Thuốc giải cho đố kỵ - “bệnh dại của trái tim”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người ta vẫn thường nói ghen tỵ, tật đố là thứ thuốc độc hại người hại mình.

Đố kỵ là bệnh dại của trái tim

Herman Melville (nhà văn nổi tiếng với tác phẩm “Moby Dick”) đã gọi đố kỵ là “bệnh dại của trái tim”. Trong tiểu thuyết dang dở “Billy Budd” của mình, ông đã viết câu chuyện về thuyền viên Claggart ghen tỵ và căm ghét một cách “không thể hiểu nổi” với vẻ đẹp và sự thánh thiện của thủy thủ Billy Budd, dẫn đến cái chết bi thảm cho cả hai.

Rất nhiều văn hào khác cũng chia sẻ điều tương tự. Trong tiểu thuyết “Nhà thờ Đức bà Paris” của Victor Hugo, Phó Giám mục Claude Frollo trong cơn ghen tuông điên cuồng đã sẵn sàng đẩy tất cả mọi người đến chỗ chết - dù là gã tình địch đẹp mã Phoebus, hay cô gái Esmeralda ông ta hằng khao khát.

Nhà văn Oscar Wilde trong lần gặp gỡ với “vua trinh thám” Conan Doyle đã kể một câu chuyện đầy hóm hỉnh và tinh tế:

“Ác quỷ đi lang thang trên vùng hoang mạc Palestine. Nó thấy đám tiểu yêu đang cám dỗ một nhà tu hành. Nhà tu hành này đạo hạnh quả là cao, ông dễ dàng khước từ những cám dỗ của đám tiểu yêu. Ác quỷ tiến tới và buông lời: ‘Anh trai ông đã được phong giám mục ở thành Alexandria rồi đấy!’ Ngay lúc đó, một cái cau mày vụt qua khuôn mặt nhà tu hành. Ác quỷ bèn quay sang nói với đám tiểu yêu: ‘Đấy, đấy là điều chúng bay nên làm!’

Câu chuyện này thật sự rất thấm thía, nó cũng cho thấy ác quỷ vô cùng xảo quyệt. Ác quỷ biết rằng con người ta rất dễ ghen ghét, đố kỵ với chính những người gần gũi bên mình. Thực tế lịch sử đã có vô vàn dẫn chứng, thời Đường, Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát tranh ngôi với người anh em Lý Thế Dân; thời vua Lê - chúa Trịnh, Phạm Đình Trọng và Nguyễn Hữu Cầu tuy cùng thầy học mà lại không từ thủ đoạn nào xử lý nhau. Hay như những câu chuyện tu luyện, tôn giáo vào hàng kinh điển mà chúng ta hẳn đã quen thuộc: Cain giết em trai Abel vì Thiên Chúa nhận lễ vật của Abel mà không nhận của Cain; Thân Công Báo không phục sư huynh Khương Tử Nha được đi phong Thần; Đề-bà-đạt-đa ghen ghét và ám hại người anh họ Thích Ca Mâu Ni của mình. Có thể thấy, nếu ác quỷ kể lể về vinh quang của một ai đó xa lạ thì nhà tu hành hẳn sẽ bất động tâm, nhưng khi đó là câu nói bâng quơ về người anh trai mà ông tường tận, thì vọng niệm đã khởi lên.

Thuốc giải cho căn bệnh đố kỵ

Trương Tam Phong cho rằng nhân sinh có Ngũ đức: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, chúng tương ứng với Ngũ hành: Mộc - Kim - Hỏa - Thủy - Thổ của trời đất, và Ngũ tạng: Can - Phế - Tâm - Thận - Tỳ (Gan - Phổi - Tim - Thận - Lá lách) trong cơ thể người.

Gây bệnh cho cơ thể lại là Ngũ độc: Nộ - Não - Hận - Phiền - Oán. Trong đó nộ hại gan, não hại phổi, hận hại tim, phiền hại thận, oán hại tỳ.

Ngũ hành - Ngũ đức - Ngũ tạng. Nguồn: NTDVN

Đố kỵ chính là oán khí, nó công kích vào Tỳ thuộc Thổ. Chúng ta biết rằng: Thổ sinh vạn vật, Thổ khắc vạn vật. Thổ là đầu mối trong Ngũ hành. Con người ta dù tu tâm dưỡng tính tốt đến đâu, đạo hạnh cao đến mấy, mà để xuất sinh tâm đố kỵ này, thì cũng bằng như “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”, công sức đổ sông đổ biển, hủy hoại trong chớp mắt.

Đông y giảng cần dùng các vị thuốc tính bình, tính ấm, vị ngọt để kiện tỳ, ý nghĩa sâu xa là gì? Biểu hiện của đố kỵ và bệnh tỳ chính là tức khí, nuốt không trôi, ăn không được. Con người ta cần phải tránh bất bình, đừng cứ cho rằng đời mình bất công, coi thứ bản thân đang có là khổ đau cay đắng, mà phải lấy đó là an lạc ngọt bùi. Vui với những gì mình có, thì chính là nuốt được trôi, ăn uống được bình thường.

