Đoan Ngọ - Tết kỳ lạ nhất của người Việt

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Tháng tư đong đậu nấu chè, ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”.

Những phong tục trong ngày Tết Đoan ngọ không phải là hoạt động ngẫu nhiên tùy thích mà còn đại biểu cho nền khoa học cổ xưa, cho thấy sự kết nối sâu sắc giữa con người với trời và đất.

Tết của những tập tục kỳ lạ

Henri Oger – tác giả người Pháp trong cuốn sách “Kỹ thuật của người An Nam” xuất bản từ 2 thế kỷ trước mô tả Tết Đoan Ngọc là cái ‘Tết kỳ lạ nhất của người Việt’.

Tết Đoan Ngọ là dịp người ta thường ăn tết ở nhà với gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan Ngọ người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi họ ngủ dậy.

Nhà văn Vũ Bằng hoài niệm về Tết Đoan Ngọ đặc biệt khó quên bởi món rượu nếp làm say lòng người:

“Cứ sáng mùng năm tháng năm, các đường phố Hà Nội ngày xưa đâu cũng sang sảng tiếng rao rượu nếp. Kêu một hàng vào mua, cả nhà ăn, chỉ mất hơn hào chỉ là cùng, nhưng có phần thú hơn của nhà làm, không những vì các bà bán hàng này là những chuyên viên làm rượu nếp, mà còn vì lẽ nữa là từ cái chén đến đôi đũa của họ cũng hợp lệ bộ hơn.

Cái chén đựng rượu nếp phải là những cái chén nhỏ như chén chè, còn đũa dùng thì là một thứ đũa riêng vót bằng tre cật, ngắn bằng hai ngón tay, tròn trịa, nhẵn nhụi mà lớn chỉ hơn cái tăm bông một chút… khẽ cầm đũa xới từng hạt rượu nếp lên, để lên đũa rồi thong thả nhấm nhót từng miếng nho nhỏ, be bé và cô sẽ thấy cái rượu ấy nó ngọt biết chừng nào, cái nếp ấy nó ngậm, nó thơm, nó bùi, nó bổ biết chừng nào!”

Những tập tục có thể kể đến trong Tết Đoan Ngọ trong mắt sử gia người Pháp Henri Oger

Tục giết sâu bọ: Theo quan niệm xưa, khi thức dậy phải giết sâu bọ ngay vì thường ngày chúng ẩn sâu trong bụng, chỉ ngày Đoan Ngọ mới ngoi lên, cần phải dùng thức ăn để diệt trừ chúng như rượu nếp, bánh tro, các hoa quả có vị chua chát, uống rượu Hùng Hoàng, xương bồ, nước dừa… để trừ độc.

Tục bôi rượu cho trẻ em: Ngày Tết Đoan Ngọ, trẻ em thường được bôi vôi hoặc rượu vào chán, thóp, rốn để trấn an.

Mặc áo dấu cho trẻ em: Một số gia đình thường mang áo lúa mới đến chùa, đình xin ấn son rồi mang về cho trẻ con mặc để xua đuổi tà khí và tránh các tác động có hại của tự nhiên như nóng, rắn rết tấn công. Tục này mang hướng tâm linh, hiện đã mất trong vài thập kỷ trở lại đây.

Tục xâu lỗ tai cho bé gái trong ngày Tết Đoan Ngọ, vừa để làm đẹp, vừa đánh dấu sự trưởng thành của bé gái.

Tục nhuộm móng tay, móng chân: Vào đêm trước ngày 5-5 âm lịch, phụ nữ và trẻ em thường đi lấy lá móng về nhuộm móng tay, móng chân. Lá móng được giã nhỏ, thêm vài giọt nước chanh, trộn đều rồi đắp vào các móng tay, móng chân; dùng lá vông hoặc lá mướp, sợi rơm buộc lại. Sáng sớm 5-5 mở ra, các móng sẽ có màu đỏ tươi.

Gội đầu xông nước lá thơm vào ngày Đoan Ngọ giúp cơ thể thải độc, tinh thần thư thái, phấn chấn, phụ nữ có mái tóc đen, dài, mượt.

Đạo dưỡng sinh thuận theo Âm Dương Ngũ Hành trong Tết Đoan Ngọ
Cảnh gội đầu lan thang trong tết Đoan Ngọ, bên phải là cây xương bồ. (Ảnh: Toàn Cảnh Lâm / Epoch Times)

Tục đeo bùa ngũ sắc. Tết Đoan Ngọ, người lớn thường đeo cho các em nhỏ chùm bùa ngũ sắc (bùa thua, bùa túi) hoặc túi vải đựng hạt mùi khô ở ngự, buộc chỉ ngũ sắc ở cổ tay, cổ chân, với niềm tin rằng chỉ ngũ sắc ứng với ngũ hành sẽ có tác dụng trừ tà, bột hùng hoàng có tác dụng xua đuổi rắn rết, hạt mùi kị gió.

