Trang phục trong phim Trò chơi Vương quyền tiết lộ bí ẩn gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà thiết kế đứng đầu nhóm thiết kế của Trò chơi Vương quyền là Michele Clapton, từng đoạt giải BAFTA Thiết kế trang phục đẹp nhất cho phim The Devil’s Whore, và giải Emmy cho phim dài tập Game of Thrones vào năm 2012, 2014, và 2016. Cô tiết lộ bí quyết thành công của những trang phục này là dựa trên các mẫu trang phục Á Đông. Tuy nhiên, cô cũng ẩn giấu bí mật trong những thiết kế đó.

Trang phục trong Trò chơi Vương quyền tham khảo từ trang phục truyền thống Á Đông, nhưng lại là áo vạt trái

Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn, Michele Clapton đều nói, bộ phim dựa vào câu chuyện giả tưởng, nhưng việc thiết kế trang phục đều tham khảo dựa trên các nguyên tố hiện thực, trong đó bao gồm các mẫu thêu của Trung Quốc, giáp trụ của võ sĩ Nhật Bản. Và các trang phục truyền thống Á Đông như áo cổ đứng (lập lĩnh), váy mặt ngựa (mã diện quần) của Trung Quốc (váy cưới trong đám cưới lần thứ 3 của Ros), áo váy giao lĩnh (Cercei mặc)...

Cô nói: “Cercei rất coi trọng thời trang và phối hợp các trang sức, y phục của cô ấy được thiết kế giống như Hòa phục, sử dụng cách cắt may thời trung cổ với lượng cắt may ít”.

Nhà thiết kế trang phục của phim cho biết, cô tham khảo bộ Hòa phục (Wafuku, cũng gọi là Kimono) của Nhật Bản - là trang phục truyền thống của Nhật Bản, phát triển dựa trên trang phục nhà Đường, Trung Quốc.

Nhà thiết kế Michele Clapton và trang phục trong phim Trò choi Vương quyền. (Chụp video)

Nhà thiết kế dựa theo trang phục truyền thống Á Đông, đặc biệt là Hòa phục (Wafuku, cũng gọi là Kimono) để thiết kế. Tuy nhiên chúng ta phát hiện ra rằng, những thiết kế này có sai lầm nghiêm trọng, đó là vạt trước và cổ áo đều là vạt trái (tả nhẫm), tức là bị ngược.

Tại sao nhóm thiết kế trang phục của Trò chơi Vương quyền - những chuyên gia hàng đầu về trang phục, nghiên cứu kỹ lưỡng trang phục truyền thống Á Đông, lại làm ra những bộ trang phục ‘mặc ngược’? Họ vô tình hay cố ý? Nó ẩn chứa bí ẩn gì?

Tuy nhiên, trong phim Trò chơi Vương quyền, hầu như tuyệt đại đa số trang phục đều là vạt trái (tả nhẫm). Ví dụ, Cercei mặc nhiều loại áo váy giao lĩnh vạt trái, từ thời trẻ, đến sau này mặc tang phục, cũng là giao lĩnh vạt trái.

Cercei mặc nhiều loại áo váy giao lĩnh vạt trái. (Chụp video)

Con gái của Cercei là Myrcella cũng mặc áo váy vạt trái. Sansa trong thời kỳ bị giam giữ trong thành cũng mặc áo váy vạt trái tương tự. Sau khi thành Vương hậu, Ros cũng một lần mặc áo váy vạt trái. Daenerys Targaryen cũng mặc áo váy vạt trái… hầu như là tất cả đều như vậy.

Tại sao trang phục truyền thống của các nước Á Đông như Hòa phục, Hán phục, Việt phục, trang phục Hanbok truyền thống của Hàn Quốc/ Triều Tiên xưa, tất cả áo, váy áo giao lĩnh đều là vạt phải (hữu nhẫm).

Phụ nữ Nhật thế kỷ 17. (Miền công cộng)
undefined
Cặp đôi thanh niên Nhật kết hôn trong trang phục truyền thống. (Wikipedia/ Jim Maes/ SA-2.0)
Two women and a child in Hanoi around the 1700s.
Người Hà Nội thế kỷ 18. (Wikipedia/ Betoseha / SA-3.0)
undefined
Người Hàn Quốc mặc Hanbok truyền thống. (Wikipedia/ SA-ư.0)

Áo vạt trái được dùng trong những trường hợp nào? Y phục trong phim ẩn chứa bí ẩn gì?

Áo giao lĩnh vạt phải là vạt ngoài từ bên trái trùm sang che phần thân bên phải, còn giao lĩnh vạt trái thì ngược lại, vạt ngoài từ bên phải trùm sang che phần thân bên trái.

Tại sao người Á Đông xưa mặc áo vạt phải? Bởi cả vùng Á Đông chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho - Phật - Đạo, trong đó Đạo gia cho rằng, con người là tiểu vũ trụ, nên cần đồng hóa với vụ trụ, thiên nhiên, đạt đến cảnh giới Thiên - Nhân hợp nhất. Học thuyết Âm Dương của Đạo gia còn cho rằng, thân thể con người tự đã có âm dương, thường coi nửa bên trái thân là dương, nửa bên phải thân là âm. Câu nói “Nam tả nữ hữu” (nam trái nữ phải) cũng từ đây mà ra.

Do đó trang phục truyền thống của các nước Á Đông là mặt âm (bên phải) ở bên dưới, mặt dương (bên trái) ở bên trên, tức áo vạt phải - vạt bên trái (dương) che phủ sang vạt bên phải (âm), biểu thị dương khí che phủ lên âm khí. Nếu mặc áo ngược lại - áo vạt trái - vạt bên phải (âm) che phủ lên vạt bên trái (dương), thì có nghĩa là âm khí trùm lên dương khí, thì đó là y phục của người chết - người âm.

