dã thú với đầy đủ mọi dáng vẻ và hình dạng khác nhau, ngay cả lông mao cũng sống động y như thật. Sau khi hoàn thành, họa sư Duệ liền khắc ngày tháng lên ngực của từng con thú ngọc.

Tiếp đó, ông duỗi ngón tay vẽ lên mặt đất một đường thẳng dài 300 trượng (khoảng 540 m), thẳng tắp như khi dùng thước kẻ vẽ ra. Trên tấm vải nho nhỏ, ông vẽ địa đồ của các nước chư hầu, từng chi tiết nhỏ sông núi nước chảy cũng được khắc họa hết sức tinh tế. Ông còn vẽ rồng phượng sánh đôi, chim phượng sải rộng đôi cánh như sắp bay, trông vô cùng sống động.

Khi tiết mục hạ màn, ông nhắc mọi người rằng chớ nên vẽ mắt vào những bức tranh và ngọc khắc này, bởi chỉ cần chấm một điểm làm mắt thì chúng sẽ bay đi. Tần Thủy Hoàng ngạc nhiên thốt lên: “Chẳng qua chỉ là tranh vẽ và điêu khắc thôi, nào đâu biết chạy biết bay?”.

Sau đó, Thủy Hoàng sai người vẽ lên hai con hổ ngọc, mỗi con chấm một điểm làm mắt. Lúc đầu không có gì bất thường xảy ra, nhưng chỉ 10 ngày sau đó, hai con hổ ngọc bỗng dưng biến mất, dù có tìm thế nào cũng không tìm được.

Chẳng bao lâu sau, có thôn dân trên núi kể lại rằng: “Chúng tôi từng nhìn thấy hai con hổ một mắt đi cùng nhau, bộ lông của chúng đều màu trắng, trông khác với những con hổ bình thường”.

(Ảnh: Luxo / Wiki, CC BY-SA 3.0)

Một năm sau, Tây Vực dâng tặng hai con bạch hổ, cả hai đều chỉ có một mắt. Tần Thủy Hoàng hạ lệnh mở lồng ra xem, ông ngờ rằng đó chính là hai con hổ ngọc mất tích trước đây. Đến khi kiểm tra phần ngực của chúng, quả nhiên nhìn thấy ký tự ngày tháng mà họa sư Duệ khắc năm xưa.

Thần nhân cưỡi tàu ngầm

Cùng năm ấy, có một con thuyền hình vỏ ốc cập bến nhà Tần. Con thuyền kỳ lạ này có thể lặn sâu dưới đáy biển mà không bị thấm nước, kiên cố giống như tàu ngầm hiện nay, người đương thời gọi đó là “thuyền Luân Ba”. Trong thuyền có một người khổng lồ mặc áo lông thú, thân cao mười trượng (khoảng 20 m) bước ra. Ông ta tự xưng là người ở Uyên Cừ. Tần Thủy Hoàng cùng Uyên Cừ chuyện trò rất vui vẻ. Uyên Cừ cũng kể cho Thủy Hoàng về cảnh tượng lúc khai trời mở đất, lời kể rất chi tiết sống động giống như đã tận mắt chứng kiến vậy.

Uyên Cừ nói với Tần Thủy Hoàng:

“Thời trẻ, tôi có thể bay lại trên không, một ngày ngao du vạn dặm. Đến lúc cao tuổi, tôi đã thấy được các sự việc khắp ngoài cõi trời đất. Quê hương của tôi cách ao Hàm Trì nơi mặt trời lặn chín vạn dặm, ở đó một ngày dài bằng vạn năm ở chỗ các ngài đây. Thường ngày mây mù lãng đãng, khi trời nắng toàn bộ mây trên bầu thiên khung tách ra, ánh sáng như lân quang lấp lánh trên dòng Trường Giang, như mặt nước long lanh trên sông Hán Thủy, lúc ấy long phượng màu xanh đen sẽ bay lượn rồi hạ xuống, nhẹ nhàng uyển chuyển múa.

