Thần đồng âm nhạc nổi tiếng thế giới: Mozart

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không ai có thể phủ nhận rằng Mozart là một thiên tài âm nhạc bẩm sinh hiếm có. Mozart sáng tác bản nhạc đầu tiên từ lúc 4 tuổi, viết bản giao hưởng đầu tiên khi mới 7 tuổi.

Mozart - Thiên tài hiếm có của âm nhạc cổ điển

Cái tên "Mozart" đã trở thành tiêu chuẩn và định nghĩa cho các thiên tài âm nhạc. Tất cả những người có tài năng âm nhạc vượt trội sẽ được ví là "Mozart của nước đó". Ví dụ như từ khi còn nhỏ Mendelssohn đã được gọi là Mozart của Đức. Saint-Saëns cũng được gọi là Mozart của Pháp từ khi còn nhỏ.

Không ai có thể phủ nhận rằng Mozart là một thiên tài âm nhạc bẩm sinh hiếm có. Mozart sáng tác bản nhạc đầu tiên từ lúc 4 tuổi, viết bản giao hưởng đầu tiên khi mới 7 tuổi.

Bạn hãy thử tưởng tượng, đến khi lên đại học, chúng ta mới biết được khái niệm nhạc giao hưởng, thế nhưng Mozart đã có thể viết được một tác phẩm giao hưởng từ lúc 7 tuổi.

Sau đó, năm 11 tuổi, vị nhạc sĩ thiên tài này đã sáng tác bản concerto đầu tiên. Đến năm 12 tuổi, ông hoàn thành được vở opera đầu tay. 12 tuổi, khi chỉ vừa mới tốt nghiệp tiểu học, Mozart đã viết được một vở opera.

undefined
Chân dung Mozart thời thơ ấu. (Miền công cộng)

Chúng ta hãy so sánh Mozart với một nhà soạn nhạc tài ba khác: "nhạc Thánh" Beethoven. Mãi đến 29 tuổi, Beethoven mới sáng tác được tác phẩm nổi tiếng đầu tiên. Qua đó, các bạn có thể thấy được Mozart xuất chúng đến cỡ nào.

Có một câu chuyện về tài năng thiên bẩm của Mozart khiến tôi đặc biệt ấn tượng

Cha của Mozart, Leopold Mozart, là một nhạc sĩ cung đình ở Salzburg. Từ nhỏ, Mozart thường nghe cha và các đồng nghiệp của cha chơi nhạc ở nhà. Khi ấy Mozart 5 tuổi.

Một ngày nọ, cha và một vài nhạc công khác đang tập luyện bản nhạc “Tứ tấu” (Quartet) tại nhà. Có một vở kịch Nhật Bản rất hay tên là "Tứ tấu". Bản nhạc của bộ “Tứ tấu” được hợp thành hai đàn violin, một đàn viola và một đàn cello. Cha của Mozart chơi ở vị trí violin thứ hai.

Khi bốn người chuẩn bị bản nhạc và bắt đầu chơi, cậu bé Mozart bước vào, nhìn bốn người lớn và đề nghị: "Cha ơi, cho con chơi vị trí violin thứ hai nhé!"

Ông Leopold sửng sốt. Thứ nhất, Mozart chưa bao giờ học chơi violin. Cậu bé mới 5 tuổi, thậm chí còn chưa thể bắt đầu học. Thứ hai, trước đó cả nhóm nhạc công đã tập luyện bản nhạc này một lần, ngay cả những người lớn cũng chưa thực sự nhuần nhuyễn. Một đứa trẻ muốn tham gia, chẳng phải là đang muốn phá rối đó sao?

Cha của Mozart hơi tức giận nói: "Con chưa học bao giờ, làm sao chơi được? Hãy mau đi ra ngoài, không được phá rối!".

Nhưng cậu bé Mozart ngẩng cao đầu, ấm ức nói: "Cha ơi, chơi đàn violin thứ hai không cần học đâu!".

Nghe vậy, cha của cậu đã thực sự tức giận. Câu này của cậu bé đang muốn nói gì? Đang chê cha phải không? Không cần học mà chơi được, vậy vị trí của cha trong đội nhạc có ý nghĩa gì là gì?

