Thông điệp đáng báo động về cuộc sống hiện đại qua cuộc thi “ngồi đờ đẫn”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong đời, bạn có thể đã từng trải qua những thời gian cực kỳ bận rộn. Hoạt động không ngừng nghỉ khiến thân xác mệt mỏi, sự căng thẳng và phiền não choán lấy tâm trí, những vất vả liên tục khiến bạn nản lòng và hụt hơi… cuối cùng bạn kiệt sức, ngồi thụp xuống, chẳng muốn làm gì, chẳng muốn nói gì, cũng chẳng nghĩ gì hết, chỉ đơn giản là ngồi đó mặc kệ mọi việc xung quanh cho đến khi nào chán ngồi thì thôi.

Bạn tham gia thi được đấy. Bởi vì ở Hàn Quốc hiện đang có một cuộc thi “ngồi đờ đẫn”. Quy định của cuộc thi là người dự thi phải tĩnh lặng trong 90 phút, không được xem điện thoại, không được ăn, ngủ, nói chuyện hay ca hát. Nước uống được cung cấp bởi ban tổ chức.

Mỗi người tham gia sẽ được đo nhịp tim 15 phút một lần trong suốt 90 phút thi đấu. 10 người "đờ đẫn nhất" sẽ được khán giả bình chọn và nhà vô địch sẽ là người có nhịp tim ổn định nhất trong số đó.

Trong lần tổ chức thứ 10 của sự kiện này, đã có 77 đội với 117 người chơi tại công viên Banpo Hangang vào trung tuần tháng 5. 77 đội này đã được tuyển chọn từ 2.800 đội đăng ký tham gia, cho thấy sức hút rất lớn của cuộc thi. Phiên bản quốc tế của cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh năm 2015. Vào năm ngoái, Tokyo đã tổ chức cuộc thi này, còn tháng 10 năm nay thì đến lượt Hong Kong.

Có thể nói đây là cuộc thi rất có tương lai. Vì sao vậy?

Áp lực của cuộc sống hiện đại là lý do ra đời của cuộc thi ‘ngồi đờ đẫn’

Hàn Quốc nổi tiếng là một xã hội bận rộn. Trẻ thì bận học, lớn thì bận làm. Một đứa trẻ ở Hàn Quốc bắt đầu từ 4 tuổi đã bị đưa vào guồng quay học tập vất vả, mức độ vất vả chỉ tăng không giảm theo thời gian. Học sinh trung học ở Hàn Quốc phải học có khi đến 16 tiếng một ngày, trung bình từ 8h sáng đến 10h tối, ăn tối ngay tại trường và chỉ có thể trở về nhà vào lúc nửa đêm. Sáng ra lại tiếp tục lịch trình như vậy suốt các ngày trong tuần kể cả 2 ngày thứ 7 trong một tháng. Học để thi đỗ đại học và các kỳ thi quan trọng khác, học không nên thì bị thầy phạt.

Trên bản đồ các nước OECD - Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, các học sinh Hàn Quốc luôn đạt điểm cao nhất trong những bài kiểm tra quốc tế Pisa test, nhưng Hàn Quốc cũng trở thành quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất trong các nước OECD, đa phần vì trẻ không chịu nổi áp lực để đáp ứng kỳ vọng học hành của người lớn. Cuộc chạy đua thành tích học hành này không dừng ở cái mốc tốt nghiệp đại học, vì ai cũng muốn trở nên vượt trội về học vấn với quan niệm rằng, học vấn cao hơn thì thành công cao hơn.

Khi thấy tạm bằng lòng với học vấn và bằng cấp hiện có, người Hàn Quốc tạm bước ra khỏi guồng quay học hành để bước vào một guồng quay khác: guồng quay công việc.

Cổng thông tin tìm kiếm việc làm trực tuyến Job Korea đã tiến hành một cuộc khảo sát với 855 người lao động, khoảng một nửa trong số họ (48,5%) tự coi bản thân là người "nghiện công việc".

