Thần chú mạnh mẽ nhất trong lịch sử? Bí mật lớn của âm thanh và năng lượng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thời cổ đại, một số âm thanh u… u… khe khẽ vang vọng bên trong tinh cầu, những âm thanh này bắt nguồn từ sóng âm được sinh ra bởi tần số năng lượng của các vật thể. Theo dòng chảy thời gian, những sóng âm này tích tụ ngày càng mạnh mẽ, như một quả cầu tuyết, và năng lượng của chúng cũng tăng dần. Cuối cùng, rất nhiều sự vật bao gồm cả sinh vật trong đó đã được sinh ra.

Âm thanh vũ trụ

Vào ngày 29 tháng 6 năm 2023, một khám phá lớn trong cộng đồng thiên văn học đã được báo cáo rộng rãi trên các bản tin. Nhà vật lý thiên văn Jeff Hazboun phát hiện ra rằng, các vật thể khổng lồ trong vũ trụ, chẳng hạn như các thiên thể, khi chuyển động hoặc va chạm trong không gian, sẽ có tác động kéo giãn và nén đối với cấu trúc của thời gian và không gian, từ đó tạo ra hiện tượng gọi là sóng hấp dẫn. Loại sóng hấp dẫn trong vũ trụ này sẽ dao động rất lâu, vang vọng giữa các vì sao như những nốt nhạc thấp, khiến toàn bộ vũ trụ dường như tràn ngập những tiếng thì thầm sâu xa.

Có thể các bạn sẽ đặt một câu hỏi rằng vũ trụ không phải chỉ là chân không sao? Làm sao nó vẫn có thể phát ra âm thanh? Chúng ta biết rằng âm thanh cần không khí hoặc các vật chất khác làm phương tiện truyền thanh, trong vũ trụ lại không có không khí, vậy làm sao có thể có âm thanh?

Trên thực tế, mặc dù các đám mây khí trong không gian có thể đóng vai trò là môi trường truyền thanh, nhưng chúng không phân bố đều trong không gian, và do mật độ của chúng trong không gian rất thấp nên khoảng cách giữa các hạt lớn, nên âm thanh không thể truyền đi một một cách hiệu quả. Nói cách khác, vũ trụ thực ra không phải không có âm thanh, nhưng tai chúng ta không thể nghe được những dao động vi tế này. Chúng ta cần công nghệ đặc biệt để nghe được chúng.

Trên thực tế, NASA đã liên tục công bố nhiều loại âm thanh vũ trụ trong vài thập kỷ qua. Do vũ trụ chứa đầy các loại sóng như sóng điện, sóng từ, nên NASA đã lắp đặt các thiết bị trên các phương tiện không gian để có thể thu được các sóng này, sau đó, truyền dẫn các tín hiệu này xuống mặt đất và cuối cùng chuyển đổi mã hóa âm thanh thành sóng âm thanh. Các âm thanh này vô cùng đa dạng và có loại âm thanh mang lại cảm giác trống rỗng, có loại âm thanh giống như đã được hòa tấu và nghe hay hơn rất nhiều.

Chúng ta cần biết rằng từ góc độ khoa học hiện đại, mỗi vật thể đều phát ra các sóng âm thanh khác nhau, nhưng hầu hết chúng đều không được tai con người tiếp nhận. Sau khi thu thập, nén và xử lý bằng các thiết bị khoa học, chúng ta có thể nhận thấy những sóng âm này thực ra có nguồn gốc từ một âm thanh nguyên thủy và đơn giản, đó là OM.

Âm thanh nguyên thủy của vũ trụ

Trong cộng đồng yoga và một số tôn giáo phương Đông, OM được cho là âm thanh đầu tiên trong vũ trụ, vạn vật trong vũ trụ đều xuất hiện từ sự rung động của OM. Bởi vì âm thanh này là một ký tự cổ xưa trong tiếng Phạn, có nguồn gốc từ Kinh Vệ-đà, vị vậy, nó được coi là một phù hiệu thiêng liêng trong Ấn Độ giáo, liên quan chặt chẽ với vũ trụ, và là sự kết hợp giữa vật chất và Thần tính.

Người ta thường tin rằng bản thân sự tĩnh lặng cũng lại có âm thanh và âm nhạc riêng của nó. Và OM là âm thanh sau khi tất cả mọi thứ như sự vật, suy nghĩ, kỳ vọng và cả những rung động nhỏ nhất đều đã biến mất khỏi sự tồn tại của bạn. Sau khi toàn bộ ý thức của một người hoàn toàn tĩnh lặng, nó sẽ trở nên giống như một tấm gương, và trong những khoảnh khắc hiếm hoi đó con người sẽ nghe thấy âm thanh của sự tĩnh lặng.