Đến đêm, chúng tôi đốt đá để soi sáng xung quanh. Loại đá này đến từ Nhiên Sơn, đất và đá của ngọn núi ấy phát ra ánh sáng rực rỡ, đá chỉ đập một cái liền vỡ vụn thành những hòn sỏi lớn như hạt gạo, chỉ một hạt ấy là đủ để chiếu sáng cả căn phòng. Thứ lửa mà trước đây Viêm Đế dùng để dạy dân nấu chín thức ăn chính là loại lửa ấy. Hôm nay tôi mang đến tặng quý quốc loại đá này, nếu ai đó ném đá vào khe suối thì lập tức dòng nước sẽ sôi lên ùng ục, tuôn trào bọt chảy dài hàng chục dặm trên dòng Trường Giang, thứ ấy được gọi là Tiêu Uyên.

Nơi tôi sống cách gò Hiên Viên quốc thổ của Hoàng Đế mười vạn dặm. Lúc đầu khi Hoàng Đế khai thác quặng đồng ở Thủ Sơn để đúc thành chiếc đỉnh lớn, tôi đã chú ý đến hỏa khí màu vàng kim ở vùng ấy. Đến khi tôi bay tới kiểm tra thì tam đỉnh đã được đúc thành rồi, còn Hoàng Đế thì cưỡi phi long đắc Đạo thăng thiên. Tôi từng thấy Ký Châu có vân khí lạ thường, đoán chắc là sắp có Thánh nhân đản sinh, quả nhiên là Nghiêu Đế chào đời. Tôi còn thấy mây hồng bay đến thành Phong Hạo, thế là tôi bèn đến xem xét, thì ra là điềm lành báo hiệu Tây Chu sắp ra đời”.

Những câu chuyện của Uyên Cừ đã mở ra một chân trời mới, Tần Thủy Hoàng cũng được mở rộng tầm mắt, ông không khỏi tán thán rằng: “Vị khách này thực sự là Thần nhân!”. Từ đó ông càng thêm vững tin vào những chuyện tu Tiên, tu Đạo.

Câu nói của Uyên Cừ mở ra chân trời mới (Ảnh: SOH)

Gặp Tiên nhân An Kỳ Sinh

Thủy Hoàng năm thứ ba, Tần Thủy Hoàng đi về phía đông đến núi Thái Sơn để cử hành đại lễ Phong Thiện, ông đã gặp một người tu Đạo ở Phụ Hương, Lang Gia, tên là An Kỳ Sinh. An Kỳ Sinh không ra làm quan mà chỉ làm một người bán thuốc ở vùng ven biển. Vì thấy ông rất cao tuổi nên mọi người đều gọi ông là “Thiên Tuế Công”.

Tần Thủy Hoàng cùng với An Kỳ Sinh trò chuyện suốt ba ngày ba đêm, cuối cùng ông dâng tặng An Kỳ Sinh món quà trị giá mấy ngàn vạn ngọc vàng. Trước khi rời đi, An Kỳ Sinh đặt những tặng phẩm ấy vào ngôi đình ở bên ngoài thành Phụ Hương, sau đó để lại một phong thư ngắn và đôi giày ngọc màu đỏ. Trong thư viết: “Vài năm tới, sẽ hãy đến Bồng Lai tìm ta!”.

Núi Bồng Lai nằm ở nơi nào? Phương sĩ Từ Phúc từng nói với Tần Thủy Hoàng: "Ở một nơi rất xa trên biển có ba tòa núi Tiên, tên là Bồng Lai, Phương Trượng, và Doanh Châu. Trên đảo có rất nhiều vị Thần sinh sống, trong đó Bồng Lai chính là nơi An Kỳ Sinh cư trú".

Tần Thủy Hoàng liền phái Từ Phúc cùng với đoàn tùy tùng mấy trăm người dong thuyền ra biển, nhưng trên đường gặp sóng to gió lớn, đoàn người đành tay không trở về. Tần Thủy Hoàng rất lấy làm tiếc, bèn sai người xây dựng hơn mười ngôi chùa ở ven biển để tế tự An Kỳ Sinh.

