Trấn áp các nhóm lừa đảo viễn thông ở Miến Điện - phân tích từ cội nguồn lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mấy năm gần đây các tập đoàn lửa đảo viễn thông ở Đông Nam Á trở nên nổi tiếng, tuy nhiên trong mấy tháng cuối cùng của năm 2023, những tập đoàn lừa đảo này bị trấn áp. Việc này có thực sự là trừ hại cho dân hay không?

Lừa đảo viễn thông miền Bắc Miến Điện

Một ngày tháng 10 năm 2023, khi màn đêm buông xuống, thành phố Laukkai, thủ phủ của địa khu Kokang, Miến Điện hiện lên dáng vẻ hiện đại dưới ánh đèn rực rỡ. Khu nội thị, đèn sáng rực rỡ, lầu cao nhà lớn, cảnh phố sáng đèn, người xe nườm nượp, vô cùng náo nhiệt.

Kokang là đặc khu đầu tiên của bang Đàn (Shan State), phía bắc giáp với Vân Nam, Trung Quốc, dân số khoảng 150.000 người, trong đó 80% là người gốc Hoa. Họ đa phần đều là con cháu của những người Hoa triều Minh, di cư đến Kokang vào thế kỷ 17.

Khi Lý Tự Thành đánh vào Bắc Kinh, sau đó quân Thanh tiến vào Trung Nguyên, một bộ phận con dân trung thành với triều Minh đã chạy trốn qua Vân Nam rồi đến miền Bắc Miến Điện, đến địa khu Kokang ngày nay.

Thời đó, Kokang là một bộ phận của châu Trấn Khang, thuộc địa khu Điền Tây của triều Minh, do quan Thổ ty địa phương quản lý tự trị. Sau đó nhà Thanh cũng tiếp tục thừa nhận sự tự trị của châu Trấn Khang. Sau này Đế quốc Anh thuộc địa hóa Miến Điện, đã chiếm Kokang. Sau khi Anh Quốc trao trả độc lập năm 1948, Kokang trở thành một bộ phận của Miến Điện ngày nay.

Thành phố Laukkai tiếp giáp với Vân Nam Trung Quốc, trở thành thủ phủ của Kokang. Thành phố này nhìn từ cuộc sống thường ngày, thì không khác gì một thành phố Trung Quốc. Đồng tiền sử dụng trong thành phố là Nhân dân tệ. Khắp nơi đều là biển hiệu chữ Trung Quốc, ngôn ngữ người dân nói cũng là tiếng Trung.

Một buổi tối nọ, bỗng nhiên một góc phố Laukkai sáng lên những chùm pháo hoa rải rác. Trong tiếng đùng đùng của pháo hoa, chỉ nghe thấy 9 tiếng đùng đùng rồi tắt ngấm. Cảnh tượng này quá quen với người Kokang, nên không chú ý đến, bởi vì đây là tín hiệu của khu lừa đảo viễn thông Laukkai, khi lừa được số tiền từ 500.000 Nhân dân tệ (1,7 tỷ VNĐ) trở lên, thì khu lừa đảo viễn thông sẽ bắn pháo hoa chúc mừng. Một tiếng nổ là 100.000 tệ (343 triệu VNĐ). Vừa rồi nổ 9 tiếng, có nghĩa là một tập đoàn lừa đảo viễn thông nào đó đã lừa đảo được 900.000 tệ (3,1 tỷ VNĐ).

Lừa đảo viễn thông rất đơn giản, tức là thông qua điện thoại, tin nhắn và các ứng dụng mạng xã hội để tiến hành lừa đảo. Laukkai có các khu lừa đảo viễn thông lớn. Thông thường mỗi khu này có tường cao bao quanh, bên trong có nhiều tòa nhà cao tầng. Từ bên ngoài nhìn, trông khá giống các khu công nghệ cao. Những kẻ lừa đảo tự nguyện hay bị ép buộc đều ở trong các gian nhà của các tòa nhà cao tầng, và gửi các thông tin lừa đảo đi khắp thế giới.

Ngày 27 tháng 10 năm 2023, Kokang trông có vẻ êm đềm bỗng nổ ra cuộc xung đột, 3 nhóm vũ trang dân tộc liên hợp lại tấn công quân đội chính quyền Miến Điện đang đóng quân ở Kokang, và lực lượng vũ trang địa phương. Ba nhóm vũ trang này là: Quân đội Liên minh Dân tộc Dân chủ Kokang, Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta'ang, và Quân đội Arakan. Trong 3 nhóm vũ trang này thì có thế lực nhất là Quân đội Liên minh Dân tộc Dân chủ Kokang, gọi tắt là Quân Liên minh.