Người ta nói rằng âm thanh của thai nhi trong cơ thể người mẹ cũng chính là loại âm thanh này, thật thần kỳ phải không nào, OM thực ra không chỉ đơn giản là sự tĩnh lặng, chúng ta hãy xem OM.

OM có 3 âm tiết là A, U và M. Mỗi âm tiết lại mang một ý nghĩa riêng. Cách phát âm của A là Ah, đại diện cho người sáng lập ra vạn vật và cũng tượng trưng cho vị Thần tạo hóa trong Ấn Độ giáo - Brahma. Cách phát âm của U là ooh, tượng trưng cho Thần bảo hộ và hiện tại trường tồn, tượng trưng cho vị Thần bảo hộ - Vishnu trong Ấn Độ giáo. Còn âm M là âm đuôi của Mmm, tượng trưng cho sự hủy diệt của vũ trụ, tượng trưng cho vị Thần của sự hủy diệt và kết thúc - Shiva trong Ấn Độ giáo, âm cuối cùng này kết thúc bằng trạng thái tĩnh lại vô thanh, an tường vô ưu.

Nếu so sánh 3 âm thanh này với trạng thái tâm lý của chúng ta thì mỗi âm tiết lại đại diện cho một giai đoạn khác nhau. A là giai đoạn ý thức, khi chúng ta vẫn còn kết nối với thế giới bên ngoài; U có nghĩa là con người bước vào giai đoạn mơ, khi chúng ta còn kết nối với những suy nghĩ, cảnh trong mơ và ký ức của thế giới nội tâm, còn M tượng trưng cho trạng thái ngủ sâu và vô ý thức, đó là trạng thái cuối cùng căn nguyên của thế giới.

Tất nhiên, OM không chỉ là âm thanh mà còn là phù hiệu được mở rộng từ âm thanh. Điều này cũng giống như khi chúng ta nghĩ đến Âm Dương Thái cực, trong đầu chúng ta sẽ ngay lập tức xuất hiện ra hình ảnh trắng đen của Thái cực đồ, trong trắng có đen, trong đen có trắng như thế này.

undefined
Ký hiệu chữ OM của Ấn Độ cổ. (Miền công cộng)

Chúng ta thường thấy biểu tượng này ở Ấn Độ, đây là phù hiệu hiệu dạng văn tự của OM, từ phù hiệu này chúng ta cũng hiểu được ý nghĩa của nó.

Chúng ta hãy nhìn vào phù hiệu này, nó được tạo bởi vài bộ phận, bao gồm 3 cấu trúc cong, một cấu trúc hình lưỡi liềm và một điểm ở trên cùng. 3 đường cong thể hiện tương ứng cho 3 trạng thái thực tế.

Đường cong lớn ở phía dưới bên trái thể hiện Trạng thái Thanh tỉnh (Jagrat), trong trạng thái này, cơ thể nhận thức thế giới thông qua các giác quan.

Đường cong phía trên thể hiện trạng thái Vô thức hoặc Ngủ sâu (Sushupti), đây một trạng thái hoàn toàn mất đi tri giác, khi đó, một người đang ở trong trạng thái ngủ sâu và không có giấc mơ.

Đường cong ở bên phải tượng trưng cho Trạng thái Mơ (Swapna), trạng thái mơ nằm giữa trạng thái ngủ sâu và trạng thái thanh tỉnh, con người đang khám phá tiềm ý thức, khi nỗi sợ hãi, hy vọng và ham muốn xuất hiện trong một thế giới tưởng tượng, ý thức sẽ hướng vào trong, con người sẽ say sưa trong thế giới của giấc mơ.

Điểm trên cùng tượng trưng cho Trạng thái Giác ngộ (khai sáng/ khai trí) (Turiya), trạng thái ở cấp độ này là hạnh phúc và bình yên, đây là trạng thái ý thức cao nhất, cảnh giới này vượt ra ngoài các giác quan trần tục, và chỉ có thể đạt được bằng cách kết hợp với năng lượng tâm linh.

Hình bán nguyệt bên dưới tượng trưng cho sự cản trở của huyễn tượng, nó ngăn cách 3 đường cong với điểm giác ngộ cao nhất, tức là dùng huyễn tượng của thế giới vật chất để làm mê hoặc con người, và không để con người đạt đến cảnh giới giác ngộ. Vì vậy, giới tôn giáo và yoga tin rằng OM có ​​sức mạnh thiêng liêng, có thể làm tan biến phiền não và giúp con người tiến vào trạng thái thiền định.