Tiên thảo bất tử trường sinh

Có lần, nước Đại Uyên ở vùng Tây Vực truyền đến tin tức về một loại cỏ tiên có khả năng cải tử hoàn sinh. Lúc ấy có rất nhiều người bất đắc kỳ tử chết giữa đường, một đàn chim ngậm thứ cỏ kỳ lạ phủ lên mặt người chết, không lâu sau những người này liền sống dậy trở về. Các quan viên báo cáo tin tức lên triều đình, Tần Thủy Hoàng liền phái sứ giả mang theo tiên cỏ đi hỏi bậc Đạo nhân vô cùng nổi danh lúc bấy giờ – Quỷ Cốc Tử.

Quỷ Cốc Tử là sư phụ của Tô Tần và Trương Nghi, ông là bậc cao nhân tinh thông Pháp lý của Thiên Địa, biến hóa vô cùng huyền diệu. Quỷ Cốc Tử nói với sứ thần: "Trong biển lớn có mười đảo Tiên là Tổ Châu, Doanh Châu, Huyền Châu, Viêm Châu, Trường Châu, Nguyên Châu, Lưu Châu, Quang Sinh Châu, Phụng Lân Châu, Tụ Quật Châu. Loại cây này là cỏ bất tử mọc ở Tổ Châu, mọc lên từ ruộng Quỳnh Ngọc, được gọi là Dưỡng Thần Chi, thoạt trông giống như ngọn rau su su, thân cây có thể cao tới vài thước, mỗi cây cỏ tiên có thể cứu sống được một ngàn người".

Tần Thủy Hoàng cầm lên xem thử, quả thực có thể khiến người ta lập tức hoàn hồn.

Mao Mông đắc Đạo thăng thiên

Trong thành Hàm Dương có một người tên là Mao Mông, tự Sơ Thành. Ông thấy trước nhà Chu sẽ suy vi nên đã ngẩng đầu lên trời than rằng: “Đời người như tia chớp, sao có thể say mê mãi cõi hồng trần”. Do đó Mao Mông không cầu tiến thân mà chỉ muốn học thuật trường sinh bất lão, bèn theo Quỷ Cốc tiên sinh lên Hoa Sơn tu luyện. Ngày Canh Tý tháng 9 năm Tần Thủy Hoàng thứ 30, Mao Mông tu thành đắc Đạo và cưỡi xích long bạch nhật phi thăng lên trời.

Một người tu thành Thần Tiên há chẳng phải sẽ khiến lòng người chấn động sao? Dân chúng trong thành vì chuyện này mà lưu truyền bài đồng dao:

Đắc Đạo thành Tiên Mao Sơ Thành
Cưỡi rồng thăng thiên cung Thái Thanh
Hiện ở Huyền Châu Xích Thành giỡn
Đời tiếp lên đó chính là Doanh
Nếu vua muốn học Lạp Gia Bình

Tần Thủy Hoàng nghe đến hai câu cuối của bài đồng dao, ông mơ hồ hiểu rằng bài ca đang ám chỉ bản thân mình. Thâm tâm ông vô cùng chấn phấn, sau đó ông liền chiểu theo lời thơ mà đổi tên tháng 12 (thường gọi là Lạp Nguyệt, tức tháng Chạp) thành “Gia Bình”.

“Sử Ký” viết: “Tam thập nhất niên thập nhị nguyệt, cánh danh lạp viết gia bình”, nghĩa là: Vào năm thứ 31, Tần Thủy Hoàng đổi tên lễ Lạp tháng 12 thành Gia Bình.

“Thừa long sủng đồ” - Tranh vẽ của Mã Viễn thời Tống (Ảnh: Bảo tàng Cố cung Quốc gia, Đài Loan)

Từ Phúc ra biển cầu Tiên

Mặc dù là bậc đế vương nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn một lòng tìm kiếm con đường tu luyện. Ông từng phái rất nhiều đoàn quân khác nhau đi khắp nơi cầu Tiên tầm Đạo, trong đó Lư Sinh đi tìm kiếm Tiên nhân Tiện Môn; Từ Phúc ra biển tìm núi Tiên; Hàn Chung, Hầu Công và Thạch Sanh đi tìm thuốc trường sinh…

Tuy nhiên, những người như Từ Phúc và Lư Sinh chỉ là các phương sĩ theo tiểu đạo thế gian, năng lực của họ kém rất xa so với các vị Thần Tiên đắc Đạo như Uyên Cừ, An Kỳ Sinh, Mao Mông, v.v.