3 nhóm vũ trang dân tộc liên hợp lại tấn công quân đội chính quyền Miến Điện. (Chụp video)

Trước năm 2009, Quân Liên minh là lực lượng thống trị Kokang, nhưng do đấu đá nội bộ và chia rẽ, quân đội Chính phủ Miến Điện thừa cơ tiến vào khu vực này - nơi trước đây họ rất khó kiểm soát. Quân Liên minh đành phải lui về vùng rừng núi đánh du kích.

Mấy tháng cuối năm 2023, tình hình miền Bắc Miến Điện đột biến. Quân Liên minh trở về nhằm đoạt lại vùng đất cũ của mình. Lần này, điều khiến mọi người kinh ngạc là, Quân Liên minh Kokang vốn chủ yếu với trang bị súng trường, bỗng từ trong rừng núi tiến ra với pháo lớn và trang bị hiện đại, quân đội Chính phủ Miến Điện hoàn toàn không phải là đối thủ của họ, liên tiếp thất bại rút lui.

Trên mạng còn lan truyền tin tức rằng, một viên lữ đoàn trưởng của Quân đội Chính phủ Miến Điện đã bị máy bay không người lái giết chết. Như vậy Quân Liên minh đã dùng cả trang bị công nghệ cao.

Trong thời gian ngắn ngủi chỉ vài tuần, Quân Liên minh đã chiếm lĩnh mấy chục cứ điểm của quân đội Chính phủ, đã phong tỏa các tuyến đường và các vị trí trọng yếu ở vùng biên giới Trung - Miến, đồng thời còn bao vây thành phố Laukkai, thủ phủ của Kokang. Quân Liên minh tuyên bố, mục tiêu chủ yếu của họ là quét sạch các tập đoàn lừa đảo viễn thông ở Laukkai.

Quân Liên minh Kokang đánh các tập đoàn lừa đảo viễn thông ở Laukkai có phải là thay Trời hành Đạo không? Trước hết cần tìm hiểu là: tại sao miền Bắc Miến Điện lại trở thành miền đất hứa của lừa đảo? Quân Liên minh tại sao đột nhiên lại trở nên mạnh bất ngờ, sức chiến đấu tăng vọt như vậy?

Ngày 16 tháng 11, dân mạng Trung Quốc vui mừng hớn hở, vì Công an Trung Quốc đột nhiên công bố thông tin mới nhất: Các tập đoàn lừa đảo viễn thông ở Kokang hầu như đã bị Quân Liên minh quét sạch rồi. Những người đầu tiên đưa ‘nghề’ lừa đảo viễn thông vào Kokang là gia tộc họ Minh đã bị quét sạch. Kẻ cầm đầu là Minh Học Xương tự sát. Những công dân Trung Quốc trong khu lừa đảo viễn thông đã được đưa về nước là 150 người, hiện đang ở Bảo Sơn, Vân Nam để thẩm tra.

Khái quát lịch sử Miến Điện

Miến Điện vào thời triều Hán được gọi là Đàn (Shan), triều Đường gọi là Phiêu, từ triều Tống về sau, các sử sách Trung Quốc gọi là Miến Điện (Myanmar). Miến nghĩa là xa xôi, Điện nghĩa gốc là vùng đất có núi non thung lũng, vì vùng biên giới Trung - Miến có nhiều núi.

Từ thế kỷ 19 trở về trước, trên vùng đất Miến Điện này, các vương triều liên tiếp phân chia rồi lại hợp nhất, thay đổi như đèn cù, nhưng vẫn là một địa phương giàu có ở vùng Đông Nam Á.

Thế kỷ 18, Miến Điện dưới sự thống trị của vương triều Cống Bảng (Konbaung), đã từng chiếm đóng Thái Lan và Lào, trở thành một cường quốc ở châu Á, và đã từng 4 lần đánh bại quân Thanh xâm lược.

Vương triều Cống Bảng (Konbaung), đã từng chiếm đóng Thái Lan và Lào. (Chụp video)

Vào thế kỷ thứ 19, Miến Điện bị Anh Quốc xâm lược, trở thành đất thuộc địa Anh.

