Trẻ sơ sinh đã biết nói, còn phát nguyện lập chí lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời Nam Tống, một trẻ sơ sinh quấn trong tã bỗng nhiên nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, mau chuẩn bị cơm chay cho 7 người giúp con”. Em bé mới sinh chưa lâu lại biết nói này là ai? Cậu bé sau này đã để lại những truyền kỳ thế nào ở vùng đất Đại Tống phồn hoa dân cư đông đúc này?

Đứa trẻ kỳ lạ, vừa mới chào đời đã biết nói

Theo ghi chép trong “Ngũ đăng toàn thư”, thời Nam Tống, vùng Lâm Hải, Đài Châu có một gia đình họ Lâu, có danh tiếng lớn ở địa phương. Chủ nhà là Lâu Nguyên Hựu, vốn là bậc trưởng giả từ tâm, thiện lương, nhân hậu. Ông nội của Lâu Nguyên Hựu từng làm quan đến chức Thiếu khanh (là chức quan chính ngũ phẩm). Gia đình nhà quan này giàu mà có đức, vui thích làm việc thiện và bố thí, đã kết thiện duyên với rất nhiều người.

Năm đó, Trương thị - phu nhân của Lâu Nguyên Hựu mộng thấy một vầng trăng sáng rơi vào trong bụng, thế là cảm ứng có thai và sinh ra một em bé. Nhưng em bé sơ sinh vừa mới chào đời đã hé miệng nhỏ nhắn nói ra 4 câu:

Thiện tai phụ mẫu
Sinh ngã cù lao
Trường độ quần sinh
Vi thế ốc tiêu

Tạm dịch:

Lành thay mẹ cha
Sinh con cù lao
Mãi độ chúng sinh
Thánh nhân xuất thế

Đứa trẻ này có lai lịch thế nào mà vừa sinh ra đã biết nói, lại còn lập chí “Mãi độ chúng sinh, Thánh nhân xuất thế” - chí hướng này quả là lớn lao.

Từ “ốc tiêu” mà cậu bé nói có nghĩa thế nào?

Theo ghi chép của Kinh Phật, dưới đáy biển có tảng đá hút nước to lớn như trái núi, gọi là “Ốc tiêu”. Dưới tảng đá ốc tiêu này chính là Địa ngục A tỳ. Hỏa khí địa ngục phun ra thường thiêu đốt trái núi này. Do đó Phật môn dùng từ “Ốc tiêu” để ví với bậc Thánh nhân xuất thế, chịu khổ vì chúng sinh.

Lâu Nguyên Hựu và phu nhân vừa nghe được những lời này của đứa trẻ thì giật mình kinh ngạc. Hai người vừa kinh ngạc vừa vui mừng, không dám nói với người ngoài, sợ họ cho rằng, nhà sinh ra yêu quái.

Đứa trẻ vừa sinh ra đã hiểu được ân dưỡng dục của cha mẹ. Có được người con như thế này, thì sau này ắt sẽ vạn sự đại cát. Thế là Lâu Nguyên Hựu đặt tên cho con là Đốn Cát.

Cha mẹ cậu biết cậu có lai lịch, do đó khi trò chuyện với bạn bè người thân về chuyện nhà, họ thường nói: “Sau này nhất định sẽ cho con trai tôi xuất gia”.

Mọi người nghe vậy thì đều cười: “Con nhà người ta lớn lên đều là để kế thừa gia nghiệp, nối dõi tổ tiên. Nhà họ Lâu lại muốn tuyệt tử tuyệt tôn sao?”

Ông Lâu nghe cũng chỉ mỉm cười, không nói thêm gì nữa. Bởi vì ông biết, đứa trẻ này quá xuất chúng.

Một ngày nọ, bé Đốn Cát vẫn đang nằm trong nôi bỗng nhiên nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, mau chuẩn bị cơm chay cho 7 người giúp con”.

Người mẹ kinh ngạc hỏi: “Con cần nhiều cơm chay như thế này để làm gì?”

Em bé sơ sinh giọng non nớt nói: “Lát nữa các bạn của con sẽ đến thăm con”

Người mẹ rất kinh ngạc, nhưng lại nghĩ, đứa trẻ này sinh ra đã biết nói rồi, không phải là người bình thường. Thế là bà làm theo yêu cầu của đứa trẻ, vội vàng chuẩn bị cơm chay.