“Sử Ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ” viết:

Bọn phương sĩ Từ Phất ra biển tìm thần dược mấy năm mà không được, phí tổn rất lớn, sợ bị trách phạt nên nói dối rằng: “Thuốc ở Bồng Lai vốn có thể lấy được, nhưng bọn thần thường bị một con cá mập lớn cản trở nên chẳng thể tới nơi, xin cho kẻ thiện xạ theo cùng, hễ thấy nó thì dùng liên nỗ mà bắn”.

Thủy Hoàng nằm mơ thấy mình giao chiến với thần biển, hình dạng tựa như người, bèn hỏi người bói mộng. Bác sĩ nói: “Thủy Thần không thể trông thấy được, phải lấy cá lớn, giao long làm thế thân. Nay chúa thượng cầu đảo đầy đủ cẩn thận mà vẫn có loại thần ác như thế xuất hiện, nên trừ bỏ đi, lúc ấy thần thiện mới tới được”. Thủy Hoàng bèn lệnh cho người đi biển mang theo những dụng cụ bắt cá lớn, lại tự mình cầm liên nỗ chờ cá lớn xuất hiện thì bắn nó. Từ Lang Da lên bắc tới núi Vinh Thành mà không thấy cá đâu, khi tới Chi Phù, có cá lớn xuất hiện, bắn giết được một con, thế rồi đi men theo biển sang phía tây.” (*)

Từ Phúc từng nhận lệnh Tần Thủy Hoàng ra biển tìm Tiên, mang theo đồng nam đồng nữ mỗi đội 500 người, cùng với các loại thợ thủ công cho đến các loại hạt giống ngũ cốc, sau đó đoàn người lũ lượt rầm rộ xuất hành.

Từ Phúc ra biển thấy một hòn đảo thủy trạch dồi dào, cỏ cây phong phú, địa thế bình phẳng, ông liền tự ý xưng vương và không quay trở về nữa. Tương truyền, nơi ấy chính là Nhật Bản, Từ Phúc trở thành tổ tiên của người Nhật Bản, nhờ đó văn hóa tu Đạo của Trung Hoa cũng được truyền về phía Đông tới Nhật Bản.

Tranh vẽ của họa sĩ Nhật Bản vào thế kỷ 19 (Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Mỹ)

Lư Sinh

Một phương sĩ khác là Lư Sinh, tức Lư Ngao được nhắc đến trong “Thần Tiên Truyện”. Lư Ngao tu hành trong tiểu đạo, tự cho rằng tầng thứ rất cao siêu. Một lần, nguyên thần của ông ta ly thể, Thần du đến núi Mông Cốc, thấy một vị Thần Tiên từ thời viễn cổ tên là Nhược Sĩ. Nhược Sĩ có đôi mắt trũng sâu, sống mũi cao và thẳng, vầng trán rộng, cằm mỏng, cổ rất dài và nhỏ, hai bờ vai rộng và nhô lên như chim diều hâu.

Nhược Sĩ đang tiêu diêu tự tại trong gió, vừa quay đầu lại thì nhìn thấy một kẻ lạ mặt, sau đó ông liền chầm chậm hạ hai cánh tay xuống rồi độn thân vào bên dưới khối cự thạch trên núi. Lư Sinh ngẩng đầu lên nhìn ông, chỉ thấy ông cuộn tròn thân thể, co ro trong chiếc mai rùa.

Lư Ngao liền nói với Nhược Sĩ: “Xưa nay tôi vẫn thích đi một mình, về một mình. Tôi đã đi khắp tứ cực, nhìn thấu cảnh vật ngoài bốn phương trời đất, duy chỉ có Thái Âm Sơn ở phương bắc là vẫn chưa được thấy. Hôm nay gặp tiên sinh ở đây, có lẽ ngài có thể làm bạn với tôi chăng?”.