Năm 1948, Miến Điện độc lập. Lúc này Miến Điện tuy không còn là cường quốc châu Á như trước thời Anh Quốc xâm lược nữa, nhưng vẫn còn nguồn khoáng sản phong phú như thiếc, chì, kẽm, đồng, còn có tài nguyên than và các loại đá quý khác. Hơn nữa, Miến Điện có đất đai phì nhiêu, là một trong các vựa lúa của châu Á. Người Miến Điện lúc này tuy không còn hiển hánh như thời vương triều Cống Bảng nữa, nhưng vẫn sống dư dả.

Sau khi độc lập, Miến Điện tuyển cử lựa chọn tổng thống đầu tiên là Sao Shwe Thaik và thủ tướng đầu tiên là Wu Nu.

Aung San Suu Kyi là người Miến Điện được đông đảo người dân thế giới biết đến nhất. Cha bà là tướng Aung San, bị ám sát chết năm 1947, nên đã không có cơ hội trở thành vị thủ tướng đầu tiên của Miến Điện. Sau khi ông bị ám sát, quyền lực rơi vào tay Wu Nu. Wu Nu thực hiện chính trị đa đảng.

Khi đó nền kinh tế Miến Điện vẫn còn khá tốt, nhưng khó khăn lớn nhất là quá nhiều dân tộc. Tính ra các dân tộc lớn nhỏ của Miến Điện gồm trên 130 dân tộc, nên mâu thuẫn rất phức tạp. Hơn nữa, toàn quốc rất nhiều đảng phái, các thế lực địa phương cũng rất nhiều, do đó nước Miến Điện mới độc lập nhưng rất bất ổn.

Khi Thủ tướng Wu Nu đang vắt óc, nghĩ hết cách để cân bằng các lộ chư hầu, thì vào một đêm tối trời năm 1962, Tổng tư lệnh ba quân, Tướng Ne Win phát động đảo chính, hạ bệ Thủ tướng Wu Nu, mở ra thời kỳ chính phủ độc tài quân sự của Miến Điện. Từ đó, nền kinh tế Miến Điện sa sút từng ngày, từ một nước khá giả ở châu Á đã tụt xuống đáy.

Sau khi nắm quyền, Ne Win tuyên bố thành lập một nhà nước Xã hội Chủ nghĩa ở Miến Điện. Thế là ông thành lập Đảng Cương lĩnh Xã hội Chủ nghĩa Miến Điện (pha trộn chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa dân tộc và một số khái niệm Phật giáo), tự nhận là Chủ tịch Đảng. Lúc này, Đảng Cộng sản Miến Điện (ĐCSMĐ) cũng bắt đầu hoạt động sôi nổi. Thực tế Ne Win thời kỳ đầu là đảng viên ĐCSMĐ.

Dưới sự thống trị của chính phủ Ne Win, Miến Điện ngày càng hỗn loạn, kinh tế tụt dốc, quân đội và các địa phương đều nảy sinh ra những thế lực khác nhau, chính quyền Ne Win cũng không có biện pháp nào có thể kiểm soát hoàn toàn được. Lúc này ĐCSMĐ được Bắc Kinh ngầm ủng hộ, đã tìm được cơ hội, thừa cơ chiếm lĩnh căn cứ địa đầu tiên, đó chính là khu vực Kokang ở miền Bắc Miến Điện, nơi tiếp giáp với Vân Nam của Trung Quốc, để chống lại Ne Win.

Vùng Kokang với dân số chủ yếu là người Hoa, nên sự kiểm soát của Trung Quốc cũng dễ dàng hơn. Nhưng khi đó ở Trung Quốc đang nổ ra Cách mạng Văn hóa, nên Bắc Kinh cũng không có nhiều tiền và tài nguyên để ủng hộ ĐCSMĐ, vì đối tượng viện trợ hàng đầu lúc đó là miền Bắc Việt Nam, để chống Mỹ, và Albania, ngọn đèn XHCH ở châu Âu.

ĐCSMĐ không được Bắc Kinh hỗ trợ nhiều nguồn tài nguyên, nên để đáp ứng nhu cầu chi tiêu quân sự, nên đã ra sức phát triển trồng cây thuốc phiện ở Kokang và một số nơi khác, và đã xây dựng được chuỗi ngành nghề từ trồng trọt, chế biến đến buôn bán thuốc phiện.

Dựa vào nguồn tiền có được do thuốc phiện đem lại, ĐCSMĐ đã rất nhanh chóng chiếm được đại bộ phận bang Đàn (Shan State). Miền Bắc Miến Điện đã trở thành Nam Ni Loan (*) phiên bản Miến Điện.