Cha nghiêm khắc nhìn cậu bé Mozart: "Wolfgang (Wolfgang là tên gọi thân mật của Mozart), cha cần tập luyện gấp, con mau đi ra ngoài cho cha!".

Nhưng lần này, cậu bé Mozart không nghe lời cha, khóc lóc, nước mắt giàn giụa, nằng nặc đòi chơi.

Các đồng nghiệp khuyên cha cậu: "Thôi, hãy để bé chơi thử đi, dù sao bé cũng không chơi được, một lát không chơi được cũng sẽ đi ra".

Cha cậu tức giận nhưng cũng đành bất lực, bế cậu bé Mozart lên ghế. Cậu bé vui vẻ nhìn bản nhạc, cầm violin lên, chuẩn bị kéo. Những người lớn đều đợi xem "trò hề" của cậu bé.

Kết quả, khi tiếng đàn của Mozart vang lên, tất cả mọi người đều kinh ngạc. Âm thanh không những ổn định mà nhịp điệu còn hoàn toàn chính xác, phối hợp với ba người kia vô cùng ăn ý, giống như đã tập luyện nhiều lần. Một cậu bé 5 tuổi lại có thể hoàn thành được phần nhạc của violin thứ hai, hơn nữa còn đàn vô cùng hay.

Cha cậu bé sững sờ, đứa trẻ này chỉ nhìn cha chơi đàn một lần, chưa bao giờ được học. Nghe giai điệu du dương từ tay cậu bé Mozart cất lên, cha cậu không kìm được nước mắt. Khi bản nhạc kết thúc, cha của Mozart ôm chầm lấy cậu, lẩm bẩm: "Chúa ơi, đây là phép màu của Chúa. Đứa trẻ này không chỉ là Thiên tài mà chính là Thiên Thần âm nhạc giáng trần!"

Cha dẫn Mozart đi lưu diễn khắp thế giới

Cha của Mozart, Leopold Mozart, là người đầu tiên tổ chức các buổi biểu diễn lưu diễn trên thế giới. Từ năm 1762 khi Mozart 6 tuổi cho đến năm 1773 khi Mozart 17 tuổi, trong suốt 11 năm, hai cha con Mozart đã di chuyển khắp nơi. Hai người liên tục đến các cung điện lớn ở châu Âu, liên tục nhận lời mời từ các quý tộc và giám mục cao cấp ở nhiều quốc gia. Hai cha con đặt chân đến khắp cả châu Âu. Trong đó, chuyến lưu diễn dài nhất kéo dài đến ba năm rưỡi.

Với điều kiện đi lại thời bấy giờ, những chuyến lưu diễn như vậy vô cùng gian khổ. Tất nhiên, nhờ đó, danh tiếng của Thần đồng âm nhạc Mozart vang dội khắp châu Âu. Trong các chuyến lưu diễn, có một số sự kiện khiến người đời sau vẫn không ngừng nhắc đến.

Một lần nọ, khi Mozart 7 tuổi được mời đến Vienna biểu diễn cho Hoàng đế La Mã Thần Thánh Franz I. Buổi biểu diễn vô cùng đặc sắc,khiến vị Hoàng đế vô cùng vui thích. Hoàng hậu Maria Theresa cũng rất vui vẻ, cho con gái út Marie đến tặng hoa cho Mozart. Nhìn thấy cô bé công chúa xinh đẹp cùng tuổi với mình, Mozart tinh nghịch đã nhịn không được mà hôn lên má hồng của Marie. Marie đỏ bừng mặt, chạy về. Mọi người nhìn thấy cảnh này đều không nhịn được cười lớn.

Sau đó, Hoàng hậu Maria Theresa gọi Mozart đến gần và hỏi: "Con có mong muốn gì thì hãy nói ra, ta nhất định sẽ cố gắng đáp ứng!"

Mozart nhìn quanh, rồi chỉ vào cô bé Marie, nói một cách tinh nghịch và ngây thơ, rằng: "Thưa Hoàng hậu, sau này con muốn lấy cô ấy làm vợ".

Mọi người cười ầm lên. Marie cũng cười một cách thẹn thùng .

