Thần Y Hoa Đà

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hoa Đà tự Nguyên Hóa, tên là Phu, ông sinh vào cuối thời Đông Hán, là danh y thời Tam Quốc. Thời trẻ ông đã từng du học bên ngoài, chuyên tâm y thuật không  theo đường công danh. Y thuật của ông rất toàn diện, phẫu thuật tinh vi, được hậu nhân xưng tụng là “Thánh thủ ngoại khoa”, “Ông tổ ngoại khoa”.

Hoa Đà bái sư

Sử truyền Hoa Đà từ nhỏ đã có linh cơ thông tuệ hơn người. Cha ông mất khi ông mới 7 tuổi, gia cảnh vô cùng bần cùng khốn khổ. Mẹ ông đành cậy nhờ gửi đến người bạn cũ của cha ông là thầy thuốc họ Thái để học nghề Y. Hoa Đà vâng lời mẹ vào thành tìm gặp thầy Thái, nói rõ nguyện vọng. Ông Thái nghĩ thầm: Phụ thân Hoa Đà là bạn tốt khi xưa, nếu mình không đáp ứng, sẽ bị người ta chê cười: “Nhân tử tuyệt giao, đối hữu bất nghĩa.” (bạn chết cắt đứt quan hệ, như thế là bất nghĩa đó), còn nếu đáp ứng, thì không biết cậu ta có phải là một khối liệu tốt không, tốt nhất là cứ nghĩ cách khảo nghiệm cậu ta đã.

Lúc ấy ông Thái nhìn thấy mấy đồ đệ của mình đang vặt lá dâu, nhưng cành dâu cao nhất thì không với tới, leo lên cũng không được, ông nói với Hoa Đà: “Con có thể tìm cách nào để hái được những lá dâu đó không?”

Hoa Đà trả lời: “Rất dễ thôi ạ!”

Cậu mượn một sợi dây thừng, một đầu buộc viên đá nhỏ, quăng lên cành dâu rồi vít xuống, hái lấy lá dâu.

Ông Thái lại nhìn thấy hai con dê đang húc nhau, hai mắt đỏ lên, không ai lôi ra được, liền bảo: “Hoa Đà, con có thể tách chúng ra không?”

Hoa Đà đáp: “Con làm được!”

Nói rồi, cậu mang tới hai bó cỏ tươi, đặt ở hai bên, hai con dê đánh nhau lâu nên bụng đói, trông thấy có tươi liền tranh nhau ăn, tự nhiên không húc nhau nữa. Thầy thuốc Thái thấy cậu thông minh cơ mẫn như thế, nên nhận ngay làm đồ đệ.

Y thuật siêu phàm

Hậu Hán Thư có nghi lại, vợ của Lý tướng quân mắc bệnh, mời Hoa Đà tới chẩn trị. Bắt mạch xong Hoa Đà nói, bệnh này là do trong khi mang thai thân thể bị thương làm thai chết lưu gây lên. Lý tướng quân nói, đúng là lúc có thai thì bị thương, nhưng đã sảy thai ra rồi. Hoa Đà kiên trì nói, theo mạch tượng thì thai vẫn chưa ra. Lý tướng quân không cho là vậy.

Hơn trăm ngày sau, phu nhân bệnh chuyển nặng, lại phải mời Hoa Đà tới. Hoa Đà nói: “Đó là do song thai, cái thứ nhất khi sảy làm thân thể người mẹ mất nhiều máu, nên cái thứ hai không ra được, nay thai này đã chết, co lại dính vào cột sống người mẹ”.

Hoa Đà dùng châm cứu rồi cho uống thuốc. Nửa giờ sau, thai phụ cảm thấy chuyển dạ nhưng không sinh ra được. Hoa Đà bảo: “Đó là do thai đã chết khô, không thể tự rơi ra, cần phải lấy ra”.

Ông hướng dẫn một phụ nữ cách lấy, quả nhiên lấy ra thai chết lưu.

Thần nhân truyền đạo

Hoa Đà thường thăm viếng những hang động thâm u nơi danh sơn đại xuyên. Một ngày ông tới một động cổ núi Công Nghi, bỗng nhiên nghe thấy tiếng người đàm luận phương pháp trị bệnh. Hoa Đà rất hiếu kỳ, nấp vào trong động nghe lỏm. Một lúc sau có người nói: “Hoa Đà đang ở ngay đây, có thể truyền y thuật cho anh ta”.