(*) Nam Ni Loan: vùng đất phía đông nam tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, là căn cứa địa của ĐCSTQ, để có tiền chống Quốc Dân Đảng, ĐCSTQ đã đẩy mạnh trồng trọt chăn nuôi, trong đó trọng tâm trồng chế biến và buôn bán thuốc phiện. Việc này bắt đầu từ những năm 1930, và được dốc sức đẩy mạnh vào năm 1942, do chính lực lượng quân đội tiên phong đi đầu.

Con đường trỗi dậy của ĐCSMĐ đã trở thành ‘tấm gương’, các thế lực quân phiệt khác ở Miến Điện cũng tới tấp học theo. Các thế lực xã hội đen địa phương và quốc tế tham gia. Thế nên trong thời gian 30 năm tiếp theo, trên vùng đất phì nhiêu là nơi tiếp giáp 3 nước Miến Điện, Lào, Thái Lan, đã hình thành Tam giác vàng ma túy nổi tiếng.

Cây anh túc được trồng ở miền Bắc Miến Điện. (Chụp video)

Sau khi bước sang thế kỷ 20, quân đội chính phủ Miến Điện và Thái Lan ra sức tiễu trừ các thế lực trồng trọt chế biến và buôn bán ma túy, Tam giác vàng mới dần dần biến mất. Trước khi tội phạm lừa đảo viễn thông lan tràn, thì ma túy chính là mỏ vàng của các thế lực cát cứ miền Bắc Miến Điện.

Vua Kokang và Tứ đại gia tộc

Lãnh đạo Quân Liên minh Kokang là Bành Gia Thanh, vào đầu thế kỷ 21 đã phán đoán được sự thay đổi hình thế, nên đã quả quyết từ bỏ con đường phát tài, tức là trồng trọt chế biến và buôn bán ma túy trong mấy chục năm qua. Con đường chuyển đổi của Bành Gia Thanh là chuyển sang ngành đánh bạc.

Bành Gia Thanh từng là một trong những lãnh đạo của ĐCSMĐ, sau đó ông dựa vào ma túy nổi lên, và thoát ly khỏi ĐCSMĐ, lôi kéo thành lập đội quân riêng, và chiếm lĩnh Kokang.

Ở Kokang, Bành Gia Thanh xây dựng các sòng bạc, thu hút người Hoa đến đầu tư. Trong 10 năm đầu tiên của thế kỷ 21, ông đã biến Kokang thành vùng đất hứa cho người Hoa đánh bạc. Đánh bạc thay thế ma túy, trở thành cột trụ kinh tế của địa phương. Bành Gia Thanh cũng được mọi người gọi là Vua Kokang. Ông nắm quyền cả về chính trị và quân sự, vô cùng oai phong.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ oai phong được 10 năm. Năm 2009, đội ngũ của ông xảy ra đấu đá nội bộ, nên bị quân chính phủ thừa cơ can thiệp, Bành Gia Thanh bị đuổi khỏi các thành phố thị trấn, chạy vào vùng rừng núi đánh du kích.

Cuộc chuyển đổi thứ 2 của Kokang là từ đánh bạc sang lừa đảo viễn thông.

Trước mùa thu năm 2023, người thực sự kiểm soát Kokang là “Tứ đại gia tộc”, đứng đầu 4 gia tộc này là Bạch Sở Thành, Ngụy Siêu Nhân, Lưu Chính Tường và Lưu Quốc Tỷ. Trong đó, 2 người cùng họ Lưu này không có quan hệ huyết thống họ hàng nào cả.

Cả 4 người này từng là các tướng tài dưới trướng Bành Gia Thanh, theo Thành Gia Thanh nổi lên từ buôn bán ma túy, sau đó chuyển sang kinh doanh đánh bạc, rửa tiền, mại dâm và khai khoáng. Sau đó họ liên kết với quân chính phủ phản lại Bành Gia Thanh, tiện tay phân chia nhau các lĩnh vực kinh doanh của Bành Gia Thanh. Thế là ở Kokang đã hình thành cục diện bang phái thống trị.

Tứ đại gia tộc này bước lên con đường lừa đảo viễn thông là hoàn toàn ngoài dự tính. Từ năm 2018 về trước, Tứ đại gia tộc này vẫn như trước đây, hoạt động kinh doanh chủ yếu ở Laukkai là đánh bạc và mại dâm, chủ yếu là thu hút người Trung Quốc, mỗi năm có thể kiếm lời gần 1 tỷ đô la.