Vị công chúa ấy có tên đầy đủ là Marie Antoinette. Sau này công chúa kết hôn với vua Louis XVI của nước Pháp, và không may đã phải lên đoạn đầu đài cùng chồng sau cuộc Cách mạng Pháp, trở thành vị "Vương hậu bị chém đầu" nổi tiếng trong lịch sử.

Đồng hương của vương hậu Marie, nhà văn nổi tiếng Zweig, đã lấy vị vương hậu này làm nguyên mẫu trong phần mở đầu của tiểu thuyết "Marie Antoinette: The Portrait of an Average Woman". Nhà văn Zweig viết rằng: "Khi đó cô ấy còn quá trẻ, không biết rằng những món quà được vận mệnh ban tặng đều đã sớm được âm thẩm định giá". Câu nói này cũng là lời chú thích tốt nhất cho số phận bi thảm của Marie.

Những chuyến lưu diễn của Mozart vẫn tiếp tục. Còn có một sự kiện khác được truyền tụng như huyền thoại. Đúng vậy, quả thật là rất thần kỳ.

Bức chân dung này của Mozart (Wolfgang Amadeus Mozart) do Barbara Kraft vẽ vào năm 1819, rất lâu sau khi Mozart qua đời. (Ảnh thuộc miền công cộng)

Được Giáo hoàng mời đến Ý

Năm đó, Mozart mới 14 tuổi. Hai cha con được Giáo hoàng mời đến Ý. Giáo hoàng rất yêu quý Thần đồng âm nhạc này.

Lúc này, Mozart đã 14 tuổi nên cũng không thể gọi là "Thần đồng" được nữa, mà phải gọi là thiếu niên tài năng. Giáo hoàng đã đặc biệt cho phép hai cha con tham dự một buổi lễ cầu nguyện được tổ chức tại Nhà nguyện Sistine vào một buổi tối nọ. Trong buổi lễ cầu nguyện, Giáo hoàng cho phép hai người nghe bản hợp xướng "Miserere mei" do dàn hợp xướng của Giáo hội biểu diễn. Đây là một đặc ân vô cùng cao quý.

Vì thời đó không có đĩa nhạc hay máy MP3, nên chỉ có thể nghe trực tiếp các bản nhạc cổ điển. Bài Thánh ca "Miserere mei" (Lạy Chúa thương xót) của Vatican là một bản nhạc hợp xướng vô cùng nổi tiếng, cũng là tiết mục đặc sắc nhất ở Vatican. Đây là một bài Thánh ca do một giáo sĩ am hiểu âm nhạc tên là Gregorio Allegri lấy chủ đề Sáng thế ký trong kinh Cựu Ước để sáng tác.

Toàn bộ tác phẩm chỉ sử dụng giọng người hát, không có bất kỳ nhạc cụ đệm nào. Tác phẩm được chia thành năm bè, do hai đội hợp xướng biểu diễn. Cộng thêm bốn ca sĩ độc tấu, tổng cộng có chín bè. Chín bè này lúc trầm lúc bổn,đan xen vào nhau. Trong nền âm thanh hòa tấu rộng lớn và sâu lắng, thỉnh thoảng lại xuất hiện những nốt cao phóng khoáng. Nốt này dần dần cao lên cho đến khi đạt đến nốt Đô cao (High C) cực cao, giống như một vầng sáng thánh khiết, từ mặt biển tĩnh lặng bay lên cao vút, bay thẳng vào Thiên đường, mang theo tâm hồn chúng ta tiến vào cánh cổng Thiên đường.

Trong chín bè đan xen này, mỗi bè giữ đúng vị trí của mình, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc đối vị chính xác, mang lại hiệu quả tổng thể hoàn hảo và hài hòa. Mặc dù có những âm cao trong phần độc tấu nhưng không hề khiến người nghe cảm thấy có một bè nào đó đặc biệt nổi trội. Đến phần cuối của tác phẩm, chín bè hòa quyện làm một, đạt đến sự thống nhất hoàn chỉnh và tinh khiết.

Nhà soạn nhạc vĩ đại Mendelssohn sau khi nghe tác phẩm này đã thốt lên rằng: "Đây hoàn toàn không giống như tiếng của người mà giống như tiếng hát của các Thiên Thần, là âm thanh tuyệt vời không thể nghe được ở nơi nào khác".

