Thẻ tín dụng không chi tiêu nhưng phát sinh nợ hàng triệu đồng chỉ sau 1 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một chủ thẻ tín dụng ở Việt Nam chia sẻ câu chuyện "đáng nhớ" của anh về việc không chi tiêu gì nhưng vẫn bị nợ hàng triệu đồng chỉ sau một năm.

Tiếp theo câu chuyện ngân hàng Eximbank đòi nợ 8,8 tỷ chủ thẻ tín dụng ở Quảng Ninh, một người sở hữu thẻ tín dụng khác chia sẻ trường hợp của anh trên mạng xã hội.

Theo đó, anh Trịnh Văn Điệp kể rằng, hai năm trước anh làm thẻ tín dụng ở ngân hàng VP Bank. Năm đầu thẻ được miễn phí thường niên, từ năm thứ 2 phải đóng phí 500.000 đồng/năm. Do không có nhu cầu sử dụng nên anh bỏ quên theo dõi tình trạng của thẻ tín dụng.

"Một ngày đẹp trời vào app thấy mình nợ 3 triệu, giật mình đi ra chi nhánh hỏi thì được đáp là năm thứ 2 phí 500k anh không đóng sau 6 tháng lãi thành 3 triệu", anh Điệp kể lại. Sau đó anh vội vàng đóng phí và đóng luôn cả thẻ tín dụng.

Nhiều người bình luận rằng anh Điệp vẫn còn là người may mắn, nếu anh "quên" trong thời gian lâu hơn, ví dụ 11 năm, thì "hậu quả sẽ rất lớn".

Nguyên nhân lãi phạt của thẻ tín dụng rất cao

Các khoản nợ từ thẻ tín dụng thường không có tài sản đảm bảo, nên các ngân hàng sẽ áp dụng các chính sách lãi suất cao để tránh rủi ro khi nợ kéo dài.

Các ngân hàng đều có chính sách 45-55 ngày miễn lãi cho người sử dụng. Sau thời gian được hưởng miễn lãi, nếu khách không thanh toán sẽ bị coi là nợ thẻ tín dụng quá hạn.

Quá hạn dù chỉ 1 ngày vẫn sẽ bị tính phí phạt, thông thường là khoảng 5% và lãi suất 20-40% của số dư nợ tối thiểu, tùy ngân hàng.

Mức lãi suất cũng được các ngân hàng áp dụng với từng loại thẻ khác nhau. Lãi suất tại Techcombank từ 20-40%/năm, tại VPBank từ 26-45%/năm, tại VIB từ 14-35%/năm, tại MB từ 12-23%/năm.

Tùy vào tình trạng trễ hạn mà khoản nợ sẽ bị áp dụng lãi suất khác nhau, cụ thể với Techcombank như sau:

  • Giai đoạn 1 (nợ quá hạn trong vòng 60-70 ngày): Khoản dư nợ tối thiểu sẽ bị tính phí phạt trả chậm 5% và lãi suất quá hạn 20-40% (tuỳ từng loại thẻ). Số dư nợ còn lại vẫn được tính lãi suất trong hạn.
  • Giai đoạn 2 (nợ quá hạn hơn 60-70 ngày): Toàn bộ khoản nợ sẽ bị tính lãi suất quá hạn 20-40% và phí phạt trả chậm 5%.

Chủ thẻ tín dụng nên làm gì?

Sau các trường hợp trên, một số chuyên trang tài chính đã đưa ra những lời khuyên sau cho chủ thẻ tín dụng:

  • Đăng ký dịch vụ thanh toán tín dụng tự động (trích nợ tự động) để không bị quên hoặc trễ hạn thanh toán mỗi tháng.
  • Thiết lập thông báo thanh toán bằng văn bản hoặc email để luôn được nhắc thanh toán đúng hạn.
  • Tự chọn 1 ngày cố định thanh toán trong tháng để dễ ghi nhớ hơn, tránh trường hợp quên ngày gây trễ hạn.
  • Không bao giờ đứng tên hộ, mở hộ thẻ cho vui, vì cả nể. Bởi vì rất có thể người đứng tên mở thẻ sẽ phải gánh khoản nợ ngân hàng một khi người sử dụng không trả nợ đúng hạn.


Thẻ tín dụng không chi tiêu nhưng phát sinh nợ hàng triệu đồng chỉ sau 1 năm