Bữa tiệc chay đã bày xong, cả nhà ngồi trên sảnh chính lặng lẽ chờ đợi. Quả nhiên không lâu sau, có 7 tăng nhân từ xa tiến đến. Họ vừa đi vừa vỗ tay vừa hát, đến nhà họ Lâu hóa duyên.

Nhà họ Lâu cung kính mời các tăng nhân vào trong nhà. Ông Lâu chắp tay hỏi: “Xin hỏi các vị đại đức từ đâu đến ạ?”

Một người trong đó trả lời rằng: “Chúng tôi từ miền Nam Ấn Độ đến. Nghe nói nhà ngài có một người con kỳ tài, nên chúng tôi đến để chúc mừng”.

Ông Lâu nghe vậy thì trong lòng lấy làm lạ: “Nhà mình mới sinh đứa con kỳ lạ, vẫn luôn bí mật không nói cho người ngoài biết, tại sao họ lại biết được nhỉ?”

Tuy trong lòng thắc mắc nhưng ông Lâu vốn là người hiền từ thiện lương, thấy các tăng nhân từ vạn dặm xa xôi đến, nên bận rộn tiếp đãi, và trong chốc lát đã quên đi thắc mắc này.

Sau khi ăn xong cơm chay, các tăng nhân nói: “Ngài có thể bế tiểu công tử ra, để chúng tôi gặp chút được không ạ?”

Trương thị vội vàng bế con trai ra. Các tăng nhân vừa trông thấy đứa trẻ thì đều mỉm cười, nói với đứa bé rằng: “Bậc nhân đức có quy tắc của tình cảm, chớ để nó che đậy, nhất định phải ngộ ra”.

Không ngờ đứa trẻ nghe và hiểu được, bé vỗ hai tay nhỏ nhắn, nhoẻn miệng cười, lập tức cả nhà vang lên những tiếng cười nói vui mừng.

Sau khi các tăng nhân từ biệt, đứa trẻ nói với cha mẹ rằng: “Bảy người vừa rồi đó chính là Phật và Bồ Tát hóa thân ở nhân gian đó”.

Cậu luôn vui thích những chuyện xuất thế. (Tranh Bình Binh - NTDVN)

Khi bé Đốn Cát 5 tuổi, bé tự xưng là Lục Hòa đại sư. Cậu bé tí tuổi đầu nhưng luôn vui thích những chuyện xuất thế, không thích những việc thế tục, hàng ngày cậu thơ thẩn một mình nơi yên tĩnh, dường như có điều gì suy tư.

Năm 15 tuổi, cậu từ biệt cha mẹ để xuất gia. Khi đó ngọn núi Phi Lai Phong ở Hàng Châu có một vị Thiên y Ba Lợi Đa, pháp hiệu Trung Ấn. Ông từng chữa bệnh cho hoàng đế. Ông là một tăng nhân có tướng mạo thanh tao kỳ lạ. Ba Lợi Đa trông thấy bé Đốn Cát, biết đứa trẻ này có lai lịch phi phàm, thế là cắt tóc cho cậu xuất gia, ban pháp danh là Thiện Giới. Sau này, bách tính tôn xưng ông là Giới Sư.

Từ đó, ông theo Ba Lợi Đa tu hành. Thiện Giới vân du thiên hạ, quảng độ chúng sinh. Do ông có đạo hạnh cao thâm, nên mọi người cũng gọi ông là Giới Xà Lê.

Xà Lê là tiếng Phạn, nghĩa là cao tăng. Trong các văn bản cổ như tăng môn tăng truyện, huyện chí… có rất nhiều ghi chép về Giới Sư. Những chúng sinh được ông hóa độ cũng muôn hình muôn vẻ, tam giáo cửu lưu đều có.

Trừ tà Thần

Mùa xuân năm Thuần Hy thứ 2 đời Tống Hiếu Tông (năm 1175), Giới Sư dẫn các đệ tử lên đường đi về hướng núi Ngũ Đài. Khi trở về, đi qua Đồng Châu, có một bến đò, bờ bên kia có một ngôi đền là đền Ngũ Lang. Người ta nói, Thần Ngũ Lang rất linh dị, dân làng dường như ngày ngày đều phải mổ lợn giết dê để hiến tế.