Vì vậy, tác phẩm này luôn là niềm kiêu hãnh của Giáo hội. Giáo hội không cho phép bất kỳ ai sao chép và phổ biến bản nhạc này. Tuy nhiên, sau khi nghe xong một lần, khi về nhà, cậu bé Mozart 14 tuổi đã viết lại toàn bộ tác phẩm dựa vào trí nhớ.

Đến ngày hôm sau, khi vào yết kiến Giáo hoàng, Mozart đã dâng lên bản nhạc. Giáo hoàng vô cùng kinh ngạc, hỏi rằng: “Ai đã dám tiết lộ bí mật của Giáo hội?”

Mozart nói: "Không có ai cả. Hôm qua con nghe xong, nhớ được nên khi về nhà đã viết ra".

Giáo hoàng quá đỗi kinh ngạc: “Chúa ơi, một tác phẩm phức tạp như vậy mà chỉ nghe một lần đã nhớ được. Đúng là thần đồng âm nhạc, quả nhiên là danh bất hư truyền”.

Tất nhiên, vì đây là bí mật của Giáo hội, nên bản thảo này của Mozart đã không được lưu truyền. Sau đó, bản thân Mozart cũng đã sáng tác một bài Thánh ca "Miserere", trong đó chúng ta sẽ thấy rõ ảnh hưởng từ bản Thánh ca của Giáo hội Vatican.

undefined
Mozart ở Ý năm 1770. (Miền công cộng)

Đến Áo phục vụ cho triều đình của Vua Joseph II

Năm 1773, khi 17 tuổi, cuối cùng Mozart đã không cần phải di chuyển liên tục nữa. Ban đầu, Mozart được Hoàng thân Salzburg - Tổng giám mục Colloredo tuyển dụng. Tuy nhiên, làm việc chung với vị giám mục có tính tình hà khắc này không thoải mái, cộng thêm mức lương ít ỏi nên cuối cùng Mozart đã quyết định rời khỏi quê hương Salzburg và đến Áo để tiếp tục phát triển. Vì vậy, chàng trai Mozart 24 tuổi đã đến Vienna, trở thành một nhạc sĩ độc lập.

Tất nhiên, với danh tiếng của mình, Mozart nhanh chóng trở thành khách mời được các quý tộc địa phương săn đón. Hơn nữa, rất nhanh sau đó, Hoàng đế Joseph II biết được vị thiên tài này đã đến Vienna. Khi ấy, điều Mozart mong đợi nhất đã xảy ra, Hoàng đế đã gửi lời mời cho ông.

Hoàng đế Joseph II là một người rất yêu thích nghệ thuật. Để chào đón thiên tài Mozart, Hoàng đế đã ra lệnh cho nhạc trưởng triều đình Salieri sáng tác riêng một bản nhạc để chào mừng. Sau khi viết xong, Hoàng đế đã luyện tập rất nhiều, với dự định rằng sẽ đích thân chơi cho Mozart nghe khi gặp mặt. Có thể thấy rằng vị Hoàng đế này rất coi trọng Mozart.

Vào ngày gặp mặt, Hoàng đế cùng các quan trong triều đình ăn mặc lộng lẫy, chờ trong cung điện. Theo ghi chép, khi Mozart bước vào, vị thiên tài này không cao, thân hình mảnh khảnh, sắc mặt trắng nhợt,thế nhưng dưới mái tóc giả ngay ngắn là một đôi mắt sắng rất có thần. Vì mắc bệnh đậu mùa khi còn nhỏ nên trên mặt Mozart còn có một số vết rỗ.

Mozart rất thích đội tóc giả, hầu như ông luôn đội tóc giả màu trắng trong các dịp trang trọng. Theo các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Mozart Salzburg, trong 14 bức chân dung của Mozart, chỉ có một bức không đội tóc giả. Vị nhạc sĩ này còn thích mặc những bộ quần áo thanh lịch và sang trọng, mang theo một phong thái của một nghệ thuật gia.