Trong số những người Hàn Quốc tự nhận là nghiện công việc này, hơn một nửa tiết lộ họ không còn lựa chọn nào khác bởi có quá nhiều thứ cần làm, 47,5% còn lại cho hay họ "thích làm việc hơn nghỉ ngơi".

Khoảng 1/3 số người nghiện công việc nói rằng họ làm thêm ít nhất 3 ngày/tuần, 20,5% cho biết làm thêm 2 ngày/tuần và hơn 10% làm thêm tới 4-5 ngày/tuần.

Kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy phần lớn người Hàn Quốc nghiện việc rơi vào tình trạng kiệt sức - tức là hội chứng do căng thẳng gây ra trong thời gian dài mà không được kiểm soát tốt ở nơi làm việc, khi một người rơi vào trạng thái cạn kiệt năng lượng cả thể chất lẫn tinh thần, thờ ơ hoặc trầm cảm.

Trong số những người được hỏi, có tới 77,8% cho biết họ từng hoặc đang rơi vào tình trạng sức cùng lực kiệt, thậm chí ngã gục với tần suất từ "thỉnh thoảng" đến "rất thường xuyên".

Hàn Quốc là quốc gia nơi người lao động làm việc quá sức nhiều nhất ở châu Á và nhiều thứ 5 trên thế giới, theo dữ liệu triển vọng việc làm do OECD tổng hợp vào năm 2022.

Làm việc quá nhiều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động, đến mức ở Hàn Quốc có một thuật ngữ chỉ cái chết do làm việc quá sức là "gwarosa".

Theo một bài báo vào tháng 8/2020 về tác động tiêu cực của thời gian làm việc dài đối với lao động trẻ Hàn Quốc, thời gian làm việc kéo dài có liên quan đến căng thẳng, trầm cảm và ý định tự tử ở những nhân viên trẻ, từ 20 đến 35 tuổi. Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu được thu thập từ 3.332 nhân viên trẻ tuổi.

Mải mê theo đuổi học hành, công việc khiến người Hàn Quốc quên cả lập gia đình và sinh con, và hiếm muộn đang trở thành một vấn đề nan giải của xã hội này.

Chính trong bối cảnh ấy, cuộc thi “ngồi đờ đẫn” đã ra đời. Bà Woopsyang, một trong những người sáng lập cuộc thi cho biết cuộc thi nhằm nêu bật giá trị của việc không làm gì trong xã hội bận rộn ngày nay. Bà nói:

"Mọi người dán mắt vào smartphone từ sáng đến tối, liên tục tiếp nhận thông tin tiêu cực, căng thẳng. Điều này thôi thúc tôi tổ chức sự kiện, như một cách giúp mọi người tìm được giây phút nghỉ ngơi".

Người tham gia cuộc thi đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, có người là nhà ngôn ngữ học, người là kỹ thuật viên sân bay, hoặc lính cứu hỏa. Họ viết về động cơ khiến họ tham gia cuộc thi trên bảng đặt bên ngoài điểm tổ chức, hầu như đều là bày tỏ mong muốn thoát khỏi cuộc sống bận rộn hàng ngày.

Một người đàn ông nước ngoài tham dự sự kiện cùng con trai và vợ, viết rằng: "Tôi muốn nói với con trai rằng nó có thể ngồi không, dành thời gian cho sức khỏe".

Phải chăng chỉ có người Hàn Quốc mới cần được nghỉ ngơi? Bà Woopsyang nói:

"Tôi từng tin rằng Hàn Quốc là xã hội bận rộn, cạnh tranh nhất. Nhưng qua những người chơi quốc tế, tôi nhận ra nhiều người đều có chung tâm lý này". Bà cũng cho biết mục tiêu cuối cùng là thiết lập "ngày quốc tế đờ đẫn", nơi toàn thế giới có thể tạm nghỉ, dù chỉ là trong chốc lát.

Hóa ra, đây là chuyện không chỉ của riêng ai, hay riêng xã hội nào hết.