Tục hái thảo dược làm thuốc. Người xưa cho rằng giờ ngọ (11h-13h) dương khí thịnh nhất, là thời khắc mà dược tính trong các loại cây cỏ đạt tới mức cao nhất nên họ thường đi hái cây thuốc vào giờ này, mang về băm nhỏ, phơi khô để làm thuốc chữa bệnh cho cả năm. Loài thảo dược phổ biến nhất được hái là ngải cứu, đinh lăng, ích mẫu, tía tô, bồ công anh, sen, vòng, vối…

Tục chúc Tết - sêu Tết. Tết Đoan Ngọ là dịp thăm hỏi người thân cho tới những người mà mình mang ơn như thầy giáo, thầy thuốc. Đặc biệt, Tết Đoan Ngọ xưa có tục lệ những chàng trai đã hỏi vợ nhưng chưa cưới thì phải đi sêu nhà bố mẹ vợ tương lai. Vật phẩm mang đi Tết là vài chục con chim ngồi, đôi ngỗng, gạo nếp, đậu xanh, đậu đen, đường đen và hoa quả…

Tục treo lá ngải/cây xương rồng: Ngày Đoan Ngọ, dân gian lấy lá ngải treo trước cửa nhà để tránh đau ốm và trừ tà. Tùy theo năm cầm tinh con gì mà ngải được kết thành hình con giáp theo năm đó. Một số vùng thì thay lá ngải bằng nhánh xương rồng hoặc lá liễu hoặc đặt chậu xương rồng trong nhà.

Đạo dưỡng sinh thuận theo Âm Dương Ngũ Hành trong Tết Đoan Ngọ
Vào ngày Tết Đoan ngọ, người xưa thường treo ngải cứu và xương bồ trước cửa nhà. (Ảnh: Epoch Times)

Tục đổ bệnh cho cây: Trong dân gian, ở một số vùng thường truyền nhau tục lệ vào đúng giờ Ngọ ngày Đoan Ngọ làm một số mẹo để phòng chữa bệnh như: cởi áo đánh trần xoa lưng vào cây chuối để hết rôm sẩy, chị eo phụ nữ lấy dây buộc vào cây sẽ hết đau lưng, đúng giữa trưa ngửa mặt lên trời hoặc nuốt hoa vừng sẽ khỏi bệnh về mắt…

Tục khảo cây. Theo dân gian, trong vườn nhà ai có cây trồng nhiều năm mà không ra trái, hoặc ra ít trái thì đến ngày Tết Đoan Ngọ chủ nhà sẽ làm khảo cây, thường là cây mít cây roi. Khảo cây có thể tiến hành bởi 1 hoặc 2 người, thường là trẻ em. Người khảo dùng gậy hoặc dao đánh vào thân cây, dọa không ra trái sẽ chặt cây, người ở trên ngọn đóng vai cây, van xin đừng chặt, hứa năm sau sẽ ra nhiều trái.

Không chỉ người Pháp thấy kỳ lạ, nhà văn Vũ Bằng từng cảm thán về sự lạ lùng của ngày lễ đặc biệt này, bởi đó là ngày lễ không thể thiếu đối với người Việt:

“Ờ, mà nghĩ cũng thật tình thật. Sống vào cái thời đại mới này, mỗi khi muốn phát động một chiến dịch gì, gây một phong trào gì, kỷ niệm một ngày lịch sử gì ta vẫn thấy dán khẩu hiệu ầm ầm, bắc loa đi cổ động nhân dân sa sả thế mà có nhiều lúc nhân dân cũng lười biếng chẳng theo; vậy mà sao cứ đến mấy ngày lễ vớ vẩn ở đâu, chẳng cần cổ động, chẳng căng biểu ngữ, chẳng hô khẩu hiệu gì mà dân vẫn cứ tự động theo răm rắp? Cứ lấy cái ví dụ người mình, nghìn nhà như một vạn nhà như một, tự động ăn Tết Đoan Ngọ thì đủ biết.

Ở thành thị vào cái tháng này, người ta lo làm ăn. Mỗi phố tổ chức lễ vào hè riềng biệt đã phờ râu ra rồi. Còn ở nhà quê, càng bận, vì tháng năm là tháng làm mùa: Ấy thế mà tôi đố ai thuyết phục nổi nhà quê cũng như thành thị đến ngày mùng năm cứ cắm đầu làm việc, không ăn Tết Đoan Ngọ đấy. Không bao giờ, không bao giờ.”

(Thương nhớ mười hai – Vũ Bằng).