Sau khi xong nghi thức chào hỏi, Hoàng đế nói rằng ngài đã cho sáng tác riêng một bản nhạc để chào mừng và muốn biểu diễn cho Mozart nghe!

Trình độ chơi đàn của Hoàng đế cũng chỉ ở mức bình thường. Thế nhưng được Hoàng đế đích thân chơi đàn chào mừng là một vinh dự vô cùng lớn. Mọi người đều vỗ tay nồng nhiệt. Mozart cũng vui vẻ thể hiện lòng biết ơn, sau đó bước đến chỗ đàn piano và ngồi xuống. Ông nói với Hoàng đế rằng: "Thưa ngài, một số chỗ trong bản nhạc vừa rồi nếu thay đổi một chút sẽ hay hơn, thần xin phép chơi cho ngài nghe".

Nói xong, Mozart chơi lại bản nhạc mà Hoàng đế đã phải luyện tập trong nhiều ngày. Hoàng đế, các quan thần và ngay cả nhà soạn nhạc Salieri đều không khỏi kinh ngạc. Chỉ nghe qua một lần, không chỉ nhớ được mà còn có thể lập tức sửa đổi một vài chỗ để bản nhạc tốt hơn. Tài năng âm nhạc của Mozart đã để lại ấn tượng sâu sắc cho Hoàng đế. Nhờ vậy, Mozart đã có cơ hội phục vụ triều đình, và cũng trong khoảng thời gian này, ông và Salieri đã có quan hệ rất thân thiết.

Khác với tất cả các nhạc sĩ khác, Mozart viết các bản nhạc giao hưởng theo chiều dọc

Có một lần, Salieri đến gặp Mozart trong khi ông đang sáng tác. Salieri thấy trên bàn có một bản nhạc đã viết xong, liền hỏi: "Ồ, đây là bản nhạc mới mà anh đã chép lại à?"

Mozart vừa cúi đầu viết bản nhạc vừa trả lời: "Vâng, những bản đó là bản thảo mới viết xong, còn chưa được chép lại".

Salieri giật mình. Thông thường, khi các nhà soạn nhạc viết bản thảo, sẽ luôn có chỗ xóa xóa sửa sửa, chỗ này sửa một chút, chỗ kia gạch bỏ viết lại một đoạn. Như vậy, cả bản thảo sẽ trông rất bẩn và lộn xộn.

Thế nhưng khi Salieri nhìn vào bản thảo sáng tác nhạc của Mozart, cả trang giấy sạch sẽ ngay ngắn,không có chỗ sửa nào. Toàn bộ trang giấy giống như bản chép cuối cùng.

Salieri vẫn không thể tin được, hỏi thêm một lần nữa: "Đây là bản thảo của anh phải không?"

Mozart vẫn cúi đầu viết miệt mài, không ngẩng đầu lên trả lời: "Đúng rồi, mới viết xong, cẩn thận nhé, mực chưa khô đâu!"

Chúa ơi, Mozart viết nhạc mà không cần chỉnh sửa. Cũng có nghĩa là trước khi viết, bản nhạc hoàn chỉnh đã nằm trong đầu ông. Mozart chỉ cần chép lại những bản nhạc trong đầu mình. Thế nên có người nói Mozart là "người chép nhạc của Chúa". Mozart viết nhạc một cách tự nhiên, trôi chảy, bản thảo của ông giống như một bản nhạc hoàn chỉnh.

Salieri nhẹ nhàng dùng ngón tay chạm vào một nốt trên bản nhạc, quả nhiên mực chưa khô.

Đúng là làm cho người khác khiếp sợ. Sau đó, Salieri nhìn chằm chằm vào Mozart đang sáng tác và nhìn thấy một cảnh tượng còn đáng sợ hơn.

Mozart đang viết một bản giao hưởng. Chắc hẳn mọi người đều đã từng xem các dàn nhạc giao hưởng biểu diễn, sẽ có rất nhiều nhạc cụ khác nhau, chia thành nhiều bè khác nhau. Khi viết bản tổng phổ, các nhà soạn nhạc thường viết giai điệu của một nhạc cụ trước, sau đó viết nốt của các nhạc cụ khác. Ví dụ: đầu tiên viết các nốt nhạc do violin diễn tấu trong một đoạn, sau đó viết nốt nhạc của kèn trumpet cũng trong đoạn đó, sau đó là cello, trombone, kèn cor, v.v.