Nhân loại đều đang trong vòng xoáy của công việc và áp lực cuộc sống

Bộ phim Hollywood “Kramer vs Kramer” (Gà trống nuôi con) do ngôi sao gạo cội Dustin Hoffman thủ vai chính là một bộ phim nổi tiếng về đề tài gia đình, trong đó một gia đình tan vỡ vì người cha nghiện công việc và người mẹ không đủ kiên nhẫn. Ted Kramer, một giám đốc quảng cáo ở thành phố New York vừa có được một sự đề bạt mới lên vị trí cao hơn trong công ty. Tuy nhiên, khi anh chia sẻ tin này với Joanna, người đã làm vợ anh được 8 năm, cô ấy đã khiến anh bị sốc khi thông báo rằng cô sẽ rời bỏ anh. Tất cả là bởi vì Ted luôn bị cuốn vào guồng quay của công việc mà không có thời gian cho gia đình. Anh đi làm khi con trai còn chưa dậy, và trở về nhà khi con trai anh đã đi ngủ rồi, luôn luôn chỉ có một mình Joanna chăm sóc cậu bé. Thành ra, vợ anh cảm thấy như mình bị chồng bỏ rơi.

Cô bước ra khỏi căn hộ mà không có Billy, cậu con trai bảy tuổi của cặp vợ chồng, vì cô cảm thấy mình không thích hợp làm mẹ của cậu bé. Sáng hôm sau, khi Billy hỏi về mẹ mình, Ted giải thích rằng cô đã đi vắng một mình trong một thời gian.

Kể từ đó, hai cha con Ted Kramer phải thực sự vật lộn với cuộc sống mà ngày nào cũng là một cuộc chạy đua với đủ thứ rắc rối của hoàn cảnh “gà trống nuôi con”, trong khi công việc của anh vốn đã vô cùng bận rộn. Dần dần họ cũng ổn định được cuộc sống gia đình, nhưng Ted thì bị mất việc ở công ty do các giám đốc điều hành không hài lòng với kết quả công việc của anh. Trong khi đó, Joanna lại đòi quyền giám hộ cậu con trai Billy và họ phải cùng nhau ra tòa. Trải qua nhiều sóng gió, cuối cùng hai cha con nhà Kramer cũng được ở bên nhau. Nhưng gia đình của họ cũng không còn nguyên vẹn.

Bộ phim “Gà trống nuôi con” phản ánh cuộc sống bận rộn của những người lao động Mỹ vào những năm cuối thập niên 1970. Từ đó đến nay, nhịp sống của toàn nhân loại chỉ có tăng không giảm.

Nếu như cuộc sống của những Ted Kramer ở nước Mỹ quay cuồng trong công việc, thì cuộc sống của những người lao động Trung Quốc đương đại cũng không kém phần bận rộn với văn hóa 996: tức là mỗi tuần làm việc 6 ngày, từ 9:00 sáng đến 9:00 tối. Và khi từ công việc quay về cuộc sống cá nhân, thì áp lực cũng không hề suy giảm trong quốc gia hà khắc và nhiều tai họa này. Họ không thể phản kháng về hoàn cảnh hiện tại mà không gặp rắc rối với chính quyền, vậy mà tiếp tục theo guồng quay này thì cuối cùng sẽ như miếng vỏ chanh vắt hết nước bị vứt bỏ. Một trạng thái tiến thoái lưỡng nan như thế, tự nhiên sẽ dẫn đến hành động buông xuôi, bỏ mặc, và đó chính là “chủ nghĩa nằm ngửa”.