OM có ​​sức mạnh thiêng liêng, có thể làm tan biến phiền não và giúp con người tiến vào trạng thái thiền định. (Shutterstock)

Trên thực tế, Phật giáo cũng có nhận thức tương tự, trong Phật giáo có rất nhiều câu Thần chú bí mật bắt nguồn từ tiếng Phạn cổ. Người ta thường tin rằng nội hàm của những câu Thần chú này vô cùng phong phú, vô cùng huyền bí, hàm chứa năng lượng to lớn và trí huệ vĩ đại trong vũ trụ. Vì vậy, nếu có thể thành tâm niệm chú mỗi ngày, có thể khiến cho cơ thể khỏe mạnh, đạt được sự khai sáng trí huệ và tiêu tai giải nạn.

Đối với một số người, điều này nghe có vẻ kỳ lạ hoặc thậm chí là mê tín. Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã dần dần khám phá ra những bí ẩn của âm thanh, hóa ra tất cả những điều này đều có thể được khoa học hiện đại giải thích.

Năng lượng của âm thanh

Âm thanh kỳ diệu như thế nào? Hãy lấy vài ví dụ điển hình nhất là mọi người sẽ hiểu ngay thôi. Ví dụ như mỗi khi cơ thể chúng ta đau đớn vì bệnh tật, có phải tự nhiên chúng ta sẽ phát ra những âm thanh kéo dài như “á…, ái…”, “ai.z.zz.”, “a..a…z.z..” không?

Đây là phản ứng tự nhiên, nhưng bạn có để ý rằng sau khi phát ra những âm thanh này, dường như cơn đau trên cơ thể chúng ta sẽ được giảm nhẹ. Trên thực tế, khi các trí thức cổ đại cảm thấy thần trí không tỉnh táo, họ sẽ phát ra những tiếng cười dài và réo rắt trong rừng núi, đồng thời họ cũng sẽ cảm thấy tinh thần được giải tỏa.

Chúng ta đều biết rằng âm thanh du dương có thể khiến con người vui vẻ, khỏe mạnh, trong khi tiếng ồn có thể làm con người khó chịu, rối loạn tâm trí, gây mất cân bằng ngũ tạng… Cả phương Đông và phương Tây đều thừa nhận mối quan hệ mật thiết giữa âm thanh với thân tâm trong thực tiễn. Hiện nay, liệu pháp sử dụng âm nhạc để thư giãn cơ thể, tâm trí và chữa lành bệnh tật đã trở thành một phương pháp y tế thay thế quan trọng trong xã hội phương Tây. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy rằng người xưa từ lâu đã nhận ra rằng chúng ta thực sự có thể chữa bệnh bằng âm thanh.

Ví dụ, từ xa xưa, Đạo giáo hướng đến trường sinh, đã có công pháp 6 chữ về dưỡng sinh trị bệnh. Theo "Dưỡng tính diên mệnh lục" của Đào Hoằng Cảnh vào thời Nam - Bắc triều, khẩu hình phát ra 6 chữ 吹 - chuī、呼 - hu、嘻 - xi、呵 - a、嘘 - xu、呬 - xi, có thể điều trị được các bệnh khác nhau như phong hàn, sốt, v.v. Theo vua y học thời nhà Đường - Tôn Tư Mạc, đã chỉ ra rõ ràng rằng, 6 cách phát âm này có thể được sử dụng để điều trị bệnh của các cơ quan khác nhau.

Vậy tại sao âm thanh có thể chữa bệnh?

Chúng ta có thể thấy khoa học hiện đại nhận định rằng hệ thống tuần hoàn máu của con người là bộ phận quan trọng nhất để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể con người, vậy giữa âm thanh và tuần hoàn máu có mối quan hệ như thế nào?

Ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến Vương Duy Công - tiến sĩ vật lý sinh học tại Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ. Ông Vương từng phát hiện ra một vấn đề khi nghiên cứu tuần hoàn máu: Trái tim chỉ có công suất 1,7 watt, nhưng nó liên tục được bơm máu đến các cơ quan khác nhau của toàn bộ cơ thể trong suốt nhiều thập kỷ, còn trái tim nhân tạo hiện đại mặc dù được thiết kế để có công suất hàng chục watt, nhưng chúng sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ và suy tạng trong một khoảng thời gian rất ngắn.

Đánh giá theo cấu trúc cơ thể con người, tim nằm ở vị trí 3/4 của cơ thể chứ không phải ở phần giữa hay phần trên. Tại sao lại nằm ở vị trí này? Chúng ta đều biết nước chảy xuống dưới dưới tác dụng của trọng lực, như vậy thì đáng lẽ ra tim cần phải nằm ở phần đầu mới hợp lý.