Về quy định này, trong Chu Lễ đã ghi rõ. “Lễ ký - Tang đại ký” có ghi chép rằng, người chết mới mặc áo vạt trái, và nút thắt là nút thắt chết, tượng trưng là sẽ không bao giờ cởi y phục ra nữa.

Nguyên văn: “Tiểu liệm đại liệm, tế phục bất đảo, giai tả nhẫm, kết giảo bất nữu”.

Tạm dịch: Liệm, nhập quan, không thay đổi y phục, đều là áo vạt trái, thắt nút, thắt đai đều là thắt chặt (nút thắt chết).

Đây là nghi lễ từ Chu Lễ, thế nên, các nước Á Đông tiếp nhận tư tưởng Nho gia, cũng học theo, và có thay đổi nhỏ cho phù hợp với mỗi quốc gia, và đều được coi là những nước văn minh. Còn những quốc gia xung quanh không tiếp thu văn hóa tư tưởng Nho - Đạo gia, không có khái niệm này, thì vẫn mặc áo vạt trái.

Trong “Luận ngữ - Hiến vấn”, Khổng Tử nói: “Vi Quản Trọng, Ngô kỳ bị phát tả nhẫm hĩ”, nghĩa là: “Không có Quản Trọng thì chúng ta cũng đã xõa tóc mặc áo vạt trái rồi”.

Sách "Quốc sử di biên" của Phan Thúc Trực triều Nguyễn Việt Nam có viết rằng: "Việt Nam vốn là hậu duệ của Thánh Đế Thần Nông, là Hoa (tức văn minh), chẳng phải di (tức man di) vậy. Đạo học noi theo Khổng Mạnh Trình Chu, pháp độ tuân theo Chu Hán Đường Tống, không vấn tết tóc, để vạt trái như người di".

Do đó thời xưa, mặc áo vạt trái cũng là biểu thị những dân tộc man di chưa khai hóa.

Trong Trò chơi Vương quyền, những nhân vật này mặc áo váy vạt trái là thể hiện ý nghĩa gì?

Cần biết rằng, Trò chơi Vương quyền là một trong những tác phẩm điện ảnh lớn trong lịch sử điện ảnh Mỹ, là một bộ phim ‘đốt tiền’, nó có một hệ thống trang phục hoàn chỉnh.

Các chuyên gia thiết kế trang phục đã nghiên cứu kỹ các trang phục cổ Đông - Tây, đặc biệt là tham khảo Hòa phục, do đó, có lẽ họ cũng biết rõ ý nghĩa của áo vạt trái và áo vạt phải, họ hữu ý để các nhân vật mặc áo váy vạt trái có lẽ là có ngụ ý rằng, những nhân vật này trong phim sẽ bị chết chăng?

Quả đúng như vậy, Cercei chết, con gái của bà là Myrcella cũng chết. Ros chết. Bà của Ros tuy không mặc áo váy giao lĩnh, nhưng tấm áo của bà cũng là vạt trái, và cũng chết. Long mẫu” Daenerys Targaryen cũng chết. Các nhân vật khác, kể cả các nhân vật phụ, quần chúng, như cư dân, quý tộc, người dân, những người mặc áo vạt trái đều chết.

Những người mặc áo vạt trái đều chết. (Ảnh chụp video)

Nhưng có một trường hợp ngoại lệ, đó là Sansa, cô cũng mặc áo vạt trái, nhưng sau khi trốn thoát khỏi thành thì cô đã thay đổi phong cách trang phục, và từ đó không bao giờ mặc áo vạt trái nữa. Thế là kết cục của cô không bị chết như những nhân vật mặc áo vạt trái khác.

Có thể thấy, nhà thiết kế Michele Clapton đã tìm hiểu rất kỹ về trang phục cũng như văn hóa các nước Á Đông, tìm ra ý nghĩa đằng sau các kiểu dáng trang phục đó, và đưa một bí mật ẩn chứa trong các mẫu thiết kế của cô.

Tất nhiên, những người mặc áo vạt trái đều chết, đó chỉ là câu chuyện trong phim mà thôi. Trong cuộc sống hiện thực, hiện nay y phục cho người chết (thọ y) cũng giống như người sống, chứ không chuẩn bị riêng như thời xưa. Ngoài ra, hiện do nhiều nhà thiết kế cũng như nhiều người không hiểu rõ ý nghĩa của những trang phục truyền thống Á Đông này, nên hiện nay, chúng ta thấy tồn tại cả 2 kiểu áo vạt phải và áo vạt trái. Có lẽ sau khi các nhà tạo mốt, và người dân hiểu được ý nghĩa của áo vạt trái, áo vạt phải, thì dần dần sẽ sử dụng áo vạt phải, vì nó là biểu tượng của văn minh, biểu tượng của nguyên lý Âm - dương, và Thiên - Nhân hợp nhất - con người hài hòa, hợp nhất với thiên nhiên của văn hóa truyền thống Á Đông.

Người xưa coi trọng đón lành tránh dữ, nên từ lời nói, cách ăn mặc, đi đứng, cũng thể hiện thuận theo chính đạo, thuận theo âm dương, thuận theo trời đất, chọn cái tốt lành, tốt đẹp mà theo.

Trung Hòa



BÀI CHỌN LỌC

Trang phục trong phim Trò chơi Vương quyền tiết lộ bí ẩn gì?