Vì sao nhiều người Trung Quốc chọn thái độ “nằm ngửa”. (Tổng hợp)

Bài viết nổi tiếng “nằm ngửa là chính nghĩa” xuất hiện trên mạng Baidu Tieba từ 3 năm trước. Tác giả bài viết tâm sự như sau:

“Hơn 2 năm không làm việc rồi, đều đang chơi, không cảm giác có chỗ nào đó không đúng. Áp lực chủ yếu đến từ việc muốn định vị bản thân sau khi so sánh những người xung quanh với nhau, và quan niệm truyền thống của các bậc trưởng bối. Chúng sẽ liên tục xuất hiện bên cạnh bạn. Mỗi khi bạn đọc được thông tin về tìm kiếm nóng thì thấy đều là chuyện yêu đương của các minh tinh, ‘xung quanh chuyện sinh đẻ’ như mang thai chẳng hạn, giống như có những thứ ‘sinh vật không nhìn thấy’ đang tạo ra một loại tư duy cưỡng ép lên bạn. Con người không nhất định phải như thế. Tôi có thể giống như Diogenes chỉ ngủ trong thùng gỗ của mình để phơi nắng, cũng có thể giống như Heraclitus trú ở trong hang động để suy nghĩ về những biểu trưng (logos). Nếu trên mảnh đất này chưa bao giờ thực sự tồn tại trào lưu tư tưởng đề cao tính chủ thể của con người, vậy tôi có thể tự tạo cho bản thân mình, ‘nằm ngửa’ chính là vận động của kẻ trí giả như tôi, chỉ có ‘nằm ngửa’ thì con người mới là thước đo vạn vật.”

Không hề vô cớ khi không phải Hàn Quốc mà chính là Trung Quốc mới là nơi tổ chức đầu tiên cuộc thi “ngồi đờ đẫn” vào năm 2015. Và với kinh nghiệm “nằm thẳng” hay “nằm ngửa”, thì nhiều thanh niên Trung Quốc hiện nay có lẽ có nhiều tiềm năng đoạt ngôi quán quân trong cuộc thi “ngồi đờ đẫn” này. Thay vì chỉ ngồi đờ đẫn trong một cuộc thi 90 phút, những người trẻ đầy nhiệt huyết cống hiến này đã bất đắc dĩ phải chọn cuộc sống với hoạt động tối thiểu trong vài năm rồi.

Nhưng vẫn còn đó nước Nhật nổi tiếng với danh hiệu “quốc gia làm việc trọn đời” với áp lực công việc khiến nhiều thanh niên tìm đến cái chết. Và thêm cả Hong Kong với đời sống ngày càng ngột ngạt dưới bàn tay khắc nghiệt của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và điều kiện sống tụt dốc so với trước kia. Đây đều là những quốc gia đã và sẽ đăng cai tổ chức cuộc thi “ngồi đờ đẫn”.

Trong bối cảnh thế giới nhiều bất an vì thiên tai, chiến họa, dịch bệnh, kinh tế khủng hoảng… khiến cuộc sống nhân loại ngày càng thêm căng thẳng, có lẽ sẽ thêm nhiều quốc gia tổ chức những cuộc thi tương tự như “ngồi đờ đẫn”.

Ngồi đờ đẫn giúp cân bằng cuộc sống bận rộn, thiền định còn hiệu quả hơn nữa

Mong bạn chớ nghĩ rằng, ngồi đờ đẫn là dễ dàng. Trong nhịp sống hiện đại hối hả, không có nhiều người có thể ngồi yên được một chỗ trong 90 phút mà không làm gì cả. Không xem điện thoại ư? Khó đấy, vì cuộc sống hiện đại đã quá phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ rồi, mà phổ biến nhất trong đó là smartphone. Nhiều người chúng ta không rời điện thoại thông minh được, nếu không xem nó sẽ cảm thấy có phần vật vã như lên cơn nghiện.

Không nói chuyện ư? Có nhiều người không dứt được nhu cầu này, ngồi cạnh nhau là phải nói chuyện gì đó, không nói sẽ cảm thấy trống vắng trơ trẽn. Không xem điện thoại, không nói chuyện thì ít nhất phải cho ăn uống gì chứ? Không được, ăn uống là lạc thú của rất nhiều người, có thể giúp chúng ta quên đi thời gian và phiền muộn. Nếu không tin thì hãy ra các quán nhậu giờ tan tầm mà xem. Nên ở cuộc thi này chỉ được uống nước do ban tổ chức cung cấp. Ca hát thì sao? Cũng không được, ca hát là hoạt động giải trí tác động mạnh đến tinh thần, có thể “giết” thời gian một cách nhanh chóng. Có nhiều người hễ cầm mic lên là có thể mất đến nửa ngày chứ 90 phút thì ăn nhằm vào đâu.