Đạo dưỡng sinh trong Tết Đoan Ngọ

Theo sách “Phong Thổ ký” thì Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Dương. “Đoan” nghĩa là mở đầu, “Ngọ” là giữa trưa, Đoan Ngọ là bắt đầu lúc giữa trưa; còn Dương là mặt trời, là khí dương, Tháng Năm là tháng bắt đầu nắng to, khi dương đang thịnh như Mặt trời vào lúc giữa trưa. Và tháng Năm cũng lại là tháng Ngọ trong một năm. Dương thường được tượng trưng cho năng lượng, ánh sáng và sức mạnh. Đó là lý do đây là dịp lễ cho việc thanh tẩy và xua đuổi tà khí, tiêu độc, giải nhiệt và cũng là hiện thân của một sự khởi đầu mới, thời điểm diễn ra giao thời của tiết khí dẫn đến sự bùng lên dồi dào của những mầm sống.

Thưởng thức ‘Đoan Dương cố sự đồ’ - Tranh vẽ phong tục ngày Tết Đoan ngọ
Bức tranh “Thải dược thảo” trong “Đoan Dương cố sự đồ sách” do họa gia Từ Dương thời Thanh vẽ. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Trung y khẳng định “Ngọ thời thủy” có tác dụng chữa bệnh

Tết Đoan Ngọ là ngày 5 tháng 5 âm lịch, còn được gọi là tết Đoan Dương hay Trọng Ngọ. Vào ngày này, cổ nhân luôn duy trì một thái độ dưỡng sinh thận trọng. Rất nhiều phong tục của Tết Đoan Ngọ thực sự tương ứng với đạo dưỡng sinh theo Âm Dương Ngũ Hành.

Người xưa vẫn luôn tin tưởng và kính trọng sự hòa hợp giữa trời và đất. Theo bộ sách đồ sộ về thảo mộc học Trung Quốc của danh y Lý Thời Trân, “Bổn thảo cương mục,” các loại thuốc được sắc vào ngày Tết Đoan ngọ cho thấy hiệu quả thần kỳ, đặc biệt là những thảo mộc được hái dưới ánh nắng chính ngọ.

Thưởng thức ‘Đoan Dương cố sự đồ’ - Tranh vẽ phong tục ngày Tết Đoan ngọ
Bức tranh “Huyền ngải nhân” trong “Đoan Dương cố sự đồ sách” do họa gia Từ Dương thời Thanh vẽ. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Thời Trân, y học gia vĩ đại thời nhà Minh từng nói, nước vào ngày 5 tháng 5 Hoàng lịch cũng là một loại “tiết khí thủy”, có tác dụng phòng dịch, giải độc, đặc biệt thích hợp để bào chế thành những vị thuốc có tác dụng kiềm chế độc tính như bệnh lỵ sốt rét, lở loét vàng da và các loại giun, sán. Ông cũng nói rằng nếu trời mưa vào trưa ngày 5 tháng 5 thì đó thực sự là “Thần thủy”, là bảo vật mà Thượng Thiên ban cho. Vì vậy, phải chặt cọc tre vào giữa trưa rồi nhanh đem các khớp tre chắt lấy nước, sắc uống có thể “thanh nhiệt giải đờm, định kinh an thần”; dùng để chế dược thì chủ trị các loại giun sán trùng tích tụ trong ruột, uống với thát can (gan của con rái cá) như thuốc.

Tất cả các ngày trong năm đều có giờ Ngọ (khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều), nhưng chỉ có nước vào giờ Ngọ trong Tết Đoan Ngọ mới được đặc biệt gọi là “Ngọ thời thủy”. “Ngọ thời thủy” vào tết Đoan Ngọ rất được coi trọng về nhiều mặt và đã nổi danh từ xa xưa, tắm lan thang cũng là dùng “Ngọ thời thủy” này. Cuốn “Vạn Vật Luận” của Dương Tuyền thời nhà Tấn nói rằng: “Sở dĩ lập thiên địa giả, thủy dã” (Sở dĩ lập nên thiên địa cũng là nước vậy), cho nên “ngọ thời thủy” cũng có thể là phản ánh thông điệp về âm dương của Trời Đất.

Phong tục của Tết Đoan Ngọ đã phản ánh quan niệm về thiên nhân hợp nhất, cũng như những sáng tạo của người xưa trong việc vận dụng Đạo dưỡng sinh tương ứng với Âm Dương Ngũ Hành. Người đời sau noi theo phong tục của văn hóa truyền thống để đón Tết, có thể nói là không biết Đạo mà đã ở trong Đạo. Vì thế, mỗi ngày lễ cổ truyền là một dịp để khám phá ra trí tuệ văn hóa ẩn chứa trong các phong tục của cổ nhân.

Quế Thư



BÀI CHỌN LỌC

Đoan Ngọ - Tết kỳ lạ nhất của người Việt