Thần Ngũ Lang biết Giới Sư đã đến Đồng Châu, bèn hóa thành một con hổ, chặn đường đi của ông. Giới Sư tu hành có thành tựu, từ lâu đã tu xuất thần thông, ông nhìn cái liền biết con hổ đó là ai. Thế là ông vung tay chém một chưởng đánh ngã con hổ. Giới Sư đến miếu Ngũ Lang, chỉ vào tượng Ngũ Lang trong miếu và mắng rằng:

Ngươi là Nhất Lang đến Ngũ Lang
Tạo phúc giáng họa bò dê hưởng
Lão tăng thuyết Pháp vô sinh cho
Khỏi bị oan gia đời đời trả

Vừa dứt lời, pho tượng Ngũ Lang liền sụp đổ, ngôi đền cũng đột nhiên bốc lửa cháy.

Lúc này, thần trí của bách tính đột nhiên thanh tỉnh sáng suốt ra, mới kinh hoàng nhận ra họ đã bị tà Thần lừa bao nhiêu năm nay, luôn sát sinh cầu phúc, đắc tội với Trời Đất Thần linh. Nếu không có Giới Sư thương xót, thì họ vẫn không biết, vẫn sẽ chấp mê bất ngộ, sát sinh tạo nghiệp đến bao giờ. Coi tà Thần là chính Thần để thờ cúng, đúng là đã mù đôi mắt, ngu xuẩn hoàn toàn rồi.

Người không hành thiện, chết rồi làm chó

Năm Thuần Hi thứ 4, Giới Sư đến núi Thiên Trúc, Hàng Châu, nơi Thiền sư Hành Nhân đang tu thiền. Hành Nhân và Giới Sư cùng ở với nhau, 2 người rất tâm đầu ý hợp. Hành Nhân muốn trở về chùa Đâu Suất ở Đài Châu, nên mời Giới Sư cùng đi. Giới Sư vui vẻ đồng ý.

Hai người kết bạn đồng hành. Đi đến Thiệu Hưng, tìm được một khách sạn. Vừa vào cửa, ông chủ khách sạn là Vương Bá Cung thấy 2 vị tăng nhân đến liền bước tới đảnh lễ và khóc lóc.

Giới Sư kinh ngạc hỏi: “Vì sao vậy?”

Ông chủ nói: “Hôm nay là ngày giỗ của phụ thân tôi”

Giới Sư hỏi: “Thế thì ông có biết, phụ thân ông sau khi chết đã chuyển sinh đến đâu không?”

Ông chủ lắc đầu. Giới Sư quay lại nói với Hành Nhân: “Ông nói xem, việc này làm thế nào?”

Hành Nhân nói: “Cứu những sinh mệnh hữu tình, chính là hôm nay đó”.

Giới Sư gật đầu, lập tức gọi con chó canh cổng của khách sạn lại, và tư bi nói:

Thân ngươi tuy khác
Bản tính vẫn còn

Thật kỳ lạ, con chó vừa nghe những lời của Giới Sư thì không ngừng chảy nước mắt, và nói tiếng người, nói với Vương Bá Cung rằng: “Con ơi, ta là cha của con. Bởi vì khi còn sống nghiệp lực quá lớn, nên đã chuyển sinh thành chó”.

Vương Bá Cung nghe vậy thì kinh ngạc lắm, ông không thể nào ngờ rằng, người cha mà ông ngày đêm thương nhớ đã chuyển sinh đến nhà mình rồi. Nhưng ông cũng không biết khi còn sống thì cha đã tạo những nghiệp gì, đến mức phải chịu kết cục như thế này.

Con chó đó nói: “Cả đời cha không tin Phật Pháp, thường vu cáo hãm hại người tốt. Vì cha bất thiện, nên nhìn thấy người khác làm việc tốt, thì cha ngăn cản, không để người ta làm, do đó đã chịu báo ứng. Hy vọng con niệm tình phụ tử, cầu xin 2 vị Pháp sư từ bi cứu cha thoát khỏi đạo súc sinh”.

Vương Bá Cung khóc lóc đau đớn, cầu xin 2 vị Pháp sự cứu phụ thân ông.

Giới Sư từ bi, nói với con chó đó rằng:

Tâm tà thì gió nghiệp tự sinh
Tâm chính thì gió nghiệp tự dừng
Đều do tâm ngươi
Không ai trao cho

Con chó nghe những lời này của Giới Sư bèn tuyệt thực chết.