Thế nhưng Mozart viết nhạc như thế nào? Vị nhạc sĩ thiên tài này viết nhạc phổ theo chiều dọc! Nghĩa là, trong cùng một thời điểm, khi đàn violin chơi nốt "Do", kèn trumpet chơi nốt "Sol", viola chơi nốt "Mi", trombone chơi nốt "Xi", đàn hạc bấm nốt "La"! Cách viết này giống như Mozart nghe được cả dàn nhạc đang diễn tấu tác phẩm. Đồng thời ông còn nghe rõ được từng nốt của tất cả các nhạc cụ. Vì vậy, Mozart đã viết nhạc phổ theo chiều dọc, cùng một lúc ghi lại nốt nhạc của tất cả các nhạc cụ trong dàn nhạc!

Mozart giống như một chiếc máy quét, ghi lại một cách rõ ràng những nốt nhạc du dương xuất hiện trong tâm trí. Tay của ông viết không ngừng, những bản nhạc du dương tuôn trào từ đầu ngón tay như dòng suối tuôn ra từ đỉnh núi, chảy mãi, chảy mãi. Thậm chí Mozart phải ghi lại những dòng suy nghĩ âm nhạc này không ngừng tay.

Salieri xem đến ngây cả người. Và khi nhìn kỹ những giai điệu được Mozart đang viết ra không ngừng, không cần suy nghĩ ấy, Salieri phát hiện những giai điệu này đẹp đẽ, mượt mà và rất du dương. Nhịp điệu thanh thoát, cảm xúc tinh tế, giai điệu du dương, cấu trúc phức tạp, đối vị chính xác, âm nhạc hài hòa,

Salieri thầm kêu lên trong lòng: "Anh ta đúng là Thiên sứ được Chúa phái đến".

Bản nhạc cuối cùng: Khúc cầu hồn (Requiem) - Nguyên nhân cái chết bí ẩn của Mozart

Chúng ta đều biết rằng, Mozart qua đời rất sớm, chưa đầy 36 tuổi, ông đã trở về Thiên đường. Bản nhạc cuối cùng nổi tiếng Khúc cầu hồn (Requiem) đã được ông sáng tác ngay trước khi qua đời.

Chuyện kể rằng vào đầu mùa thu năm đó, Mozart lâm bệnh. Sau vài ngày nghỉ ngơi dưỡng bệnh, tinh thần của ông đã hồi phục được phần nào. Vào đêm hôm đó, tiếng mưa rào cùng tiếng gió lớn khiến bầu không khí mùa thu càng thêm ảm đạm. Mozart đang ngủ say thì bị tiếng gõ cửa dồn dập đánh thức. Ông khoác áo choàng xuống lầu, nương theo chiếc đèn mờ trước cửa. Vừa mở cửa, Mozart không khỏi giật mình. Ông thấy một người đàn ông cao gầy khoác áo choàng đen đứng trước cửa, khuôn mặt ẩn trong mũ của áo choàng, không thể nhìn rõ khuôn mặt, toàn thân toát lên vẻ kỳ dị khó tả.

Vị khách bí ẩn cất giọng khàn khàn hỏi: "Thưa ngài Mozart, ông chủ của tôi muốn ngài sáng tác một bản Requiem, ngài có thể sáng tác được chứ?"

Mozart ho khan và khoát tay: "Tôi đang bệnh, không thể làm việc được"

Nhưng người khách không nói lời nào, đưa tới một chiếc túi tiền nặng trịch, dùng giọng điệu không chút nghi ngờ nói rằng: "Chỉ có ngài mới có thể viết bản Requiem này và phải nhanh lên, nếu không sẽ không kịp nữa. Đây là một nửa tiền thù lao, viết xong tôi sẽ trả nốt phần còn lại!"

Không biết có phải vì bị số tiền thù lao lớn hay vì bị sự bí ẩn và kiên quyết của người khách làm động lòng hay không, Mozart đã nhận lời sáng tác.

