Tàu ngầm tấn công hạt nhân tối mật của Mỹ bất ngờ đến Hàn Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lần đầu tiên sau khoảng 40 năm, một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ tới Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Đây được cho là động thái răn đe kẻ thù và bảo vệ đồng minh của Washington.

Hôm 18/7, điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương Kurt Campbell cho biết, một tàu ngầm hạt nhân của Washington đang ghé thăm cảng Busan, Hàn Quốc.

"Một tàu ngầm hạt nhân Mỹ hôm nay cập cảng Busan. Đây là chuyến thăm cảng đầu tiên của tàu ngầm hạt nhân Mỹ sau nhiều thập niên".

Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa loại vũ khí này tới Hàn Quốc kể từ những năm 1980, động thái nhằm thể hiện cam kết răn đe mở rộng của Washington đối với đồng minh Đông Á.

Kế hoạch cử tàu ngầm hạt nhân Mỹ tới Hàn Quốc đã được vạch ra trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Yoon Suk-yeol tại Washington hồi tháng 4.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc xác nhận tàu ngầm Mỹ cập cảng là USS Kentucky, tàu ngầm có khả năng triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (SSBN) lớp Ohio. Chúng có thể phóng tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân từ cách mục tiêu hàng nghìn km và rất khó bị phát hiện.

Tàu ngầm SSBN dựa vào khả năng ẩn mình trong lòng biển để đảm bảo khả năng sống sót và khai hỏa tên lửa hạt nhân khi chiến tranh quy mô lớn nổ ra. Bởi vậy, các hoạt động cập cảng nước ngoài của chúng hiếm khi được Mỹ công khai, nhằm đảm bảo khả năng giữ bí mật hành trình tốt nhất.

Mỹ đang biên chế 14 tàu ngầm SSBN. Tàu ngầm lớp Ohio mang theo 20 tên lửa Trident II D5, mỗi tên lửa có thể triển khai tối đa 8 đầu đạn hạt nhân tới mục tiêu cách 12.000 km.

SSBN đã trở thành hệ thống vũ khí chính của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh vì khả năng răn đe hạt nhân của chúng. Vào thập niên 1970, SSBN Mỹ thường xuyên cập cảng Hàn Quốc, nhưng hoạt động này không tiếp diễn trong hàng chục năm sau đó.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuần trước đã lên án kế hoạch này, cảnh báo động thái của Mỹ "có thể kích hoạt cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trên thực tế".

Tàu ngầm của Mỹ tới Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên leo thang ngày một nóng hơn.

Triều Tiên xác nhận đã phóng tên lửa Hwasong-18 hôm 12/7. Trước đó, Bình Nhưỡng cáo buộc máy bay do thám Mỹ bay vào không phận trên vùng đặc quyền kinh tế của Triều Tiên.

Sau đó, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận phối hợp trên không vào ngày 13/7, với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược B-52H, cùng tiêm kích F-15 và F-16.

Trước đó, tại Washington, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết đã thống nhất với Mỹ thành lập nhóm tư vấn hạt nhân mới và đồng ý đẩy mạnh kế hoạch hạt nhân trước mối đe dọa từ Triều Tiên.

Theo đó, Mỹ - Hàn đồng ý kế hoạch thành lập một nhóm tư vấn hạt nhân mới. Hai bên cũng công bố thỏa thuận ngăn chặn Triều Tiên, bao gồm triển khai tàu ngầm trang bị hạt nhân.

Theo kết quả thăm dò được công bố hồi tháng 2 năm ngoái, 71% trong hơn 1.300 người Hàn Quốc được hỏi ý kiến cho rằng nước này cần phát triển kho vũ khí hạt nhân riêng. Nhiều quan chức trong chính quyền của Tổng thống Yoon cũng lên tiếng ủng hộ việc này.

Tuy nhiên, Mỹ phản đối và đảm bảo Hàn Quốc được bảo vệ dưới "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ.

Trong khi đó Trung Quốc và Triều Tiên đã chỉ trích nhóm động thái này của liên minh Mỹ - Hàn, cho rằng nó khiến căng thẳng leo thang ở bán đảo Triều Tiên.

Viên Minh (Tổng hợp)

Thế giới Quân sự


BÀI CHỌN LỌC

Tàu ngầm tấn công hạt nhân tối mật của Mỹ bất ngờ đến Hàn Quốc