Hóa ra những thiết kế cơ thể con người tưởng chừng như vô lý này lại ẩn giấu trí tuệ của tạo hóa tự nhiên. Sau khi máu đi vào tim sẽ rẽ một góc trong động mạch để phát ra tần số rung động, và tần số này phù hợp với tần số rung động của gan, sau khi chảy về gan, tần số này và tần số của gan sinh ra một tần số mới. Nó chảy đến thận với tần số giống như thận, cứ như vậy, máu có thể lưu thông một cách trơn tru trong cơ thể bằng cách dựa vào sự cộng hưởng tần số, và tim dựa vào phương pháp cộng hưởng với các cơ quan khác nhau để lục phủ ngũ tạng và tứ chi có thể được nuôi dưỡng đầy đủ.

Mỗi cơ quan đều có tần số riêng, nếu có bệnh tật xảy ra sẽ ảnh hưởng đến tần số rung động của cơ quan này, như vậy, nó sẽ nhận được lượng máu ít hơn so với bình thường. Tương ứng, những thay đổi ở tần số này sẽ ảnh hưởng đến tần số mà cơ quan tiếp theo nhận được và chúng được liên kết chặt chẽ với nhau.

Y học hiện đại bước đầu cũng nhận thấy tần số của ngũ âm phù hợp với lục phủ ngũ tạng. (Ảnh: The Epoch Times)

Đông y cho rằng, các cơ quan nội tạng cũng giống như ngũ hành, tương sinh tương khắc, liên hệ và chế ước lẫn nhau. Xét từ lý thuyết cộng hưởng, hóa ra, những nhận thức này thực sự rất cao minh. Sử dụng lý thuyết cộng hưởng, chúng ta có thể khám phá một số bí mật của biện pháp trị liệu bằng âm thanh.

Từ rất sớm, Phật giáo và Đạo giáo đã nhận thức được rằng sự cộng hưởng âm thanh có chức năng kỳ diệu. Khi Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Trung Quốc phải dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán, tuy nhiên, có 5 loại từ ngữ thì không được dịch, và giữ nguyên cách phát âm của văn tự tiếng Phạn, được gọi là “Ngũ bất phiên”. Thứ nhất là mật chú không thể dịch, kinh điển Phật giáo Trung Quốc hiện nay còn lưu giữ một số lượng lớn cách phát âm của các mật chú tiếng Phạn. Từ đó, có thể suy ra rằng các vị cao tăng khi dịch kinh, tin rằng năng lượng của Thần chú không hoàn toàn nằm ở hàm ý của từ ngữ, mà nằm ở cách phát âm khi niệm các câu Thần chú.

Cộng hưởng với giai điệu của vũ trụ

Ông Lương Thấu Minh - một đại sư Nho học, đã từng tóm tắt những điểm tương đồng và khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, cho rằng đặc điểm của văn hóa phương Đông là khám phá những điều bí ẩn bên trong cơ thể, còn đặc điểm của văn hóa phương Tây là tìm kiếm chân lý bên ngoài cơ thể.

Quả thực, trong quá trình khám phá sự cộng hưởng, cả Phật giáo và Đạo giáo ở phương Đông đã sử dụng chính cơ thể của mình làm vật thí nghiệm để tìm ra đạo cộng hưởng giữa âm thanh và cơ thể. Người phương Tây khám phá sức mạnh của sự cộng hưởng từ thế giới bên ngoài nhiều hơn, chẳng hạn như Nikola Tesla hoàn toàn hiểu được sức mạnh của sự cộng hưởng, và dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu sự truyền tải năng lượng cộng hưởng.

Từ góc độ vật lý hiện đại, trong vũ trụ chứa đầy các loại vật chất và năng lượng khác nhau, tất cả chúng đều tồn tại dưới dạng rung động, mọi thứ đều có tần số rung động riêng và hấp thụ hoặc giải phóng năng lượng theo cách này. Nếu tần số nhất quán, sự cộng hưởng sẽ xảy ra và năng lượng tưởng chừng như bé nhỏ sẽ có tác động rất lớn.

Nhưng bên cạnh những tác động tích cực, một khi vượt quá giới hạn cộng hưởng của vật thể sẽ gây ra thiệt hại rất lớn.

Trong lịch sử đã có nhiều vụ binh sĩ đồng loạt diễu hành qua cầu dẫn đến việc cây cầu bị sập, tính theo trọng lượng chịu lực thì đều nằm trong phạm vi sức chịu của những cây cầu này, nhưng những người lính được huấn luyện bài bản đều có những bước đi đều đặn và đồng nhất, khi tần số hình thành bởi các bước đi trùng với với tần số vốn có của cây cầu thì lực cộng hưởng sẽ xuất hiện, từ đó năng lượng hình thành bởi sự cộng hưởng sẽ vượt quá giới hạn chịu đựng của cầu và khiến cây cầu bị sập.