Người kia nói: “Hoa Đà có tâm tham, không thương xót chúng sinh, không thể truyền cho anh ta được”.

Hoa Đà bèn nhảy ra trình diện, thấy hai vị lão nhân, thân khoác vỏ cây, đầu đội mũ cỏ.

Hoa Đà bái kiến hai vị trưởng giả rồi nói: “Y thuật là sở thích của con, chỉ tiếc chưa gặp được cao nhân truyền thụ, hy vọng hai vị hiền nhân xem xét lòng thành của con mà truyền cho y thuật, con nguyện suốt đời không cô phụ ân huệ đó”.

Lão nhân nói: “Có thể truyền cho con y thuật, nhưng lo rằng sau này con mệt nhọc. Nếu con có thể giúp người mà không phân biệt cao thấp, giàu nghèo, quý tiện, không coi trọng bạc tiền, không ngại lao khổ, thì con có thể tránh được tai họa”.

Hoa Đà lạy tạ nói: “Lời Thánh hiền con đâu dám quên, con sẽ làm được”.

Hai vị lão nhân mỉm cười rồi chỉ về phía đông động nói: “Trên giường đá kia có một quyển sách, con tự đến đó lấy, rồi rời đi ngay, cần giữ bí mật, không cho người thường thấy”.

Hoa Đà vừa cầm quyển sách, ngoảnh đầu nhìn thì không thấy hai vị lão nhân đâu, Hoa Đà sợ hãi rời nhanh khỏi sơn động, vừa ra khỏi thì động đổ sụp.

Thần Y Hoa Đà thời Đông Hán. (Tranh: zhiqing - secretchina)

Chữa bệnh, trị tham

Thời Tam Quốc, hai chú cháu Dương Tu, Dương Đãng cùng phụng sự Tào Tháo. Dương Tu làm về sổ sách trong phủ, Dương Đãng làm quan quân nhu. Dương Tu thông minh bác học, nhưng cậy tài buông thả, nhiều lần phạm lỗi với Tào Tháo, cuối cùng bị Tào Tháo kết tội làm loạn lòng quân mang ra xử tử.

Dương Đãng cai quản việc quân lương. Chức quan tuy không cao, nhưng lại có nhiều màu mỡ, tích cóp cũng khá nhiều, thường bớt xén quân lương bỏ túi tư lợi. Dương Tu chết, chỗ nâng đỡ Dương Đãng cũng mất. Dương Đãng trong lòng lo sợ không yên, tự biết ngày vui sắp tàn, sợ Tào Tháo phạt tội chú mà lây sang mình, nên dự định sẽ vét một mẻ lớn quân lương, rồi cáo lão về quê.

Ngờ đâu, Dương Đãng đột nhiên mắc một căn bệnh kỳ quái, không thấy sốt mà cũng chẳng nhức đầu, chỉ thấy tức chướng trong lồng ngực, cứ như có tảng đá to đè lên, đứng chẳng được, ngồi cũng không xong, nằm ra giường thì lại càng khó chịu. Ông ta đã mời nhiều thầy thuốc chẩn trị, nhưng không thấy đỡ chút nào.

Sau đó, nghe nói có Thần Y Hoa Đà đang hành nghề gần đó, thế là nhiều lần cử người đi mời Thần Y tới chữa trị cho. Hoa Đà đã sớm biết tai tiếng về vị quan này, do đó ông luôn mượn cớ thoái thác. Không còn cách nào khác, Dương Đãng đành cho con trai đến quỳ lạy khóc lóc mời Hoa Đà. Thấy họ thành khẩn vậy, nên ông đành nhận lời. Qua vọng văn vấn thiết (nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch), Hoa Đà kê cho Dương Đãng hai đơn thuốc, dặn dò cứ theo thứ tự mà làm.

Hoa Đà đi rồi, Dương Đãng mở đơn thuốc thứ nhất ra xem. Chỉ thấy viết: “Nhị ô, quá lộ hoàng, hương phụ tử, liên kiều, vương bất lưu hành, pháp hạ, tất bạt, chu sa.”

Dương Đãng thông hiểu cổ văn, nhìn qua tên tám vị thuốc, lấy tám chữ đầu đọc liền lại thì chẳng phải là: “Nhị quá hương liên,vương pháp tất tru.” đó sao?” (Hai lỗi liền nhau, tất bị vương pháp tru diệt).