Sau đó, Vương Bá Cung đã nhìn thấu thế sự vô thường, cầu xin xuống tóc xuất gia, Pháp danh Đạo Trù. Từ đó ông theo Giới Sư vân du thiên hạ, hóa độ bốn phương.

Vương Bá Cung xuống tóc xuất gia. (Tranh Winnie Wang)

Chú quyết cầu mưa

Trong thời gian Thái thú Triệu Bang Ngạn cai quản Thái Châu, đã xảy ra đại hạn, người dân tìm nước uống khó khăn, ruộng đồng nứt nẻ. Quan và dân cầu khấn Thần linh, nhưng không có cảm ứng, trái lại mặt trời càng ngày càng thiêu đốt dữ dội. Thái thú Triệu bực quá, cho chuyển các tượng Thần trong miếu Thành Hoàng ra, phơi dưới nắng mặt trời, trách Thần linh không cứu bách tính, còn tức giận nói rằng:

Chức trách gây tội
Không thương mạng dân
Dân tước bỏ chức

Do Ông Trời không làm mưa, Thái thú Triệu đã trách những Thần linh phụ trách làm mưa đó không thương xót sinh mệnh của bách tính.

Câu nói đó của Thái thú khiến long tộc nóng mắt, đêm đó thác mông nói với Thái thú rằng: “Ông có biết long tộc chúng tôi tạo mây làm mưa thế nào không, nếu không có sắc lệnh của Thượng Thiên, chúng tôi không dám tự tiện làm mưa. Chùa Đâu Suất phía Đông thành có vị Giới Xà Lê, đó là Văn Thù Bồ Tát tại thế, nhất định sẽ giúp các ông có mưa. Ông hãy đi cầu ông ấy đi”.

Rồng thác mộng nói cho Thái thú biết sự tình. (Tranh Winnie Wang)

Long tộc có ý tốt, thác mộng cho Thái thú Triệu, chỉ cho ông một con đường. Hôm sau, Thái thú Triệu tắm gội trai giới, dẫn theo tất cả quan lại lớn nhỏ trong quan phủ đến chùa cầu kiến Giới Sư. Thái thú thắp hương đảnh lễ, cung kính nói: “Bỉ chức là Triệu Bang Ngạn phụng mệnh trấn thủ Đài Châu, nhưng thiên tai hạn hán, dân không còn đường sống, đều do bỉ chức đức hạnh mỏng, không tạo phúc được cho bách tính, trái lại các chính sách lại không nhân đức, khiến Thượng Thiên giáng tai họa. Bỉ chức tự phản tỉnh suy nghĩ về những lỗi lầm của mình, muốn xin Trời thay đổi quyết định. Xin Giới Sư từ bi ban cho ít nước Trời, dập tắt ngọn lửa thiêu đốt vạn dân”.

Nói xong, Thái thú Triệu liền quỳ xuống nền đất, liên tiếp khấu đầu cầu xin. Giới Sư đỡ Thái thú đứng lên, nói rằng: “Thái thú không phải lo lắng nữa, hạn hán sẽ rất mau chóng được giải quyết”.

Thái thú Triệu dẫn các quan lại khấu đầu bái tạ. Giới Sư lấy ra giấy bút nghiên mực, viết một sớ chương, rồi châm lửa đốt. Chỉ chốc lát, trận mưa lớn từ trên trời đổ xuống, tưới đẫm đồng ruộng toàn bộ Đài Châu.

Tuy do hạn hán, bách tính gieo giống rất muộn, nhưng mùa thu năm đó, lại thu hoạch được vụ mùa bội thu. Bách tính Đài Châu làm bài ca dao, lan truyền khắp phố phường ngõ xóm, để kỷ niệm sự kiện cầu mưa này.

Trước khi viên tịch hiển hiện Thần thông

Giới Sư vân du thiên hạ, những chúng sinh có duyên với ông dường như đã được hóa độ hết rồi, đời này, lời thề nguyện mãi độ chúng sinh của ông cũng sắp kết thúc rồi, thời khắc viên tịch lặng lẽ đến.

Giới Sư biết trước đại hạn đã đến. Hôm đó, ông tắm gội thay y phục rồi bảo thị giả gióng chiếc trống lớn trong chùa, triệu tập chúng tăng. Giới Sư nói với mọi người về tâm nguyện khi ông giáng thế. Vì ông thấy chúng sinh chìm trong biển khổ ái dục, rơi vào cái lưới ngu muội, đời đời khó mà giải thoát. Rất nhiều Thần Phật Bồ Tát trên Thiên thượng thấy sự khổ nạn của thế gian, nên đã đầu thai thân người, kết duyên với chúng sinh.