Điều thần kỳ chính là bệnh tình của Mozart đã lập tức thuyên giảm phần nào, giúp ông có thể miệt mài sáng tác. Cứ như vậy, giống như được số mệnh thúc đẩy, Mozart tập trung toàn bộ tinh thần, ngày đêm sáng tác bản Requiem - một trong bốn khúc Khúc cầu hồn nổi tiếng.

Trang cuối của Requiem
Trang cuối của Requiem. (Miền công cộng)

Gò má ửng đỏ, đốt cháy nhiệt lượng cuối cùng của cuộc đời. Bên chiếc đàn piano cổ, Mozart cố gắng viết, đàn, suy nghĩ và sáng tác. Thật ra, lúc đó mọi người đều thấy được vị Thiên tài âm nhạc đã như đèn dầu sắp tắt.

Constanze, vợ của Mozart đau lòng nhìn ông. Sau khi dỗ con ngủ, bà lặng lẽ đến bên cạnh,dịu dàng vuốt mái tóc rối bời, nhẹ nhàng nói: "Chồng yêu, nghỉ ngơi một chút đi. Hôm nay trời đẹp, hãy đi dạo trong rừng với em nhé".

Mozart ngẩng đầu nhìn người vợ yêu dấu. Ông không muốn từ chối khoảng thời gian quý báu còn lại bên bà. Ông hiểu rõ trong lòng, những cơ hội như vậy đã càng ngày càng ít.

Hai người nắm tay nhau, lặng lẽ đi trên con đường nhỏ phủ đầy lá khô. Dần dần, Mozart bắt đầu nói về cái chết. Mozart nói với vợ rằng người đến gặp ông đêm hôm đó và yêu cầu ông viết bản nhạc "Requiem" chính là Thần Chết. Ông biết rằng bản "Requiem" này thực ra chính là viết cho bản thân mình. Vợ ông khóc nức nở, xin ông đừng nói nữa. Mozart cũng rơi nước mắt, tiếp tục nói: "Chắc chắn anh không sống được bao lâu nữa, anh đã nhận lời mời của Thần Chết,anh sắp kết thúc cuộc đời đầy đau khổ này rồi!"

Năm 1791, vào một buổi trưa mùa đông ấm áp, vị Thiên Thần âm nhạc này đã bình thản nhắm mắt xuôi tay, hưởng thọ 35 tuổi.

Mozart sống trong cảnh túng quẫn nhưng sáng tác âm nhạc lại tràn đầy niềm vui.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của Mozart, ông đã sáng tác hơn 600 tác phẩm kinh điển. Trong đó, nhiều tác phẩm đã được lưu truyền cho hậu thế và được nhiều người biết đến. Các chủ đề sáng tác của ông rất đa dạng, bao gồm: concerto, sonata, symphony, serenade và opera. Những tác phẩm ấy sau này đã trở thành hình thức chính của âm nhạc cổ điển. Âm nhạc của ông thể hiện ra khí chất thanh lịch và ngọt ngào.

Là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của trường phái Vienna cổ điển, Mozart đã có một cuộc đời ngắn ngủi nhưng không hề suôn sẻ. Mặc dù sở hữu tài năng phi thường nhưng ông thường xuyên lâm vào cảnh túng quẫn. Thậm chí khi qua đời, Mozart vẫn còn nợ vài nghìn franc.

Thế nhưng âm nhạc của ông lại không hề toát lên chút đau khổ nào. Ngược lại, âm nhạc của Mozart tràn đầy niềm vui trong sáng, thuần khiết. Đó là một niềm vui xuất phát từ nội tâm, vô cùng tươi sáng, giản dị, trong sạch và đẹp đẽ! Giống với sự thuần khiết, giản dị và vui tươi đến từ Thiên đường.

Vì vậy, có người đã mô tả như vậy: Ở Thiên đường, các Thiên Thần chơi nhạc cho Chúa bằng âm nhạc của Bach, còn bản thân các Thiên Thần thì chơi nhạc của Mozart.

Là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc phương Tây, Mozart chắc chắn là một Thiên Thần mang niềm vui đến thế gian.

Tổ chế tác chương trình “Đại thoại tây du” - Biên tập: Lý Hạo
Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thần đồng âm nhạc nổi tiếng thế giới: Mozart