Cũng có những trường hợp tương tự, ví dụ như một ngọn núi tuyết sụp đổ sau khi một người leo núi hét lớn trên đỉnh núi tuyết, nguyên nhân sụp đổ cũng là do sự cộng hưởng, hiện tượng này thực chất có nghĩa là một hệ thống vật lý sẽ có xu hướng hấp thụ nhiều năng lượng hơn từ môi trường xung quanh trong phạm vi tần số dao động tự nhiên của nó, dưới tác động của xu hướng năng lượng này sẽ tạo ra một lực đặc biệt mạnh mẽ.

Lực này đủ để khiến nhiều tòa nhà và vật thể lớn khác sụp đổ, nhưng khi sử dụng tốt sự cộng hưởng thì hiệu quả tốt sẽ được nhân đôi.

Người phương Đông cổ đại tin rằng có một mối liên hệ nội tại bí ẩn giữa con người và thiên nhiên. Ví dụ, khi nói về linh cảm trong quá trình sáng tạo văn học, một khi con người có thể tiếp nhận được hơi thở của trời đất và bắt kịp với nhịp điệu của vũ trụ, tư tưởng văn chương sẽ tuôn trào như dòng nước.

Nhiều nhạc sĩ cũng có loại cảm hứng sáng tạo này, một nhịp điệu dường như chợt tiến nhập vào đại não, nhạc sĩ chỉ việc ghi chép lại những ý tưởng này. Không chỉ vậy, chúng ta còn thấy rằng Mendeleev đã phát hiện ra bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học trong giấc mơ của mình và tất cả những phát minh lớn của Tesla đều hiện ra trong não ông như một bức vẽ, có lẽ sự thật của những thí nghiệm tâm linh bí ẩn này có thể được suy xét từ góc độ cộng hưởng của vạn vật.

Ý thức của con người có tần số riêng, khi nó cộng hưởng với một nhịp điệu nhất định của trời đất, rất có thể sẽ đạt được trí tuệ phi thường. Nếu tìm hiểu liệu pháp âm thanh theo tần số cộng hưởng sẽ tiết lộ một bí mật lớn, nhưng đó không phải là toàn bộ bí mật.

Ví dụ, nếu một bài hát có cùng giai điệu được hát bởi những người có trải nghiệm và cách hiểu khác nhau thì người nghe sẽ có cảm xúc hoàn toàn khác nhau, nếu bạn càng hiểu sâu về bài hát, cảm giác sẽ càng mạnh mẽ, cảm xúc càng đặt vào trong bài hát, nó sẽ càng gây cảm động cho khán giả. Vì vậy, không thể sử dụng tần số để giải thích một cách rõ ràng về tất cả những điều này.

Jonathan Goldman người Mỹ là chuyên gia quốc tế về liệu pháp âm thanh, có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trị liệu bằng âm thanh, và đã tạo ra nhiều album chữa bệnh bán chạy nhất và đoạt nhiều giải thưởng. Ông từng đề xuất trong cuốn sách của mình hai công thức, đó là: tần số + ý định = chữa lành; và hình dung + phát âm = biểu hiện.

Con người có thể phát ra một tần số âm thanh nhất định qua cổ họng, đồng thời thêm một ý niệm và tư tưởng tốt vào quá trình này, nó sẽ cải thiện hiệu quả của quá trình trị liệu. Điều này cũng giống như khi chúng ta hát một bài hát đầy cảm xúc, tác động sẽ khác.

Rõ ràng là sự hiểu biết của Goldman rõ ràng có liên quan đến ba bí mật về thân, khẩu và ý được giảng trong Phật giáo. Mật tông tin rằng trong quá trình tu luyện, tư thế thân thể, âm thanh phát ra từ miệng và ý niệm phải thống nhất cao độ mới có thể tương ứng với chư Phật, Bồ Tát, và tiếp nhận những tín tức cổ xưa. Tuy nhiên, ý định và hình dung phát huy tác dụng như thế nào, lý luận bên trong những điều này vẫn chưa được tiết lộ hết, và những bí ẩn của vũ trụ là vô tận, đang chờ đợi những khám phá tiếp theo của chúng ta.

Phương Lam - Theo Ngẫm radio



BÀI CHỌN LỌC

Thần chú mạnh mẽ nhất trong lịch sử? Bí mật lớn của âm thanh và năng lượng