Nhưng sau khi dịch COVID-19 bùng phát, tất cả đều thay đổi, những khách đánh bạc người Trung Quốc không xuất cảnh được, các sòng bạc vắng ngắt. Tứ đại gia tộc nắm cơ hội từ việc bùng nổ các ngành nghề mạng Internet, đã bắt đầu xây dựng các trang web đánh bạc trên mạng, và ‘nghề’ lừa đảo viễn thông.

Lừa đảo viễn thông vốn là dựa vào lừa đảo, rất nhiều người tham gia vào việc lừa đảo này đều là những người bị lừa thảm hại nhất. Hiện nay phát hiện ra cách mà Tứ đại gia lừa đảo là:

Đầu tiên xây dựng cái gọi là ‘khu công nghệ cao’, sau đó trên các trang web tuyển dụng ở Trung Quốc đăng các hình ảnh các văn phòng công ty công nghệ cao rất hiện đại, và lời mời hấp dẫn tuyển dụng người Trung Quốc với mức lương cao, đến các “khu công nghệ cao’ ở miền Bắc Miến Điện làm nhân viên văn phòng.

Trung Quốc khi đó đang ở thời kỳ dịch bệnh, đang phong tỏa khắp nơi, người thất nghiệp rất nhiều, cuộc sống nhiều người trở nên khó khăn. Thế nên chiêu này của Tứ đại gia tộc quả là có hiệu quả, hàng loạt những người Trung Quốc thấy quảng cáo tuyển dụng, đã đến miền Bắc Miến Điện, và lập tức bị giam giữ, bị mất tự do thân thể, và bị cưỡng ép trở thành những nô lệ lừa đảo viễn thông. Những người được gọi là ‘nhân viên’ này, đều bị giao chỉ tiêu nghiệp vụ rất nặng. Người không hoàn thành chỉ tiêu, sẽ chịu đủ hình thức đánh đập cực hình.

Giữa các ‘khu công nghệ cao’ do Tứ đại gia tộc kiểm soát ở miền Bắc Miến Điện đã hình thành mạng lưới buôn người. Trong mỗi một ‘khu công nghệ cao’, những ‘nhân viên’ có kết quả nghiệp vụ không tốt, thì sẽ bị bán cho một ‘khu công nghệ cao’ khác, xem thay đổi môi trường có thể tăng hiệu quả nghiệp vụ hay không. Nếu bị bán đi bán lại vài lần mà vẫn không làm việc có hiệu quả, thì sẽ bị liệt vào danh sách ‘rạch eo’ (bán thận, bán nội tạng). Thế này người này từ nô lệ trở thành ‘mỏ người’, trở thành nguồn cung cấp nội tạng chợ đen.

Những nô lệ và mỏ người này là những người từ Trung Quốc bị lừa sang. Cấp quản lý của các ‘khu công nghệ cao’ có cả người địa phương Kokang, cũng có cả những bang xã hội đen Trung Quốc tự nguyện gia nhập đội ngũ lừa đảo viễn thông. Mặc dù người địa phương Kokang cũng nói tiếng Trung, cũng có thể coi là người Hoa, nhưng họ là ở địa bàn của Tứ đại gia tộc, nên không thể là nguồn cung cấp nô lệ cho ‘khu công nghệ cao’ được.

Theo các điều tra từ các nguồn khác nhau mấy năm qua, hiện nay mọi người cũng đã có hiểu biết khá sâu về chuỗi ngành nghề đen ở miền Bắc Miến Điện rồi. Đương nhiên, các trung tâm lừa đảo viễn thông ở Miến Điện không chỉ có Kokang, mà ở các vùng biên giới phía đông, phía nam của Miến Điện, và vùng tiếp giáp với Thái Lan cũng có rất nhiều.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của chính phủ Miến Điện, trên toàn quốc Miến Điện, những người hoạt động ngành lừa đảo viễn thông lên tới vài trăm nghìn người, trong đó miền Bắc Miến Điện nhiều nhất. Có ước tính rằng, công dân Trung Quốc bị giam giữ ở miền Bắc Miến Điện làm nghề lừa đảo viễn thông ít nhất là trên 100.000 người.

Trong cơn bão táp mùa thu năm 2023 ở miền Bắc Miến Điện, Bành Đức Nhân, con trai của cựu vương Vua Kokang Bành Gia Thanh, tại sao lại đột nhiên vươn mình trỗi dậy mạnh mẽ bất ngờ, dẫn đội quân trang bị vũ trang tốt tấn công tiến về Kokang như thế này?