Không làm gì, thế thì chịu sao được, những 90 phút ngồi không đờ đẫn sẽ buồn ngủ lắm. Nhưng không được ngủ. Vậy mới khó.

Còn khó hơn nữa là phải giữ nhịp tim ổn định, vì cứ 15 phút nó được đo một lần. Cái nhịp tim này liên quan đến tâm trạng, cảm xúc, và tâm trạng liên quan đến ý nghĩ trong đầu, nếu không làm chủ được suy nghĩ, thì không làm chủ được nhịp tim.

Cuộc sống hiện đại phức tạp khiến cho tâm trạng của con người cứ thăng giáng thất thường, có khi đến mức cực đoan thái quá, khi vui - vui đến bộn bề, khi buồn - buồn đến não nề ruột gan. Hoặc lúc bình thời, muôn nghìn ý nghĩ cứ nảy ra trong đầu một cách lộn xộn, rối tinh rối mù. Trong tu luyện thời xưa, cổ nhân gọi đó là “tâm viên, ý mã”, có nghĩa là tâm cứ nhảy nhót như con khỉ con vượn, ý cứ lồng lộn như con ngựa bất kham không chế ngự nổi. Trong muôn vàn ý nghĩ ấy, hỏi ý nghĩ nào mới là mình thật sự? Bởi vậy, Phật gia bảo rằng phải tìm lại con người thực của mình, Đạo gia thì dạy phải phản bổn quy chân.

Trong danh tác Tây Du Ký, Hồi thứ 45 khi Tôn Hành Giả đấu phép với 3 Đạo sĩ của nước Xa Trì, đến cuộc thi đấu về thiền định, thì họ Tôn gãi đầu gãi tai cảm thấy rất nan giải. Cuối cùng y thú nhận với sư phụ và huynh đệ rằng muốn trổ các loại bản lĩnh hàng long phục hổ, nghiêng sông dốc biển, chọc trời khuấy nước… gì y cũng làm được, chỉ có ngồi yên thiền định là y không làm được. Đó cũng là một phép ẩn dụ của truyện để nói về cái “tâm viên ý mã” này. May mắn rằng đây lại là sở trường của Đường Tăng.

Muốn nhịp tim ổn định khi vẫn đang thức, phải vứt bỏ được những suy niệm hỗn loạn, muốn vứt bỏ được suy niệm hỗn loạn, trước hết phải vứt bỏ những tâm chấp trước. Chẳng hạn, Đức Phật có dạy phải vứt bỏ tham, sân, si, và cũng không chỉ có vậy. Thực ra, đó là một quá trình rèn tâm nghiêm túc và lâu dài. Nhưng nếu kiên trì thực hiện được nó, sẽ có nhiều lợi ích bất ngờ.

Một bác sĩ trung y nổi tiếng người Đài Loan từng nói rằng: “Ngồi thiền có thể tăng cường khả năng miễn dịch. 30 năm trở lại đây, thông qua việc thiền định và tu luyện, thân thể của tôi rất khỏe mạnh, gần như rất ít uống thuốc. Thậm chí đến cả vitamin, thực phẩm bổ sung khoáng chất hay các loại sản phẩm dinh dưỡng khác, tôi cũng không cần hao tốn tâm sức và tiền bạc mua về. Tôi khuyên mọi người có thể thử một tuần hai lần, ví dụ như vào thứ bảy hoặc chủ nhật, mỗi lần ngồi thiền từ 15 đến 20 phút thậm chí là lâu hơn, đầu óc không nghĩ ngợi chuyện gì nữa, để cho bản thân mình hoàn toàn tĩnh lặng lại. Đến khi bạn hoàn toàn có thể tĩnh lại được, bạn sẽ phát hiện ra rằng càng ngồi thiền bạn sẽ càng thích ngồi thêm nữa”.