Ngoài ra để mà ăn được, cũng tức là sức chứa bụng dạ cần phải nhiều, thế thì bụng dạ cũng cần rộng rãi ra. Người xưa có câu “bụng của tể tướng có thể chèo thuyền” - ý nói lòng dạ rộng rãi của người bậc cao.

Có câu chuyện rằng Tưởng Uyển kế nhiệm Gia Cát Lượng làm thừa tướng Thục Hán. Đốc nông Dương Mẫn từng nói xấu sau lưng Tưởng Uyển rằng: ‘Làm việc hồ đồ, không như Gia Cát Lượng’. Có người kể lại với Tưởng Uyển, nói ông xin chiếu trị tội Dương Mẫn. Tưởng Uyển thản nhiên nói: ‘Tôi quả thực không bằng tiền nhân, có gì mà phải trị tội’. Sau này Dương Mẫn phạm tội, Tưởng Uyển không thừa cơ trả thù, mà xét xử đúng luật.

Có thể thấy Tưởng Uyển khí độ không hề hẹp hòi, khi bị so sánh với người khác thì vẫn vui vẻ khiêm tốn.

Nhìn trong mối quan hệ giữa Ngũ đức, Ngũ tạng và Ngũ độc, chúng ta thấy cần lấy Tín để chữa đố kỵ. Người ta cần có uy tín trong các mối quan hệ, lại cần có đức tin vào Đạo ở trên điều khiển vạn vật. Nếu đố kỵ là thứ xấu xa có thể hủy hoại mọi đạo hạnh, thì Tín là mỹ đức nền tảng có thể nâng đỡ mọi đạo hạnh. Đức Tín chính là Thổ, nuôi dưỡng muôn vật.

Đố kỵ thường đi kèm với kiêu ngạo và dục vọng. Người có đức Tín sẽ làm bền vững các mối quan hệ, sẽ không kiêu ngạo xa lánh người khác, lại cũng phải giữ gìn bản thân không để dục vọng làm tổn hại các mối quan hệ; lời nói, hành động đều chân thành, tín thực, xác đáng.

Người ta sinh oán khí, đố kỵ, bất bình cũng là bởi không có lòng tin, bụng dạ hẹp hòi luôn nghi kỵ, cho rằng mình bị bạc đãi. Cain nghi Thiên Chúa đối xử bất công với mình; Lý Kiến Thành, Lý Nguyên Cát nghi vua cha thiên vị Lý Thế Dân; Thân Công báo nghi sư phụ Nguyên Thủy Thiên Tôn hồ đồ. Ngoài ra, một đặc trưng trong lịch sử của đố kỵ, là nghi người tốt chẳng tốt đến thế, ví dụ về phương diện này thì quả là vô số, chúng ta thấy rất nhiều anh hùng tận trung trong lịch sử bị gian thần dèm pha có mưu đồ thoán nghịch để rồi bị hại.

Kiến Thành và Nguyên Cát mở tiệc rượu mời Tần Vương đến dự, bề ngoài vờ nâng ly tạ lỗi nhưng sau lưng lại lén bỏ chất kịch độc vào trong ly rượu. (Tranh Epoch Times)

Trong sách Phúc âm John có ghi lại câu chuyện về người môn đồ được yêu quý của Chúa Jesus.

“Peter quay lại và thấy môn đồ được Chúa yêu thương đang đi theo; đó cũng là người trong bữa ăn tối đã nghiêng đầu qua trước ngực Chúa và hỏi ‘Lạy Chúa, ai là kẻ sẽ phản Ngài?’

Peter thấy môn đồ ấy, ông hỏi Chúa Jesus ‘Lạy Chúa, còn người này thì sao?’

Chúa Jesus đáp ‘Nếu Ta muốn người ấy cứ sống cho tới khi Ta đến thì can hệ gì đến ngươi? Phần ngươi, hãy theo Ta.’

Vậy là có lời đồn giữa vòng anh em, rằng môn đồ ấy sẽ không chết. Tuy nhiên Chúa Jesus không nói rằng người ấy sẽ không chết, mà Ngài chỉ nói ‘Nếu Ta muốn người ấy cứ sống cho đến khi Ta đến thì can hệ gì đến ngươi.’

(Bối cảnh câu chuyện là khi Peter - một môn đồ còn đầy hoài nghi - được Chúa Jesus yêu cầu theo Chúa chịu khổ nạn. Peter nhìn sang người môn đồ được Chúa yêu quý và nảy sinh thắc mắc về sự sắp đặt của Chúa cho ông ta.)

Câu chuyện trên cho ta hai điều răn: thứ nhất, người tu hành chớ nên nghi ngờ an bài, phán định của vị thầy, bậc Giác Giả, chớ nên nghi ngờ Đạo; thứ hai, những lời đồn thổi trong những người tu hành, anh em đồng môn thực sự rất nguy hiểm, khơi gợi sự suy diễn, thị phi, đố kỵ. Người có đức Tín cần cảnh giác trước cả hai điều đó.

Hữu Đức



BÀI CHỌN LỌC

Thuốc giải cho đố kỵ - “bệnh dại của trái tim”