Ông nói, ông cũng không ngoại lệ, ở trong chùa, Giới Sư cùng tăng chúng cùng ăn cùng ở, đốc thúc mọi người tham thiền học Pháp. Ngày nay, tâm nguyện đã hoàn thành rồi, ông sẽ rời đi, hy vọng mọi người sau này không nên cậy mạnh nạt yếu, tự khoe đức hạnh của bản thân, cũng không nên tùy tiện bàn luận việc thị phi của người khác, không che lấp sở trường của người khác, không vạch ra sở đoản của người khác. Thấy người khác có việc đáng chúc mừng, thì nhất định phải trong lòng bình thản, khen ngợi họ. Những việc này xem ra tuy nhỏ, nhưng nếu không xử lý tốt sẽ khiến nghiệp lực nảy sinh phát triển. Một khi đã thành thói quen rồi thì rất khó trừ bỏ.

Nói rồi, Giới Sư rời chỗ ngồi, triển hiện thần thông biến hóa trước cặp mắt chăm chú của mọi người. Khi ông trở lại chỗ ngồi, mọi người đột nhiên phát hiện ra rằng tay trái Giới Sư hiện mặt trời, tay phải hiện mặt trăng, phát ra ánh sáng chói lọi. Tăng chúng vui mừng, mắt nhìn không chớp. Sau đó, từ miệng Giới Sư xuất hiện hoa sen, phát ra ánh sáng, quán xuống đỉnh đầu tăng chúng. Trên đầu ông cũng xuất hiện ánh sáng, trong ánh sáng còn hiện ra mấy pho tượng Phật.

Mọi người vội vàng khấu đầu lễ bái, tới tấp cảm thán rằng: “Quả là kỳ quan chưa từng thấy”.

Trước khi viên tịch, Giới Sư hiển hiện thần thông và ánh sáng, hy vọng dùng ánh sáng của Thần để xung phá những tối tăm trong tâm tăng chúng, cổ vũ chúng tăng tin tấn tu luyện.

Giới Sư lại nhìn các tăng nhân có mặt một lượt, hay tay hợp thập, nói câu cuối cùng: “Lão tăng thế duyên đã hết, xin cáo biệt các vị”.

Nói xong liền viên tịch. Chúng tăng vừa rồi còn vui mừng hớn hở, bỗng lập tức kêu khóc thống thiết.

Sau khi Giới Sư viên tịch, thân thế vẫn ngồi yên bất động. Dung mạo vẫn sống động như còn sống.

Điều kỳ lạ là, ngày hỏa táng, châm lửa thế nào cũng không cháy. Trong khi mọi người đang không biết làm thế nào, thì từ ngực Giới Sư phun ra Tam muội chân hỏa, kèm theo là một làn hương kỳ lạ và đám mây ngũ sắc. Trong khoảnh khắc, những viên xá lợi rơi như mưa. Tăng chúng thu lượm xá lợi, xây dựng một tháp Phật, chuyên để cất giữ xá lợi.

Thái thú Triệu nhận được tin Giới Sư viên tịch, liền viết tấu báo cáo triều đình. Hoàng thượng ban Thánh chỉ, ban tôn hiệu cho Giới Sư là Quảng Huệ Từ Tế Ninh Hóa Nhân Đức Đại Sư.

Mañjuśrī crossing the sea. Japan.
Văn Thù Bồ Tát vượt biển. (Tranh Nhật Bản - miền công cộng)

7 ngày sau khi xá lợi của Giới Sư được đưa vào tháp Phật, thì bỗng nhiên có vị tăng nhân dung mạo kỳ lạ đến, tóc trắng lông mày trắng, mặc cà sa, đi chân trần, tay cầm tích trượng, hát một bài kệ rằng:

Giới Sư Văn Thù
Chu Bà Phổ Hiền
Theo vai cõng lưng
Vạn thế ứng truyền

Mọi người bỗng bừng tỉnh ngộ. Thì ra vị cao tăng Giới Sư truyền kỳ này chính là Văn Thù Bồ Tát.

Tuyết Lợi - Wenshi Daguanyuan
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trẻ sơ sinh đã biết nói, còn phát nguyện lập chí lớn