Một nghiên cứu được công bố trong tạp chí Consciousness and Cognition (Ý thức và Nhận biết) số ra ngày 2/4/2010 cho thấy những người thiền định 20 phút mỗi ngày trong vòng 4 ngày có biểu hiện cải thiện rõ ràng về khả năng nhận thức và thực hiện các bài kiểm tra về nhận thức tốt hơn đáng kể so với một nhóm kiểm soát. Tiến sĩ Fadel Zeidan thuộc Đại học Wake Forest và Đại học North Carolina nói rằng: “Nói một cách đơn giản, những cải thiện sâu sắc mà chúng tôi đã phát hiện ra sau chỉ bốn ngày thiền định thực sự đáng kinh ngạc. Nó thể hiện rằng đầu óc con người, thực sự có thể dễ dàng thay đổi và dễ chịu nhận nhiều ảnh hưởng, đặc biệt là bởi sự thiền định.”

Trong một nghiên cứu được công bố năm 2005 ở Tạp chí Thuốc thay thế và Bổ sung, một nhóm do Bác sĩ Lili Feng thuộc trường Đại học Y Baylor (Baylor College of Medicine) ở Houston, Texas đứng đầu đã tìm thấy những sự khác nhau rất rõ rệt giữa các học viên Pháp Luân Công và những người không tập môn này trong biểu hiện gen ở bạch cầu trung tính. Bạch cầu trung tính là các tế bào bạch huyết đóng vai trò ưu việt trong việc đẩy lùi các vi khuẩn tấn công. Trong các bài luyện công hàng ngày của các học viên môn này cũng có thiền định.

Ngay từ thời cổ, Nho gia, Đạo gia, và các tăng ni Phật giáo đều rất chú trọng đến thời gian ngồi tĩnh lặng, gọi là tĩnh tọa. Họ không suy nghĩ gì và thanh lọc tâm ý bằng thiền định. Y học hiện đại công nhận rằng thiền định có thể nâng cao sự chú ý và giúp giảm bớt áp lực rất hữu hiệu, và thậm chí có thể chữa trị các bệnh nan y. Càng ngày càng nhiều người Tây phương tập thiền và đã hưởng được nhiều ích lợi từ thiền định.

Càng ngày càng nhiều người Tây phương tập thiền. (Shutterstock)

Không rõ trong quy định của cuộc thi ngồi đờ đẫn có cho phép việc tĩnh tọa để thiền định hay không? Nếu có, thì những người quen ngồi thiền sẽ có cơ hội lớn nhất để chiếm giải.

Một kẻ ngồi không thực ra lại là một triết gia nổi tiếng thời cổ Hy Lạp được Alexander Đại đế kính trọng

Vào năm 335 trước Công nguyên, Alexander Đại đế mới 21 tuổi đã thống nhất toàn bộ Hy Lạp. Ông đến Athens, nơi người thầy Aristotle của ông từng sống, là nơi có thành Acropolis cao chót vót, đền Parthenon hùng vĩ, có những nhà tiên tri, nhà thông thái như Socrates và Pythagoras v.v. đó là nơi mà Alexander luôn khao khát được đến.

Alexander anh khí lầm lẫm, phong thái vương giả, ai nhìn thấy ông cũng sẽ cúi chào.

Hôm đó, Alexander đi dạo trên đường phố Athens thì nhìn thấy một người đàn ông trang phục tả tơi, đang ngồi tựa lưng vào một cái thùng lớn, một tay chống xuống đất. Râu và tóc của ông ta đều bạc trắng, mặt đầy bụi, diện mạo như một tên hành khất.

Alexander bước đến gần nhưng người đàn ông vẫn ngồi yên ở đó, thờ ơ. Alexander lịch sự hỏi: "Tôi có thể giúp gì cho ông được không?"