Sự kiện ngày 20 tháng 10

Trong các gia tộc thế lực ở thành phố Laukkai, ngoài Tứ đại gia tộc nói trên, còn có gia tộc nữa là nhà họ Minh. Người đứng đầu gia tộc này là Minh Học Xương, người cũng từng là thuộc hạ của Bành Gia Thanh, là người đưa nghề lừa đảo viễn thông vào Kokang sớm nhất, có thể coi là người đầu tiên lừa đảo viễn thông.

Tháng 10 năm 2023, ‘khu công nghệ cao’ Ngọa Hổ Sơn mà gia tộc họ Minh kiểm soát đã xảy ra sự kiện kinh động. Khi đó quân đội Miến Điện và Trung Quốc đã hợp tác chuẩn bị tiễu trừ lừa đảo viễn thông. Gia tộc họ Minh biết được thông tin, đã chuẩn bị vào ngày 20 tháng 10, sau khi màn đêm buông xuống, di chuyển những nhân viên lừa đảo viễn thông trong ‘khu công nghệ cao’, trong đó đại đa số là người mang quốc tịch Trung Quốc, cũng có một số ít người các địa phương khác của Miến Điện và công dân các nước Đông Nam Á.

Trong ‘khu công nghệ cao’ có 4 người có thân phận rất đặc biệt, họ là người của Công an Trung Quốc phái đến nằm vùng. Những người nằm vùng này biết rằng, nếu lúc này không thừa cơ trốn chạy, thì sao khi nhà họ Minh di chuyển thành công ‘khu công nghệ cao’, thì sẽ rất khó trốn thoát. Thế là những người nằm vùng lên kế hoạch, dẫn một loạt người Trung Quốc bị lừa chạy trốn.

Không may kế hoạch bại lộ, đội nhóm gồm đội vũ trang nhà họ Minh, cảnh sát và tiểu đoàn bộ đội số 21 phát hiện ra, và ngay tại chỗ nổ súng trấn áp. 4 công an Trung Quốc đó cũng bị bắt.

Những viên công an này nói rõ thân phận: Chúng tôi là cảnh sát của Trung Quốc. Tuy nhiên cũng vô ích, họ bị chôn sống dưới một gốc cây cao su.

Trên mạng lan truyền thông tin rằng, sau khi 4 người này bị chôn sống, chính quyền Trung Quốc khá tức giận, đã đưa lượng lớn vũ khí và thiết bị thông tin đến vùng rừng núi miền Bắc Miến Điện, do đó trang bị Quân Liên minh Kokang mới từ súng trường chuyển sang pháo, đánh trở lại Kokang, đoạt lại địa bàn xưa.

Thông tin này tuy chưa được quan chức chính quyền chính thức xác nhận, nhưng từ các bằng chứng gián tiếp thì cũng đã chứng thực Cảnh sát Trung Quốc đang hành động.

Ngày 12 tháng 11 năm 2023, Công an Ôn Châu Chiết Giang công khai treo thưởng cho những người bắt được Minh Học Xương và Tứ đại gia tộc. Mấy hôm sau, Lãnh sự quán Miến Điện tại Côn Minh thông báo cho cơ quan công an Ôn Châu rằng, 4 tội phạm bị truy nã này đã bắt được cả rồi. Trong đó thủ phạm Minh Học Xương sợ tội đã tự sát, còn lại 3 người nhà họ Minh đã giao cho cơ quan công an Trung Quốc.

Ngày 12 tháng 11 năm 2023, Công an Ôn Châu Chiết Giang công khai treo thưởng cho những người bắt được Minh Học Xương và Tứ đại gia tộc. (Chụp video)

Tại sao Quân Liên minh Kokang xuất thân từ ĐCSMĐ, phải lui về rừng núi đánh du kích, chịu khổ 10 năm, nhưng Bắc Kinh - anh cả Đảng Cộng sản không hề hỏi đến, tại sao năm nay Bắc Kinh lại đột nhiên khảng khái ủng hộ tiểu đệ đoạt lại giang sơn?

Mặc dù cuối cùng các đại gia tộc miền Bắc Miến Điện theo nghề lừa đảo viễn thông đã bị tiêu diệt rồi, đối với dân chúng Trung Quốc mà nói, đó là việc tốt, nhưng rốt cục trong mấy năm nay, có nhiều người Trung Quốc như thế này bị lừa, lại có nhiều công dân Trung Quốc như thế này, bị giam giữ ở miền Bắc Miến Điện, bị ép làm nghề lừa đảo. Tình hình nghiêm trọng này đến tận hôm nay, không phải là chuyện một sớm một chiều.