Âm mưu tính toán trong lòng của Dương Đãng đã bị Hoa Đà điểm phá chỉ ra, bất giác kinh sợ thất sắc, mồ hôi trên trán toát ra ướt đầm, nhưng cảm thấy trong ngực nhẹ bớt. Dương Đãng bèn vứt bỏ ngay tà niệm tham ô một mẻ lớn quân lương.

Tiếp đó, mở đơn thuốc thứ hai, vừa nhìn liền lớn tiếng thốt lên “Ôi!”, miệng trào máu tươi, hôn mê vật xuống. Gia nhân thấy vậy hoảng sợ, khóc toáng cả lên.

Nguyên trên đơn thuốc viết: “Thường sơn, nhũ hương, quan quế, mộc hương, ích mẫu thảo, phụ khối.”

Sáu chữ đầu tên của dược liệu gộp lại theo âm đọc thì có nghĩa là: “thưởng cho ngươi một cái quan tài”. Nhìn phương thuốc như vậy, Dương Đãng nổi giận nên hỏa khí công tâm, phun máu ngã xuống.

Lúc lâu sau, Dương Đãng bị tiếng khóc của gia nhân đánh thức. Ông mở mắt ra, cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, vùng ngực không còn cảm giác bị đè nén, bệnh đã khỏi hẳn rồi.

Khi ấy Hoa Đà không được mời mà lại đến, ông nói với Dương Đãng: “Sở dĩ vùng ngực của ông bị chướng tức, là do ứ huyết tích kết trong bụng, là khí tham lam ngưng tụ nhiều mà thành. Nay khí ấy đã theo mồ hôi thoát ra, máu ứ đã nôn ra, bệnh đã được trừ. Nhưng thân thể còn yếu nhược, tôi sẽ kê cho ông thang thuốc bổ, uống xong sẽ phục hồi.”

Quả nhiên sau khi dùng thuốc, thân thể Dương Đãng hồi phục rất nhanh. Từ đó, Dương Đãng cũng không dám cắt xén quân lương bỏ túi nữa.

Y Đạo do Thần truyền cấp

Vương Bột là người nhà Đường thời kỳ đầu, nổi danh bởi tác phẩm “Đằng Vương các tự” (bài tự ở lầu các Đằng Vương), Tào Nguyên là bạn thân Vương Bột, khi ấy nhà ở Trường An. Căn cứ theo “Tân Đường thư - Vương Bột truyện”, Vương Bột kết bạn cùng Tào Nguyên, học được từ Tào Nguyên rất nhiều bí thuật về y học.

Hoàng Đế, một trong những ông tổ Đông y. (Tranh: Epochtimes)

Trong tác phẩm “Hoàng Đế bát thập nhất nạn kinh tự” (81 nạn của Hoàng Đế) của Vương Bột hé lộ ra trình tự truyền thừa của Y Đạo: Kỳ Bá - Hoàng Đế - Lịch cửu sư (trải qua 9 vị y sư) - Y Doãn - Thương Thang - Lịch lục sư (trải qua 6 vị y sư) -Khương Thái Công - Văn Vương -Lịch cửu sư - Y Hòa - Lịch lục sư - Biển Thước - Lịch cửu sư - Hoa Đà - Lịch lục sư - Hoàng Công - Tào Nguyên. (thứ tự này cũng nghi trong “Văn uyển anh hoa” thời nhà Tống).

Y Đạo khởi nguồn từ Thượng Đế (Ngọc Hoàng Thượng Đế), rồi truyền tới các vị tiên sư (thầy dạy Kỳ Bá), tới Kỳ Bá, truyền cho Hoàng Đế (Thượng Đế→Tiên sư→Kỳ Bá→Hoàng Đế). Hoàng Đế mang y đạo truyền cho Lôi Công, sau đó tới vương thất triều Thương, triều Chu, rồi tới Biển Thước thời Tam Quốc ( 2400 năm trước), sau tới Hoa Đà cuối thời Đông Hán (1800 năm trước). Hai vị Biển Thước và Hoa Đà được tôn xưng là “Thần Y”, bởi vì hai vị ấy là để tử chân truyền Y Đạo của Hoàng Đế, cho nên triển hiện ra đều là triệt thị phủ tạng (thấu thị nhân thể), rồi rửa ruột, mổ ngực, đều là những y thuật cao siêu.

Thái Bình
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Thần Y Hoa Đà