Người đàn ông này giơ tay phải lên, và làm một cử chỉ dường như đẩy Alexander ra và nói: "Vâng. Xin hãy đứng sang một bên, anh đang che ánh sáng mặt trời của tôi."

Mọi người xung quanh cười nhạo, cười vì người đàn ông này không biết rằng đứng trước mặt ông ta là một người giống như Chiến Thần - Alexander Đại đế, người vừa thống nhất Hy Lạp, và sau này sẽ dẫn dắt đoàn quân viễn chinh chinh phục khắp Âu Á.

Nhưng Alexander im lặng, ông quay lại, trầm ngâm một lúc rồi nói: "Nếu tôi không phải là Alexander, tôi chắc chắn sẽ là Diogenes".

Diogenes chính là triết gia nổi tiếng mà nhìn như kẻ ăn xin này, ông là học trò của Socrates và là cha đẻ của trường phái triết học Khuyển Nho ở Hy Lạp. Câu nói của Alexander vừa đơn giản vừa sâu sắc: “Nếu tôi không thể chinh phục được thế giới thì tôi cũng như Diogenes, sẽ không để người khác chinh phục được mình”.

Bởi vì Diogenes đã có thể từ bỏ mọi ham muốn dục vọng, ăn ngon ở tốt, y phục đẹp ngựa hay, lẫn sự hâm mộ hay công nhận của đám đông, hay danh vọng hiển hách… tất cả những điều ấy không thể lay động được ông, bởi vậy người khác không thể chinh phục Diogenes được. Và Alexander - học trò của triết gia nổi tiếng Aristotle - vốn cũng là một vị quân vương thông tuệ tuyệt vời, kính trọng ông về điều đó, còn đám đông dân chúng thì dĩ nhiên không thể đạt được đến cảnh giới tinh thần này, do vậy họ chế giễu ông.

Ngồi không như Diogenes đâu chỉ đơn giản là không làm gì cả, ngồi không với triết lý đúng đắn còn hơn là không ngồi ấy chứ.

Không phải bận rộn - cân bằng mới khiến cuộc sống hạnh phúc

Được tạo cảm hứng từ cuộc thi này, con người có thể thử ngồi xuống và tự vấn: Họ đã sống cuộc sống bận rộn này bao lâu rồi? Công việc đem lại và lấy đi của họ những gì? Đã bao lâu rồi họ chưa về thăm cha mẹ, chưa cùng ăn một bữa cơm gia đình đầm ấm, đông đủ? Đã bao lâu rồi họ không đưa con đi chơi, dạy con học bài và giáo dục con cái những bài học cuộc sống? Đã bao lâu rồi họ chưa có lấy vài mươi phút tĩnh lặng một mình để kiểm điểm bản thân về những điều phải quấy đã làm trong cuộc sống, cũng như đặt câu hỏi rằng rốt cuộc điều gì mới thực sự có ý nghĩa trong một kiếp người?

Không chỉ người Hàn Quốc, mà người Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Mỹ và phương Tây… hầu như toàn bộ nhân loại hiện đại bao gồm cả người Việt Nam chúng ta trong đó cũng có thể làm điều tương tự.

Công việc là quan trọng, nhưng làm việc như thiêu thân lại là nghiêm trọng. Của cải và sự hưởng thụ vật chất cũng quan trọng, nhưng nó không nhất thiết sẽ đem lại hạnh phúc và sự bền vững. Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới là Bhutan không phải là quốc gia bận rộn nhất và giàu có nhất.

Vậy điều gì mới thực sự đem lại hạnh phúc, sức khỏe và sự lành mạnh về tâm trí? Có lẽ là sự cân bằng, tĩnh tại trong mọi thời khắc của cuộc sống. Mà cuộc thi “ngồi đờ đẫn” này, dẫu không phải là một giải pháp hữu hiệu nhất, nhưng lại đang nhắc nhở chúng ta tái lập sự cân bằng cần thiết đó.

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Thông điệp đáng báo động về cuộc sống hiện đại qua cuộc thi “ngồi đờ đẫn”