Hơn nữa, nếu Bắc Kinh muốn trừng trị nghiêm khắc Tứ đại gia tộc, là để giải cứu những công dân Trung Quốc bị giam giữ ở miền Bắc Miến Điện thoát khỏi biển khổ, để họ không bị ‘rạch eo’, thế thì tại sao phải đợi đến khi sự tình phát triển đến mức nghiêm trọng như thế này rồi mới ra tay?

Câu hỏi này rất khó trả lời đầy đủ, chúng ta chỉ có thể phân tích tình hình và đưa ra suy đoán đại thể mà thôi.

Thứ nhất: Lo ngại lớn nhất của Bắc Kinh là, ngăn chặn những nhóm vũ trang người Hoa ở biên giới Miến Điện mà không chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh. Những nhóm vũ trang này có sự quyến luyến với quê hương mạnh mẽ. Một khi họ có tiền có súng đạn, lại không chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh, thì một khi tình hình Trung Quốc biến động, có thể họ sẽ đánh sang Trung Quốc. Hậu quả, nhẹ thì cát cứ một phương, nặng thì sẽ tác động mạnh đến chính quyền trung ương Trung Quốc.

Thế kỷ 17-18, Miến Điện chính là đại bản doanh của những người ‘phản Thanh phục Minh’. Chu Do Lang, Hoàng đế Vĩnh Lịch của triều Nam Minh sau khi thất thủ đã chạy sang Miến Điện, muốn phát triển Miến Điện thành đại bản doanh để phản công nhà Thanh.

Trong thời gian chiến tranh chống Nhật, Trung Quốc bị mất tất cả các cảnh biển duyên hải, Miến Điện cũng đã trở thành con đường để chính phủ Dân Quốc tiếp nhận viện trợ nước ngoài. Miền Bắc Miến Điện đã trở thành bộ phận đặc biệt trong cuộc chiến Trung - Nhật ở Thế chiến thứ 2.

Tình hình miền Bắc Miến Điện xưa nay luôn có quan hệ chặt chẽ với tình hình Trung Quốc. Bất kể là Hoàng đế hay Tổng bí thư ở Bắc Kinh, đều rất e dè đối với những nhóm người Hoa hải ngoại mà không chịu sự kiểm soát của họ. Việc này có thể điểm lại từ câu chuyện của Lâm Phượng - cướp biển nổi tiếng triều Minh.

Cướp biển Lâm Phượng

Những năm Vạn Lịch triều Minh, vùng duyên hải Quảng Đông, Phúc Kiến xuất hiện một tập đoàn cướp biển hùng mạnh. Kẻ cầm đầu cướp biển là Lâm Phượng. Thực ra ban đầu Lâm Phượng không phải làm cướp biển, ông ta chỉ muốn làm thương mại trên biển. Bởi vì triều Minh thực hiện chính sách cấm biển nghiêm ngặt, những cư dân duyên hải vùng đông nam hầu như chỉ có thể dựa vào buôn lậu để kiếm sống.

Điều khác biệt là, sau khi Lâm Phượng làm ăn trên biển phát triển lớn mạnh thì bắt đầu công khai chống lại chính phủ. Thời kỳ Lâm Phương cường thịnh nhất, là có khoảng 300 chiếc thuyền, và hơn 40.000 người. Lâm Phương đã năm lần bảy lượt tấn công quân đội chính phủ triều Minh, thế là thủy quân Phúc Kiến hạ quyết tâm, ra đòn nặng tay tiêu diệt Lâm Phượng. Sau khi quân đội chính quy triều Minh ra tay, Lâm Phượng nhiều lần bại trận, cuối cùng ông ta quyết định chạy trốn đến Manila, Philippine.

Khi đó, Philippine được gọi là Lã Tống, vừa trở thành thuộc địa của Tây Ban Nha. Tây Ban Nha tuy là cường quốc trên biển, nhưng khi đó lực lượng ở Philippine rất mỏng. Khi trông thấy hạm đội cướp biển của Lâm Phượng ở vịnh Manila, người Tây Ban Nha sợ hãi lắm, bởi vì khi đó Lâm Phượng có 62 chiến thuyền, 2000 binh sĩ, và 2000 thủy thủ, binh lực gấp 10 lần hạm đội Tây Ban Nha. Lâm Phượng quyết tâm chiếm Manila.