Nhược Sĩ nhe răng cười:

“Ha ha, ngài là người Trung Thổ, không nên lặn lội xa xôi đến vậy. Ở đây ngài vẫn thấy mặt trời và Ngân Hà, nhưng những thứ đó không thể nói là nơi thâm sâu huyền bí gì cả. Trước đây tôi từng đến vùng đất hoang vu rộng lớn không có điểm tận cùng ở phương nam, đến hương thôn trầm mặc yên tĩnh ở phương bắc, đến căn nhà xa xôi mịt mùng cùng tận ở phương tây, sau đó lại đi mãi đến phía đông nơi trạng thái hỗn độn trước khi thiên địa phân khai.

Tôi đã ở nơi mà xuống không nhìn thấy đất, lên không nhìn thấy trời, nhìn không thấy bất kể vật thể gì, nghe không thấy bất cứ thanh âm nào, vậy mà vẫn chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi giữa thiên khung rộng lớn. Còn như nói về phần còn lại của vũ trụ, cho dù thần thông của tôi có thể nhảy xa thiên vạn lý cũng không cách nào thấy được điểm tận cùng. Hôm nay ngài thần du đến đây, ngài nói rằng bản thân đã nhìn thấy khắp tứ cực, chẳng phải là tầm nhìn quá hẹp hòi nông cạn hay sao? Vậy nên, ngài hãy đợi ở đây nhé! Tôi đã hẹn với Tiên nhân Mạn Hãn chín ngày nữa sẽ gặp mặt, không thể lưu lại ở đây lâu được!”.

Nói xong, Nhược Sĩ tung người nhảy vào trong mây. Lư Ngao ngẩng đầu vọng nhìn bóng lưng Tiên nhân khuất dần mãi cho đến khi biến mất không còn tung tích nữa. Lư Ngao vừa cảm thương vừa hối hận, ưu tư như vừa mất đi thứ gì đó quý giá: “Ngài giống như chim Đại Bằng, còn tôi chẳng qua chỉ là con sâu cái kiến trên mặt đất mà thôi! Tuy rằng tôi mỗi ngày đều du hành, nhưng vẫn chỉ là bò đi bò lại trong gang tấc, vậy mà tôi còn lầm tưởng rằng đã du hành vô số. Nghĩ lại, tôi thấy mình thật nhỏ bé đến đáng thương!”.

Lư Ngao tầng thứ có hạn, vĩnh viễn không cách nào tìm được Tiên Đạo chân chính. Do đó ông ta đã nói với Tần Thủy Hoàng: “Bọn thần đi tìm cỏ chi, thuốc lạ, tiên nhân mà thường không gặp được, dường như có thứ gì đó ngăn trở. Trong phương thuật có một cách này, ấy là bậc nhân chủ thường xuyên vi hành để tránh ác quỷ, ác quỷ tránh được rồi thì chân nhân sẽ tới (...) Mong chúa thượng ngự ở cung nào thì chớ để người ta biết, sau đấy thuốc bất tử mới có thể tìm thấy được”. (*)

Sau này Lư Sinh không còn thi triển được tài nghệ gì nữa, ông ta bèn bắt đầu bôi nhọ Tần Thủy Hoàng rồi trốn đi biệt tăm.

Từ Phúc và Lư Sinh đã cô phụ lời phó thác của hoàng đế, bịa đặt gây chuyện, dẫn đến chuyện sau này Tần Thủy Hoàng mạnh tay lùng bắt hơn 400 phương sĩ mù quáng theo tiểu Đạo, trong số đó cũng liên quan đến rất nhiều Nho sinh học tạp loạn các loại phương thuật. Đây cũng chính là sự kiện ‘đốt sách chôn Nho’ trong lịch sử.

Sau này Tần Thủy Hoàng mắc bệnh nặng rồi băng hà khi đang trên đường tuần du phương nam, điều ấy đã được ghi chép trong sử sách. Tuy nhiên trong một cuốn sách Đạo giáo là “Vân Cấp Thất Thiêm” quyển 86 “Thi giải tam” lại chép rằng, Tần Thủy Hoàng đã đắc Đạo thăng Thiên, quy vị làm “Bắc Đế Thượng Tướng”.

Minh Tâm
Theo Lý Dực Tâm - Sound of Hope

(*) Theo bản dịch “Sử Ký” của Cổ Thư Lâu.

 



BÀI CHỌN LỌC

Tần Thủy Hoàng gặp Tiên nhân, khát vọng cầu Tiên học Đạo