Đúng lúc Tổng đốc thực dân Tây Ban Nha không biết làm thế nào thì một người thần bí lặng lẽ đến thăm, đó chính là Vương Vọng Cao, Tổng đô đốc thủy quân Phúc Kiến.

Hai bên thảo luận những gì, triều Minh cung cấp hỗ trợ gì cho Tây Ban Nha, thì các tài liệu lịch sử đều không có bất kỳ ghi chép nào. Nhưng có thể khẳng định là, sau khi hai bên đàm phán bí mật, người Tây Ban Nha bắt đầu vững tâm tác chiến với đội quân cướp biển Lâm Phượng, tinh thần đã vững vàng lên. Sau vài tháng chiến đấu giằng co, họ đã đánh đuổi được hạm đội của Lâm Phượng - một đội quân lớn mạnh hơn họ.

Qua đó có thể thấy, để trấn áp nhóm vũ trang người Hoa hải ngoại không chịu dưới quyền kiểm soát của mình, triều đình nhà Minh đã bắt tay với người phương Tây - người mà dưới con mắt triều đình nhà Minh chính là những người man di. Có thể thấy triều đình e sợ các nhóm vũ trang người Hoa ở hải ngoại hơn cả người nước ngoài.

Cân nhắc thứ 2 để Bắc Kinh ủng hộ Quân Liên minh Kokang rất có thể là để chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài. Do năm nay, tình hình kinh tế Trung Quốc đang xấu đi, nên việc này đã trở nên đặc biệt quan trọng.

Như đã nói trên, bắt đầu từ đầu thế kỷ 21, nền kinh tế trụ cột của Kokang là đánh bạc. Mà đánh bạc liên quan đến rửa tiền và vận chuyển dòng tiền ngầm.

Năm 2020, Miến Điện bị nhóm công tác đặc biệt chống rửa tiền quốc tế FATF liệt vào danh sách xám, tức là Miến Điện là khu vực rửa tiền nghiêm trọng, đặc biệt là nghề đánh bạc ở Kokang đã cung cấp những điều kiện thuận lợi cho việc rửa tiền. Những người có nguồn tiền bất chính chỉ cần đem tiền mặt đến các sòng bạc, rồi đổi thành tiền xu sòng bạc, sau đi đi dạo quanh sòng bạc một vòng, đánh vài ván bạc nhỏ, rồi đem số tiền xu sòng bạc còn thừa lại đổi thành tiền mặt rồi đem về, tuyên bố với mọi người là tiền thắng bạc.

Như thế, những đồng tiền bất hợp pháp đã được rửa sạch một cách thuận lợi, và được gửi vào các ngân hàng khác nhau trên thế giới. Đương nhiên một vòng thao tác này thì chủ nhân của tiền bất hợp pháp phải trả cho sòng bạc một tỷ lệ phí thủ tục nhất định.

Trên đường phố Laukkai, các sòng bạc mọc lên như hoa nở khắp nơi, có thể thấy số lượng tiền qua rửa tiền lớn như thế nào. Hơn nữa, nguồn tiền bất hợp pháp dường như đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do đó trong toàn bộ sự kiện Kokang, thì việc giải cứu công dân Trung Quốc trong các ‘khu công nghệ cao’ lừa đảo viễn thông có lẽ chỉ đứng ở ưu tiên thứ 3 mà thôi.

Những nghi vấn chờ giải đáp

Tứ đại gia tộc có rất nhiều thành viên đi đi lại lại giữa Trung Quốc và Miến Điện, một số người trong số đó bị bắt tại Trung Quốc. Trước đó, họ đi lại như vào chỗ không người. Tại sao họ lại có thể hành động tự do thoải mái như thế này ở Trung Quốc?

Ngoài các gia tộc ở miền Bắc Miến Điện, những người Trung Quốc bị cuốn vào chuỗi ‘ngành nghề’ lừa đảo viễn thông và buôn bán nội tạng còn có ở những nơi nào nữa không?

Nền chính trị Miến Điện với tiến trình dân chủ hóa thụt lùi sẽ còn xảy ra những biến đổi như thế nào?

Bởi vì sự việc vẫn đang trong quá trình phát triển, tình thế miền Bắc Miến Điện cuối cùng có kết cục thế nào?

Những câu hỏi trên và nhiều nghi vấn khác nữa vẫn chưa được giải đáp, cần tiếp tục quan sát xem tình hình phát triển diễn biến thêm.

Wenzhao
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trấn áp các nhóm lừa đảo viễn thông ở Miến Điện - phân tích từ cội nguồn lịch sử